Thứ Ba, 8/10/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 3/11/2008 22:8'(GMT+7)

Việt Nam đứng thứ 79 về Chỉ số phát triển Giáo dục cho mọi người

  Theo báo cáo này, trong số 129 quốc gia được UNESCO tiến hành khảo sát, Việt Nam đứng thứ 79 về Chỉ số phát triển GDCMN (EDI) với 0,899 điểm và là nước có chỉ số EDI đứng thứ 3/6 nước Đông Nam Á.

Brunei, Campuchia và Indonesia đã đạt được mục tiêu Phổ cập Giáo dục Tiểu học. Myanmar và Philippines có nhiều cơ hội đạt được phổ cập Giáo dục Tiểu học vào năm 2015 trong khi CHDCND Lào, Malaysia và Việt Nam đang đứng trước rủi ro khó có thể đạt đuợc mục tiêu này đúng thời gian dự kiến.  Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan có nhiều cơ hội đạt được mục tiêu Xóa mù chữ cho người lớn vào năm 2015. Tuy nhiên, Brunei, Myanmar, Philippines và Việt Nam có khả năng không đạt được mục tiêu này. Tiến trình thực hiện mục tiêu xóa mù chữ cho người lớn cũng diễn ra chậm ở Campuchia, CHDCND Lào.

Báo cáo Giám sát toàn cầu về GDCMN năm 2008 cũng cho biết: Từ năm 1999-2005, tỷ lệ nhập học bậc Tiểu học đã tăng lên tại nhiều nước. Nước có tỷ lệ học sinh nhập học tăng cao là Campuchia và Myanmar (tăng trên 10%/năm). Tỷ lệ nhập học bậc Tiểu học giảm nhẹ ở Malaysia, từ 98% trong năm 1999 xuống 95% vào năm 2004. Tại Việt Nam, tỷ lệ này giảm từ 96% xuống 88%.

Từ năm 1999-2005, trên toàn thế giới, số trẻ em bỏ học giảm từ 96 triệu xuống còn 72 triệu người. Tuy nhiên, trong khu vực Đông Nam Á, các quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức lớn về số trẻ em bỏ học là: Việt Nam (1 triệu người), Philippines (648.000 người), Myanmar (487.000 người), Thái Lan (419.000 người) và Indonesia (414.000 người).

Ông Sheldon Shaeffer, Giám đốc Văn phòng Giáo dục khu vực của UNESCO tại Bangkok (Thái Lan) nhận định: Theo báo cáo toàn cầu, Việt Nam hiện đang trong giai đoạn trung gian trong việc đạt được mục tiêu GDCMN theo chỉ số EDI. Theo “Kế hoạch hành động Quốc gia GDCMN từ năm 2003-2015”, chi tiêu ngân sách dành cho giáo dục đã tăng và Việt Nam có thể đạt được một số mục tiêu GDCMN vào năm 2015. Tuy nhiên, trong vòng 6 năm trở lại đây, số lượng học sinh bỏ học có xu hướng tăng lên và đang trở thành vấn đề cấp bách tại khu vực Đông Nam Á với số lượng trên 3 triệu trẻ em không đến trường. Hiện nay, tình trạng học sinh bỏ học tại Việt Nam đang gia tăng (với 1 triệu người) và đây cũng là vấn đề cấp bách đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa trong việc khắc phục tình trạng học sinh bỏ học.

Theo ông Sheldon Shaeffer, hiện nay, những thách thức lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á là giảm số lượng trẻ em thất học, cải thiện chất lượng giáo dục, mở rộng việc chăm sóc giáo dục mầm non, tỷ lệ người biết chữ ở người lớn và tăng cường tỷ tham gia giáo dục trung học. Ngoài ra, sự bất bình đẳng trong giáo dục vẫn còn tồn tại ở các quốc gia: Giữa các vùng miền, các tỉnh, các bang, giữa thành thị và nông thôn; giữa người giàu và người nghèo, giữa các nhóm dân tộc...

Tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển nêu rõ: Qua khảo sát của UNESCO về GDCMN, để khắc phục những yếu kém còn tồn tại, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên tăng ngân sách đầu tư cho phát triển giáo dục. Đồng thời, tăng cường chú trọng đến đảm bảo, nâng cao chất lượng giáo dục ở những vùng, miền khó khăn của đất nước, vùng có đông người dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; Mở rộng các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục cộng đồng để tất cả người dân Việt Nam đều có quyền bình đẳng và được học tập, nâng cao dân trí./.

(Theo VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất