Là một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo Nam Định, huyện Ý Yên nổi tiếng bao đời nay với nhiều làng chèo nổi tiếng; rất nhiều nghệ sỹ của môn nghệ thuật truyền thống này đã trưởng thành và phát triển từ mảnh đất nơi đây.
Trong đó có Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ thuật chèo truyền thống huyện Ý Yên, ông Trần Quang Lộc. Ông Lộc có niềm đam mê cháy bỏng với môn nghệ thuật này và đang từng ngày giữ gìn, khôi phục lại nét đẹp văn hóa của nghệ thuật chèo truyền thống. Sinh năm 1953, ông Lộc đã có trên 30 năm gắn bó với nghề. Bộ môn nghệ thuật này với ông là cả một chữ “duyên.”
Xuất thân trong gia đình có truyền thống với bộ môn nghệ thuật hát chèo, ngay từ nhỏ ông Trần Quang Lộc đã bộc lộ năng khiếu thiên bẩm đối với bộ môn này. Cả gia đình ông như một “gánh chèo gia đình” vì cả ông bà, bố mẹ, anh chị đều có năng khiếu về hát chèo. Mấy đời gia đình ông đều theo nghiệp hát chèo.
Tiếp xúc với chèo từ nhỏ, lại có năng khiếu bẩm sinh, ông đã theo môn nghệ thuật chèo như một điều tất yếu. Tuổi thơ của ông gắn liền với những làn điệu chèo mượt mà, giản dị, dễ đi sâu vào lòng người. Ông Lộc tâm sự: Tôi nhớ như in kỷ niệm về những lần cả gia đình thắp đèn dầu đi biểu diễn cho bà con xem. Ngày đó, cuộc sống còn khó khăn, điều kiện không được như bây giờ, song thấy bà con không quản đường xa tới xem mới thấy hết được sự tình cảm cũng như sự quan tâm, yêu thích của mọi người đối với môn nghệ thuật này.
Năm 1971, ông đi bộ đội. Thời gian trong quân ngũ, niềm đam mê hát chèo trong ông chưa khi nào nguội lạnh. Ngoài các bài hát mới, ông chủ yếu hát các bài hát chèo là sở trường của mình và dạy cho cả đồng đội cùng hát. Những làn điệu chèo giúp ông cùng đồng đội vơi bớt nỗi nhớ nhà và có thêm động lực để chiến đấu.
Năm 1975, vì sức khỏe yếu nên ông trở về địa phương. Lúc bấy giờ ở xã Yên Phong phong trào văn nghệ phát triển hết sức mạnh mẽ. Ông tham gia Đoàn chèo xã Yên Phong. Người yêu chèo Ý Yên hẳn còn nhớ các vai chính như vua, quan, sỹ quan quân đội… trong hàng trăm vở chèo mà ông đã từng diễn.
Ngoài việc diễn chèo, ông còn tự học rất nhiều các loại nhạc cụ khác nhau và đi dạy hát chèo ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Từ năm 1977, ngoài việc là diễn viên sắm những vai chính trong các vở diễn, ông còn bắt đầu viết các vở chèo rồi tự mình làm đạo diễn cho nhiều vở. Tính sơ qua cũng có tới hàng trăm vở chèo do ông viết kịch bản. Trong đó, có khoảng hơn 20 vở thời lượng 30 phút và hàng trăm tiểu phẩm ngắn có thời lượng từ 10-15 phút và rất nhiều các vở diễn được ông biên tập lại.
Các vở chèo do ông viết rất đa dạng như các vở về lịch sử, các vở hiện đại và các tiểu phẩm ngắn phục vụ tuyên truyền. Điển hình là các vở "Đại Hồng chung Đàm Minh Tự," "Kể chuyện Thành Tổ Minh Thông," "Cuộc gặp gỡ bất ngờ," "Tống Văn Trân-Người thầy giáo trung kiên," "Bạch Đằng Giang nổi sóng Quỳnh Hoa mở hội"... hoặc những điển tích, tích trò trong chùa như "Chuông mõ luận bàn thuyết quả nhân" và "Đức Như Lai ứng thế."
Các vở chèo hiện đại như "Đường Xuân," "Tình qua sóng cả," "Đất quê mình," "Đêm tuần tra," và "Tình mẹ." Ngoài ra, ông còn có một số tiểu phẩm ngắn phục vụ nhu cầu tuyên truyền theo từng chủ đề. Các vở chèo ông viết được đông đảo người xem yêu thích bởi lẽ nó phù hợp với hoàn cảnh, lời lẽ giản dị, dễ hiểu. Năm 2012, ông đã viết và dàn dựng vở "Chợ quê" biểu diễn trong đêm thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) được đón Bằng công nhận Di sản văn hóa Thế giới.
Trên 30 năm qua, ở Ý Yên chưa một người nào có thể vượt qua được tài năng của ông về việc dàn dựng các vở chèo. Không muốn một loại hình nghệ thuật có giá trị của dân tộc bị lãng quên và cũng không muốn thấy mảnh đất chèo quê hương bị mai một, ông Lộc đã quyết tâm thành lập Câu lạc bộ Nghệ thuật Chèo truyền thống huyện Ý Yên vào năm 2003.
Nói về thời kỳ mới thành lập Câu lạc bộ, ông tâm sự: Từ khi có ý tưởng thành lập Câu lạc bộ, ông đi dạy ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh, thấy học trò nào có niềm đam mê thực sự với bộ môn này và có năng khiếu ông đều mời về tham gia Câu lạc bộ. Trước là để có nơi sinh hoạt, luyện tập, trao đổi kinh nghiệm về nghề, sau là để có điều kiện đi khắp nơi biểu diễn phục vụ người dân.
Hiện nay, Câu lạc bộ có 17 người với sáu nhạc công, song có diễn viên kiêm luôn được công việc của nhạc công và ngược lại. Thành viên Câu lạc bộ chủ yếu là giáo viên học qua nhạc họa đang dạy ở các trường tiểu học, trung học cơ sở; trong đó, phần lớn là trong độ tuổi từ 25-30 tuổi; thành viên cao tuổi nhất có ông Vũ Duy Khuể, 75 tuổi. Các thành viên trong Câu lạc bộ đều là những người có tài năng và rất yêu nghề. Hoạt động chủ yếu của Câu lạc bộ là phục vụ các hội nghị của huyện ngoài ra còn tham gia biểu diễn ở các hội thi không chuyên lớn của Trung ương hay của tỉnh. Hoặc biểu diễn phục vụ nhân dân ở các lễ hội, hội diễn, hội thi, lễ míttinh, lễ mừng thọ.
Ông cho biết với mỗi sự kiện khác nhau ông đều phải dựa vào thực tế, nghiên cứu kỹ để lựa chọn, dàn dựng các vở diễn có nội dung sao cho phù hợp với tính chất từng sự kiện. Ở Nam Định, ông Lộc là một trong số rất ít những người vừa có thể sáng tác, vừa dàn dựng và kiêm luôn biểu diễn. Hỏi ông vì sao có thể kiêm nhiệm cùng một lúc nhiều vai trò như thế, ông cười bảo: Chỉ cần có lòng đam mê và sự hi sinh lớn thì việc gì cũng có thể làm được.
Không những chỉ diễn ở huyện, Câu lạc bộ của ông còn thường xuyên nhận được lời mời biểu diễn ở các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai. Hơn 30 năm với chiếu chèo, ông Lộc đã dành được rất nhiều giải thưởng ở cả ba vai trò là tác giả kịch bản, diễn viên xuất sắc, đạo diễn ở các các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật không chuyên toàn quốc, khu vực và trong tỉnh.
Ông vinh dự được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng “Huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng.” Hiện nay, điều làm ông Lộc trăn trở nhất là làm thế nào để đưa hát chèo đi sâu hơn vào cuộc sống của người dân như thời kỳ trước đây, để góp phần gìn giữ và phát triển môn nghệ thuật truyền thống đọc đáo của dân tộc./.
Thùy Dung (TTXVN)