Khu vực biên giới nước ta gồm 1.029 xã, phường thuộc 216 huyện, thị, 44 tỉnh, thành phố. Những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới. Tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội và đời sống của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới đã được cải thiện và nâng lên. Nhưng so với các vùng khác thì khu vực biên giới vẫn còn chậm phát triển, khó khăn, bất cập. Hệ thống chính trị cơ sở nhiều nơi yếu kém, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. Năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, quản lý điều hành của chính quyền, trình độ học vấn của cán bộ chủ trì chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác tạo nguồn, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, phát triển đảng viên chưa được chú trọng. Theo thống kê, hiện nay ở khu vực biên giới nước ta còn 120 thôn, bản chưa có đảng viên, 677 thôn, bản có đảng viên nhưng chưa đủ điều kiện để thành lập chi bộ.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) trải qua hơn 50 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành luôn nhận thức sâu sắc vấn đề có tính nguyên tắc là: Muốn quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia thì phải chăm lo xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt. Trong đó, vấn đề cơ bản và quan trọng là phải xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở các xã phường biên giới, hải đảo vững mạnh, lấy xây dựng tổ chức đảng làm then chốt. Xuất phát từ yêu cầu trên, ngay từ khi lực lượng mới được thành lập, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố và các đơn vị đóng quân trên khu vực biên giới tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, trọng tâm là xây dựng, củng cố tổ chức đảng ở các xã, phường biên giới, hải đảo góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, giữ vững ổn định ở khu vực biên giới.
Để góp phần tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở địa bàn biên giới có hiệu quả, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo củng cố kiện toàn tổ chức, biên chế và nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác vận động quần chúng, tiến hành đổi mới, đa dạng hoá hình thức, triển khai nhiều nội dung, biện pháp thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình từng địa bàn nhằm củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tổ chức đảng ở các xã, phường biên giới, hải đảo trong sạch vững mạnh.
Từ tháng 10-1998, Đảng ủy BĐBP đã thống nhất với một số tỉnh, thành ủy chủ trương tăng cường cho mỗi xã đặc biệt khó khăn một cán bộ BĐBP để tham gia giúp địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh. Đến nay đã có 27 tỉnh, thành phố triển khai việc tăng cường cán bộ BĐBP cho các xã, phường biên giới, hải đảo. Hiện có 370 cán bộ tăng cường cho các xã biên giới, 218 cán bộ tham gia cấp ủy địa phương (cán bộ đồn biên phòng 17 đồng chí, cán bộ tăng cường xã, thị trấn 201 đồng chí. Trong đó: 13 đồng chí giữ chức bí thư đảng ủy, 157 đồng chí giữ chức phó bí thư đảng ủy, 1 đồng chí là ủy viên ban thường vụ đảng ủy, 34 đồng chí là đảng ủy viên, 7 đồng chí giữ chức bí thư chi bộ, 6 đồng chí giữ chức phó bí thư chi bộ). Nhìn chung, số cán bộ tăng cường, nhất là các đồng chí giữ chức danh trong cấp ủy, chính quyền địa phương đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, nắm chắc tình hình, tích cực tham mưu cho cấp ủy củng cố, xây dựng tổ chức đảng, tập trung vào xây dựng quy chế làm việc của đảng ủy, trực tiếp trao đổi, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, từng bước đưa chế độ sinh hoạt cấp ủy vào nền nếp, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng và khả năng quản lý, điều hành của cán bộ chủ trì ở địa phương.
Trên cơ sở tình hình, đặc điểm địa bàn phụ trách, các đồn biên phòng đã tích cực, chủ động làm tham mưu, giúp địa phương từng bước kiện toàn, xây dựng cấp ủy, chi bộ. Đối với những thôn, bản, xóm chưa có đảng viên hay còn thiếu đảng viên để thành lập chi bộ, các đồn biên phòng đã giới thiệu đảng viên về sinh hoạt và tham mưu giúp địa phương có kế hoạch tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên, chú trọng những đoàn viên thanh niên, hội viên hội phụ nữ tích cực, thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Kết quả, đã kết nạp được 2.641 đảng viên, thành lập 270 chi, đảng bộ, củng cố được 734 chi, đảng bộ, “xóa” trắng đảng viên ở 60 thôn bản chưa có đảng viên. Từ đó, vai trò lãnh đạo của nhiều tổ chức đảng được nâng lên rõ rệt, từ yếu kém vươn lên khá và trong sạch, vững mạnh.
Trong thời gian tới, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ. Khu vực biên giới là địa bàn trọng điểm, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo và chủ quyền lãnh thổ để chống phá, kích động gây rối, gây bạn loạn, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc và tình hữu nghị với các nước láng giềng. Hoạt động tội phạm sẽ diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia liên quan đến chính trị, hình sự, vận chuyển ma tuý, buôn bán người qua biên giới, cướp trên biển… Đây là những nhân tố hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới quốc gia. Để phát huy vai trò của BĐBP trong tham gia xây dựng, củng cố tổ chức đảng ở các xã, phường biên giới, hải đảo cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương về công tác dân vận. Phải nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tổ chức đảng trong hệ thống chính trị ở cơ sở và sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân các xã, phường biên giới, hải đảo trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Nâng cao ý thức, trách nhiệm các cấp ủy, người chỉ huy, nhất là số cán bộ trực tiếp tiến hành công tác vận động quần chúng và cán bộ tăng cường trong tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở nói chung, tổ chức đảng nói riêng ở các xã, phường biên giới, hải đảo. Đây là một chủ trương đúng đắn, vừa có tính cấp thiết, vừa có tính lâu dài xây dựng nền biên phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
2. Thường xuyên chăm lo bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng, cán bộ tăng cường kiến thức kinh tế, xã hội, văn hoá, công tác quản lý hành chính nhà nước, nghiệp vụ công tác xây dựng đảng… Đối với các đồn biên phòng cần nắm chắc tình hình địa bàn, thực trạng số lượng, chất lượng đảng viên, hiệu quả lãnh đạo của từng tổ chức đảng ở từng địa phương để lựa chọn, bố trí cán bộ làm công tác địa bàn. Cán bộ tăng cường phải là những đồng chí có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy, nhiệt tình, tích cực, tâm huyết với công việc, có trình độ, khả năng thuyết phục, am hiểu phong tục tập quán địa phương. Cấp ủy, chỉ huy đồn biên phòng phải xem xét, đánh giá khách quan phẩm chất, năng lực, điều kiện công tác, sinh hoạt của đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng, cán bộ tăng cường, đảng viên chuyển sinh hoạt về thôn, bản, vùng giáo để có những chủ trương, biện pháp phù hợp nâng cao hiệu quả tham gia xây dựng, củng cố tổ chức đảng, hệ thống chính trị cơ sở ở các xã, phường biên giới, hải đảo.
3. Tiếp tục duy trì có hiệu quả quy chế phối hợp giữa Đảng ủy BĐBP với các tỉnh, thành ủy; quy chế phối hợp giữa UBKT Đảng ủy BĐBP với UBKT các tỉnh, thành ủy; quy chế phối hợp giữa Đảng ủy BĐBP các tỉnh, thành phố với các huyện biên giới; quy chế phối hợp giữa đồn biên phòng với cấp ủy, chính quyền địa phương để thống nhất, phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo, trao đổi để kịp thời bổ sung, giải quyết những vấn đề vướng mắc nảy sinh và tiến hành sơ, tổng kết, phổ biến, nhân rộng những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong nhiệm vụ tham gia xây dựng, củng cố tổ chức đảng ở các xã, phường biên giới, hải đảo. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất với cấp trên về cơ chế, chế độ, chính sách đối với số đảng viên tham gia sinh hoạt cùng chi bộ thôn, bản, vùng giáo, số cán bộ tăng cường cho các xã biên giới để anh em yên tâm công tác, thực sự gắn bó với địa bàn, đồng bào các dân tộc trên biên giới.
4. Làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người đứng đầu cấp ủy địa phương về tầm quan trọng của công tác tổ chức xây dựng đảng. Các đồn biên phòng, cán bộ tăng cường phải chủ động, tích cực tham mưu, giúp địa phương tuyển chọn, quy hoạch, sắp xếp, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ xã, thôn, bản; bồi dưỡng, trang bị kiến thức lý luận cho đảng viên, nhất là đảng viên giữ cương vị chủ chốt. Chú trọng việc xây dựng, củng cố các chi bộ xóm, thôn, bản; tranh thủ sự ủng hộ của lực lượng già làng, trưởng bản, người có uy tín; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các lực lượng để xây dựng, củng cố tổ chức đảng, hệ thống chính trị cơ sở. Kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện lệch lạc, trái với đường lối, quan điểm, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch ở biên giới.
Bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia phải dựa vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể, nhân dân địa phương và lực lượng nòng cốt, chuyên trách trên khu vực biên giới. Cùng với việc tham gia các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói, giảm nghèo, xoá nạn mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, chương trình dân - quân y kết hợp, bảo vệ rừng… BĐBP đã và đang tích cực tham gia xây dựng, củng cố tổ chức đảng ở các xã, phường biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn, yếu kém. Đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài của BĐBP trong xây dựng biên giới lòng dân thực sự vững mạnh để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia./.
Trung tướng Võ Trọng Việt
Chính uỷ Bộ đội Biên phòng
(Nguồn: Tạp chí XDĐ)