Thứ Tư, 9/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 26/4/2015 9:29'(GMT+7)

Báo chí về đề tài chiến tranh: Làm báo để thực hiện khát vọng hòa bình

Sáng 25-4, các nhà báo chiến trường năm xưa lại được sẻ chia những kỷ niệm đã khắc ghi vào máu thịt về những ngày làm báo nơi bom đạn, trong buổi tọa đàm với chủ đề “Báo chí về đề tài chiến tranh: Kinh nghiệm sử dụng các thể loại báo chí trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc”, được tổ chức tại Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế “Báo chí về đề tài chiến tranh”, do Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Thông tấn xã Việt Nam, Báo QĐND và Truyền hình Viettel phối hợp tổ chức...

Cơ động, sáng tạo, linh hoạt

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND nhấn mạnh, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với Báo QĐND tại hậu phương (Tòa soạn đóng tại ATK Định Hóa), còn có Tòa soạn Báo QĐND tổ chức xuất bản và phát hành báo ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ. Tòa soạn tiền phương tuy chỉ có 5 cán bộ, phóng viên, nhưng từ cuối tháng 12-1953 đến giữa tháng 5-1954, đã làm được 33 số báo, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội ở chiến trường.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các phóng viên Báo QĐND tiếp tục xông pha ra chiến trường để tìm hiểu cuộc sống, chiến đấu của bộ đội, kịp thời đưa tin, viết bài, phản ánh, ghi lại những hình ảnh thời sự để đăng trên mặt báo. Suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cam go, ác liệt, Báo QĐND thực sự là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận và nhân dân cả nước.

Là một trong 5 nhà báo của Báo QĐND tác nghiệp tại mặt trận Điện Biên Phủ, Đại tá, Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp mang đến tọa đàm những kỷ niệm về tính chủ động, độc lập tác nghiệp của phóng viên chiến trường. Theo Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp thì mặt trận rộng lớn, dày đặc nên nhiệm vụ khác nhau, phóng viên phải biết chọn nơi cần đến, nên đến; càng tiếp cận được nhiều đơn vị, chiến sĩ càng tốt; viết cho nhanh gọn, súc tích; coi việc giữ liên lạc với tòa soạn là điều cốt tử.

Cũng là một trong 5 phóng viên chiến trường của Báo QĐND tại mặt trận Điện Biên Phủ, Đại tá, Nhà báo Phạm Phú Bằng cho rằng, để có thể đáp ứng được yêu cầu đối với phóng viên tác nghiệp chiến trường thì phải bám sát từng bước phát triển của chiến dịch, bám sát chỉ đạo của cấp trên; phải viết làm sao để chiến sĩ lĩnh hội được nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu.

Tính linh hoạt của Báo QĐND thời chiến được thể hiện trong cách thức tổ chức bài vở, công tác thư ký tòa soạn (TKTS). Đại tá Lê Hồng Thủy, cán bộ TKTS Báo QĐND từ năm 1961-1993 hào hứng chia sẻ, trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Tổng biên tập và TKTS ngày đêm theo dõi chiến sự trên bản đồ để xử lý các tin, bài kịp thời, chính xác; những trận đánh lớn, vị trí chiến lược quan trọng đều có xã luận, tường thuật tại chiến trường với bản đồ to, nhiều ảnh chiến đấu và ảnh nhân dân vùng giải phóng. Từ đầu tháng 3-1975, TKTS đã tổ chức quy trình làm báo cho phù hợp với diễn biến nhanh chóng trên chiến trường, trình bày báo trang 1 và 4 đều làm 2 đến 3 ma-két dự phòng khi đưa tin chiến thắng vừa, to, rất to, có sự kiện chính trị quan trọng hoặc bị động, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền; đặc biệt chú trọng trình bày bài, tin trang 1, để gây ấn tượng mạnh mẽ thông tin về chiến thắng...

Đa dạng về thể loại

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại tá, Nhà báo Mạnh Hùng đề cập sâu đến thể loại phản ánh trên Báo QĐND trong các cuộc kháng chiến. Theo Nhà báo Mạnh Hùng, trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, các thể loại phản ánh trên báo đã phát triển sôi động, đa dạng và phong phú. Thể loại phản ánh trong giai đoạn này thể hiện được tính tập thể của bài viết, bởi điều kiện thu thập thông tin trong chiến tranh rất khó khăn nên nhiều bài viết phải có sự đóng góp thông tin từ nhiều nguồn, nhiều người. Cùng với đó, để thực hiện được thể loại này, phóng viên Báo QĐND đã bám sát chiến trường, bám sát bộ đội; cố gắng cao nhất để có mặt nơi sự kiện xảy ra, điển hình như tấm gương của nhà báo Lê Đình Dư đã trực tiếp chiến đấu cùng bộ đội ở thành cổ Quảng Trị và anh dũng hy sinh ngay tại trận địa.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, việc phát hiện, biểu dương, cổ vũ, nhân rộng điển hình tiên tiến là một trong những thế mạnh nổi bật của Báo QĐND. Theo Thiếu tướng Nguyễn Quang Thống, nguyên Tổng biên tập Báo QĐND, những gương lớn được phát hiện và tuyên truyền tại mặt trận như một mệnh lệnh thôi thúc ý chí chiến đấu của bộ đội. Nhiều tấm gương đã được Báo QĐND phát hiện, nêu gương như “Tô Vĩnh Diện chèn thân cứu pháo”, “Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai”, “Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng”, “Dũng sĩ một thắng hai mươi”, viết về Tiểu đội anh hùng Bùi Ngọc Đủ; “Một viên đạn một quân thù”, viết về Huỳnh Văn Đảnh; “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, viết về anh hùng Nguyễn Viết Xuân; câu nói nổi tiếng “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” của anh hùng Lê Mã Lương. Không dừng lại ở việc cổ vũ những tập thể và cá nhân tiên tiến tại mặt trận, Báo QĐND còn bám sát hậu phương, tuyên truyền những điển hình bình dị, tuy không đổ máu hy sinh, nhưng tiêu biểu cho ý chí cao đẹp của hậu phương lớn cả nước. Khi viết về các tấm gương điển hình tiên tiến trong chiến tranh, phóng viên báo QĐND đã bám sát và tìm hiểu rất kỹ và ăn ở, thậm chí sống, chiến đấu dài ngày với các tấm gương đó nên cách thể hiện rất chính xác, sinh động.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các bài bình luận quân sự có tính chiến đấu quyết liệt, sắc bén trên Báo QĐND đã được phát dày đặc trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và được trích đăng ngày càng nhiều trên báo Mỹ và phương Tây. Đây là một trong những thể loại báo chí nổi bật, thu hút sự quan tâm đón đọc của đông đảo độc giả. Nhà báo Hồng Phương nhớ lại, trong giai đoạn đó, thể loại bình luận quân sự trên Báo QĐND hình thành 3 tầng. Tầng 1 với bút danh Chiến Binh đã kịp thời bẻ gãy các thủ đoạn chiến tranh tâm lý, đập lại các luận điệu nguy hiểm của Mỹ Ngụy, đồng thời cổ vũ ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ của quân và dân cả nước. Tầng 2 với bút danh Chiến Thắng đã phân tích đánh giá khách quan, khoa học, chững chạc cục diện chiến trường của đôi bên ở những lúc tình hình phức tạp, có nhiều biến động lớn, vạch rõ xu thế phát triển trên chiến trường cũng như trên mặt trận ngoại giao, để vừa đấu tranh với địch vừa khẳng định và tăng cường niềm tin quyết đánh và quyết thắng của quân và dân cả nước. Tầng 3 với bút danh Người bình luận hoặc không đề tên, bằng bút pháp phản ứng nhanh, đã trực diện phê phán, xé toạc các bức màn ngụy trang, ngụy biện của Mỹ Ngụy để khẳng định những sự thật không thể chối cãi trên chiến trường.

“Việt gian thủ tướng Nguyễn Cao Bôi/Pháp dạy Mỹ nuôi xứng chiếc bồi/Bán nước, bá theo phường phản bội/Buôn dân ắt bị nện tơi bời/Bơ thừa sữa cặn tranh nhau bới/Bãi bẩn bùn lầy lóp ngóp bơi/Liều kiếp ma chơi đền mấy buổi/Nho nhe nhặng xị cái con...”. Đó là bài thơ châm có tên “Nguyễn Cao Bồi” đăng trên Báo QĐND trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Thơ châm được sử dụng rất sớm, ngay thời kỳ 33 số báo xuất bản tại mặt trận Điện Biên Phủ. Nhà báo lão thành Lê Kim, người có công đầu tiên “khai phá” và gắn bó với thể loại này chia sẻ: Đây là loại thơ tương đối dễ làm nên có thể nhiều người sáng tác, đua nhau sáng tác. Đây cũng là loại thơ dễ phổ cập nên phạm vi quảng bá rộng, tác dụng tuyên truyền cũng rất lớn. Tuy nhiên, phải luôn luôn tự coi đây là “thơ” chứ không phải là “vè” vì vậy phải có tính văn học, phải công phu, đắn đo suy nghĩ, cân nhắc, tính từng câu chữ thích hợp, không được đánh thấp mình, đánh thấp sản phẩm của mình mà phải luôn luôn nâng cao sản phẩm, cũng là tự nâng cao bản thân. Chú ý dùng thể loại thơ lục bát quen thuộc để bộ đội và nhân dân dễ đọc, dễ thuộc.

Những chiến sĩ xung kích


Là một điển hình được tuyên truyền trên Báo QĐND trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thiếu tướng Lê Mã Lương thể hiện sự khâm phục với các phóng viên chiến trường của Báo QĐND, đặc biệt là phóng viên ảnh-Liệt sĩ Nghĩa Dũng và phóng viên Khánh Vân. Thiếu tướng Lê Mã Lương chia sẻ một kỷ niệm, rằng có giai đoạn chiến trường ác liệt, ông đã khuyên phóng viên Nghĩa Dũng lùi về vị trí an toàn hơn. Và ông nhận lại từ phóng viên Nghĩa Dũng là câu hỏi: “Cậu nói gì lạ thế!”. Sau đó, phóng viên Nghĩa Dũng liên tục bám trận địa và đã anh dũng hy sinh.

“Các phóng viên chiến trường của Báo QĐND đã kề vai sát cánh với bộ đội. Họ thực sự là những chiến sĩ xung kích, không quản hiểm nguy, xông xáo trên khắp các mặt trận. Vũ khí của họ là chiếc máy ảnh, cây bút và quyển sổ”, Thiếu tướng Lê Mã Lương xúc động phát biểu.
 
Cuộc gặp gỡ xúc động giữa Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính với 2 cựu chiến binh từng là nhân vật trong những bức ảnh thời chiến của ông.

Các đại biểu tham dự tọa đàm hết sức xúc động trước một tình huống bất ngờ, khi Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính gặp lại 2 cựu chiến binh, từng là những nhân vật trong các bức ảnh thời chiến của ông. Có một bức ảnh ghi lại một chiến sĩ được đồng đội băng bó khi bị thương ở đầu, và bức ảnh thứ hai thể hiện được sự vững vàng của anh trên chiến hào, khi đầu vẫn quấn băng trắng toát. Người trong hai tấm ảnh đó là cựu chiến binh Lương Văn Bạo, nguyên chiến sĩ Tỉnh đội Quảng Trị, bị thương ở phía đông Thạch Hãn (Quảng Trị) năm 1972. Người còn lại là ông Đỗ Đức Thắng. Ông Thắng xuất hiện trong bức ảnh với vai trò là chiến sĩ thông tin trong mũi tiến công của quân giải phóng tại chiến trường Quảng Trị năm 1970. Cả hai cựu chiến binh đều xúc động cho rằng, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, các phóng viên chiến trường của Báo QĐND luôn bám sát bộ đội để tác nghiệp, không quản hiểm nguy nơi hòn tên, mũi đạn...

Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học quốc tế, trong đó có Giáo sư Thô-mát Bao-ơ, thuộc Đại học Tổng hợp Viên (Áo), đã thể hiện sự khâm phục đối với dân tộc Việt Nam nói chung, các phóng viên chiến trường của Báo QĐND nói riêng, trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Bài học bổ ích

Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chủ trì tọa đàm cho rằng, buổi tọa đàm đã thành công hơn mong đợi, vì không chỉ là nơi các nhà báo chiến trường chia sẻ kinh nghiệm với các thế hệ đi sau, mà còn là dịp để bạn bè quốc tế hiểu hơn cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, cũng như hiểu hơn những đóng góp của các nhà báo chiến trường, trong đó có các nhà báo của Báo QĐND.
Các đại biểu quốc tế tham dự tọa đàm.

Kết luận buổi tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn khẳng định, các ý kiến tham luận đều được chuẩn bị công phu, chu đáo, tâm huyết, trí tuệ, thể hiện tình cảm và trách nhiệm cao cả của các cựu phóng viên chiến trường đã dành cho buổi tọa đàm. Các ý kiến đều thống nhất khẳng định rằng: Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, dù gặp nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Báo QĐND đã đoàn kết, nỗ lực vượt khó, hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận trong tòa soạn ở hậu phương và các phóng viên chiến trường ở tiền phương, bảo đảm thông tin nhanh, kịp thời, chính xác, góp phần động viên cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh tinh thần to lớn cho quân dân ta trong cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Trong hai cuộc kháng chiến, Báo QĐND đã đóng góp vào nền báo chí cách mạng nhiều thể loại báo chí nổi bật, chiếm được tình cảm của độc giả như: Phát hiện tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong chiến đấu, lao động sản xuất; Bình luận quân sự; Tuyên truyền quốc tế… Đặc biệt, 33 số báo xuất bản tại mặt trận Điện Biên Phủ giai đoạn 1953-1954 là hiện tượng độc đáo, hiếm có trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam 90 năm qua.

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn cho rằng, cuộc hội thảo chung của Học viện Báo chí và Tuyên truyền; buổi Tọa đàm, triển lãm ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, và buổi Tọa đàm hôm nay đã giúp chúng ta có thêm những kinh nghiệm quý, những bài học nghiệp vụ bổ ích. Tuy nhiên, chúng ta không mong muốn vận dụng những kinh nghiệm ấy thêm một lần nào nữa, bởi nhân dân Việt Nam nói chung, những người làm báo nói riêng không muốn chiến tranh và luôn yêu chuộng hòa bình. Chúng ta làm báo cũng là để thực hiện khát vọng hòa bình ấy.

Theo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất