Sự gần gũi là điều kiện cốt lõi thu hẹp khoảng cách giữa “quan” và “dân” và nhất là những bức xúc của dân cũng sẽ sớm được giải quyết. Có như vậy, dân mới không quay lưng lại với “quan”.
Những câu trả lời không đi thẳng vào vấn đề hay những câu giải thích thiếu tính xác thực vẫn tồn tại ở không ít cán bộ, đảng viên trong bộ máy công quyền hiện nay. Bằng chứng là khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, đến trả lời công luận, thậm chí là trên diễn đàn Quốc hội khi bị chất vấn, một lần nữa bộc lộ sự mãi “vòng vo Tam Quốc”. Nhiều vụ việc, quả bóng trách nhiệm cứ đẩy qua, đẩy lại nên người chịu thiệt không phải ai khác chính là người dân.
Kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Đà Nẵng khóa 8 vừa diễn ra, hiện trạng quan “xa” dân một lần nữa bộc lộ. Cán bộ khi được hỏi thì trả lời vòng vo, không nắm chắc vấn đề. Nghe dân kêu, họ hứa rồi “mặc đấy”. Hết kỳ họp này đến kỳ họp khác, dân vẫn kêu cùng một việc mà “việc đâu vẫn hoàn đó”.
Chính sự thiếu đi sâu, đi sát của một bộ phận công chức đã buộc ông Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh không ít lần phải ngắt câu trả lời của “công bộc” và nhắc nhở phải đi thẳng vào vấn đề. Ông Nguyễn Bá Thanh còn thẳng thắn bổ sung vấn đề, phê bình cấp dưới và yêu cầu họ phải học cách gần gũi, nếm trải thực tiễn với người dân nhằm đưa ra những quyết sách kịp thời, thỏa đáng.
Cán bộ nắm rõ “gốc” của vấn đề, gần dân, sát dân và trực tiếp đối thoại với dân như ông Thanh không phải là hiếm. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, vẫn còn tồn tại nhiều cán bộ quen thói “cưỡi ngựa xem hoa”, làm qua loa, đại khái chỉ để mang tính đối phó với cấp trên. Những cán bộ này đã và đang làm mất đi sự tin yêu của nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, dẫu là lãnh tụ cao nhất của đất nước, nhưng tác phong công tác, sinh hoạt của Người thực sự là tấm gương sáng vĩ đại. Người luôn hết lòng vì dân, vì nước. Người không chỉ quan tâm đến những vấn đề mang tầm vĩ mô mà những vấn đề cụ thể cũng được giải quyết, xử lý hết sức chi tiết. Không ít lần Người xuống đồng, lội ruộng, tát nước với nông dân. Sự gần gũi với dân giúp Người nắm rõ hơn thực tế, tâm tư, nguyện vọng của dân, để từ đó có những quyết sách hợp lòng dân.
Noi gương Người, biết bao cán bộ đã cùng “chia ngọt sẻ bùi”, “chung vai” cùng nhân dân giải quyết những khó khăn, thách thức. Sự gần gũi là điều kiện cốt lõi thu hẹp khoảng cách giữa “quan” và “dân” và nhất là những bức xúc của dân cũng sẽ sớm được giải quyết. Có như vậy, dân mới không quay lưng lại với “quan”. Thực tiễn đã chứng minh, với sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, đất nước ta đã giành được thắng lợi to lớn trước các cường quốc xâm lược để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, phát triển như ngày nay.
Để truyền thống tốt đẹp đó mãi được duy trì và đặc biệt trong công cuộc đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nhất là thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 hiện nay, rất cần những cán bộ biết gần dân, thực sự sâu sát, gần gũi, quan tâm, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tham mưu hoặc đưa ra những quyết định đúng đắn vì dân. Để làm được việc đó, nói một cách hình ảnh, cán bộ phải “xắn quần” chứ đừng “cưỡi ngựa”./.
(Mai Hương/QĐND)