(TG)- Vừ Thị Chứ sinh ra trong một gia đình dân tộc Mông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở bản Pá Chả, xã Co Mạ huyện Thuận Châu, hiện nay cô cư trú tại Bản Bó xã Chiềng An, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Đôi chân cô di chuyển rất khó khăn do di chứng của căn bệnh bại liệt từ bé, khi còn nhỏ hàng ngày nhìn các bạn cùng trang lứa được tung tăng đến trường, bản thân cô bé Chứ thèm lắm, nên dù phải vượt qua cả con đường dài vắt ngang sườn núi trước bản để đến trường cô cũng không nản.
Ngày ấy ở vùng cao Co Mạ, chuyện các bé gái được đi học vốn không nhiều, mặc dù vậy Chứ vẫn một mực xin bố mẹ cho xuống Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Thuận Châu để học. Thấy được quyết tâm học cái chữ của con gái, nên dù thương con vất vả, đôi bàn chân bị tật nguyền đi lại không thuận lợi, nhưng bố mẹ đã tạo điều kiện đưa Chứ đến trường.
Với bao khó khăn vất vả phải xa nhà, xa bố mẹ, cuộc sống tự lập Chứ đã quyết tâm học tập thật tốt và kết quả em đã tốt nghiệp cấp 3 và thi đỗ vào Học viện Y học dược học cổ truyền. Năm 2006 tốt nghiệp ra trường, Chứ được nhận vào công tác tại Khoa châm cứu Bệnh viên Y học cổ truyền tỉnh Sơn La. Khi mới được đi làm nhà quá nghèo, phương tiện đi lại không có, hằng ngày Chứ phải đi bộ vượt con đường từ nhà đến bệnh viện dài 3km đối với người bình thường có thể là chuyện nhỏ, song với Chứ là một chuyện lớn vì vậy để kịp giờ làm, cứ 5 giờ sáng em đã dậy và bắt đầu hành trình, ngày nắng ráo không dễ dàng gì, những ngày mưa gió rét mướt thực sự là càng thử thách khó khăn, có lần dù đã cố gắng, nhưng do thời tiết xấu, đường trơn, em không đến kịp giờ giao ban, em như muốn bật khóc trước sự bất lực của mình, dù đồng nghiệp có khi cũng hiểu, thông cảm, dù được lãnh đạo Bệnh viện tạo điều kiện, nhưng em vẫn không muốn bị coi là tàn phế. Với nghị lực vươn lên, Chứ đã không ngừng học hỏi từ đồng nghiệp, mỗi khi tiếp xúc với bệnh nhân, Chứ luôn tâm niệm: đến với người bệnh như đến với người nhà của mình. Bởi chính bản thân em đã và đang phải vượt khó trên đôi chân không lành lặn, Chứ chia sẻ với những nỗi đau từ người bệnh một cách chân thành. Tình yêu nghề nghiệp và trái tim biết chia sẻ đã được truyền qua đôi tay còn lành lặn, giúp xoa dịu đi những đau đớn mệt mỏi của bệnh nhân.
|
Chị luôn tận tình với bệnh nhân. Ảnh: TH
|
Vừ Thị Chứ tâm sự: ngày trước em cũng chưa hiểu nhiều về nghề y đâu, Bà nội hay đau người, em lại xoa bóp chân, tay và lưng cho bà, Bà bảo tay em mềm mại, xoa bóp dễ chịu lắm, chắc tay này làm y tá chăm sóc người ốm thì thích lắm, thế là bà động viên em sau này lớn lên học nghề y. Hiện tại bệnh nhân điều trị tại khoa châm cứu - Bệnh viện y học Cổ truyền phấn lớn là những người tuổi cao, sức đã yếu và đều cần được chăm sóc đặc biệt hơn, họ vào đây với rất nhiều bệnh như tim mạch, huyết áp, đau dây thần kinh… nhiều cụ thần kinh cũng không còn minh mẫn, vận động khó khăn, không đi lại được, các y bác sĩ trong khoa phải tận tình chăm sóc, nâng giấc chu đáo. Với em dù đi lại khó khăn song không quản ngại đêm hôm, em vẫn tham gia chăm sóc người bệnh.
Bác sỹ Chuyên khoa I, Phạm Thị Xuân - Trưởng khoa châm cứu - Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh Sơn La cho biết: Y sỹ Vừ Thị Chứ công tác tại khoa châm cứu của chúng tôi từ năm 2006, em kém may mắn hơn mọi người là bị di chứng bại liệt từ nhỏ, nhưng vượt lên tật nguyền trong công tác, y sỹ Chứ luôn học mọi người và cầu thị tiến bộ. Trong công tác em luôn trau dồi y đức phục vụ bệnh nhân tận tình chu đáo, hàng ngày em không quản ngại khó khăn, mặc dù bị liệt một bên chân nhưng em vẫn trực đêm như những người bình thường khác, luôn được đồng nghiệp trong khoa tin tưởng và yêu mến, các bệnh nhân cũng tin tưởng khi được em chăm sóc và điều trị. Đôi bàn tay mềm mại của em cùng những mui kim châm cứu chuẩn xác đã xoa dịu bớt đi những nỗi đau thể xác của người bệnh. Từng động tác nhẹ nhàng, những lời động viên dặn dò ân cần chu đáo chính là liều thuốc hiệu quả nhất mà Chứ dành cho các bệnh nhân điều trị tại khoa.
Không dừng ở đó khi hết giờ làm việc tại Bệnh viện, khi về nhà với thiên chức làm mẹ, làm vợ lo cho gia đình chu đáo, Chứ còn đến tận nhà điều trị cho bà con trong bản nơi cô sinh sống. Ngôi nhà xinh xắn lợp ngói 2 gian đơn sơ, giản dị không có vật dụng đắt tiền, chỉ có bộ bàn ghế thô mộc giản đơn đã trở thành địa chỉ tin cậy và quen thuộc của bà con trong bản và các bản lân cận.Với Chứ cô làm với tất cả nhiệt huyết, với tình yêu nghề và tình thương yêu bà con, cái tên y sỹ Vừ Thị Chứ đã trở lên quen thuộc và yêu thương với nhiều người dân nơi cô sinh sống.
Những nỗ lực vượt bậc của Chứ đã được tổ chức ghi nhận, tháng 3.2011 Vừ Thị Chứ đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, là một trong những đảng viên trẻ nhất của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Sơn La. Cái tên “Cô y sỹ mát tay châm cứu” đã trở thành tên gọi thân thuộc mà các đồng nghiệp tại Khoa châm cứu và bệnh nhân dành cho cô. Tận tuỵ với công việc, tận tâm với bệnh nhân, ít nói về mình, nhưng chúng tôi biết, y Sỹ Chứ đã và đang lặng lẽ viết lên một câu chuyện cảm động về nghị lực vượt khó tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Sơn La. Cùng với các đồng nghiệp của mình, Chứ đã và đang làm sáng thêm những chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng các y bác sỹ “Lương y như từ mẫu”. Tại Hội nghị Sơ kết 02 năm của Ban Tuyên giáo Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, y sỹ Vừ Thị Chứ đã vinh dự được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.
Vũ Thị Hoa
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Sơn La