Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 10/2/2013 20:28'(GMT+7)

Vun đắp nét đẹp văn hóa ngày Tết

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tết Quý Tỵ đã về, nhà nhà đang vui đón một mùa xuân mới sum vầy, đầm ấm, hướng về những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức như: Tái hiện lại những nghi thức đón Tết cổ truyền, tổ chức các trò chơi, biểu diễn nghệ thuật dân gian, múa rối nước, hát ca trù, giao lưu dân ca Quan họ… không chỉ giúp mỗi người dân có cái Tết vui tươi mà còn góp phần vun giữ truyền thống văn hóa dân tộc.

Trong những ngày đầu năm mới, nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp được hình thành và biểu hiện. Đây là dịp để gia đình đoàn viên, mọi người hướng về nguồn cội, những đứa con hướng về các bậc sinh thành, là dịp xóa bỏ mọi phiền muộn của năm cũ, để mỗi người ứng xử với nhau tốt đẹp hơn, gửi gắm đến nhau những tình cảm và lời chúc tụng cho một năm mới tốt lành... Ngày Tết truyền thống trong tâm thức người Việt là dịp sinh hoạt văn hóa gia đình và cộng đồng. Tết mặc nhiên đã trở thành một danh từ thiêng liêng đối với mỗi người. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều năm qua, báo chí nước ngoài luôn theo dõi và đưa tin về Tết Việt với một danh từ giữ đúng âm và nguyên nghĩa. Cũng có lẽ vì thế mà dù xa quê hương, cứ mỗi mùa xuân về, hàng nghìn kiều bào vẫn vượt khoảng cách địa lý xa xôi để về quê ăn Tết, thậm chí nhiều người nước ngoài cũng tìm đến Việt Nam để thưởng thức nét văn hóa Tết Việt.

Mặc dù vậy, ngày nay, với sự du nhập của nhiều luồng văn hóa ngoại, cái nhìn và cách hành xử của nhiều người với “Văn hóa Tết” có phần thay đổi. Những giá trị vật chất đang có xu hướng lấn át các giá trị tinh thần. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị mai một, lãng quên. Thậm chí, với một số người, Tết trở thành dịp để khoe khoang, phô trương sự giàu có hay quyền lực, là dịp để “quan hệ”. Thực trạng nhiều người sẵn sàng vung tay số tiền nhiều tỷ đồng để chi phí cho Tết, lấy vật chất thay cho giá trị tinh thần... là có thật. Ở nhiều địa phương, các trò chơi dân gian giàu giá trị văn hóa trong dịp Tết dần thưa vắng, thay vào đó là các trò chơi bạo lực, cờ bạc, tệ nạn xã hội. Ngay như tục đi hội, lễ Tết, đốt vàng mã, hái lộc đầu năm để cầu may... cũng bị biến tướng đi nhiều.

 

Không thể phủ nhận, văn hóa đang từng ngày vận động phát triển. Vì vậy, “văn hóa Tết” cũng cần có thêm những nét hiện đại đáp ứng yêu cầu cuộc sống hội nhập của đất nước, nhưng không vì thế mà cho phép chúng ta lãng quên các giá trị văn hóa cổ truyền từ ngàn đời cha ông tạo dựng, trao truyền. Đó chính là sức mạnh tinh thần của dân tộc, là sợi dây nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai, mỗi người cần có ý thức giữ gìn, vun đắp./.

(Trần Duy Văn/QĐND)    

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất