Trao đổi với báo giới sau lễ ký công hàm ngoại giao về việc Nhật cung cấp 900 triệu USD vốn ODA cho Việt Nam, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, vụ việc liên quan đến PCI là trường hợp duy nhất sử dụng sai vốn tài trợ tại Việt Nam.
Bộ trưởng đánh giá như thế nào về ảnh hưởng của vụ PCI đến nguồn vốn ODA cho Việt Nam?
- Vốn tài trợ của cộng đồng quốc tế cũng như của Nhật Bản cho Việt Nam được sử dụng tương đối hiệu quả và Việt Nam luôn có biện pháp để đảm bảo công khai minh bạch. Thời gian qua đã có nhiều đoàn kiểm tra của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á cũng như Chính phủ và Quốc hội Nhật về việc sử dụng ODA tại Việt Nam. Họ có nhận định chung là Việt Nam đã sử dụng hiệu quả, các thủ tục cũng đảm bảo cơ sở pháp lý và tính minh bạch.
Nhưng cơ chế quản lý không tránh được việc có sơ hở, và có những kẻ lợi dụng để có hành động tiêu cực. Khi phát hiện vụ PCI, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với phía Nhật và hai bên đã có chương trình hành động chung chống tham nhũng trong các dự án ODA. Nội dung của thỏa thuận đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo ông, tới đây Việt Nam có thể kỳ vọng gì vào nguồn vốn ODA từ Nhật?
- Tôi tin rằng với mối quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 bên, thì nguồn vốn ODA từ Nhật sẽ là nguồn lực quan trọng đối với Việt Nam. Hiện Nhật đứng đầu về nguồn tài trợ cho Việt Nam, và trong tổng vốn của các nhà tài trợ nước ngoài với 45 tỷ USD, Nhật chiếm 30%. Nguồn vốn này đang được sử dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, và những dự án này sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển kinh tế.
Phía Nhật đang nghiên cứu các dự án lớn để tài trợ, trong đó có khu công nghệ cao Hòa Lạc, đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cao tốc Bắc - Nam và nhiều dự án giao thông đô thị tại Hà Nội, TP HCM và các thành phố khác. Tôi hy vọng nguồn tài trợ từ Nhật sẽ ngày một tăng thêm. Hiện nay, dù kinh tế có khó khăn, hàng năm nguồn tài trợ của Nhật cho Việt Nam vẫn tăng khoảng 10% mỗi năm.
Phía Việt Nam đã nỗ lực như thế nào để nối lại nguồn vốn ODA, thưa Bộ trưởng?
- Việc nối lại ODA xuất phát từ nỗ lực của cả 2 phía. Hiện nay chính phủ 2 nước đang phối hợp để xử lý. Việt Nam đã phối hợp với JICA và các tổ chức khác, và 2 bên đã thành lập ủy ban hỗn hợp chống tham nhũng và có chương trình hành động chung. Nguồn vốn ODA trước nay luôn được sử dụng có hiệu quả, duy nhất trong vụ việc liên quan đến PCI vừa qua có vi phạm.
- Theo cam kết do Ủy ban Hỗn hợp về chống tham nhũng trong dự án ODA, sẽ có bên thứ ba trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chọn nhà thầu. Việt Nam đã thực hiện cam kết này như thế nào?
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Cục quản lý đấu thầu, có chức năng giám sát công tác đấu thầu của nhà nước. Tới đây cơ quan này và đối tác viện trợ vốn ODA sẽ cùng giám sát việc đấu thầu trong các dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thực hiện việc giám sát nhà nước.
- Việc ký công hàm vào chiều nay mới là cho các dự án thuộc tài khóa 2008. Đại diện của JICA sáng nay cho biết, dự án cho những năm sau còn phụ thuộc vào hành động cụ thể của Việt Nam. Ông nghĩ sao về việc này?
- Đúng vậy. Những hành động cụ thể của phía Việt Nam hiện nay là đúng với cam kết của 2 bên. Việc ký kết chiều nay và hiệp định vay vốn vào ngày mai cũng là thực hiện theo các cam kết.
Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam Tsuno Motonori:
Đại sứ Nhật tại Việt Nam Sakaba nói rằng, Nhật Bản rất quan tâm tới quá trình xét xử vụ án PCI. Thông điệp mà Đại sứ phát đi có ý nghĩa: xử lý vụ việc đã xảy ra sẽ ảnh hưởng tới việc chúng tôi xem xét dòng vốn ODA trong tương lai. Chúng tôi mong phía Việt Nam cũng hiểu ý nghĩa của thông điệp này.
Với 4 dự án mới ký kết, quy trình tuyển chọn tư vấn, xét thầu không có gì khác so với từ trước. Song chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra trước và sau mỗi giai đoạn quan trọng cũng như công khai thông tin để nâng cao tính minh bạch, công bằng trong quá trình tuyển chọn nhà thầu.
Việc lập ra cơ quan thứ ba là nhằm tăng tính minh bạch trong quá trình đánh giá thầu. Bên thứ ba này phải có chuyên môn cao và am hiểu quy trình đấu thầu cũng như triển khai hợp đồng quốc tế. Vì vậy, Trung tâm hỗ trợ đấu thầu được thành lập tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có ý nghĩa lớn trong vai trò bên thứ ba. Phía JICA sẽ giám sát phương pháp thực hiện và việc thực hiện có tốt hay không. Nếu có gì cần cải thiện, chúng tôi sẽ đề xuất với Việt Nam.
(Theo Vnexpress.net)