Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 26/4/2015 15:4'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh xây Công viên-Bia tưởng niệm liệt sỹ bảo vệ cầu Rạch Chiếc

Lễ khởi công công trình Công viên-Bia tưởng niệm các liệt sỹ chiến đấu bảo vệ cầu Rạch Giá. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Lễ khởi công công trình Công viên-Bia tưởng niệm các liệt sỹ chiến đấu bảo vệ cầu Rạch Giá. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Đây sẽ là một địa điểm sinh hoạt lịch sử, văn hóa kết hợp với sinh hoạt cộng đồng, thân thiện với môi trường quan trọng của nhân dân thành phố nói chung và của quận 2 nói riêng. 

Dự án Công viên – Bia tưởng niệm các liệt sỹ chiến đấu bảo vệ cầu Rạch Chiếc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 2 làm chủ đầu tư; được xây dựng trên diện tích 8.403m2, giáp sông Rạch Chiếc. 

Khu A của dự án là công viên và bia tưởng niệm gồm bia tưởng niệm cao gần 10m được ốp đá granit đỏ, bệ đặt bia, sân nghi lễ, tam cấp, sàn nghi lễ, hệ thống đường đi bộ, cây xanh, thảm cỏ 2.917m2. 

Khu B có chức năng công viên, bến thả hoa, được thiết kế nhằm đảm bảo yếu tố thân thiện, tạo không gian xanh cho khu vực, sử dụng các loại cây mang tính bản địa và truyền thống như tre vàng, phượng vĩ, sứ đại, tùng tháp thiên tuế và dầu.

Tổng mức đầu tư công trình hơn 21 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. 

Tại lễ khởi công, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trận đánh–chiếm–giữ cầu Rạch Chiếc là trận quyết chiến cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; góp phần to lớn vào chiến thắng của cánh quân phía Đông trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với 3 đơn vị của Lữ đoàn 316 đặc công biệt động là D.81, Z.22, Z.23.

Lữ đoàn 316 cùng lực lượng quân và dân tại chỗ của huyện Thủ Đức tham gia trận đánh và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó 52 cán bộ chiến sỹ của ta đã anh dũng hy sinh, có những người còn mãi nằm lại tại khu vực cầu Rạch Chiếc. 

Trong mục tiêu đánh chiếm Dinh Độc Lập, hệ thống hàng chục cầu trên các sông rạch bao quanh Sài Gòn trở thành mục tiêu tác chiến trước mắt, trong đó 3 cầu quan trọng nhất ở hướng Đông trên đoạn Quốc lộ 1 dài 25km từ Ngã ba Vũng Tàu về Hàng Xanh là cầu Đồng Nai, cầu Rạch Chiếc và cầu Sài Gòn. Việc đánh chiếm, giữ cầu Rạch Chiếc đồng nghĩa với việc mở cửa áp sát nội đô Sài Gòn. 

Khu vực cầu Rạch Chiếc được quân địch tổ chức phòng thủ kiên cố. Vào đêm 27 rạng sáng 28/4/1975, tại đây đã diễn ra trận chiến quyết liệt giữa quân ta với các lực lượng tử thù của ngụy quân Sài Gòn.

Sau 3 ngày đêm chiến đấu trong điều kiện vô cùng gian khổ, ác liệt, quân ta đã tiêu diệt 2 tiểu đoàn quân ngụy, làm tan rã tại chỗ hàng nghìn tên, thu giữ nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh, giữ vững cầu Rạch Chiếc, bảo đảm thắng lợi cho bộ đội chủ lực thọc sâu vào thành phố, đánh sập hoàn toàn chế độ ngụy quyền, hoàn thành thắng lợi công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.

Theo VN+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất