Thứ Bảy, 28/9/2024
Đời sống
Thứ Tư, 15/2/2012 21:31'(GMT+7)

Vượt lên số phận

Ông Phạm Ngọc Giang bên ruộng lúa của gia đình.  Ảnh: AH

Ông Phạm Ngọc Giang bên ruộng lúa của gia đình. Ảnh: AH

Ông sinh ra và lớn lên trên quê hương Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Năm 1969, khi vừa tròn 17 tuổi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ông đã lên đường nhập ngũ. Xong khóa huấn luyện, ông được phân công vào chiến trường Tây Nguyên biên chế ở Trung đoàn 66 thuộc Bộ tư lệnh B3 và trực tiếp tham gia chiến dịch chiến đấu tại chiến trường Kon Tum.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh và vĩ đại, cùng với nhiều mặt trận, chiến trường Tây Nguyên, trong đó có Kon Tum, trở thành một trong những lò lửa cách mạng.
Chiến dịch Xuân-Hè 1972 hay còn gọi là Mùa hè đỏ lửa là một phần trong Chiến cục năm 1972 tại Việt Nam, xảy ra từ 30 tháng 3 đến 31 tháng 1 năm 1973 trong chiến tranh Việt Nam, là một nhóm các chiến dịch do Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện chống lại Quân lực Việt Nam cộng hòa cùng đồng minh Mỹ. Lúc này, ông rất tự hào được phân công trực tiếp tham gia vào 2 chiến dịch lớn: chiến dịch Plei Kần (nay là thị trấn Plei Kần, tỉnh Kon Tum) và chiến dịch đèo An Khê (tỉnh Gia Lai). Có mặt trong những trận chiến ác liệt nhất còn muôn vàng khó khăn như: thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men, súng đạn mỗi ngày một cạn kiệt, đường tiếp tế từ hậu phương lớn miền Bắc vào Tây Nguyên đều bị giặc Mỹ bắn phá dữ dội… với cương vị là trung đội phó của Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 66, Bộ tư lệnh B3, ông luôn nêu cao tinh thần chiến đấu kiên cường cùng đồng đội nắm chắt tay súng và đã bị thương trong một trận đánh với địch. Những chiến công của Tiểu đoàn 3 do ông chỉ huy đã góp phần cho thành công chung của chiến dịch, khẳng định tinh thần dám đánh Mỹ và thắng Mỹ của người dân Tây Nguyên.

Đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, năm 1978, theo lệnh tổng động viên, một lần nữa ông tình nguyện tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới trong cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung. Đây là một cuộc chiến ngắn nhưng khốc liệt nổ ra vào ngày 17/2/1979 khi Trung Quốc xua quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước.

Sau gần 10 năm phục vụ trong quân đội và với những thành tích trong chiến đấu, ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huy chương giải phóng hạng nhất.

Vượt lên nỗi đau da cam

Chúng tôi gặp ông trong một buổi sáng của tháng cuối năm khi ông đang “xắn tay” nhổ cỏ cho đám ruộng lúa đang trổ bông trắng muốt trước nhà, xung quanh là rừng bạch đàn chừng 3 năm tuổi thắng tắp và bạt ngàn đồi sắn xanh mơn hứa hẹn một mùa bội thu. Ông Giang người nhỏ thước, nước da đen sạm trong chiếc áo lao động đã cũ nhưng trông vẫn còn khỏe lắm. Ông niềm nở lau vội tay lên vạt áo và mời chúng tôi vào nhà.

Con gái út ông Giang nhiễm dioxin giúp gia đình may mặc.Ảnh: AH


Ông tâm sự, năm 1980 xuất ngũ trở về quê hương, lập gia đình và quyết định cùng vợ lên Tây Nguyên lập nghiệp. Bỡi mấy năm liền tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, nhận thấy tiềm năng đất đai rộng lớn, màu mỡ nên đã quyết định vùng vợ lên Gia Lai vào năm 1984. Cuộc sống ban đầu nơi đất khách quê người đầy khó khăn, thử thách, đất rộng người thưa, tài sản ban đầu chẳng có gì đáng giá nhưng với bản chất chịu khó của người lính, không cam chịu cuộc sống đói nghèo, hai vợ chồng đã khai hoang những diện tích đất ven núi để trồng bạch đàn và sắn. Còn những vùng đất thấp hơn ông trồng giống lúa Tám thơm - đây là giống lúa cho những hạt gạo thơm đặc sản và giá trị kinh tế cao mà ông đã mang từ miền Bắc vào. Vừa trồng trọt kết hợp với chăn nuôi bò, lợn, dê…nên hàng năm gia đình ông thu được trên 200 triệu đồng, ông là “triệu phú” tại xã Ia Siơm lúc bấy giờ. Ngoài lúc làm việc cho gia đình, ông còn tranh thủ dùng chiếc máy tuốt lúa của mình đi đập lúa thuê giúp cho người dân trong buôn.

Bên cạnh đi đầu trong lao động sản xuất, đưa giống lúa mới vào trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao, áp dụng qui trình sản xuất không phụ thuộc vào thiên nhiên như 2 ha lúa nước của ông sản xuất 2 năm 5 vụ vì ông lắp đặt 2 máy bơm tự động bơm nước tưới quanh năm, ông còn hướng dẫn, giúp đỡ bà con trong buôn biết áp dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật vào sản xuất và chăn nuôi, nên ông được mọi người trong buôn quí mến. Hầu như năm nào ông cũng được bình bầu là tấm gương lao động sản xuất giỏi của xã, huyện, tỉnh, trong nhà ông, các bằng khen, giấy khen đủ các loại đều được ông cất giữ cẩn thận.

Không những đi đầu trong lao động, sản xuất giỏi mà ông còn là người Đảng viên đầu tiên xây dựng cơ sở Đảng tại 2 buôn: buôn Phùm Ji và Phùm Ang, lúc này 2 thôn này trắng Đảng viên. Mãi đến năm 2003, hai buôn này mới có 1 chi bộ ghép và phát triển được 3 đảng viên.

Những tưởng cuộc sống ban đầu mọi việc đều thuận lợi như ý, nhưng ngờ đâu hoàn cảnh gia đình ông lại hết sức éo le, ông sinh được 8 người con nhưng có đến 4 người con gái của ông bị nhiễm chất độc da cam, phát triển không bình thường, đau ốm triền miên. Mãi sau này ông mới biết do bản thân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin khi tham gia chiến dịch tại chiến trường Tây Nguyên nên các con ông sinh ra mới như vậy. Hiện tại, 2 trong 4 con gái bị nhiễm chất độc da cam của ông thường xuyên điều trị tại các bệnh viện trong và ngoài tỉnh, 1 con gái đã bị mù hai mắt, 3 con gái bị nhẹ hơn thì cố gắng giúp bố mẹ chăn bò, chăn dê, đứa con gái nhỏ nhất thì mở tiệm may trước nhà may quần áo cho bà con trong buôn. Với ai ở trong hoàn cảnh ấy khó lòng mà vượt qua được. Nhưng ông vẫn lạc quan, ông quan niệm “hạnh phúc là được lao động” để kiếm tiền thật nhiều chữa bệnh cho các con và cho con làm vốn sau này. Ông Giang cũng đã động viên vợ là mình còn lao động được là các con mình còn ở với mình lâu, rất nhiều người có hoàn cảnh còn nghiệt ngã, khó khăn hơn mình. Với suy nghĩ như vậy, ông tiếp tục lao vào trận chiến mới: vượt lên nỗi đau và đi đầu trong lao động sản xuất giỏi.

Cuộc sống hồi sinh

Năm 1996, Nay Sang- đứa con ông nhận nuôi khi mới 14 ngày tuổi giờ đã thành một chàng thiếu niên cao lớn, khỏe mạnh mà ông thương yêu hết mực như đứa con ruột thịt của mình. Ngày ấy, cậu bé 14 ngày tuổi sắp phải theo mẹ về với Giàng theo luật tục của người đồng bào Jrai. Mẹ chết sau khi sinh con thì con phải chôn chung theo mẹ. Biết được tin dữ, ông liền chạy đến và dựt lấy cháu bé còn thoi thóp thở trong một bọc vải. Ông mang về nhà và nhận nuôi cháu bé như đứa con ruột vừa mới được sinh ra của mình.

Nghĩa cử thật cao đẹp, đầy tính nhân văn của ông không phải hiếm nhưng lúc bấy giờ thật là phi thường, đáng để mọi người ngưỡng mộ, học tập và làm theo./


Ánh Hồng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất