(TCTG)- Việc nghiên cứu, học tập nghị quyết của Đảng là trách nhiệm của mỗi tổ chức đảng, đảng viên, đây là công việc quan trọng nhằm đảm bảo sự thống nhất trong toàn Đảng, tạo tiền đề cho tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng.
Mỗi khi có nghị quyết của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, các cấp uỷ đảng đều có kế hoạch, quán triệt, triển khai thực hiện. Theo đó việc học nghị quyết của Đảng diễn ra theo hai bước, bước một là tổ chức quán triệt nghị quyết, bước hai là cả hệ thống chính trị tổ chức thực hiện nghị quyết thông qua các chương trình hành động. Hai bước trên là một thể thống nhất, giữa chúng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Bước một là nâng cao nhận thức thì bước hai là tổ chức thực hiện nghị quyết, biến nghị quyết trở thành hiện thực sinh động trong đời sống xã hội.
Việc quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Ðảng những năm gần đây nhất là từ sau Đại hội X đã từng bước được đổi mới và nâng cao chất lượng từ khâu quán triệt nghị quyết đến xây dựng chương trình hành động. Để việc quán triệt học tập nghị quyết của Trung ương nhanh, gọn, tổ chức khoa học, sát với thực tế hơn, nhiều cấp uỷ huyện còn sắp xếp lịch, ấn định thời gian học cho từng cơ sở; Các cấp uỷ xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết gọn hơn, rõ việc cần thực hiện hơn, mỗi chương trình hành động của cấp uỷ đã nêu được những vấn đề mấu chốt cần tập trung giải quyết ở địa phương, đơn vị khi thực hiện nghị quyết.
Tuy đã đổi mới song so với yêu cầu thực tại vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm trao đổi. Sau mỗi đợt học nghị quyết (NQ), khi báo cáo kết quả việc quán triệt, triển khai NQ thường chỉ phản ánh được số lớp, số người tham gia học tập, mà chưa đánh giá được thực chất, chất lượng sau quán triệt học tập NQ. Việc xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết nhiều nơi chủ yếu là sao chép của cấp trên, nhất là cơ sơ,ã nên chương trình thường là hình thức, khó thực hiện. Những tồn tại bất cập trong học tập, triển khai thực hiện NQ hiện nay có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính vẫn là từ người truyền đạt NQ và người học NQ.
Hiện nay việc quán triệt, tổ chức học tập NQ của TW Đảng thường diễn ra theo trình tự cấp Tỉnh, cấp Huyện tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt quán triệt NQ, thảo luận thông qua chương trình hành động thực hiện NQ của cấp mình. Cấp cơ sở tổ chức quán triệt học tập NQ cho đảng viên, các đoàn thể tuyên truyền tới đoàn viên, hội viên của tổ chức mình, các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân. Việc tổ chức quán triệt, học tập NQ ở cơ sở hiện nay còn nhiều bất cập. Mỗi khi triển khai, học tập NQ các cơ sở thường nêu lý do số lượng đảng viên ít, báo cáo viên cơ sở không chuyên nghiệp, cộng với tâm lý “Bụt chùa nhà không thiêng”, truyền đạt không hấp dẫn, không thu hút được người học dẫn đến hiệu quả thấp; vì vậy cần tổ chức các lớp học NQ tập trung và báo cáo viên cấp trên có trình độ, khả năng trực tiếp tham gia truyền đạt NQ.
Những điều nêu trên chỉ đúng một phần. Việc truyền đạt NQ, điểm thu hút người nghe không chỉ là báo cáo viên có trình độ sư phạm, có nhiều thông tin tham khảo trong và ngoài nước mà vấn đề mấu chốt là người báo cáo ngoài việc phải nắm vững tinh thần cốt lõi, điểm mới trong NQ, còn phải nghiên cứu sâu, hiểu rõ, liên hệ phân tích được tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị mình có, vấn đề nào đơn vị mình đã làm tốt; vấn đề nào NQ chưa đề cập nhưng thực tế ở đơn vị mình có, sẽ diễn ra và cần xử lý trong quá trình thực hiện NQ. Có như thế người truyền đạt NQ mới có thể dẫn dắt người học đi từ cái chung của NQ đến cái riêng, cụ thể ở địa phương, đơn vị mình; từ đó khêu gợi để người học có thể tham gia ý kiến hoặc tranh luận với nhau những vấn đề chưa thống nhất, những công việc mà địa phương, đơn vị mình cần chọn để thực hiện trước, những việc cần phải chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện lâu dài.
Đối với người học, thực tế cho thấy có một bộ phận đảng viên đi học NQ với mục đích là để biết, để hoàn thành nhiệm vụ của đảng viên, chưa nhận thức đầy đủ là học NQ để làm, để thực hiện, để đưa NQ vào cuộc sống. Hiện nay các đảng viên đi học NQ chủ yếu là nghe tiếp thu, rất ít người ghi chép. Việc chuẩn bị các điều kiện như tài liệu, phương tiện học tập NQ ở cơ sở còn ít được quan tâm.
Để việc học tập NQ đạt hiệu quả đáp ứng yêu cầu đặt ra, trước hết Thường vụ cấp uỷ hoặc cấp uỷ, thủ trưởng cơ quan đơn vị phải chuẩn bị, lựa chọn những vấn đề mới, những vấn đề bức xúc ở địa phương, đơn vị mình khi thực hiện NQ cần được tháo gỡ, thảo luận kỹ để đưa vào chương trình hành động. Người được phân công truyền đạt NQ, ngoài việc chuyển tải nội dung NQ thì phải nêu được đúng và trúng tình hình thực tế ở địa phương đơn vị. Các chi bộ đảng cần hướng cho đảng viên tìm hiểu NQ, liên hệ với thực tiễn, chuẩn bị ý kiến đóng góp hoặc nêu vấn đề mình quan tâm để cùng thảo luận. Trong quá trình tổ chức học tập NQ cấp uỷ hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị chỉ đạo bộ phận giúp việc tập hợp các ý kiến đóng góp nắm danh sách những người không tham gia ý kiến hoặc tham gia cho có để làm cơ sở đánh giá nhận thức thái độ và sự quan tâm của cán bộ, đảng viên đối với công việc của cơ quan, đơn vị. Vì chỉ có ai tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm, quan tâm đến công việc của địa phương, đơn vị mới có thể nắm được vấn đề và tham gia đóng góp ý kiến. Làm được những điều trên thì chắc chắn các NQ của Đảng khi ban hành sẽ được quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ và NQ của Đảng sẽ đi vào cuộc sống./.
Nguyễn Phương Vinh