Thứ Bảy, 21/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Chủ Nhật, 29/9/2013 8:51'(GMT+7)

Lồng ghép các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới ở Tây Giang

Lưới điện ở xã miền núi A Nông (huyện Tây Giang - Quảng Nam) được cải thiện sau xây dựng NTM. Ảnh Nhị Triều

Lưới điện ở xã miền núi A Nông (huyện Tây Giang - Quảng Nam) được cải thiện sau xây dựng NTM. Ảnh Nhị Triều

Sau 10 năm tái lập huyện Tây Giang, hiện nay toàn huyện có 10 xã, 70 thôn với diện tích tự nhiên là 90.297 ha dân số hơn 17.000 người. Trong những năm qua được sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư của Trung ương, của tỉnh; sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện uỷ, HĐND và UBND huyện, sự đồng thuận của các đảng bộ xã và các đơn vị đóng trên địa bàn huyện, bước đầu tình hình kinh tế, văn hoá - xã hội của huyện được cải thiện và phát triển ổn định.                                                                         ...

Tuy nhiên, do điểm xuất phát thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (58,25% - năm 2012), sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, ruộng đồng còn manh mún, nhiều ô thửa nhỏ lẻ, năng suất và chất lượng thấp, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn gặp khó khăn cả về nhận thức và năng lực.

Xuất phát từ thực tế đó, trong những năm qua, UBND huyện đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm từng bước nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi. Đặc biệt, từ khi có chủ trương thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), UBND huyện đã tập trung lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, cùng với các xã huy động nội lực của địa phương, đảm bảo hài hòa với các nhiệm vụ khác, đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng trên tất cả các lĩnh vực: nông nghiệp, nông thôn. Sau 3 năm (2011- 2013), toàn huyện đã đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ.

- Về xây dựng kết cấu hạ tầng, đã kiên cố hóa 7,2 km kênh mương chính với kinh phí hơn 6,6 tỷ đồng. Các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu đã được cải tạo, nâng cấp  gồm 15 công trình với kinh phí 8,2 tỷ đồng; 46 công trình đã được quy hoạch cần cải tạo nâng cấp. Trong năm 2013 có 5 công trình được quy hoạch cải tạo, nâng cấp với 4,1 tỷ đồng. Triển khai xây dựng 2 công trình thủy lợi tại khu sản xuất La’a, xã Avương và khu Brêêng, xã Anông, đảm bảo nước tưới cho 11 ha lúa nước 2 vụ với kinh phí 4.281 triệu đồng.

- Về giao thông nông thôn đã đầu tư xây dựng 20 công trình tại các xã, đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận lợi, nhất là trong mùa mưa. Trong đó, đã bê tông hóa trên 80% đường giao thông nông thôn tại các xã Lăng, Avương, Anông, Bhalêê và Atiêng.

- Về hệ thống điện, được tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn đầu tư 17 công trình hạ thế và kéo điện đến các thôn chưa có điện tại các xã: Lăng, Atiêng, Bhalêê và Avương. Hiện nay có 04 xã có hệ thống điện nông thôn đạt chuẩn và 60% tỷ lệ hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn.

- Về hạ tầng giáo dục đã đầu tư nâng cấp 14 công trình trường học đảm bảo cho việc dạy và học của con em tại địa phương; đầu tư xây dựnẹ xong 1 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia tại xã Lăng; đồng thời, từng bước đầu tư, nâng cấp các trường đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM.

- Về cấp thoát nước sinh hoạt đã đầu tư và nâng cấp 23 công trình nước sinh hoạt cho nhân dân tại các khu tái định cư. Qua đó, trên 95% dân số được sử dụng nước sạch tự chảy.

- Trụ sở xã: Đầu tư xây dựng 3 công trình trụ sở UBND xã đảm bảo theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM.

- Các công trình khác: tăng cường sự đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân, UBND huyện đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng 21 công trình tái định cư và khai hoang đồng ruộng cho nhân dân. Đến nay, đã bố trí sắp xếp dân cư được 54 khu tái định cư của cả 70 thôn và khai hoang 22 ha ruộng lúa nước tăng thêm diện tích đất sản xuất cho nhân dân trên địa bàn huyện.

Chủ trương huy động tối đa các nguồn lực là yêu cầu cấp thiết có tính quyết định tới sự thành công của Chương trình. Qua đó, khắc phục những khó khăn do nguồn vốn ít ỏi được phân bổ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (năm 2011-2013 là: 6.896 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 5.385 triệu đồng; ngân sách tỉnh 1.511 triệu đồng), đồng thời tăng cường tính tự giác, tự chủ của người dân, không trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, của tỉnh và huyện.

Tuy nhiên, do đặc thù là một huyện miền núi, cơ sở hạ tầng còn thiếu, đời sống vật chất của nhân dân gặp nhiều khó khăn, nên việc huy động nguồn lực, nhất là tài chính của người dân là điều hết sức khó khăn. Xác định rõ điều đó, huyện đã chủ trương đề cao việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án mục tiêu khác đang triển khai trên địa bàn, để thực hiện mục tiêu xây dựng NTM. Bao gồm:

- Chương trình 30a vê giảm nghèo nhanh và bền vững: 109.444 triệu đồng

- Chương trình xâỵ dựng cơ bản tập trung : 51.355 triệu đồng.

- Chương trình quốc gia giảm nghèo: 20.000 triệu đồng

- Chương trình Định canh - Định cư theo QĐ 33: 2.190 triệu đồng

- Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn: 3.340 triệu đồng

- Chương trình 160 đôi với xã biên giới: 12.000 triệu đồng.

- Chương trình đối với huyện giáp Tây Nguyên: 17.500 triệu đồng

- Chương trình 135/CP: 13.500 triệu đồng.

- Chương trình quốc gia NS&VSMT: 500 triệu đông.

Sau ba năm tổng kinh phí của các chương trình dự án được huy động tham gia vào chương trình xây dựng NTM là: 229.829 triệu đồng (năm 2011: 74.916 triệu đồng; 2012: 91.191 triệu đồng, 2013: 63.719 triệu đồng).

Ngoài ra, còn có các nguồn vốn khác như:

- Vốn tín dụng, từ các chương trình tín dụng cho vay ưu đãi của Chính phủ (như: cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, sản xuất kinh doanh,...); đến nay, đã giải quyết cho vay được 3.466 hộ vay với tổng dư nợ trên 63 tỷ đồng.

- Nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp cũng được huy động. Trong những năm qua, bằng các chính sách ưu đãi, huyện đã đưa dự án trồng cao su đại điền tại 6 xã trên với diện tích đã trồng 1.523,9 ha. Tổng nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp là trên 95 tỷ đồng, trong đó kinh phí chi trực tiếp cho người lao động là trên 38 tỷ đồng.

- Nguồn vốn huy động nhân dân (hiến đất đai, hoa màu, nhà cửa, vật kiến trúc,....) trong 3 năm trên địa bàn huyện là trên 50 tỷ đồng, trong đó, nhân dân xã Anông đóng góp trên 13 tỷ đồng.

 Với cách làm đó, sau 3 năm, toàn huyện Tây Giang đã đạt chuẩn được nhiều tiêu chí xây dựng NTM. Cụ thể là:

- 2 xã (Anông, Lăng) đạt chuẩn từ 10 - 13 tiêu chí: tăng 1 xã so với 2011;

- 4 xã đạt (Atiêng, Axan, Bhalêê, Avương) đạt chuẩn từ 5 - 8 tiêu chí: tăng 02 xã so với 2011;

- 4 xã (Gari, Ch’ơm, Tr’hy và Dang) đạt chuẩn dưới 05 tiêu chí, giảm 4 xã so với năm 2011.

Với kết quả trên, Nông thôn huyện Tây Giang đã có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân được chuyển biến tích cực về nhiều mặt. Nhiều hộ nông dân bước đầu đã tiếp cận được với máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; từng bước nhận thức đúng về đầu tư thâm canh và chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả. Đời sống văn hoá tinh thần ở khu dân cư từng bước được cải thiện và nâng cao; phong trào xây dựng thôn văn hoá, gia đình văn hoá, gia đình hiếu học, nâng cao hiểu biết pháp luật, thực hiện vệ sinh môi trường, phòng tránh bệnh tật đã được đông đảo quần chúng tham gia, hưởng ứng; công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá luôn được quan tâm, chú trọng, mặc dù vốn đầu tư cho việc này chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Năng lực lãnh đạo của chính quyền các xã chuyển biến tích cực, tạo được niềm tin của người dân vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trong quá trình chỉ đạo, Huyện ủy và Ban Chỉ đạo xây dựng NTM đã rút ra nhưng kinh nghiệm quý báu, đó là:

-   Để triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, vấn đề huy động nguồn lực có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong điều kiện nguồn vốn cho chương trình xây dựng NTM có hạn, khả năng huy động của nhân dân không cao thì việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu khác có ý nghĩa quan trọng. Vấn đề là phải tạo dựng được sự đoàn kết và đồng thuận giữa các cấp, các ngành, chính quyền địa phương; giữa cán bộ và nhân dân, làm cho tất thảy các nguồn vốn đều đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân.

Trong thực tế, mỗi chương trình, dự án đều có cơ chế riêng theo đặc thù của chương trình đó, nhưng lại đều có chung các mục tiêu, đó là: Đầu tư cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất và nâng cao chất lượng đời sống, vật chất của người dân. Do đó, việc lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư các công trình dân sinh đều phù hợp trên cơ sở vận dụng, tuân thủ các cơ chế của Trung ương, của tỉnh đề ra. Do đó, việc tuyên truyền cho các cấp, các ngành và người dân hiểu rõ ý nghĩa của việc lồng ghép là việc làm hết sức quan trọng. Khi dân tin, dân hiểu thì mọi công việc sẽ trở nên thuận lợi.

- Nguồn lực cần huy động để xây dựng NTM rất lớn, cần phải phát huy nội lực, mới đảm bảo tính bền vững. Ở nhiều địa bàn trong huyện Tây giang đã có cách làm hay trong việc huy động sức dân, tăng cường xã hội hóa nguồn lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp đóng góp thiết thực vào chương trình xây dựng NTM. Trong điều kiện tích lũy của người dân nông thôn còn thấp như hiện nay thì việc huy động nguồn lực sẽ bị hạn chế, nên các xã đã tranh thủ sự đóng góp ngày công lao động, hiến đất, hiến ruộng vườn, nguyên vật liệu sẵn có của gia đình, địa phương; vận động các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đóng trên địa bàn và con em thành đạt đang công tác ở xa quê hướng về xây dựng NTM. Việc làm này đã tạo được hiệu quả thiết thực.

- Để đạt được chủ trương lồng ghép các nguồn vốn nói riêng và năng lực tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM nói chung, những yếu tố quan trọng cần được thường xuyên quan tâm của cấp ủy là: tập chung nâng cao chất lượng cán bộ cả về năng lực và phẩm chất đạo đức; tăng cường công tác điều hành, quản lý thu chi nguồn vốn theo kế hoạch ở các cấp, trong đó cấp huyện đóng vai trò chủ đạo, đồng thời định hướng trong việc lồng ghép các chương trình, dự án được đầu tư tại xã, thôn; đề cao chế độ tự quản, nhưng nhất thiết phải có cơ chế kiểm tra, giám sát để quyết định điều chỉnh kịp thời những sai sót khi tham gia quả lý và triển khai thực hiện chương trinh; có chế độ khen thưởng kịp thời cho các tập thể và cá nhân có thành tích; kỷ luật nghiêm khắc đối với những tổ chức, cá nhân có sai phạm gây ảnh hưởng đến chương trình. 
Kết quả tuy chưa cao, trên địa bàn còn nhiều khó khăn, nhưng bước đầu xây dựng NTM đã tạo dựng cho Đảng bộ và nhân dân huyện Tây Giang những tư duy và cung cách làm ăn mới, làm thay đổi nếp nghĩ nếp làm của một huyện miền núi dân tộc vốn còn nghèo nàn đã bứt phá vươn lên, với nhiều chủ trương, chính sách mới đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của người dân.
Phương Vinh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất