Thứ Bảy, 7/12/2024
Vĩnh Phúc
Thứ Bảy, 27/4/2024 10:8'(GMT+7)

Vĩnh Phúc đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Trường tiểu học Hội Hợp B, thành phố Vĩnh Yên tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề văn hóa học đường được nhiều học sinh hưởng ứng tham gia

Trường tiểu học Hội Hợp B, thành phố Vĩnh Yên tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề văn hóa học đường được nhiều học sinh hưởng ứng tham gia

Số gia đình, cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa ngày càng tăng. Năm 2023, số gia đình văn hóa: đạt 93,87%; số thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 97,81%; có 526 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Việc thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa công sở, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được chú trọng. Sau tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức các ngày kỷ niệm, không uống rượu, bia trong ngày làm việc và không hút thuốc lá nơi công sở” (năm 2022); Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Văn bản chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị, UBND tỉnh cụ thể hóa kế hoạch triển khai. Hầu hết các đám cưới trong tỉnh đã được đơn giản hóa về thủ tục, tổ chức trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và điều kiện kinh tế gia đình. Một số địa phương còn lưu giữ được những phong tục, tập quán tốt đẹp như một số gia đình đồng bào dân tộc Sán Dìu, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên để cô dâu, chú rể mặc trang phục dân tộc mình trong ngày cưới, các tiết mục văn nghệ hát Sọong Cô được giữ gìn và biểu diễn trong các ngày vui trọng đại. Các hủ tục lạc hậu trong việc tang cơ bản đã được loại bỏ. Việc quy hoạch, quản lý và nâng cấp chỉnh trang nghĩa trang được nhiều địa phương quan tâm đầu tư, việc chôn cất tại nghĩa trang nhân dân được thực hiện theo quy định của UBND tỉnh. Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết về chính sách hỗ trợ chi phí hỏa táng trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết số 175/2015/NQ-HĐND, ngày 18/7/2015; số 11/2020/NQ-HĐND, ngày 14/12/2020), hình thức hỏa táng ngày càng được nhân dân đồng tình ủng hộ và tự giác thực hiện. Người dân đã cơ bản thay đổi tư duy, thói quen, nhận thức được lợi ích thiết thực của việc chuyển đổi từ hung táng sang hình thức hỏa táng. Tỷ lệ hỏa táng trên địa bàn toàn tỉnh năm 2016 là 31,3%, đến năm 2024 tỷ lệ hỏa táng trên địa bàn tỉnh tăng lên 69, 67%.

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, giữ được văn hóa truyền thống, đáp ứng được nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách thập phương, đồng thời hạn chế được tiêu cực nảy sinh, thực hiện nếp sống văn minh trong thực hành nghi lễ, tín ngưỡng. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Một số lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh hướng dẫn địa phương chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ nhằm đảm bảo văn minh, an toàn. Tiêu biểu là các lễ hội như: Lễ hội Đúc Bụt xã Đồng Tĩnh, Tam Dương; Lễ hội Cướp phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản, Lễ hội Chọi trâu xã Hải Lựu, Sông Lô…

UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 69/2021/QĐ-UBND, ngày 29/12/2021 về phê duyệt Đề án văn hóa công vụ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Qua đó, 100% các cơ quan từ tỉnh đến cơ sở đã ban hành nội quy cơ quan, quy chế văn hóa công sở phù hợp với đặc điểm của địa phương, đơn vị. Các cơ quan đơn vị thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; nội bộ đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ.

Công chức bộ phận

Công chức bộ phận "một cửa" thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc tận tình hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính.

Công tác phát huy truyền thống gia đình trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhân cách con người Việt Nam; công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở tỉnh Vĩnh Phúc cũng được chú trọng.

Với sự triển khai đồng bộ của các sở, ngành, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đến nay công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả. 100% các huyện, thành phố đã xây dựng được Ban chỉ đạo Công tác Gia đình. Hàng năm, các địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình và kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, ngày Gia đình Việt Nam 28/6, ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái 25/11 và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình gắn với nhiều hình thức đa dạng phong phú.

Việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình được chú trọng. Công tác xây dựng gia đình văn hóa được triển khai thực hiện đồng bộ, chất lượng. Nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của gia đình ngày càng được nâng cao. Các mô hình can thiệp phòng chống bạo lực gia đình ở cơ sở đã được hình thành bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực; nhiều mâu thuẫn, bạo lực trong gia đình được kịp thời phát hiện và can thiệp hòa giải thành công; gia đình, cộng đồng làng xóm và khu dân gắn kết, trách nhiệm, tương trợ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, ổn định gia đình. Tình hình bạo lực gia đình ngày càng giảm, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa ngày càng tăng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Toàn tỉnh đã duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động 350 mô hình Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững và Nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình, 876 địa chỉ tin cậy, 450 đường dây nóng nhằm can thiệp hỗ trợ nạn nhân khi bị bạo lực gia đình.

Các hoạt động văn hóa trong tỉnh được tổ chức đã tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, ý thức cố kết cộng đồng của người dân tăng lên, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình được đề cao, thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, qua đó gắn kết xây dựng môi trường văn hóa với phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tỉnh đã ban hành các Nghị quyết để hỗ trợ xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở. Tính đến hết tháng 12/2023, toàn tỉnh có 09 huyện, thành phố, trong đó có 02 huyện được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM (huyện Yên Lạc và Bình Xuyên); 02 thành phố hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên); 09/09 Trung tâm VH-TT huyện, thành phố đảm bảo quy định; 136 xã phường, thị trấn, (trong đó 34 phường, thị trấn và 102/102 xã) được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%; 136/136 Trung tâm Văn hóa-TT xã phường thị trấn đảm bảo quy định; 1.237/1.237 thôn (trong đó có 376/376 tổ dân phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt văn hóa và có 861/861 thôn) có Nhà Văn hóa- Khu thể thao thôn đảm bảo quy định. Các thiết chế văn hóa thể thao cơ bản được đầu tư xây dựng đảm bảo quy định. Triển khai thực hiện Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, năm 2023, Vĩnh Phúc đã khánh thành và đưa vào sử dụng 28 Khu thiết chế văn hóa thể thao Làng Văn hóa kiểu mẫu với các hạng mục công trình đồng bộ. Song song với việc đầu tư xây dựng thiết chế Làng văn hóa kiểu mẫu, HĐND tỉnh ban hành 16 cơ chế, chính sách đặc thù, 14 tiêu chí để triển khai thực hiện tại các Làng Văn hóa kiểu mẫu với mục tiêu xây dựng các Làng văn hóa kiểu mẫu trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc.

Về việc xây dựng chuẩn mực văn hoá ứng xử trong tôn giáo, trong 10 năm qua, công tác quản lý, hướng dẫn các hoạt động tôn giáo được thực hiện thường xuyên. BCĐ công tác tôn giáo tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và giao Ban Tôn giáo tỉnh trực tiếp gặp gỡ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tôn giáo thực hiện các hoạt động tôn giáo gắn bó với cộng đồng, vì mục tiêu nhân đạo, nhân văn, tiến bộ, loại bỏ các yếu tố mê tín, dị đoan, các hủ tục lạc hậu. Kiên quyết loại trừ, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để kích động, xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Phát huy các giá trị, nhân tố tích cực của tôn giáo, tín ngưỡng, duy trì thường xuyên và thực hiện tốt mối quan hệ trong công tác vận động, tranh thủ chức sắc, chức việc và người có uy tín trong các tôn giáo, qua đó phát huy vai trò của người có uy tín, của chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo trong việc tuyên truyền, vận động tín đồ, nhân dân tuân thủ các quy định của pháp luật, tôn trọng thuần phong mỹ tục, thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo vì mục tiêu “sống tốt đời, đẹp đạo”, gắn bó, đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc.

Tuấn Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất