Phát triển kinh tế xã hội khởi sắc
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP giá so sánh 2010) 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 46.062 tỷ đồng, tăng 10,10% so cùng kỳ năm trước, nằm trong TOP 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước.
Đây là mức tăng trưởng cao so với bình quân giai đoạn 2015-2020(đặc biệt trong bối cảnh so với mẫu tăng trưởng của năm 2021 cao) và tăng cao hơn so với kịch bản tại Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (kịch bản tăng khoảng 8,3%).
Khu vực công nghiệp - xây dựng đặc biệt là khu vực công nghiệp có mức tăng trưởng cao, tiếp tục là động lực cho tăng trưởng chung của tỉnh. Giá trị tăng thêm (theo giá so sánh 2010) khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 24.339 tỷ đồng, tăng 15,58%. Trong đó, riêng khu vực công nghiệp ước đạt 22.252 tỷ đồng, tăng 16,61%, đóng góp 7,58 điểm % vào tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh.
Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sảngặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và tác động của các đợt rét đậm, rét hại từ tháng 2 đến tháng 4/2022 và đợt mưa lớn trên diện rộng gây ngập úng cuối tháng 5/2022. Tổng giá trị tăng thêm (theo giá so sánh 2010) ước đạt 2.803 tỷ đồng, tăng 1,81% so với cùng kỳ,đóng góp 0,12 điểm % vào tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh.
Khu vực dịch vụnhất là dịch vụ thương mại, vận tải và du lịch gặp khó khăn trong những tháng đầu năm do sự lây lan nhanh của dịch bệnh Covid-19, song từ quý II, với việc linh hoạt trong phòng, chống dịch, các hoạt động trở lại bình thường, ngành dịch vụ, đặc biệt dịch vụ du lịch, ăn uống đã phục hồi và có mức tăng trưởng khá. Ước giá trị tăng thêm (theo giá so sánh 2010) khu vựcdịch vụ đạt 8.639 tỷ đồng, tăng 6,32% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp 1,23 điểm % vào tăng trưởng GRDP chung của tỉnh.
Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 10.282 tỷ đồng,tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2021.
Kết quả, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 20.650 tỷ đồng, đạt 65% dự toán, tăng 8,0% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 17.700 tỷ đồng, đạt 65% dự toán, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó:Thu ngân sách từ các hoạt động sản xuất kinh doanh ước đạt 14.116 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021(thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,7%, thu từ khu vực ngoài quốc doanh tăng 8,6% và thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Quản lý chi ngân sách được tăng cường, kiểm soát chi chặt chẽ, quản lý chi theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tỉnh đã bổ sung kinh phí và ban hành các hướng dẫn chi trả cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Ước tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đạt 7.024 tỷ đồng, đạt 39% dự toán và bằng 93% so với cùng kỳ năm 2021.
Về hoạt động ngân hàng, tín dụng
các Tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, cho vay bằng ngoại tệ, tăng cường quản lý rủi ro đối với tín dụng tiêu dùng, tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất;
Đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất; triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó đã cho vay mới với lãi suất ưu đãi lũy kế từ ngày 23/1/2020 được 28.600 khách hàng, dư nợ đạt 32.000 tỷ đồng; Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho 27.700 khách hàng với tổng số tiền lãi thực đã hạ là 140,8 tỷ đồng; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 245 khách hàng, dư nợ đạt 378 tỷ đồng; miễn giảm lãi vay cho 1.685 khách hàng với số tiền 45 tỷ đồng; miễn, giảm phí chuyển tiền, rút tiền, chuyển đổi thẻ, trả nợ trước hạn khoản vay cho khách hàng đạt 16,5 tỷ đồng; cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 là 3.859,73 triệu đồng đối với 11 lượt người sử dụng lao động…
Kết quả huy động vốn trên địa bàn tăng trưởng tốt ở cả 3 nguồn: Tiền gửi các tổ chức kinh tế tăng 10,22%, tiền gửi tiết kiệm tăng 6,64% và phát hành giấy tờ có giá tăng 21,74% so với cuối năm 2021. Sau giai đoạn dịch bệnh, nhu cầu vốn để sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng. Tín dụng hết tháng 6/2022 tăng trưởng khá, tổng dư nợ cho vay tăng 10,74%(tương đương tăng 10.960 tỷ đồng) so với cuối năm 2021 và tăng 17,76% so với cùng kỳ tháng 6/2021;
Cơ cấu tín dụng tập trung vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển (chiếm tỷ lệ 86,2 % tổng dư nợ); cho vay lĩnh vực phi sản xuất và lĩnh vực bất động sản ở mức 10,3% và 11,97% tổng dư nợ. Chất lượng tín dụng được kiểm soát, hạn chế phát sinh nợ xấu mới, nợ xấu giảm 0,49% so với tháng 12/2021, chiếm tỷ lệ 0,72% trên tổng dư nợ.
Về thực hiện đầu tư công
Công tác chuẩn bị đầu tư được triển khai theo quy định. Cơ quan chuyên môn các cấp đã tiến hành thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 207 dự án, trong đó: có 28 dự án cấp tỉnh quản lý và 179 dự án cấp huyện, xã quản lý. HĐND, UBND các cấp đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 168 dự án, trong đó cấp tỉnh phê duyệt chủ trương 20 dự án và cấp huyện, xã phê duyệt chủ trương 148 dự án.
Công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng được tỉnh quyết liệt triển khai thực hiện. Ước 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh giải phóng mặt bằng đạt 449,4 ha, bằng 40,5% kế hoạch năm. Trong đó 1 số dự án lớn đã giải phóng mặt bằng được phần lớn diện tích như: Dự án Trung tâm Logistic ICD Vĩnh Phúc đã GPMB 80,5/83,8 ha; KCN Sơn lôi đã GPMB 92/180 ha; KCN Bá Thiện đã GPMB 93,6/103,8 ha, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khởi công theo kế hoạch.
Công tác đấu thầu được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Các nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu được xem xét kỹ trong quá trình thẩm định và được cơ quan thẩm định áp dụng đúng các tiêu chí, điều kiện theo quy định. Đến 15/6/2022, cấp tỉnh đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu cho 25 dự án với 151 gói thầu; Ước thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022 là 28 dự án với 175 gói thầu, với 43 gói thầu đấu thầu rộng rãi (trong đó có 39 gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng), tổng giá gói thầu là 1.405,9 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm tỉnh đã phê duyệt một số dự án lớn như: Đài phát truyền hình tỉnh, cầu vượt đường sắt qua đường Nguyễn Tất Thành; chuẩn bị phê duyệt: Trung tâm triển lãm thành tựu kinh tế xã hội, Trường Trần phú, tuyến giao thông kết nối từ Đê tả sông Hồng đến cầu Vân Phúc, Nghĩa trang nhân dân huyện Lập Thạch...
- Một số công trình, dự án lớn, trọng điểm hoàn thành và chuẩn bị hoàn thành như:(1) Đường từ nút giao thông lập thể đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (khu vực xã Văn Quán huyện Lập Thạch) đến Trung tâm huyện lỵ Sông Lô và tuyến nhánh đi KCN Sông Lô I; (2) Đường nối Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến khu danh thắng Tây Thiên; (3) Đường vành đai 4; (4) Sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Vĩnh Phúc; (5) Cầu Đầm Vạc… Ước tổng khối lượng thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 2.625 tỷ đồng, trong đó các dự án đầu tư công do cấp tỉnh quản lý khoảng 1.165 tỷ đồng và các dự án đầu tư công cấp huyện, xã quản lý khoảng 1.460 tỷ đồng.
|
Đến hết ngày 30/6/2022, khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt 2.380,039 tỷ đồng, bằng 24,4% so với tổng kế hoạch (bao gồm vốn kéo dài và vốn đã giao năm 2022), bằng 34,3% so với kế hoạch Trung ương giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (đạt 22%) và cao hơn so bình quân chung của cả nước.
Về Xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp
Công tác xúc tiến đầu tư được tỉnh đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh triển khai thực hiện; những tháng đầu năm gặp khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, các hoạt động xúc tiến phải triển khai thông qua các kênh không trực tiếp như: Tư vấn, hướng dẫn nhà đầu tư qua các kênh online (mạng xã hội, zalo...), qua điện thoại, bằng văn bản, tài liệu xúc tiến đầu tư… Các hoạt động kết nối, tiếp, làm việc với các nhà đầu tư/doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư tại tỉnh được khởi động lại và triển khai tốt, trong đó lãnh đạo tỉnh đã đón tiếp nhiều đoàn công tác, trong đó đã tiếp, làm việc với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Isarel, Tham tán Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, giám đốc kinh doanh cấp cao của tập đoàn Kuka Systems GmbH (Cộng hòa Liên Bang Đức)…
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đề xuất nội dung hợp tác với tỉnh Tochigi, Nhật Bản; quảng bá và vận động doanh nghiệp đăng ký tham gia Đoàn giao dịch thương mại tại Thụy Điện và Na Uy do Bộ Công thương tổ chức với mục đích tìm kiếm các cơ hội xuất nhập khẩu và đầu tư với thị trường các nước này...
6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư lớn như: Đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội nghị Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam – Nhật Bản; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao và Đài Loan tổ chức Hội nghịxúc tiến đầu tư vào Vĩnh Phúc năm 2022...
Ước 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư/chủ trương đầu tư cho 10 dự án FDI có tổng số vốn đầu tư 126,82 triệu USD và 7 dự án DDI có tổng vốn đầu tư đăng ký là 6.338,42 tỷ đồng. Tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn các dự án FDI đạt 225,47 triệu USD, bằng 76% so với cùng kỳ năm 2021 và các dự án DDI đạt 7.743,46 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế đến hết tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh ước có 1.267 dự án, trong đó: 438 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,3 tỷ USD; 829 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 118,44 nghìn tỷ đồng.
Sáu tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã có 15 dự án FDI đi vào hoạt động sản xuất, trong đó có một số dự án có vốn đầu tư trên 10 triệu USD như:dự án nhà máy Key Technology Hà Nội sản xuất khung thép cho máy xúc thủy lực; dự án nhà máy công nghiệp King Duan Việt Nam sản xuất các sản phẩm phụ tùng ô tô, xe gắn máy; dự án nhà máy Sumiriko Việt Nam sản xuất ống dẫn khí, ống dẫn nước và ống dẫn nhiên liệu cho xe ô tô.
Tính đến hết 30/06/2022 toàn tỉnh có723 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 6.872 tỷ đồng, tăng 18,3% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước; Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới là trên 9,5 tỷ đồng. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại có xu hướng tích cực với 275 doanh nghiệp, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số doanh nghiệp thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh có chiều hướng gia tăng với 411 doanh nghiệp, tăng 42,7% so với cùng kỳ; Số doanh nghiệp đã hoàn tất việc giải thể là 45 doanh nghiệp.
Việc thực hiện đăng ký doanh nghiệp được triển khai trực tuyến mức độ 3, 4 trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia được thực hiện và đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp so với việc nộp hồ sơ trực tiếp. Tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đạt 97,8%, cao nhất từ trước đến nay và đứng đầu cả nước.
Công tác cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh được chỉ đạo quyết liệt. UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương chịu trách nhiệm nâng cao từng chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thành lập tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đường dây nóng được vận hành thông suốt, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được đẩy mạnh, được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đánh giá cao và tin tưởng vào hệ thống chính quyền của tỉnh.
Năm 2021, chỉ số PCI của tỉnh Vĩnh Phúc đứng thứ 5/63 toàn quốc (tăng 24 bậc); chỉ số cải cách hành chính PARINDEX đứng thứ 5 toàn quốc (tăng 10 bậc).
Duy Phong