Chủ Nhật, 8/12/2024
Vĩnh Phúc
Thứ Sáu, 1/12/2023 8:49'(GMT+7)

Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng ở trung tâm chính trị cấp huyện

Tỷ lệ học viên xếp loại khá, giỏi tại Trung tâm Chính trị thành phố Phúc Yên đạt hơn 90%.

Tỷ lệ học viên xếp loại khá, giỏi tại Trung tâm Chính trị thành phố Phúc Yên đạt hơn 90%.

Xác định rõ công tác đào tạo, bồi dưỡng vừa là yêu cầu trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài, vì vậy phải được thực hiện thường xuyên, nhất là đối với đội ngũ cán bộ ở cơ sở, những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở luôn được cấp ủy đảng các cấp trong tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, chỉ đạo. Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ  tại Công văn số 984-CV/TU, ngày 8/12/2021 về xây dựng Trung tâm Chính trị cấp huyện đạt chuẩn nhiều Trung tâm đã và đang được quan tâm sửa chữa, nâng cấp các hạng mục đảm bảo theo các tiêu chí chuẩn. Hiện nay có 9/9 Trung tâm Chính trị cấp huyện đã có khuôn viên riêng, trụ sở làm việc độc lập, được đầu tư xây dựng kiên cố cao tầng, tương đối đầy đủ các phòng chức năng như phòng làm việc, phòng giảng viên, phòng họp, hội trường (phòng học)…. Các trang thiết bị như loa, đài, âm ly, máy vi tính, đèn chiếu… được trang bị đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập. Căn cứ kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của cấp ủy cấp huyện, Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố đã chủ động mở lớp được đảm bảo, kịp thời.

Kết quả từ năm 2021- đến tháng 9/2023, các Trung tâm Chính trị cấp huyện đã mở được 631 lớp với 69.779 học viên. Trong đó tập trung bồi dưỡng về lý luận chính trị cho đối tượng đảng và đảng viên mới; chương trình Bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ khối Đảng; cán bộ Chính quyền; khối đoàn thể chính trị - xã hội; chương trình sơ cấp lý luận chính trị; chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu cấp ủy. Hầu hết các lớp có số lượng học viên tham gia cao, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cơ bản đảm bảo yêu cầu. Trung bình tỷ lệ chiêu sinh đạt trên 90% tỷ lệ học viên đạt khá, giỏi trung bình đạt 85%.

Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã bám sát hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương và sự chỉ đạo của cấp ủy địa phương. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập lý luận chính trị được quan tâm. Một số Trung tâm Chính trị đã duy trì thường xuyên việc kết hợp trao đổi, thảo luận, thông tin thời sự; nhiều giảng viên, ngoài việc đảm bảo kiến thức cơ bản đã cập nhật, bổ sung thông tin mới làm phong phú nội dung bài giảng, tăng cường hỏi đáp với học viên, áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực.

Qua đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và nhân dân đã thấm nhuần quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng một cách cơ bản, đầy đủ và có hệ thống hơn. Thực tế đã khẳng định, qua các lớp bồi dưỡng, trình độ, năng lực của cán bộ, đảng viên ở cơ sở được nâng cao; nhiều đồng chí đã vận dụng hiệu quả kiến thức được học vào trong quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao tại địa phương, đơn vị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Trung tâm Chính trị cấp huyện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc chủ yếu là việc kiện toàn tổ chức bộ máy; cơ sở vật chất, diện tích xây dựng các hạng mục công trình, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, sinh hoạt đầu tư ở một số Trung tâm chưa đồng bộ.

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Trung tâm Chính trị cấp huyện cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp, vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể huyện đối với công tác giáo dục lý luận chính trị. Đây là điều kiện quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Chính trị. Theo đó, cấp uỷ các cấp cần thống nhất cao về vai trò, nhiệm vụ, tầm quan trọng của Trung tâm Chính trị trong tình hình mới; từ đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ để nâng cao hiệu quả hoạt động, mà trọng tâm là hiệu quả việc học tập lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp làm việc của đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là công chức xã, phường, thị trấn; thống nhất việc rèn luyện, học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của học viên tại Trung tâm với việc sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ ở địa phương, đơn vị.

Hai là, cấp uỷ, chính quyền các huyện, thành ủy chỉ đạo rà soát lại các nhu cầu cần thiết, ưu tiên đầu tư, bảo đảm đồng bộ về cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, bố trí đủ biên chế giảng viên và kinh phí hoạt động nhằm phục vụ tốt việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm chính trị. Bên cạnh đó, cần xây dựng tinh thần đoàn kết vượt khó, sự năng động sáng tạo của tập thể cán bộ giảng viên của Trung tâm là nhân tố quyết định nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm chính trị; cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự phối hợp của cấp ủy cơ sở thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về bồi dưỡng Lý luận chính trị.

Ba là, thường xuyên nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng ở các Trung tâm, phù hợp với đối tượng và yêu cầu thực tiễn địa phương. Các Trung tâm chính trị cần bổ sung thường xuyên, kịp thời những nội dung, quan điểm mới trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, lồng ghép vào bài giảng của các lớp bồi dưỡng nội dung chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trích dẫn một số nội dung trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng dẫn của Trung ương; đồng thời, liên hệ thực tiễn ở cơ sở, xây dựng giáo án giảng dạy cho phù hợp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức dự giờ, trao đổi phương pháp giảng dạy, tổ chức kiểm tra, đánh giá xếp loại chất lượng giảng dạy của giảng viên; tham mưu tuyển sinh đúng đối tượng, sau mỗi khoá học cần có nhận xét quá trình học tập của học viên và theo dõi hiệu quả công tác của học viên sau đào tạo, bồi dưỡng.

Bốn là, tiếp tục nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho các giảng viên Trung tâm chính trị như: tham gia các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; chương trình Cao cấp lý luận Chính trị; các chương trình bồi dưỡng do Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức; chương trình học Thạc sỹ, Tiến sỹ tại các Trường Đại học, Học viện…

Năm là, xây dựng quy chế đi thực tế phù hợp bằng các hình thức linh hoạt, hiệu quả gắn với nội dung chương trình đang giảng dạy.

Thúy Nga

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất