Nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy Việt Nam ở vị
trí 76 trên tổng số 108 quốc gia về tỷ lệ phụ nữ tham gia quản lý đạt
23%. Nghiên cứu cũng cho thấy mối quan hệ tích cực giữa vai trò lãnh đạo
của phụ nữ với hiệu quả kinh doanh và kêu gọi tăng tỷ lệ phụ nữ đảm
nhận các vị trí lãnh đạo cao nhất (hiện chỉ ở mức 5% trên thế giới).
Đây là thông tin được đưa ra trong báo cáo nghiên cứu “Phụ nữ trong kinh doanh và quản lý” do ILO vừa công bố ngày 13/1.
Ngày càng có nhiều nữ lãnh đạo doanh nghiệp
Theo kết quả của báo cáo, mặc dù phụ nữ vẫn chiếm số ít trong số các vị
trí lãnh đạo cao nhất nhưng số phụ nữ đảm nhận các vị trí quản lý cấp
cao và trung bình đã tăng lên trong khoảng 20 năm trở lại. Tỷ lệ nữ giới
trong tất cả các vị trí quản lý tính theo quốc gia thấp nhất ở mức 2,1%
tại Yemen và cao nhất ở mức 59,3% tại Jamaica (trong tổng số 108
nước).
Philippines xếp hạng cao nhất ở châu Á và đứng thứ 4 toàn cầu (47,6%),
theo sau là Mông Cổ với 41,9% và đứng ở vị trí thứ 17 trên thế giới.
Việt Nam đứng thứ 76 với 23% phụ nữ đảm nhiệm vai trò quản lý tại các
doanh nghiệp.
Tỷ lệ nữ giới giữ vị trí quản lý tăng lên trong những năm qua tại phần
lớn các quốc gia ILO có số liệu, và Việt Nam cũng ghi nhận sự cải thiện
dù không đáng kể. Theo Điều tra Lao động và Việc làm, tỷ lệ phụ nữ ở vị
trí “lãnh đạo, quản lý và quản trị” tăng 0,5% đến mức 24,4% năm 2013 so
với năm 2012 và tăng 0,6% từ năm 2011 đến năm 2012.
Bà Deborah France-Massin, Giám đốc Văn phòng Hoạt động Giới chủ của ILO
cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc phụ nữ tham gia ngày
càng nhiều vào thị trường lao động chính là động lực lớn nhất đối với sự
phát triển và gia tăng năng lực cạnh tranh của toàn cầu. Rất nhiều
nghiên cứu cũng cho thấy mối quan hệ tích cực giữa việc phụ nữ tham gia
vào các nhóm ra quyết định cao nhất với hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên,
vẫn còn một chặng đường dài phía trước để chúng ta có thể đạt được sự
bình đẳng giới thật sự tại nơi làm việc, đặc biệt là ở các vị trí quản
lý cấp cao nhất.”
Báo cáo của ILO cho thấy chỉ khoảng dưới 5% các Giám đốc điều hành (CEO)
của các công ty lớn trên thế giới là phụ nữ. Công ty càng lớn, càng ít
khả năng người đứng đầu là phụ nữ.
Với trường hợp của Việt Nam, dữ liệu của Dự án CEO nữ toàn cầu thuộc một
tổ chức có trụ sở tại Pháp (Intelligence Financial Research and
Consulting) cho thấy chỉ 7% các CEO của tổng số hơn 600 công ty được
khảo sát là phụ nữ và 14% thành viên hội đồng quản trị là nữ giới.
Bà France-Massin phân tích: “Việc nữ giới đảm nhận vai trò quản lý cao
cấp trong các lĩnh vực chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với
việc xây dựng một nhóm các ứng cử viên tiềm năng cho các vị trí cao
nhất như CEO hoặc chủ tịch. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại ‘những bức tường
kính’ giới hạn phụ nữ chỉ ở một số các vị trí quản lý nhất định như nhân
sự, truyền thông và hành chính.”
Quản lý nữ có lợi cho doanh nghiệp
Ngày nay, phụ nữ sở hữu và quản lý hơn 30% tổng số các doanh nghiệp toàn
cầu nhưng phần lớn lại là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, riêng ở
Việt Nam, Điều tra Lao động và Việc làm 2013 cho thấy 29,5% chủ lao động
là nữ giới. Báo cáo cho thấy việc có thêm nhiều phụ nữ tạo lập và phát
triển doanh nghiệp không chỉ quan trọng đối với bình đẳng giới mà còn có
ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển của quốc gia.
Các tác giả của nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng phụ nữ và trẻ em gái nhận
được khoảng một nửa nguồn lực của giáo dục trên thế giới, do vậy họ
cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể trong số các nhân tài. Việt Nam cũng không
phải là ngoại lệ. Số liệu từ UNESCO cho thấy số lượng nữ giới học từ đại
học trở lên luôn cao hơn nam giới trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm
2011.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng có những bằng chứng cho thấy lợi ích của doanh
nghiệp trong việc sử dụng các nhân tài là nữ giới, bao gồm việc thích
ứng với một thị trường tiêu dùng ngày càng ảnh hưởng nhiều bởi phụ nữ.
Do phụ nữ thường xuyên kiểm soát ngân sách hộ gia đình, đưa ra các quyết
định tài chính và sức mua của họ đang tăng lên, họ là những khách hàng
và người tiêu dùng quan trọng đối với các sản phẩm và dịch vụ. Vì vậy,
việc đưa ra các quyết định tại các doanh nghiệp cần có sự tham gia của
cả phụ nữ và nam giới.
Giám đốc ILO tại Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki cho rằng: “Hỗ trợ phụ nữ
để thăng tiến trong sự nghiệp không chỉ là câu chuyện bình đẳng giới mà
còn có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp. Thúc đẩy sự đa dạng
trong quản lý bằng việc có thêm nữ giới đảm nhận các vị trí cao nhất là
chìa khóa để tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và nhờ vậy,
nắm bắt được các lợi ích về kinh tế và xã hội khi đất nước đang hội nhập
sâu rộng hơn.”/.
Hồng Kiều (Vietnam+)