Thứ Hai, 23/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Chủ Nhật, 29/9/2013 15:21'(GMT+7)

Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng giảng dạy lịch sử địa phương trong các trường phổ thông

Tháp Bình Sơn tọa lạc trên địa bàn huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) - Ngọn tháp tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp thời Lý-Trần ở Việt Nam và là ngọn tháp được xây dựng bằng gạch nung đời Trần cao nhất còn lại đến ngày nay.

Tháp Bình Sơn tọa lạc trên địa bàn huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) - Ngọn tháp tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp thời Lý-Trần ở Việt Nam và là ngọn tháp được xây dựng bằng gạch nung đời Trần cao nhất còn lại đến ngày nay.

Nhằm cung cấp kiến thức lịch sử địa phương, qua đó nâng cao ý thức, lòng tự hào và tình yêu yêu quê hương, đất nước cho con em trong tỉnh, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh biên soạn thành công “Tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương Vĩnh Phúc”. Đây là tài liệu được biên soạn công phu, cơ bản đảm bảo tính khoa học, chọn lọc, sinh động, phù hợp với đối tượng học sinh cấp THCS và THPT.

Theo Ban Biên soạn Tài liệu: Căn cứ vào phân phối chương trình của Bộ GD & ĐT về tiết học lịch sử địa phương cho từng lớp học, “Tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương Vĩnh Phúc” được biên soạn cơ bản theo nguyên tắc đồng tâm với chương trình lịch sử dân tộc của từng cấp, từng lớp học theo chương trình sách giáo khoa lịch sử hiện hành, giúp học sinh hiểu sâu sắc mối liên hệ giữa lịch sử địa phương với lịch sử dân tộc. Tài liệu bao gồm 2 phần: Phần 1 dành cho cấp THCS, được biên soạn theo 4 thời kỳ lịch sử: Văn Lang - Âu Lạc, phong kiến, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những thành tựu đổi mới và phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay. Phần 2: dành cho  cấp THPT, tập trung giới thiệu những đóng góp nổi bật của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc trong Cách mạng táng Tám năm 1945, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đặc biệt là những thành tựu trong thời kỳ tái lập tỉnh (1996) đến nay.

Bên cạnh các tư liệu, sự kiện lịch sử của địa phương, so với tài liệu được sử dụng giảng dạy trước đây, thì tài liệu được biên soạn năm 2013 có nhiều điểm mới, như bổ sung phần nghệ thuật dân gian (ca nhạc, nghệ thuật, lễ hội, kiến trúc nghệ thuật); tăng phần đọc thêm để giáo viên tham khảo khi soạn, giảng; tăng phần hình ảnh để minh họa cho nội dung dạy và học như: bản đồ tỉnh Vĩnh Phúc các thời kỳ, ảnh lễ hội, trò chơi, nghệ thuật dân gian, danh sách tập thể, cá nhân Anh hùng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ…

Nhằm đảm bảo chất lượng theo đúng kế hoạch đề ra, kịp thời đưa vào giảng dạy trong năm học mới, thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, giáo viên xây dựng bổ sung, hoàn thiện cho tài liệu này.

Tiếp theo thành công của Hội thảo, ngày 27/9 mới đây, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị giới thiệu tài liệu và tập huấn giảng dạy lịch sử địa phương cho đội ngũ giáo viên dạy lịch sử các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phan Văn Phóng, UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội đồng biên soạn Tài liệu, nhấn mạnh: Dạy và học lịch sử địa phương không chỉ giúp học sinh hiểu biết về mảnh đất và con người nơi mình sinh ra mà còn góp phần hun đúc nên niềm tự hào, giáo dục truyền thống, trách nhiệm công dân, qua đó hiểu biết hơn về lịch sử dân tộc. “Tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương Vĩnh Phúc” là cơ sở khoa học quan trọng để thầy cô giáo và học sinh dạy và học tốt lịch sử địa phương; góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy lịch sử địa phương trong các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Quan trọng hơn là giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc trong kháng chiến chống ngoại xâm, từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng cá nhân trong việc tham gia xây dựng quê hương Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Thiệu Anh


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất