Chủ Nhật, 24/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Bảy, 10/1/2009 11:38'(GMT+7)

Xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh ở Tây Nguyên

Chính quyền cơ sở ở Tây Nguyên giúp đỡ người dân gặp khó khăn.

Chính quyền cơ sở ở Tây Nguyên giúp đỡ người dân gặp khó khăn.

Theo thống kê, năm 1979 Tây Nguyên có 1,48 triệu người thì nay có hơn 4,9 triệu người, với 46 dân tộc anh em chung sống. Tây Nguyên có 592 xã, 68 phường, 48 thị trấn; 51 huyện, 5 thị xã, ba thành phố trực thuộc tỉnh; trong đó có 537 xã vùng khó khăn, 211 xã thuộc vùng 3. Toàn vùng có 7.086 thôn buôn, tổ dân phố, trong đó 2.765 thôn buôn người dân tộc thiểu số, 1.668 thôn buôn đặc biệt khó khăn. Ðể nâng cao chất lượng hoạt động, đảm đương tốt nhiệm vụ được giao, chính quyền phải làm thế nào?

Tây Nguyên là vùng đất có nhiều tiềm năng, trải qua các thời kỳ lịch sử, dân số không ngừng tăng, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ có, nhân dân các vùng trong cả nước đến lập nghiệp có, đồng bào dân tộc thiểu số sống xen với đồng bào Kinh là khá phổ biến; có xã đến vài chục nghìn dân, có xã lại khoảng một nghìn dân, nhất là các xã biên giới, trong khi đó diện tích tự nhiên lớn, địa hình lại chia cắt, đi lại khó khăn... là đặc điểm của các xã vùng Tây Nguyên.

Ai cũng biết, chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn) là nơi trực tiếp giải quyết công việc của người dân, là nơi thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Nhận thức được tầm quan trọng đó, nhiều năm qua, đảng bộ và chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã từng bước đầu tư, đào tạo, kiện toàn đội ngũ cán bộ ở cơ sở bằng việc chỉ đạo, giúp đỡ cơ sở từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện quy chế dân chủ, giảm phiền hà cho dân và tìm mọi giải pháp để nâng cao đời sống, ổn định chính trị trong vùng. Nhiều tỉnh chủ động tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng về làm việc tại xã, chú trọng quy hoạch, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ cho xã, thôn buôn, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số...

Theo đánh giá của đồng chí Hồ Văn Mành, Phó Vụ trưởng Vụ Ðịa phương II (Ban Tổ chức TW): Qua hơn bốn năm thực hiện Quyết định 253 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 04 ngày 16-1-2004 của Bộ Nội vụ, chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên đã cơ bản được kiện toàn, củng cố và nâng lên về chất lượng. Toàn vùng có hơn 22.464 cán bộ xã, phường, thị trấn được hưởng lương, trong đó cán bộ dân tộc thiểu số chiếm 30,02%. Ðội ngũ công chức xã hơn 83% đạt chuẩn về văn hóa; 59,10% có trình độ đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp... Ðây là cố gắng lớn của các cấp chính quyền ở Tây Nguyên trong đào tạo và đào tạo lại đội ngũ của mình nhằm đảm đương yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhận định: Hiện nay chính quyền cơ sở được giao quá nhiều việc, 57 nhiệm vụ (theo sách Hệ thống chính trị ở cơ sở nông thôn nước ta hiện nay, NXB CTQG, HN 2004), trong đó có những công việc không phù hợp tính chất, đặc điểm của chính quyền cơ sở, gây nên sự bị động, lúng túng trong quản lý, điều hành. Thực tế là cơ cấu bộ máy UBND còn nhiều bất hợp lý, vừa hình thức, vừa cồng kềnh, sự phân công nhiệm vụ giữa các bộ phận giúp việc cho UBND chưa cụ thể, rõ ràng... Ðó là sự phân công công việc giữa các cán bộ chuyên môn và một số chức danh do các ủy viên UBND đảm trách, rồi một số chức danh do cán bộ chuyên môn chuyên trách... Trong khi đó trình độ cán bộ cơ sở ở Tây Nguyên nói chung còn thấp, nhiều nguồn hợp lại, đó là chưa kể đến tính kỷ luật trong công vụ của một số cán bộ hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu được giao, hằng ngày phát sinh những vấn đề mới không giải quyết được. Thời gian làm việc của đội ngũ cán bộ ở cơ sở vùng Tây Nguyên còn tùy tiện, muốn thì ra trụ sở, không thích thì ở nhà đi rẫy. Do vậy, phải quy định rõ thời gian làm việc cho cán bộ xã, phường, thị trấn. Có như vậy nền nếp làm việc ở cơ sở mới có trật tự kỷ cương, khắc phục sự xa dân, không sát dân. Thêm nữa, cần phải làm cho cán bộ cơ sở nhận biết và phân biệt chức trách, công việc của mình được phân công, đảm nhiệm. Ðây là vấn đề đáng quan tâm hiện nay ở Tây Nguyên, như Chủ tịch HÐND, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND, cán bộ chuyên môn, chuyên trách... để cán bộ đó làm đúng việc, đúng chức trách, đúng thẩm quyền. Làm được việc này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy các tỉnh, Trường Chính trị cần mở lớp ngắn hạn để bồi dưỡng  tính tác nghiệp cho từng loại cán bộ. Ðây cũng là một trong những việc phải làm để nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở ở Tây Nguyên.

Nói đến đặc điểm vùng Tây Nguyên là nhắc đến buôn, làng, bon, bản (gọi tắt là buôn làng). Song buôn làng không phải là một cấp trong hệ thống chính quyền bốn cấp theo luật định, nhưng nó có ý nghĩa về nhiều mặt, ngoài về hành chính còn có ý nghĩa về văn hóa, truyền thống, tình cảm, phong tục, lối sống, luật tục... và vai trò già làng trong xây dựng chính quyền là rất quan trọng. Trao đổi ý kiến về vấn đề này, đồng chí Lưu Duy Khanh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum cho biết: Việc phát huy vai trò già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Kon Tum là rất quan trọng và cần thiết để triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn... Già làng có vai trò vận động bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa, kết hợp hài hòa giữa luật tục và pháp luật, giữa truyền thống và hiện đại, thực hiện tốt các hoạt động tự quản tại cơ sở, xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước trong cộng đồng và thực hiện dân chủ, công bằng xã hội, chống lại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, xây dựng khối đại đoàn kết. Phải thường xuyên bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ già làng, thôn trưởng và người có uy tín, qua đó cung cấp thông tin về phát triển kinh tế-xã hội, các vấn đề khác liên quan địa phương, các âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù... để đội ngũ này hiểu rõ hơn tình hình nhằm khuyên bảo bà con trong buôn làng, là một trong những việc làm có hiệu quả để nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở.

Xuất phát từ tình hình thực tế ở Tây Nguyên, việc nâng cao chất lượng trong hoạt động của chính quyền cần chú ý củng cố hệ thống chính trị mà trọng tâm là xây dựng chính quyền cơ sở ngày một vững mạnh, đây là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, là tiền đề để phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị. Trong xây dựng chú ý đặc điểm của vùng Tây Nguyên, đó là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vận dụng phù hợp luật tục với pháp luật, nêu cao vai trò già làng và việc gì cũng nên "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Trong đào tạo cũng nên có chính sách ưu tiên, khuyến khích cho cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có nội dung đào tạo phù hợp... Có như vậy mới có đội ngũ cán bộ đủ mạnh để nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở.

Với những gì đã làm được và với sự quan tâm, chăm sóc của Ðảng, Nhà nước, chắc chắn Tây Nguyên sẽ có đội ngũ cán bộ đảm đương được nhiệm vụ của mình./.

(Theo: Nguyễn Hồng/Nhân dân ĐT)


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất