Thứ Ba, 1/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 28/11/2013 15:51'(GMT+7)

Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm gia nhập WTO

Ngày 28/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo giới thiệu kết quả Phiên rà soát chính sách thương mại (RSCSTM) đầu tiên kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 1/2007.

Đến dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương và Đại sứ - Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Franz Jessen đồng chủ trì, cùng với sự tham gia của lãnh đạo các đoàn ngoại giao, quan chức cao cấp của Chính phủ và các bộ ngành liên quan cũng như đại diện các hiệp hội doanh nghiệp và khu vực tư nhân, cùng với các bên liên quan khác. 

Từ đầu năm 2013, Bộ Công Thương đã chuẩn bị soạn thảo Báo cáo chính sách trong phiên RSCSTM với sự hỗ trợ của Dự án EU-MUTRAP. Cũng trong tháng 9 vừa qua, phái đoàn quan chức Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh là trưởng đoàn đã tham gia phiên rà soát tại Geneve, Thụy Sỹ. 

Phát biểu khai mạc Thứ trưởng Trần Quốc Khánh - Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ nói: Việc chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO từ năm 2007, sau hơn 11 năm nỗ lực đàm phán gia nhập, đã ghi một dấu mốc rất quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và mở cửa nền kinh tế của Việt Nam.

Kể từ khi gia nhập đến nay, Việt Nam đã và đang thực hiện một cách nghiêm túc các cam kết WTO về mở cửa thị trường, về công khai, minh bạch hoá, từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thiết lập môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho các nhà đầu từ trong nước và nước ngoài sản xuất kinh doanh.  Với đường lối nhất quán là không ngừng hội nhập hơn nữa vào nền kinh tế khu vực và kinh tế thế giới, Nhà nước Việt Nam coi việc gia nhập WTO không phải là đích đến cuối cùng, mà là sự tiếp nối của cả một quá trình cải cách nền kinh tế theo hướng ngày càng thuận lợi cho các hoạt động thương mại và đầu tư. 

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: Trên tinh thần đó Việt Nam đã chuẩn bị và tham dự phiên rà soát chính sách thương mại đầu tiên ở WTO với tinh thần cầu thị, cởi mở, thẳng thắn, cùng với sự tự tin cao nhất. Tại phiên rà soát diễn ra vào tháng 9 vừa qua, các thành viên WTO đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam và đều coi Việt Nam như một câu chuyện thành công của việc gia nhập WTO. 

Tại báo cáo phiên RSCSTM, đồng chí Lê Đình Bá, Vụ Pháp chế, Bộ Công thương nêu rõ, tự do hóa thương mại và đầu tư nước ngoài đã giúp cải thiện khả năng cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việc gia nhập WTO đã thúc đẩy hơn nữa quá trình hiện đại hóa kinh tế của Việt Nam. Những nỗ lực của Việt Nam nhằm thực thi các cam kết cải cách sau gia nhập WTO đã mang lại nhiều kết quả, trong đó phải kể đến việc cắt giảm thuế quan ngày càng sâu rộng, cải cách toàn diện ngành dịch vụ, cũng như minh bạch hóa cơ chế thương mại và tăng cường bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. 

Qua phiên RSCSTM, Việt Nam muốn chuyển đến cộng đồng quốc tế và các nước thành viên WTO thông điệp: Việt Nam đã và đang thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm các cam kết gia nhập WTO. Việt Nam là một đất nước năng động, tin cậy và đầy triển vọng, đang tích cực đẩy mạnh cải cách chính sách kinh tế - thương mại và là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. 

Phiên RSCSTM đầu tiên của Việt Nam tại WTO có ý nghĩa rất quan trọng, ghi nhận sự thay đổi tích cực về môi trường chính sách và là cột mốc đánh dấu thành quả 6 năm gia nhập WTO của Việt Nam. Tuy nhiên, RSCSTM cũng chỉ ra nhiều thách thức cũng như yêu cầu tiếp tục cải cách trong nước đối với Việt Nam. 

Tại Hội thảo, ngài Đại sứ Franz Jessen - Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, thông qua Dự án EU MUTRAP, để giải quyết những thách thức nêu bật trong phiên RSCSTM đầu tiên này. Ông cho rằng, Việt Nam cần có chính sách thương mại phù hợp và những cải cách mang tính cơ cấu để tăng cường tổng thể hiệu quả, năng suất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Đây cũng là những vấn đề mang tính quyết định để Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU ký kết trong tương lai được thực thi hiệu quả.  Được biết, tất cả các thành viên WTO đều phải thực hiện RSCSTM theo định kỳ. Quá trình thực hiện RSCSTM bao gồm việc chuẩn bị cho tuyên bố chính sách (báo cáo quốc gia) của nước thành viên được rà soát. Song song với đó là một báo cáo do các chuyên gia kinh tế của Ban Thư ký WTO soạn thảo. Cả hai báo cáo đều được rà soát và đưa ra thảo luận tại Cơ quan RSCSTM với sự tham gia của tất cả các thành viên WTO tại trụ sở chính ở Geneva. 

Ngài Đại sứ cũng nêu lên 4 vấn đề cản trở thương mại phía EU đặt ra đối với Việt Nam như: Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ cải cách kinh tế. Hệ thống hành chính và luật pháp của Việt Nam còn phức tạp, thiếu nhất quán trong áp dụng các quy định và quy tắc là vấn đề nghiêm trọng đối với doanh nghiệp. Khuôn khổ pháp lý và quy định cần được cải thiện thông qua đơn giản hoá và loại bỏ những chồng chéo trách nhiệm, và minh bạch hoá; Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh tự do hoá thương mại, dỡ bỏ các rào cản hiện có trong thương mại, đồng thời giảm thiểu việc dựa vào các biện pháp hạn chế và bóp méo thương mại nhằm bảo hộ doanh nghiệp trong nước; Việt Nam cần tiếp tục cải cách khối doanh nghiệp nhà nước nhằm tạo sân chơi công bằng để doanh nghiệp phát triển. Cuối cùng, Việt Nam cần củng cố hệ thống ngân hàng, cải thiện luật pháp và quy định, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro cũng như nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động ngân hàng.  Cuối phiên rà soát, báo cáo RSCSTM được lập, nêu chi tiết các chính sách thương mại, thể chế và tình hình kinh tế vĩ mô của nước được rà soát và nêu tóm tắt quan điểm của Ban Thư ký WTO về chính sách thương mại của nước thành viên đó./.

 Tin, ảnh Duy Hưng   
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất