(TG)- Gần 70 tham luận tại hội thảo tiếp tục lý giải, khẳng định và làm sâu sắc hơn về giá trị lịch sử, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm của Đại thắng mùa Xuân 1975 trong hành trình đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.
Ngày 27/4, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “40 năm thống nhất đất nước với công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế” với sự tham gia của nhiều học giả đến từ Anh, Nga, Pháp, Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia và Việt Nam. Đây là hoạt động nhằm thiết thực kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2015).
Với ý nghĩa đó, gần 70 tham luận tại hội thảo tiếp tục lý giải, khẳng định và làm sâu sắc hơn về giá trị lịch sử, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm của Đại thắng mùa Xuân 1975. Đây là thắng lợi của ý chí thống nhất non sông và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam; là thắng lợi của trí tuệ Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc gắn liền với sức mạnh thời đại trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam.
GS, TS Cha Lơn Yiapaohơ, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào cho rằng việc Quân đội nhân dân Việt Nam đánh thắng hoàn toàn quân Mỹ, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975 là Đại chiến thắng to lớn của thời đại. Việt Nam nói riêng và Việt Nam - Lào - Campuchia nói chung đều là nước nhỏ nhưng lại có đủ sức lực, khả năng đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược ác liệt của thực dân cũ và mới - là những đế quốc hùng cường, giàu mạnh nhất. Đây là một vấn đề lớn mà các nhà khoa học xã hội quan tâm nghiên cứu và tìm hiểu. Mặt khác, trong thời kỳ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu bị sụp đổ, Việt Nam là một nước Xã hội chủ nghĩa trong số các nước xã hội chủ nghĩa còn lại không những tồn tại bền vững, mà còn không ngừng phát triển, giành được nhiều thành tích to lớn toàn diện trong sự nghiệp đổi mới, xây đựng đất nước và hội nhập quốc tế.
GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn m,ạnh: Gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trên con đường Đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế. Từ một quốc gia nghèo, bị chiến tranh liên miên, Việt Nam đã vượt qua để trở thành một nước thu nhập trung bình. Trong những năm thế giới lâm vào khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu thì mức tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn ổn định ở mức trên dưới 6%/năm. Đó là một con số đầy ấn tượng và Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ xóa đói giảm nghèo tốt nhất tế giới theo đánh giá của Liên hợp quốc. Những thành quả của gần 30 năm Đổi mới đã khẳng định sự đúng đắn, sáng suốt đường lối Đổi mới của Đảng và sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân.
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, Viện lịch sử Đảng cho rằng, thực tiễn đổi mới của Việt Nam còn đặt ra nhiều vấn đề cần phải được tổng kết để tiếp tục nhận thức rõ hơn. Vai trò của Nhà nước, của hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, của cộng đồng trong bảo đảm công bằng xã hội cả trong nhận thức và hoạt động trong thực tiễn cần được làm rõ. Đổi mới càng phát triển càng đòi hỏi sự tổng kết ở trình độ cao để phát triển tư duy lý luận và do đó không chấp nhận lối tư duy giản đơn, xuôi chiều và cả sự cực đoan, từ cực này sang cực khác, phức tạp hóa vấn đề, kìm hãm sự phát triển của nhận thức.
Theo PGS, TS Hồ Khang, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, Việt Nam phải thay đổi căn bản tư duy về quan hệ quốc tế, cần nhận thức rõ rằng, nền tảng của mọi mối quan hệ quốc tế đương đại là lợi ích, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn. Chính sách “xoay trục” của Mỹ và sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới đối với vấn đề Biển Đông đang tạo ra những thuận lợi nhất định cho Việt Nam, phải chuyển hóa tranh chấp theo chiều hướng có lợi nhất, hóa giải, loại trừ các tác động tiêu cực. Việt Nam cần chủ động tạo nên cục diện các nước lớn, gắn lợi ích, các chính sách vào các hoạt động kinh tế và chính trị của mạng lưới khu vực rộng lớn…
Cũng tại hội thảo, nhiều tham luận đề cập về những thuận lợi, khó khăn, thách thức của Việt Nam sau Ngày đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và bảo vệ đất nước, phát triển kinh tế và tiến hành Đổi mới toàn diện. Bên cạnh đó, các học giả tập trung thảo luận để làm sâu sắc hơn và cụ thể hơn những thành quả đã đạt được của Việt Nam trong 40 năm hòa bình, thống nhất, phát triển và hội nhập quốc tế; vừa xây dựng vừa bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Công cuộc đổi mới đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, nhất là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và thế giới. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định, có nhiều đóng góp tích cực vào việc giữ gìn hòa bình, hoạt động xã hội của thế giới. Một số tham luận cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức của xu thế toàn cầu hóa mà Việt Nam cần có giải pháp phù hợp để phát triển bền vững.
* Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ( 30/4/1975- 30 /4/2015), sáng 27/4, tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Quốc phòng tổ chức khai mạc triển lãm sách chủ đề “Đất nước thống nhất”.
Triển lãm sách trưng bày gần 10.000 đầu sách, tư liệu gắn liền với tiến trình của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước theo hai chủ đề: cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thông qua những cuốn sách và tư liệu trưng bày tại triển lãm, nhân dân Thành phố thêm hiểu rõ về lịch sử, về cuộc đấu tranh của quân và dân miền Nam và hậu phương lớn miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tiến tới Đại thắng mùa Xuân 1975. Qua đó, triển lãm góp phần giáo dục, tuyên truyền truyền thống lịch sử vẻ vang, lòng tự hào dân tộc và phát huy tinh thần cách mạng của ngày 30/4 lịch sử, vững vàng tiếp bước xây dựng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Ngoài khu vực triển lãm, nhiều đơn vị xuất bản và phát hành tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức gian hàng phục vụ bạn đọc đến tham quan mua sắm. Nhân dịp này, Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bộ sách “Ván bài lật ngửa” và giới thiệu dịch vụ tem thông minh; nhà văn Lê Văn Nghĩa giao lưu và tặng sách cho học sinh; Nhà xuất bản Nhã Nam tổ chức sự kiện với chủ đề minh họa hoạt động sách thiếu nhi trong nước.
Triển lãm mở cửa đón khách từ 8 giờ 30 đến 17 giờ 30 mỗi ngày đến hết 1/5./.
Nam Anh tổng hợp