Thứ Năm, 19/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Bảy, 24/4/2010 8:58'(GMT+7)

Việt Nam sau 35 năm hoàn toàn độc lập, thống nhất

Sau 35 năm giải phòng, diện mạo TP Hồ Chí Minh đã thực sự đổi thay, luôn đi đầu cả nước về phát triển kinh tế. Ảnh tư liệu

Sau 35 năm giải phòng, diện mạo TP Hồ Chí Minh đã thực sự đổi thay, luôn đi đầu cả nước về phát triển kinh tế. Ảnh tư liệu

Sau ngày đất nước thống nhất, Đại hội IV của Đảng (12-1976) đề ra đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối kinh tế, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cùng với những thuận lợi của thời kỳ mới, cách mạng Việt Nam khi đó gặp phải những khó khăn thách thức nặng nề. Hậu quả của ba mươi năm chiến tranh. Phải tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chống sự bao vây, cô lập, cấm vận và các hoạt động xâm nhập, phá hoại từ bên ngoài. Phải trấn áp các lực lượng thù địch hoạt động ở trong nước, đặc biệt là cuộc đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO ở Tây Nguyên. Từ những khó khăn khách quan và khuyết điểm chủ quan duy trì quá lâu cơ chế quản lý tập trung quan liêu, hành chính, bao cấp, nóng vội và kém hiệu quả trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, nhận thức không đúng những quy luật và đặc trưng của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và nhiều yếu tố khác đã dẫn tới Việt Nam lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội từ năm 1979. Sản xuất kém phát triển, lưu thông phân phối rối ren, giá cả, lạm phát tăng, đời sống nhân dân khó khăn.

Trong hoàn cảnh như thế, đổi mới tư duy lý luận và cơ chế, chính sách, nhất là tư duy, chính sách kinh tế trở thành yêu cầu khách quan, bức thiết của cuộc sống. Đổi mới là quá trình suy nghĩ nghiêm túc từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội nhiều năm trước đó, để nhận thức rõ hơn, đúng đắn hơn về chủ nghĩa xã hội với tư cách là học thuyết khoa học (chủ nghĩa xã hội khoa học) và với tư cách là chế độ xã hội hiện thực; nhận thức rõ hơn những quy luật, nhất là những quy luật kinh tế, xã hội của các bước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đổi mới nhằm đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội và đổi mới vì lợi ích và cuộc sống của nhân dân, đổi mới cũng chính là sự nghiệp của chính nhân dân, bắt nguồn từ lợi ích và sáng kiến của nhân dân.

Cùng với đổi mới tư duy lý luận, Đại hội VI của Đảng đề ra những nội dung cơ bản và toàn diện trong đường lối đổi mới. Đổi mới cơ cấu kinh tế, thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nhiều thành phần kinh tế, các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật. Đổi mới cơ chế quản lý, xoá bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, hành chính, bao cấp, đổi mới kế hoạch hoá, kết hợp kế hoạch với thị trường, từng bước đưa nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đổi mới vai trò quản lý điều hành của Nhà nước, hoàn thiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội và giao quyền tự chủ sản xuất kinh doanh cho các đơn vị kinh tế, chú trọng bảo đảm lợi ích của Nhà nước, lợi ích của đơn vị kinh tế và lợi ích của người lao động. Đổi mới chính sách đối ngoại, mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, thu hút vốn đầu tư của nước ngoài. Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng dựa trên nâng cao nhận thức lý luận, nắm vững và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan, khắc phục bệnh chủ quan duy ý chí hoặc bảo thủ, trì trệ; nhận thức đúng đắn hoàn cảnh, đặc điểm thực tiễn của đất nước; đổi mới phong cách lãnh đạo, phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa đất nước phát triển vững chắc, đúng định hướng và thu được những thành tựu ngày càng to lớn. Quá trình lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng không ngừng cụ thể hoá, bổ sung, phát triển đường lối, chính sách. Tại Đại hội VII của Đảng (6-1991) Đảng đã công bố Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Có thể thấy rõ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam đã được thực hiện theo đường lối, Cương lĩnh đúng đắn của Đảng. Vượt qua những khó khăn, thách thức, kể cả vượt lên những khuyết điểm của chính mình, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam suốt 35 năm qua đã tự khẳng định mình và cũng chứng minh rằng, Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam không chỉ ngoan cường, thông minh, sáng tạo trong tiến hành chiến tranh, giải phóng, giữ nước để làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc mà còn thành công vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Trong công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước coi nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm. Thành tựu nổi bật là phát triển kinh tế. Đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Đạt được sự tăng trưởng GDP vững chắc: 1986-1990 tăng trưởng bình quân là 3,9%; 1991-1995: 8,2%; 996-2000: 7%; 2001-2005: 7,5% và 2006-2010 trong hoàn cảnh suy thoái, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn ước đạt bình quân 6,75% (năm 2006 GDP tăng trưởng 8,23%, năm 2007 8,48%, năm 2008 6,23%, năm 2009 5,23% và năm 2010 dự báo có thể đạt 5,5%). Đã phát triển quy mô lớn một số ngành kinh tế hàng đầu: Dầu khí, dệt may, thuỷ hải sản, lương thực, cây công nghiệp (cao su, cà phê...)... Giải quyết vững chắc vấn đề lương thực trong nước, xuất khẩu lương thực thứ hai thế giới. Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá được đẩy mạnh, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Phát triển các khu công nghiệp và các vùng kinh tế trọng điểm. Phát triển có hiệu quả các thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (tư bản tư nhân và cá thể), kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài. Xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với thể chế từng bước được hoàn chỉnh với các hình thức sở hữu: sở hữu nhà nước (toàn dân), sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân, với các loại thị trường: thị trường hàng hoá dịch vụ, thị trường tài chính tiền tệ, thị trường sức lao động, thị trường bất động sản và thị trường khoa học, công nghệ.

Cần nhấn mạnh thành công về kinh tế là đã tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các diễn đàn kinh tế Á, Âu (ACEM), châu Á - Thái Bình Dương (APEC), trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ 1-2007. Với tiềm lực và năng lực, Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng tài chính, tiền tệ của khu vực (1997-2000), vượt qua khủng hoảng suy thoái kinh tế toàn cầu từ cuối 2007 đến 2009, kiềm chế lạm phát có hiệu quả, ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững tăng trưởng kinh tế năm 2009: 5,23% lạm phát năm 2009 ở mức 6,88%. Đặc biệt năm 2009 đạt mức xuất khẩu 6 triệu tấn gạo.

Thành quả tăng trưởng, phát triển kinh tế đã đưa Việt Nam ra khỏi nước nghèo và kém phát triển với thu nhập tính theo đầu người năm 2009 đạt trên 1000 USD (trên 20 triệu đồng tiền Việt Nam một người một năm). Việt Nam được công nhận là nước có thu nhập trung bình. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể. Điều kiện ăn, ở, đi lại, chữa bệnh, học hành có sự phát triển tích cực. Đã thực hiện tốt hơn các chính sách xã hội nhất là về lao động, việc làm, chính sách ưu đãi xã hội với các lão thành cách mạng, người có công với nước, thương binh, gia đình liệt sĩ. Chăm sóc đời sống vật chất cho người già, những nạn nhân của chiến tranh. Chú trọng bảo đảm cung cấp dịch vụ công cộng thiết yếu, bình đẳng cho người dân về giáo dục và đào tạo, tạo việc làm, chăm sóc sức khoẻ, văn hoá - thông tin, thể dục thể thao. Thực hiện thành công nhiều vấn đề trong 8 mục tiêu thiên niên kỷ mà Liên hợp quốc đề ra năm 2000, trong đó có xoá bỏ tình trạng đói nghèo cùng cực và phổ cập tiểu học cho người dân. Việt Nam có trên 90% người dân biết chữ cũng trên 90% số người trong độ tuổi đi học được tới trường và đã đạt phổ cập tiểu học. Quy mô giáo dục và đào tạo ngày càng mở rộng. Việt Nam đã giảm tỷ lệ đói nghèo từ 58% (1993) xuống còn 12,3% (2009) thông qua nhiều chính sách và biện pháp tích cực của Chính phủ và người dân, nhất là việc thực hiện Chương trình 135 từ 1998 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa, Chương trình 134 từ năm 2004 về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất canh tác và nước sạch cho các hộ đặc biệt nghèo, xoá tình trạng nhà ở dột nát, thực hiện Chương trình 30A của Chính phủ (2008) về hỗ trợ, xoá nghèo bền vững cho 62 huyện nghèo nhất.

Thực hiện quan điểm của Đảng đã được đề ra tại các Đại hội Đảng toàn quốc và nhiều Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và thực hiện có kết quả hệ thống an sinh xã hội. Phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và nhiều loại hình bảo hiểm khác. Thực hiện chính sách cứu trợ xã hội kịp thời và có hiệu quả. Chú trọng tạo việc làm, xuất khẩu lao động, hướng tới xuất khẩu lao động có trình độ cao. Nâng cao chất lượng cuộc sống và chất lượng con người có được những thành công đáng kể, tuổi thọ người Việt Nam năm 2009 đã đạt 72,8 tuổi.

Dù phải trải qua nhiều thách thức nặng nề, chiến tranh biên giới ác liệt, sự chống phá của các thế lực thù địch, và sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô, suốt 35 năm qua, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định chính trị và vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc. Làm thất bại mọi âm mưu, kế hoạch và hành động bạo loạn lật đổ của các tổ chức và lực lượng phản động, các âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, vấn đề dân chủ và nhân quyền để chống lại Tổ quốc và nhân dân, giữ vững an ninh quốc gia và cuộc sống bình yên của nhân dân. Đã xây dựng và thực hiện tốt chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh. Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân (quân đội, công an) cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Để bảo đảm ổn định chính trị cần có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và tạo nên sự đồng thuận của xã hội. Đảng không ngừng tự đổi mới và chỉnh đốn để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Coi trọng xây dựng Nhà nước theo hướng Nhà nước, pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Vì vậy, đã chú trọng hoàn thiện bộ máy Nhà nước (cả cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp); đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức nhà nước; hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước, hệ thống pháp luật chính sách; đã đổi mới hoạt động và làm rõ chức năng của Quốc hội, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Trong điều kiện chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường, ngay từ 1986 Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh vai trò quản lý điều hành của Nhà nước. Cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu từ 2007 đã cho thấy vai trò cực kỳ quan trọng của sự quản lý, can thiệp của Nhà nước. Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò đó và đã hạn chế được ảnh hưởng xấu của khủng hoảng kinh tế thế giới, giữ vững sự ổn định, cân đối vĩ mô của nền kinh tế đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển.

Với bản lĩnh và đạo lý truyền thống, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn luôn nêu cao tư tưởng hoà bình, hữu nghị. Sau ngày toàn thắng, tháng 9-1977 nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc. Tháng giêng năm 1979 quân và dân Việt Nam không chỉ bảo vệ Tổ quốc mình mà còn thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, cứu dân tộc Campuchia khỏi hoạ diệt chủng của chế độ Pôn Pốt tàn bạo và sau đó quân đội Việt Nam theo yêu cầu của bạn đã ở lại bảo vệ đất nước và nhân dân Campuchia đến năm 1989. Các nhà lãnh đạo Vương quốc Campuchia hiện nay đều khẳng định: không có Việt Nam thì không có đất nước Campuchia như ngày nay. Lịch sử loài người không có nhiều tình bạn và nghĩa cử cao cả như thế.

Trong công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhất quán đường lối, đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế và các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng thế giới. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao đầy đủ với tất cả các nước lớn, với hầu hết các nước là thành viên Liên hợp quốc. Tham gia và tích cực hoạt động, đóng góp vào sự phát triển của các tổ chức và diễn đàn quốc tế và khu vực. Đã ký kết Hiệp định biên giới với các nước láng giềng: Trung Quốc, Lào, Campuchia và không ngừng củng cố tình hữu nghị, hoà bình, hợp tác và cùng phát triển với các nước đó. Sau khi bình thường hoá quan hệ 1995, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Việt Nam trở thành uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009; đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tháng 7-2008 và tháng 10-2009. Năm 2010 Việt Nam là Chủ tịch Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và tổ chức hội nghị cấp cao ASEAN. Năm 2010 kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc, Nga và nhiều nước khác và đã diễn ra những hoạt động để củng cố tình hữu nghị truyền thống. Những thành công trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tạo môi trường hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển và thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế.

Sự phát triển của đất nước Việt Nam 35 năm qua, đặc biệt trong 25 năm đổi mới đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao và quan tâm, cổ vũ. Thành công của công cuộc đổi mới là một trong những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong suốt 80 năm dân tộc Việt Nam có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Sự lãnh đạo của Đảng trong 35 năm qua thể hiện nổi bật ở sự hoạch định đường lối, cương lĩnh chính trị đúng đắn, ở năng lực và phương thức tổ chức thực tiễn, ở bản lĩnh chính trị vững vàng và ở tinh thần hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đường lối đổi mới và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là sản phẩm của tư duy lý luận đúng đắn, ở sự nhận thức, vận dụng đúng đắn quy luật khách quan, ở quá trình tổng kết thực tiễn. Lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước và chính từ thực tiễn khắc nghiệt, phong phú 35 năm qua đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Ở mỗi thời kỳ và thời điểm có tính bước ngoặt của lịch sử đều có bài học về thời cơ và thách thức. Cuối năm 1974 khi thế và lực của cách mạng lớn mạnh hơn kẻ địch, Bộ Chính trị đã đi đến quyết định giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975, 1976. Bộ Chính trị cho rằng, nếu để chậm hơn, địch củng cố lực lượng, sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam sẽ rất khó khăn. Sau chiến thắng Phước Long (1-1975) thế và lực của cách mạng càng mạnh hơn và không có khả năng Mỹ quay lại, Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975. Với chiến thắng lớn ở Tây Nguyên, Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam trước mùa mưa. Ngày 7-4-1975 Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng Sài gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam". Với tinh thần và ý chí của đại thắng mùa xuân 1975, hiện nay Đảng, Nhà nước và toàn dân Việt Nam nỗ lực hết sức tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, khắc phục những yếu kém để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Cơ hội cho sự phát triển đất nước hiện nay là Việt Nam đã vượt ra khỏi tình trạng kém phát triển, là nước có thu nhập trung bình, có vốn tài nguyên đáng kể; có nền nông nghiệp phát triển làm nền tảng vững chắc; lực lượng lao động dồi dào, tình hình chính trị, xã hội ổn định; môi trường và thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện; quy mô đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng; thị trường trong nước và thị trường thế giới được mở rộng sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước đúng đắn tranh thủ được sự ủng hộ của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, khu vực. Với cơ hội như thế, phát huy tối đa nội lực, với trí tuệ cao và tinh thần tự lực, tự cường hoàn toàn có thể đẩy nhanh sự tăng trưởng kinh tế, tăng nhanh quy mô và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, sớm xây dựng Việt Nam thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại./.

PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất