Thứ Bảy, 21/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 3/10/2013 22:52'(GMT+7)

Vĩnh Phúc: 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW (khoá X) ở Bình Xuyên

Giao lưu Văn nghệ của CNLĐ trên địa bàn huyện Bình Xuyên chào mừng Đại hội XI Công đoàn Việt Nam và Kỷ niệm 15 năm tái lập huyện(1/9/1998- 1/9/2013. (Ảnh: Thanh Tùng).

Giao lưu Văn nghệ của CNLĐ trên địa bàn huyện Bình Xuyên chào mừng Đại hội XI Công đoàn Việt Nam và Kỷ niệm 15 năm tái lập huyện(1/9/1998- 1/9/2013. (Ảnh: Thanh Tùng).

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/1/2008 về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại đất nước". Đây không chỉ là chủ trương quan trọng của Đảng đối với sự phát triển của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam, mà còn khẳng định, củng cố bản chất giai cấp, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.

Với vị trí địa lý có nhiều thuận tiện cho giao lưu hàng hóa và phát triển dịch vụ, huyện Bình Xuyên được xác định là địa bàn trọng điểm phát triển khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc, đây là một trong những nguyên nhân để tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện trong những năm qua luôn đạt mức cao và ổn định. Bên cạnh vị thế là một địa bàn tập trung nhiều nhà máy vệ tinh của các công ty liên doanh nước ngoài như Honda, Toyota..., đặc biệt là Khu Công nghiệp Bình Xuyên, huyện Bình Xuyên còn có rất nhiều lợi thế để phát triển đô thị gắn với các khu công nghiệp. Những yếu tố trên tạo ra nhiều thuận lợi và kết quả tích cực cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Bình Xuyên, đặc biệt là giải quyết việc làm cho một số lượng lớn con em trong huyện...

Tuy nhiên, là địa bàn tập trung đông nhất lực lượng công nhân lao động trẻ đến từ các địa phương trong tỉnh và nhiều tỉnh phía Bắc, vấn đề được đặt ra đối với cấp uỷ, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và huyện Bình Xuyên nói riêng là làm thế nào để giải quyết được bài toán nâng cao chất lượng công nhân lao động, đặc biệt là là những vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại đất nước.  

Quán triệt chủ trương, kế hoạch của Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, ngay sau khi có Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/1/2008 của Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại đất nước", Huyện ủy Bình Xuyên đã ban hành chương trình hành động và các văn bản triển khai, thực hiện Nghị quyết. Tổ chức Hội nghị quán triệt, nghiên cứu học tập Nghị quyết đến đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện. Đồng thời chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công nhân lao động (CNLĐ) và hoạt động của tổ chức Công đoàn; chỉ đạo Liên đoàn Lao động huyện xây dựng chương trình phối hợp với các phòng, ban, ngành đoàn thể huyện trong việc tổ chức các lớp học tập Nghị quyết cho cán bộ, đoàn viên Công đoàn; tuyên truyền sâu rộng quan điểm chỉ đạo của Đảng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam; phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động thông qua nhiều hình thức.

Qua 5 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, trên địa bàn huyện Bình Xuyên đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công nhân viên chức, người lao động, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

Công tác bồi dưỡng, giáo dục nâng cao ý thức giác ngộ giai cấp, trình độ chính trị, tinh thần dân tộc cho đội ngũ công nhân được xác định là một nhiệm vụ chiến lược, có tính lâu dài; thường xuyên tuyên truyền phổ biến, quán triệt kịp thời những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của huyện gắn với việc phát động các phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với công nhân, viên chức, lao động.

Huyện cũng đã chỉ đạo các cấp Công đoàn, Đoàn Thanh niên thường xuyên làm tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho công nhân lao động (CNLĐ), thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức các hoạt động về nguồn; văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao; phát động và triển khai có chất lượng định kỳ hàng năm “Tháng công nhân” với sự tham gia của hàng ngàn CNLĐ; tổ chức chiếu phim phục vụ cho CNLĐ tại Khu Công nghiệp Bình Xuyên; tổ chức cho CNLĐ tham gia có chất lượng cuộc thi viết tìm hiểu về “Công đoàn Việt Nam 80 năm-một chặng đường lịch sử”; phát động sâu rộng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong đội ngũ CNLĐ...

Huyện ủy cũng thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cơ quan thông tin, tuyên truyền trong huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lao động. Tổ chức Công đoàn đã cấp phát số lượng lớn tài liệu liên quan đến những vấn đề được CNLĐ quan tâm, như tờ rơi “Thông tin về chính sách bảo hiểm thất nghiệp”; sách hỏi-đáp về tranh chấp lao động và đình công; hỏi-đáp về bảo hiểm thất nghiệp; sổ tay hướng dẫn giải quyết tranh chấp lao động; tài liệu “Một số giải pháp phòng ngừa đình công tại các doanh nghiệp tại Việt Nam”; sổ tay công tác nữ công cho các công đoàn cơ sở...  Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền miệng về các vấn đề liên quan đến pháp luật lao động cũng đã được các đơn vị chức năng và tổ chức Công đoàn huyện triển khai tích cực tới CNLĐ trên địa bàn, thông qua các dịp mít tinh, kỷ niệm hoặc tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến thông tin.

Công tác đào tạo nghề, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn cho đội ngũ công nhân lao động được Huyện ủy đặc biệt quan tâm chỉ đạo, trong đó tập trung đến công tác giáo dục văn hóa, đào tạo nghề cho người lao động. Kết quả 5 năm qua toàn huyện đã đào tạo nghề cho 22.500 người có trình độ từ Trung cấp đến Cao đẳng nghề.


Công nhân làm việc trong Nhà máy Toyota trên địa bàn Bình Xuyên - Vĩnh Phúc. 

Việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và giải quyết những vấn đề bức xúc của CNLĐ cũng đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể quan tâm thực hiện, đặc biệt là tổ chức các lớp tập huấn triển khai các nghị định của Chính phủ về tiền lương tối thiểu; Luật Công đoàn; Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp tới các doanh nghiệp trên địa bàn. Hướng dẫn, đốn đốc các doanh nghiệp thực hiện các quy định Luật Lao động về xây dựng thang bảng lương, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể và mức tiền ăn giữa ca. Việc quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân lao động được thực hiện tốt trong những năm qua, tính từ năm 2008 đến nay Huyện ủy đã chỉ đạo Liên đoàn Lao động huyện giải quyết được 20 cuộc đình công tự phát và ngừng việc tập thể của công nhân lao động trên địa bàn; tiến hành 29 cuộc kiểm tra tại các công ty, doanh nghiệp, phối hợp giải quyết hiệu quả 23 đơn thư kiến nghị, bảo vệ quyền lợi cho 228 lượt công nhân viên chức lao động; chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức tốt Đại hội công nhân, viên chức, Hội nghị người lao động hàng năm...

Công tác phát triển đoàn viên Công đoàn, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng luôn được các cấp Công đoàn quan tâm, thực hiện có chất lượng. Trong 5 năm, Liên đoàn Lao động huyện đã thành lập mới 12 Công đoàn cơ sở, nâng tổng số Công đoàn cơ sở trên địa bàn lên 72 đơn vị, kết nạp mới 1.629 đoàn viên; tỷ lệ Công đoàn vững mạnh từ 70% năm 2008 tăng lên 87% năm 2012; hàng năm có từ 65-70% tập thể, 75-80% cá nhân đạt danh hiệu lao động giỏi các cấp.

Trong công tác xây dựng Đảng, Huyện uỷ đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành phối hợp với Công đoàn tăng cường củng cố tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp. Đồng thời vận động thuyết phục chủ doanh nghiệp ủng hộ thành lập tổ chức cơ sở Đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp. Từ năm 2008 đến nay các chi, đảng bộ doanh nghiệp đã kết nạp 165 công nhân ưu tú đứng trong hàng ngũ của Đảng. Bên cạnh đó, các cấp uỷ và chính quyền cũng chú trọng đến việc chỉ đạo, định hướng công tác tham gia quản lý, xây dựng chính sách pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ trong các doanh nghiệp. Việc tổ chức hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến tham gia từ CNLĐ, góp ý sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật đã thực sự phát huy tốt vai trò giám sát, kiểm tra thực hiện chính sách pháp luật đối với người lao động, đoàn viên công đoàn.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW trên địa bàn huyện cũng còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục như: Việc triển khai, quán triệt Nghị quyết của một số cấp ủy Đảng còn chưa thường xuyên. Vấn đề việc làm, tiền lương, thu nhập, đời sống của CNLĐ còn gặp nhiều khó khăn; các thiết chế văn hóa cho công nhân chưa được đầu tư thỏa đáng; tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp chưa giảm; ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp chưa cao, nhiều doanh nghiệp còn vi phạm trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với CNLĐ. Công tác tham mưu của tổ chức Công đoàn về chế độ, chính sách có liên quan trực tiếp đến CNLĐ còn yếu...

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW trên địa bàn huyện đạt được kết quả cao hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Xuyên xác định tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trong tâm sau:

Một là, tiếp tục triển khai, quán triệt Nghị quyết số 20-NQ/TW và chương trình hành động của Ban Thường vụ Huyện ủy một cách sâu rộng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong cán bộ, đảng viên, CNLĐ và nhân dân trong huyện về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc cho đội ngũ công nhân theo các quan điểm của Đảng nêu trong Nghị quyết.

Hai là, tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 6/6/2008 của Ban Bí thư và Thông tri 30-TT/TU ngày 2/12/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, gắn với thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25/2/2008 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Ba là, chỉ đạo các ngành liên quan kiên quyết xử lý các doanh nghiệp vi phạm về Luật lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH; về ký kết hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng bậc, nâng lương; chế độ đối với lao động nữ, ngành nghề độc hại.

Bốn là, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, đặc biệt là công nhân trẻ, để từng bước đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và có khả năng làm chủ khoa học công nghệ mới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Năm là, chỉ đạo công đoàn các cấp tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn cơ sở, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Phát huy vai trò người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho CNLĐ. Đồng thời rà soát, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các chính sách, pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân./.

ThS. Nguyễn Thanh Tùng
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bình Xuyên
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất