Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 23/5/2012 22:37'(GMT+7)

Hiệu quả hoạt động công tác khoa giáo ở Ea Kar

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Huyện Ea Kar thuộc phía Đông của tỉnh Đắk Lắk, diện tích tự nhiên là 103.747 ha, dân số 34.456 hộ, với 150.238 nhân khẩu; gồm 14 xã, 02 thị trấn, 188 thôn, 32 buôn, 18 tổ dân phố; có 21 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số có 42.484 người, chiếm 29,6%; có 04 tôn giáo chính: Thiên chúa giáo, Phật giáo, Đạo Tin lành, Đạo Cao đài với 13.890 tín đồ. Cơ cấu kinh tế của huyện là nông, lâm, công nghiệp, dịch vụ nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ yếu. Đời sống của một bộ phận đồng bào còn khó khăn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện chiếm 20,34% theo tiêu chí mới.

Để thực hiện nhiệm vụ chính trị về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ổn định chính trị trên địa bàn huyện, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, huyện Ea Kar đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, công tác khoa giáo được đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ huyện qua từng nhiệm kỳ và cụ thể hóa theo Nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực khoa giáo.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện đã đề ra các chủ trương, biện pháp, giải pháp cụ thể phân công cán bộ phụ trách công tác khoa giáo. Bộ phận khoa giáo trong Ban Tuyên giáo Huyện ủy, do đồng chí Phó ban được phân công theo dõi lĩnh vực khoa giáo của huyện, vừa tham mưu cho cấp ủy kiểm tra, vừa đôn đốc việc thực hiện và thực hiện đều đặn có hiệu quả cơ chế giao ban định kỳ 3 tháng một lần giữa Ban Tuyên giáo với các ngành trong khối khoa giáo. Quy chế và mối quan hệ làm việc giữa Ban Tuyên giáo với các ngành trong lĩnh vực khoa giáo, các địa phương được thực hiện tốt. Đã có sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên giữa các ngành trong lĩnh vực khoa giáo của huyện. Nhờ vậy, công tác khoa giáo trong nhiều năm qua của huyện đều đạt được những thành tích đáng khích lệ, nhiều năm được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk tặng giấy khen, bằng khen là đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực khoa giáo của Tỉnh.

- Về Giáo dục - Đào tạo, chất lượng giáo dục đã có nhiều chuyển biến, khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng sâu, vùng xa với thị trấn được thu hẹp. Tính đến năm học 2011 - 2012, toàn huyện có 80 trường, trong đó có: 18 trường mầm non, 37 trường tiểu học, 18 trưởng THCS, 4 trường THPT, 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, 01 Trường Dân tộc nội trú và 01 Trường dạy nghề. Trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp, tỉnh và huyện luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục, đồng thời đã đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác giáo dục, huy động các nguồn lực từ phía xã hội để tập trung xây dựng trường lớp. Đến nay, đã phổ cập xong giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và hoàn thành phổ cập THCS và đang thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi theo đúng độ tuổi. Toàn huyện hiện có 26 trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1 từ mầm non đến THCS. Trong đó, có 02 trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2. Có 15/16 xã, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng; công tác khuyến học, khuyến tài cũng được nhân rộng. Số trẻ vào lớp 1 đạt 99,4%, số lượng học sinh ở các cấp đều tăng về số lượng cũng như chất lượng, số học sinh bỏ học giảm so với trước. Việc bồi dưỡng học sinh giỏi được tất cả các cấp từ tỉnh đến huyện, đến cơ sở quan tâm, có sự đầu tư về mọi mặt. Chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ ngày càng được nâng cao theo hướng chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, số giáo viên đạt chuẩn từ mầm non đến THCS đạt chuẩn 100%, trên chuẩn đạt 50%. Đi đôi với nâng cao chất lượng giáo dục, huyện đã đầu tư xây dựng trường lớp tương đối khang trang kể cả các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, chăm lo việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với giáo viên theo quy định chung của Nhà nước. Sự nghiệp giáo dục của huyện trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhằm nâng cao dân trí, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

- Về công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đã thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy Đắk Lắk về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 11-CT/TU của Tỉnh ủy về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, huyện đã có chương trình, kế hoạch để thực hiện. Bộ phận khoa giáo trong Ban Tuyên giáo huyện đã tham mưu giúp Huyện ủy tiếp tục thực hiện cùng với ngành y tế, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, phối hợp thực hiện các chương trình y tế quốc gia, mạng lưới y tế từ huyện đến các xã, thị trấn được củng cố, đến nay đã có 16/16 xã, thị trấn đều có bác sỹ, 100% xã, thị trấn có cán bộ y tế hoạt động, 16/16 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, các chương trình y tế quốc gia như chương trình phòng chống lao, phòng chống HIV/AIDS được triển khai đồng bộ, phát triển y học cổ truyền, bảo hiểm, y tế, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm được đảm bảo. Cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc phục vụ cho khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được đầu tư tương đối đầy đủ.

- Về công tác - dân số - gia đình - trẻ em, thực hiện tốt Nghị quyết 47-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh ủy Đắk Lắk tiếp tục thực hiện chính sách dân số - KHHGD và thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Huyện đã xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện, trong nhiều năm đã đạt được kết quả về dân số, gia đình, trẻ em và xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong công tác gia đình đến nay toàn huyện có 27.560 gia đình đạt gia đình văn hóa và xây dựng thôn, buôn, tổ dân phố, xây dựng các mô hình điển hình, tiêu biểu, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Kịp thời biểu dương những gia đình vượt khó vươn lên, gia đình có kinh tế giỏi, gia đình hiếu học đồng thời xây dựng nhiều mô hình về phòng chống bạo lực trong gia đình. Công tác Dân số - KHHGĐ đã trở thành phong trào quần chúng, các chỉ tiêu đề ra đạt và vượt, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên trong toàn huyện hàng năm đều giảm. Về hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên từ huyện đến cơ sở đi vào nề nếp hoạt động có hiệu quả. 16/16 xã, thị trấn đã có Ban Dân số kế hoạch hóa gia đình. Công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em được triển khai đồng bộ, đưa vào nội dung hoạt động của các tổ tự quản ở từng cụm dân cư, thôn, buôn, tổ dân phố với sự tham gia tích cực của cộng đồng. Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em 1 tuổi đạt tỷ lệ cao, có 120 trẻ em được phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng, 3.500 trẻ em nghèo được đến trường học tập. Mỗi năm vào dịp nghỉ hè từ huyện đến xã, thị trấn đều tổ chức họp mặt trẻ em nghèo vượt khó, học giỏi.

- Về phong trào thể dục, thể thao, huyện đã tổng kết Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) thực hiện về phát triển thể dục, thể thao. Phong trào có bước phát triển mới, được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia, nhất lừ trong các trường học, thanh niên, thiếu niên. Những bộ môn thể thao truyền thống được khôi phục cùng với phong trào thể dục thể thao quần chúng đã từng bước được hình thành và ngày càng phát triển ở địa phương.

- Về công tác khoa học, công nghệ, môi trường, các hoạt động về khoa học, công nghệ, môi trường trong huyện đã có bước phát triển, việc ứng dụng các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống đã mang lại hiệu quả thiết thực, được nhân dân hưởng ứng, đặc biệt là từng bước cải tiến phương thức sản xuất khoa học mới, nhiều loại giống mới, kỹ thuật mới đã được tập huấn chuyển giao đến tận người sản xuất. Nhờ vậy, năng xuất chất lượng, hiệu quả của sản xuất, kinh doanh được nâng lên rõ rệt, các cơ sở chế biến những mặt hàng nông sản bằng công nghệ mới đang được xây dựng. Trong đó, có một số cơ sở đã bước đầu đi vào hoạt động có hiệu quả. Dựa vào thành tựu khoa học, công nghệ mới, công nghệ hạ tầng của huyện như đường giao thông, trường học, trạm xá, bưu điện, viễn thông... đang được từng bước kiên cố và hoàn thiện dần, môi trường sinh thái được chăm lo, bảo vệ tốt hơn. Việc thông tin, phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ cho nhân dân được thường xuyên trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.

Công tác khoa giáo trong những năm qua ở huyện Ea Kar - tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những kết quả và có sự chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng, bồi dưỡng con người, nâng cao dân trí, thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định chính trị xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, hoạt động trong lĩnh vực khoa giáo của huyện trong thời gian vừa qua, cũng còn có những hạn chế. Đó là:

- Việc cụ thể hóa các Chỉ thị, Nghị quyết, chủ trương của Đảng còn lúng túng, sự phối hợp hoạt động giữa các ngành, đoàn thể còn hạn chế, thiếu đồng bộ, nhịp nhàng.

- Công tác quản lý, điều hành của chính quyền ở một số nơi còn kém hiệu quả, lãnh đạo, chỉ đạo chưa sát với thực tiễn ở từng ngành trong lĩnh vực khoa giáo. Quy mô, số lượng và chất lượng trong lĩnh vực khoa giáo còn thấp so với yêu cầu hiện nay. Cơ sở vật chất, phương tiện còn thiếu chưa đáp ứng được để phục vụ công tác chuyên môn của từng lĩnh vực.

- Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị của một số cán bộ trong lĩnh vực khoa giáo của huyện còn hạn chế, chưa được đào tạo cơ bản.

- Đội ngũ thầy giáo, thầy thuốc, cán bộ khoa học và công nghệ, cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn của các ngành khoa giáo còn thiếu, nhất là còn thiếu cán bộ giỏi có trình độ, có kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực khoa giáo. Việc nâng cao y đức trong đội ngũ thầy thuốc, đề cao lương tâm và trách nhiệm của người thầy giáo, cán bộ khoa học công nghệ đang là những yêu cầu cấp bách trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực khoa giáo của địa phương hiện nay.

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực khoa giáo trong những năm qua và năm 2012, từng bước khắc phục những hạn chế, trong thời gian tới công tác khoa giáo của huyện sẽ tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

Một là: Tổ chức tốt việc quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; triển khai cho cán bộ, đảng viên các ngành trong khối khoa giáo của huyện học tập các chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2012 về "Suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị".

Hai là: Phối hợp với các ngành trong khối khoa giáo xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về tiếp tục đổi mới các lĩnh vực công tác khoa giáo, đảm bảo phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ba là: Đổi mới triển khai sơ kết, tổng kết các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về lĩnh vực khoa giáo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Tăng cường hơn nữa công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình, mô hình tiên tiến về các lĩnh vực khoa giáo. Đặc biệt là mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, giúp cho đồng bào các dân tộc trong huyện thoát đói nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bốn là: Thực hiện tốt quy chế và mối quan hệ làm việc giữa ban Tuyên giáo Huyện ủy với các ngành khoa giáo và địa phương, duy trì công tác giao ban khoa giáo theo định kỳ đầy đủ và chất lượng.

Năm là: Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở đối với lĩnh vực khoa giáo, xây dựng đội ngũ làm công tác khoa giáo phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, công tác quản lý, nhiệt tình, trách nhiệm và có kinh  nghiệm trong thực tiễn, tiếp tục thực hiện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa giáo ngày càng hiệu quả và thiết thực hơn.

Hiệu quả trong hoạt động công tác khoa giáo ở huyện Ea Kar trong những năm qua đã đạt được là do các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác khoa giáo. Ban Tuyên giáo Huyện ủy biết chọn những vấn đề then chốt của từng ngành để đề xuất, tham mưu cho cấp ủy, đồng thời phối hợp có hiệu quả với các ngành trong khối khoa giáo, cấp ủy, chính quyền, địa phương để tạo sức mạnh tổng hợp; đã thực hiện tốt phương châm hướng về cơ sở và kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Công tác khoa giáo trong những năm qua đã tích cực góp phần làm nên những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của huyện, góp phần quan trọng vào thành tựu về công tác xây dựng Đảng của địa phương hiện nay./.

Th.S Vũ Thị Hoài Nghiêm
Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Ea Kar - Đắk Lắk

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất