Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 21/11/2008 11:12'(GMT+7)

Việt Nam – Mười năm gia nhập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC)

Cách đây đúng mười năm, tháng 11-1998, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Ðây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Ðảng và Nhà nước ta.

Ra đời từ năm 1989, sau nhiều đợt mở rộng thành viên, ngôi nhà chung APEC đến nay đã trở thành một diễn đàn khu vực hàng đầu, đóng góp khoảng 60% GDP, 50% thương mại và 70% tăng trưởng kinh tế toàn cầu và gồm nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand.

Nhớ lại thời điểm lần đầu tiên Việt Nam đăng ký gia nhập APEC năm 1996, chúng ta càng thấy rõ quyết định gia nhập APEC là một quyết định sáng suốt, có tầm nhìn chiến lược của Ðảng và Nhà nước ta. Tháng 11-1996, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác kinh tế đối ngoại 5 năm 1996 - 2000 với tư tưởng chủ đạo là "phát huy nội lực, tranh thủ nguồn lực bên ngoài", trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ "... tiến hành khẩn trương, vững chắc việc đàm phán hiệp định thương mại với Mỹ, gia nhập APEC và WTO. Có kế hoạch cụ thể để chủ động thực hiện cam kết trong khuôn khổ AFTA". Thực tế  đã chứng minh việc gia nhập APEC là một bước đi lô-gích, làm cơ sở quan trọng cho quá trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới trong hơn 20 năm qua.

Nhìn lại toàn bộ quá trình tham gia APEC của Việt  Nam,  có  thể  thấy  APEC  là  một trong số các diễn đàn đã đem lại những lợi ích thiết thực cho đất nước ta và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trước hết, việc tham gia APEC đã góp phần nâng cao nội lực của đất nước. APEC là một diễn đàn quy tụ nhiều đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, chiếm 75% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 50% nguồn viện trợ phát triển (ODA), 73% xuất khẩu và 79% nhập khẩu của Việt Nam. Việc thực hiện các cam kết hợp tác trong APEC giúp thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư của ta với các đối tác thương mại hàng đầu này.

Các dự án hợp tác của Quỹ APEC tuy không lớn, nhưng cũng đóng góp vào việc nâng cao năng lực trong nhiều lĩnh vực ta ưu tiên như thủy sản, nông nghiệp, du lịch, phòng, chống dịch cúm gia cầm, dịch bệnh cũng như tăng cường kiến thức và kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập.

Hai là, tham gia APEC góp phần củng cố hình ảnh và vị thế mới của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Ðặc biệt, việc Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công năm APEC 2006 cũng như sự tham gia của Việt Nam tại Diễn đàn, khẳng định những đóng góp tích cực của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế đa phương, được bạn bè quốc tế tin tưởng và đánh giá cao.

Ba là, APEC là một kênh quan trọng để ta thúc đẩy hợp tác song phương với các nền kinh tế trong khu vực. Các hội nghị do APEC tổ chức hằng năm là dịp để ta tiến hành tiếp xúc song phương ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao nhất nhằm củng cố quan hệ hợp tác với các đối tác trong khu vực, trong đó có nhiều đối tác hàng đầu. Sự phối hợp, chia sẻ quan điểm trong APEC cũng là một nhân tố thúc đẩy sự hiểu biết, tạo dựng niềm tin và thiện cảm giữa các nền kinh tế với nhau.

Sự tham gia hợp tác trong APEC trong mười năm qua là một con đường hai chiều. Bên cạnh lợi ích đạt được, chúng ta còn chủ động và tích cực gánh vác trách nhiệm của một thành viên, đóng góp vào việc giải quyết những thách thức đang đặt ra cho APEC thông qua các sáng kiến thu hẹp khoảng cách phát triển; củng cố hệ thống thương mại đa phương; đối phó với các nguy cơ khủng bố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi; cải cách APEC hiệu quả và năng động phù hợp với những phát triển mới của tình hình khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận lại một số mặt hạn chế và tồn tại trong quá trình tham gia các hoạt động của APEC. Trước hết là sự phối, kết hợp giữa các bộ, ngành của ta trong các hoạt động APEC còn thiếu chặt chẽ, làm giảm hiệu quả hợp tác chung. Một số bộ, ngành của ta còn chưa thật sự chủ động và phát huy sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ta có lợi ích. Thực tiễn tham gia APEC đã chứng minh nếu ta thật sự đầu tư thích đáng vào các hoạt động APEC, ta có khả năng đưa ra được những sáng kiến có chất lượng được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Những biến chuyển nhanh chóng và phức tạp với nhiều cơ hội và thách thức đan xen trong bối cảnh quốc tế hiện nay và nhu cầu phát triển bức thiết của đất nước đang đặt ra đòi hỏi phải tăng cường hiệu quả trong hợp tác APEC nói riêng và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung. Mặc dù suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn biến rất phức tạp và khó dự đoán, nhưng về triển vọng dài hạn, châu Á - Thái Bình Dương vẫn là một khu vực phát triển kinh tế năng động, giàu tiềm năng và dân số trẻ, có tay nghề. Tình hình an ninh khu vực lại tương đối ổn định.

Trong khi đó, thách thức lớn nhất hiện nay của APEC thể hiện ở tính đa dạng về trình độ phát triển, hệ thống chính trị, văn hóa và tôn giáo giữa các thành viên, tạo nên sự khác biệt đáng kể về lợi ích và quan tâm của các nền kinh tế trong một số lĩnh vực hợp tác. Chủ nghĩa khủng bố và sự gia tăng của các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đang đặt ra những thách thức mới như vấn đề an ninh con người, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, bảo đảm môi trường kinh doanh an toàn trong khu vực...

Ðể tận dụng những cơ hội và vượt qua các thách thức, chúng ta cần quán triệt một số quan điểm sau đây trong hợp tác APEC.

Một là, cần xác định tham gia APEC là bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của ta. Với thế và lực của đất nước đang tăng lên và triển vọng phát triển của khu vực, chúng ta đang có những cơ hội rất thuận lợi để đóng vai trò tích cực và chủ động hơn trong APEC, nhất là trong việc xây dựng các nguyên tắc và quy định của APEC để vừa phục vụ lợi ích chung của APEC vừa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

Hai là, việc tham gia APEC còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình cải cách kinh tế trong nước, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và từng bước thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế phát triển trong APEC. Theo đó, cần chủ động và tích cực tham gia vào các lĩnh vực mà ta có thế mạnh và lợi ích, nghiêm túc thực hiện các cam kết trong APEC và tranh thủ tối đa từ các dự án hợp tác và kinh nghiệm phát triển kinh tế trong APEC.

Ba là, giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền và bảo đảm lợi ích tối đa của Việt Nam trong hoạt động APEC; kết hợp hài hòa giữa lợi ích của ta với lợi ích chung của APEC; giữa lợi ích của ta trong APEC với lợi ích trong các tổ chức và diễn đàn khu vực và quốc tế khác mà ta tham gia.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ và hiệu quả hoạt động đa phương với song phương, tận dụng sự hợp tác đa phương trong APEC để thúc đẩy quan hệ song phương của Việt Nam với các nền kinh tế trong và ngoài APEC; đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác song phương với các thành viên để củng cố, nâng cao hiệu quả hợp tác đa phương trong APEC.

Năm là, cần có sự chỉ đạo tập trung và thống nhất của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa các bộ, ngành để bảo đảm sự tham gia hiệu quả và nhất quán của ta trong các hoạt động của APEC; đồng thời tăng cường đầu tư thích đáng về nguồn lực và nhân lực để phát huy hiệu quả hợp tác trong APEC.

Với chủ đề "Một cam kết mới đối với sự phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương", Tuần lễ cấp cao của năm APEC 2008 tại Pê-ru đã bắt đầu, chuẩn bị hoàn tất một năm APEC sôi động. Ngày 22 và 23-11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ cùng các nhà lãnh đạo APEC thảo luận và đưa ra các biện pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy hiệu quả hợp tác trong APEC hiện nay và trong thời gian tới. Chúng ta cùng trông đợi kết quả tốt đẹp của năm APEC 2008 và những năm tiếp theo. Với kinh nghiệm mười năm tham gia APEC, chúng ta có đủ tự tin và quyết tâm, sát cánh cùng các nền kinh tế thành viên xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương thành một "Cộng đồng năng động vì phát triển bền vững và thịnh vượng" như chủ đề của năm APEC 2006 tại Việt Nam, góp phần củng cố môi trường khu vực và quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta.
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất