Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 4/1/2011 16:41'(GMT+7)

Công bố bộ sách: Phong trào công nhân quốc tế - Những vấn đề lịch sử và lý luận gồm 8 tập

Thực hiện sự chỉ đạo của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, từ năm 2002, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã triển khai thẩm định, dịch, biên tập, xuất bản bộ sách Phong trào công nhân nhân quốc tế – Những vấn đề lịch sử và lý luận gồm 8 tập, nguyên bản tiếng Nga, do Nhà xuất bản Tư tưởng, Mátxcơva trước đây xuất bản trong những năm 70 – 80 thế kỷ XX.. Các thành viên của Hội đồng biên tập và tập thể tác giả của bộ sách này phần lớn là viện sĩ, phó tiến sĩ khoa học lịch sử của Liên Xô trước đây.

Bộ sách là sự tổng kết lịch sử phong trào công nhân và phong trào cộng sản quốc tế một cách đầy đủ nhất, chi tiết nhất, cho đến nay vẫn còn có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do vậy, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia quyết định xuất bản trọn bộ sách ra tiếng Việt, gồm 8 tập.

Đầu tiên, Hội đồng xuất bản của bộ sách gồm các đồng chí:

1. Nguyễn Khoa Điềm – Chủ tịch Hội đồng

2. Hồng Vinh – Uỷ viên Hội đồng

3. Lê Hữu Nghĩa – Uỷ viên Hội đồng

4. Đỗ Nguyên Phương – Uỷ viên Hội đồng

5. Trịnh Thúc Huỳnh – Uỷ viên Hội đồng

Sau đó, để phù hợp với tình hình mới, Hội đồng các tập VI, VII, VIII có thay đổi, gồm các đồng chí:

1. Tô Huy Rứa – Chủ tịch Hội đồng

2. Lê Hữu Nghĩa – Uỷ viên Hội đồng

3. Nguyễn Duy Hùng – Uỷ viên Hội đồng

4. Nguyễn Hồng Vinh – Uỷ viên Hội đồng

5. Lê Minh Nghĩa – Uỷ viên Hội đồng

6. Nguyễn Viết Thảo – Uỷ viên Hội đồng

Đội ngũ dịch giả, hiệu đính của bộ sách là những chuyên gia hàng đầu về tiếng Nga, am hiểu về lịch sử phong trào công nhân và phong trào cộng sản quốc tế như: GS, TS. Nguyễn Tấn Việt, Lê Xuân Tiềm, Đào Tấn Anh, Trịnh Trang, v.v..

I. NỘI DUNG BỘ SÁCH

Phong trào công nhân quốc tế là một phong trào chính trị - xã hội rộng rãi nhất trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột của nhân loại tiến bộ.

Trong các công trình nghiên cứu về phong trào công nhân quốc tế, bộ sách Phong trào công nhân quốc tế - Những vấn đề lịch sử và lý luận, gồm 8 tập, của các nhà nghiên cứu lịch sử Xôviết đã được coi là bộ sách trình bày khái quát lịch sử phong trào công nhân quốc tế đầy đủ nhất cho đến nay.

Tập I của bộ sách Phong trào công nhân quốc tế - Những vấn đề lịch sử và lý luận đề cập về sự ra đời và sự hình thành của giai cấp công nhân, về những bước đi đầu tiên của phong trào công nhân trên con đường trở thành một lực lượng xã hội độc lập.

Tập II của bộ sách trình bày những điều kiện lịch sử của quá trình trưởng thành của giai cấp công nhân và phong trào công nhân trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản chuyển sang chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn từ năm 1871 đến năm 1904.

Tập III của bộ sách nghiên cứu sự phát triển của phong trào công nhân quốc tế ở thời kỳ trước Cách mạng Tháng Mười 1917. Việc nghiên cứu được tiến hành trên bình diện vấn đề lịch sử góp phần phát hiện kinh nghiệm tích cực cũng như tiêu cực, những nét chung và đặc trưng trong cuộc đấu tranh của đội quân lao động toàn thế giới ở các khu vực và các nước. Đồng thời trong tập này cũng đã phân tích hoạt động lý luận và thực tiễn của V.I.Lênin, của những người bônsêvích và những lực lượng cách mạng khác trong phong trào công nhân quốc tế, trong cuộc đấu tranh của họ chống bọn cơ hội chủ nghĩa. Đặc biệt, còn nêu bật tiến trình và ý nghĩa của hai cuộc cách mạng Nga 1905-1907 và cuộc Cách mạng tháng Hai 1917 – đã mở đường cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười năm 1917.

Tập IV đề cập thời kỳ diễn ra những sự kiện mang tầm thời đại. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã dẫn đến việc thiết lập chế độ xã hội mới ở nước Nga Xôviết – chế độ xã hội chủ nghĩa. Ý nghĩa vĩ đại của Cách mạng tháng Mười Nga và vai trò của V.I.Lênin đã làm chuyển biến phương hướng và tính chất của cách mạng trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Nội dung của tập IV còn đề cập nhiều diễn biến của phong trào công nhân và tình hình nội bộ các Đảng ở một loạt các nước xung quanh vấn đề gia nhập Quốc tế III. Đặc biệt, còn đưa ra nhiều những luận điểm của V.I.Lênin về chính sách kinh tế mới, về xây dựng đất nước trong điều kiện hoà bình…,

Tập V của bộ sách đề cập thời kỳ sau Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga vĩ đại. Ở thời kỳ này, đồng thời với việc giai cấp công nhân Nga dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ thiết lập và củng cố chuyên chính vô sản, phong trào cộng sản và công nhân thế giới lại đứng trước nguy cơ đe doạ của chủ nghĩa phát xít và chiến tranh thế giới. Nội dung tập này còn đề cập cao trào giải phóng dân tộc ở một loạt thuộc nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh; đề cập tình hình trong trào công nhân quốc tế trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây cũng là thời kỳ giai cấp vô sản Nga phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong phong trào cách mạng của giai cấp công nhân thế giới.

Tập VI của bộ sách nhiều tập này tập trung nghiên cứu sự phát triển của phong trào công nhân quốc tế ở thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến những năm đầu của thập kỷ 70 thế kỷ XX. Đây là thời kỳ phong trào công nhân ở các nước phát triển không ngừng và tăng cường sự ảnh hưởng của nó đối với tiến trình phát triển của lịch sử, tuy rằng phong trào cũng có lúc lâm vào tình trạng khó khăn và diễn biến vô cùng phức tạp.

Sự phát triển của cách mạng khoa học - kỹ thuật trong giai đoạn này là thời kỳ rực rỡ, và nó đã làm tiền đề cho các mâu thuẫn chính trị và kinh tế - xã hội giữa giai cấp tư sản và nhân dân lao động ngày càng tăng lên. Trong hoàn cảnh chung toàn thế giới, phong trào công nhân từ thế phòng ngự chuyển sang thế tiến công. Tập này phân tích rất kỹ và chi tiết điều kiện phát triển cũng như quá trình đấu tranh của phong trào công nhân của một số nước, nhất là các nước tư bản phát triển. Thành quả của quá trình đấu tranh này là phong trào công nhân đã trở thành một lực lượng chính trị mạnh mẽ, hệ thống các nước xã hội đã trở nên hùng hậu về chính trị - xã hội.

Tập VII đã bao quát toàn diện cuộc cải biến mang tính cách mạng trên toàn bộ các lĩnh vực: chính trị, xã hội, kinh tế, tư tưởng, đối nội, đối ngoại của giai cấp công nhân và phong trào công nhân ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh trong suốt giai đoạn sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến đầu thập kỷ 1980. Đồng thời, tập này đã vạch ra xu hướng phát triển mới của các nước này là đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, trong đó có Việt Nam, Cu Ba… là những tiêu điểm của cuộc đọ sức giữa hai hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa từ những năm 1954 – 1975. Đây là một bằng chứng rõ rệt về sức mạnh của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Tập VIII ­– tập cuối cùng của bộ sách, là tập nói về các lực lượng cách mạng của thời đại ngày nay. Nội dung tập VIII liên quan đến một số vấn đề đã được phân tích ở tập VI và tập VII, đó là lịch sử thời hậu chiến của giai cấp công nhân và của phong trào công nhân tại các nước tư bản chủ nghĩa có nền công nghiệp phát triển; phong trào công nhân thuộc khu vực phong trào giải phóng dân tộc. Tập này cũng dành sự chú ý đến vấn đề củng cố lực lượng chủ yếu của phong trào cách mạng quốc tế - các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới; vấn đề sự phát triển của phong trào cộng sản ở khu vực thế giới phi xã hội chủ nghĩa; được trình bày một cách khái quát những quy luật và những xu hướng tiêu biểu có tính đến những điều kiện khu vực và dân tộc đặc trưng cho toàn bộ phong trào.

II. Ý NGHĨA CỦA BỘ SÁCH

Bộ sách được biên soạn và xuất bản cách đây gần 30 năm (1985), một số luận điểm, nhận định đến nay tỏ ra không còn phù hợp vì thực tiễn lịch sử đã phát triển phong phú và phức tạp, song xét về ý nghĩa khoa học, tính chuyên sâu, uyên bác, phương pháp nghiên cứu khoa học, tính lịch sử của các sự kiện, tính lôgíc của các vấn đề được trình bày một cách khoa học, đúng đắn trong bộ sách đã làm nên giá trị lịch sử, khoa học lâu bền của nó. Đối với cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, vấn đề giai cấp lãnh đạo và Đảng cầm quyền đang được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Giai cấp công nhân Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo cách mạng là tư tưởng xuyên suốt của Đảng ta từ khi thành lập đến nay. Điều 4 Hiến pháp 1992 ghi rõ: "Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội". Những bài học và kinh nghiệm được nêu trong bộ sách này rất cần thiết và bổ ích đối với chúng ta trong việc kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, trong nghiên cứu và tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Đồng thời giúp chúng ta những bài học, kinh nghiệm quý báu trong quá trình chống chủ nghĩa cơ hội, ngăn ngừa nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa.

Sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân, như Mác - Ăngghen đã chỉ ra, là "người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản và xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa". Muốn lãnh đạo xã hội, Đảng, đội tiên phong của giai cấp công nhân, phải nâng cao bản lĩnh chính trị và tầm trí tuệ của mình, đó là đòi hỏi cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng và sống còn đối với việc duy trì và phát triển sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, của dân tộc ta.

Nhận thức đầy đủ về lịch sử phong trào công nhân và phong trào cộng sản quốc tế sẽ góp phần làm giàu trí tuệ, kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng cộng sản trong cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc và nhân loại.

III. QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN BỘ SÁCH

Tập I, II (xuất bản năm 2004), tập III (xuất bản năm 2009) của bộ sách được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản trên cơ sở bản dịch tiếng Việt do Nhà xuất bản Tiến bộ, Mátxcơva và Nhà xuất bản Sự thật hợp tác xuất bản các năm 1985, 1986 tại Mátxcơva.

5 tập còn lại (IV, V, VI, Nhà xuất bản đã tổ chức dịch, hiệu đính, tra cứu, biên tập, xuất bản tử năm 2002 đến nay mới hoàn thành.

2 tập (VII, VIII) hiện đang trong quá trình in, chỉ khoảng hơn một tuần nữa sẽ ra mắt bạn đọc.

Bộ sách Phong trào công nhân quốc tế - Những vấn đề lịch sử và lý luận được thực hiện trong nhiều năm, nên cũng không tránh khỏi những khó khăn trong quá trình dịch, biên tập:

Quá trình dịch:

- Những cộng tác viên thạo tiếng Nga, có trình độ lý luận, chính trị thường cao tuổi, sức khoẻ yếu, có người dịch được một thời gian lại phải dừng, hoặc vì lý do khác.

- Bộ sách được biên soạn từ khi Liên Xô còn tồn tại, đến nay có nhiều sự kiện, vấn đề có những biến chuyển khác, làm cho quá trình dịch gặp không ít khó khăn về thuật ngữ, cách thể hiện câu chữ.

- Do quá trình cộng tác viên dịch và hiệu đính, một số bỏ dở hoặc vì sức khoẻ không cho phép tiếp tục công việc, nên tốc độ dịch và biên soạn chậm lại một thời gian.

Quá trình biên tập:

- Bản thảo nguyên bản là tiếng Nga, bên cạnh đó có nhiều tư liệu chú thích bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, nên trong quá trình biên tập, biên tập viên vừa phải đảm bảo nội dung, vừa đảm bảo dịch nghĩa các chú thích với các thứ ngữ khác nhau.

- Biên tập viên phải thống nhất một cách khoa học, hệ thống tên các tổ chức, địa danh, tên người. Cuối mỗi cuốn sách có bản chỉ dẫn tên người được sắp xếp các mục từ theo vần chữ cái tiếng Việt, được tra cứu, điền số trang cho khớp với phần nội dung.

- Những câu và đoạn trích từ các tác phẩm của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin được đối chiếu theo chính văn của các bộ C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, V.I.Lênin Toàn tập mới nhất do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản.

- Đặc biệt, ngoài đảm bảo về hình thức, do thời điểm lịch sử, có những đoạn các nhà nghiên cứu Liên Xô đưa ra những quan điểm gay gắt lên án một số đảng cộng sản hoặc đảng công nhân thuộc một số nước, nên Ban biên tập đề xuất với Hội đồng xuất bản lược bớt hoặc cắt bỏ cho phù hợp với tình hình hiện nay, ví dụ như những vấn đề liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (thời kỳ “cách mạng văn hoá”, “đại nhảy vọt”) , Nhật Bản, Inđônêxia, v.v., trong tập VI, VIII của bộ sách.

Đối với cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, vấn đề giai cấp lãnh đạo - Đảng cầm quyền đang được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Giai cấp công nhân Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo cách mạng là tư tưởng xuyên suốt của Đảng ta từ khi thành lập đến nay. Điều 4 Hiến pháp 1992 ghi rõ: "Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội". Những bài học và kinh nghiệm được nêu trong bộ sách này rất cần thiết và bổ ích đối với chúng ta trong việc kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, trong nghiên cứu và tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Đồng thời giúp chúng ta những bài học, kinh nghiệm quý báu trong quá trình chống chủ nghĩa cơ hội, ngăn ngừa nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa.Nhận thức đầy đủ về lịch sử phong trào công nhân và phong trào cộng sản quốc tế sẽ góp phần làm giàu trí tuệ, kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng cộng sản trong cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc và nhân loại.

Bộ sách Phong trào công nhân quốc tế - Những vấn đề lịch sử và lý luận được dịch, biên tập và xuất bản lần này là một cố gắng của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, của đội ngũ dịch giả, biên tập nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tìm hiểu một cách hệ thống cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và phong trào cộng sản quốc tế.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tiếp cận với ấn phẩm có giá trị trên, trong bổi lễ công bố ngày hôm nay, 4/1/2011, Nhà xuất bản cũng trân trọng đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và Hà Nội đưa tin về Lễ công bố và giới thiệu Bộ sách Phong trào công nhân quốc tế - Những vấn đề lịch sử và lý luận tới đông đảo độc giả cả nước.

Bài và ảnh: Ban Mai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất