Thứ Bảy, 21/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Hai, 7/6/2010 21:2'(GMT+7)

“Vượt qua bến Thượng Hải”: Xây dựng hình ảnh Bác là con người bình dị

Nhân vật Nguyễn Ái Quốc trong một cảnh quay

Nhân vật Nguyễn Ái Quốc trong một cảnh quay

Chính thức đóng máy, bộ phim được xem là phần 2 của phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông chuyển sang giai đoạn hậu kỳ tại Bắc Kinh. Là một trong 2 đạo diễn phim ( đạo diễn phía VN là Triệu Tuấn), đạo diễn Trung Quốc Phạm Đông Vũ đánh giá cao diễn xuất của các diễn viên VN tham gia Vượt qua bến Thượng Hải.

Sử dụng yếu tố trinh thám trong phim chân dung lãnh tụ

Kế hoạch làm Vượt qua bến Thượng Hải đã có từ cách đây mấy năm. Đơn vị sản xuất- Hãng phim Hội Nhà văn cũng đã có một vài phương án cho vị trí đạo diễn nhưng sau đó những người được mời, hoặc dự kiến mời đều “rẽ ngang” vì nhiều lý do. Chọn lựa cuối cùng được đặt vào đạo diễn VN Triệu Tuấn và đạo diễn Trung Quốc Phạm Đông Vũ.

Sinh năm 1964, làm phim từ 1983, nguyên là diễn viên điện ảnh Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, Phạm Đông Vũ hiện là đạo diễn của CCTV6, (Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc). Hỏi nhà sản xuất về sự chọn lựa này, ông Nguyễn Xuân Hưng, Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn nói: “ Nói về sở trường phim chân dung lãnh tụ thì cả VN và Trung Quốc chắc chắn là không có ai có sở trường.

Phim về lãnh tụ ở VN và Trung Quốc đều đếm trên đầu ngón tay, không có đạo diễn nào hiện nay làm quá một phim về lãnh tụ...

Phong cách sáng tác của Phạm Đông Vũ thuộc về trường phái phim Trung Quốc tiết tấu nhanh, hình ảnh đẹp, làm phim chậm và chăm chút từng chi tiết của phim. Còn Triệu Tuấn là đạo diễn đã có thâm niên kinh nghiệm làm phim với Trung Quốc. Qua quá trình làm phim đã khẳng định sự chọn lựa của chúng tôi là hợp lý”.

Cũng theo ông Hưng, với tính chất là phần 2 của phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Vượt qua bến Thượng Hải có bối cảnh rộng hơn (thành phố Hạ Môn và Thượng Hải), nhiều nhân vật hơn và mang nhiều tình tiết hư cấu.

Nói cách khác, là các nhà làm phim muốn xây dựng hình tượng Bác trong Vượt qua bến Thượng Hải không chỉ đơn thuần là một nhà chính trị, một lãnh tụ cách mạng tương lai, mà trước hết Bác là một con người bình dị, có cảm xúc với cái đẹp, vui thì hát, buồn thì rơi lệ...

Với định hướng nghệ thuật này, các nhà làm phim đã đưa vào phim những yếu tố của phim trinh thám - âm mưu ám sát, rượt đuổi, truy bắt, võ thuật... với tiết tấu nhanh. “Đây là tác phẩm điện ảnh, hội đủ các yếu tố để thu hút người xem, chứ không phải là một bộ phim tái dựng chân dung lãnh tụ theo kiểu tài liệu.

Bên cạnh các nhân vật lịch sử gắn với giai đoạn Bác rời Hồng Kông năm 1933 như: Nguyễn Lương Bằng, Hồ Tùng Mậu, Vailant Cuturie - Tổng biên tập báo Nhân Đạo (Pháp)..., phim còn có các nhân vật hư cấu như Ngũ Lang- sát thủ mà Pháp thuê ám sát Bác ; Phương Thảo, em gái Ngũ Lang, y tá chăm sóc Bác khi còn ở Hồng Kông, sau đó lại theo Bác tới Thượng Hải để chăm sóc và bí mật bảo vệ Bác... Mọi sự hư cấu đều hướng đến cái đích làm nổi bật nhân cách Hồ Chí Minh” -  ông Hưng khẳng định.

Các diễn viên tham gia phim đều ấn tượng

Theo diễn tiến của bộ phim, tại Thượng Hải, Nguyễn Ái Quốc đã được bà Tống Khánh Linh giúp làm cầu nối, liên hệ với các nhà hoạt động quốc tế và nhanh chóng thoát khỏi vòng vây kẻ thù...

Vai Tống Khánh Linh trong phim do Diễm Mẫn thể hiện. Sinh năm 1980, Diễm Mẫn được biết đến từ vai Bạch Tú trong Hiệp khách hành cách đây 9 năm và nhanh chóng trở thành diễn viên ăn khách của Trung Quốc với hàng chục vai diễn chính trong các phim điện ảnh và truyền hình ở Đại lục. “Tìm người đóng vai Tống Khánh Linh là một thách thức đối với đoàn làm phim. 16 tỷ là số tiền không dư dả đối với một phim quay ở hai quốc gia có sự tham gia của nghệ sĩ hai nước. Vì thế, chúng tôi không dám nghĩ tới những gương mặt nổi tiếng- điều thật sự cần thiết cho việc nâng cao chất lượng phim và thu hút người xem.

Đã có ba diễn viên được mời thử vai nhưng không đạt.Thật may, trong đoàn phim phía Trung Quốc có nhà tổ chức hiện trường Cù Kỳ Minh - nguyên là quay phim của các phim nổi tiếng: Tam Quốc, Đông Chu, Thần điêu đại hiệp. Anh này là bạn của Chương Diễm Mẫn. Sau khi nghe Cù Kỳ Minh ngỏ ý, Chương Diễm Mẫn đã nhận lời vì cho rằng đây là cơ hội để bày tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ đối với Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và cô ấy đã không nhận một đồng cát xê nào, trong lúc cái giá mà đoàn phim đáng ra phải trả cho cô ấy ít nhất cũng là nửa triệu tệ...”, ông Hưng tâm sự.

Vai Nguyễn Ái Quốc trong phim do diễn viên kịch Minh Hải đảm nhiệm. Đạo diễn Triệu Tuấn (đạo diễn phía VN) cho biết: “Về ngoại hình, với con mắt đạo diễn, tôi nghĩ rằng Minh Hải là người đóng vai Bác Hồ giống hơn tất cả những người đã đóng vai Nguyễn Ái Quốc từ trước đến nay. Khách quan đánh giá, về kỹ thuật diễn xuất, có thể Minh Hải chưa vượt trội bằng các diễn viên đi trước như Trần Lực, Tiến Hợi nhưng về cốt cách, hình thể và diện mạo thì gần gũi với Nguyễn Ái Quốc hơn”.

Còn Mỹ Duyên (vai y tá Phương Thảo) thì nhận xét về người bạn diễn: “Trong phim, nhân vật Nguyễn Ái Quốc được xây dựng rất đời thường, gần gũi. Minh Hải đã diễn xuất vai này rất thoải mái, rất ngọt, hiếm có diễn viên nào mà Duyên có cảm giác phối hợp làm việc dễ dàng như thế. Minh Hải là một diễn viên biết cách truyền đạt cảm xúc qua đôi mắt, bằng nội tâm, biết cách phối hợp cho và nhận những cảm xúc từ bạn diễn. Có thể nói, Minh Hải diễn không chỉ bằng ngoại hình mà bằng cả sự yêu mến, tìm tòi, sáng tạo và say mê nhân vật mà mình thể hiện”.

Đánh giá cao diễn xuất của các diễn viên VN, đạo diễn Phạm Đông Vũ khẳng định diễn viên VN diễn giỏi, nghiêm túc. Trong khi phía VN lại nắc nỏm với diễn xuất của Chương Diễm Mẫn và Michael (Đức)...

Theo kế hoạch, phim sẽ ra mắt công chúng dịp kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9.

Nguyệt Nhi-Vanhoa0

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất