Điều đó không có gì lạ, bởi đời sống lý luận nào mà thiếu “dấu chân thực tiễn”, ngược lại thực tiễn sáng tạo sẽ phát triển nghiêng ngả, nếu thiếu sự cách tân trong đường lối, luận điểm, luận đề triết mỹ. Người viết bài này xin trao đổi ba vấn đề hiện đang có sự khác nhau hoặc thiếu hụt trong quá trình sáng tạo, nhất là ở một số văn nghệ sĩ trẻ; biết đâu có ích cho nhiều phía: Nhà quản lý, nhà lý luận, nhà sáng tác và bạn đọc.
Văn kiện đường lối văn hóa và tác phẩm lý luận văn nghệ
Văn kiện đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa là kết tinh trí tuệ, tri thức, minh triết của một tập thể nhà lãnh đạo, nhà khoa học, tổng kết một giai đoạn lịch sử, kế thừa những tinh hoa, giá trị truyền thống, đề xuất những nội dung mới tương ứng với yêu cầu của thời đại. Văn kiện đường lối văn hóa là nền tảng của nhiều lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: đạo đức, pháp luật, giáo dục, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, báo chí, thông tin và truyền thông v.v… Ph.Ăngghen nói “Các nhà triết học muốn làm gì thì làm, họ vẫn bị triết học thống trị”. Trong văn cảnh cụ thể của câu nói ứng dụng vào lĩnh vực nghệ thuật: văn chương, sân khấu, âm nhạc, hội họa, điện ảnh, chính luận và nhiều loại hình mới ra đời trong thời hậu hiện đại đều chịu sự chi phối của triết học. Hiện nay trong nhận thức của một số nhà lý luận văn nghệ có mấy điều chưa ổn. Một là, đem đường lối văn hóa đồng nhất với ý thức hệ. Không phải! Làm như vậy là vừa thu hẹp đường lối, vừa làm khó cho nhà sáng tạo. Đường lối văn hóa rộng hơn ý thức hệ. Ví dụ: Trong Đề cương văn hóa 1943 đường lối được thể hiện ở ba lĩnh vực: tư tưởng, học thuật, nghệ thuật. Từ đó đến nay ba nội dung trên vẫn có giá trị, vẫn mang ý nghĩa thực tiễn. Nhưng, những nguy cơ văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật - Pháp thì bị thời đại vượt qua. Nhiệm vụ của những nhà văn hóa mác xít cũng có nhiều điểm không cần thiết cho đời sống văn nghệ hôm nay. Các thể chế chính trị rồi sẽ qua đi cùng lịch sử, nhưng tính dân tộc, tính khoa học, tính nhân dân thì sẽ trường tồn. Hai là, không thể đặt đường lối văn hóa, các tác phẩm bất hủ có tính cương lĩnh cùng hàng với nhưng tác phẩm lý luận văn nghệ. Hịch Tướng Sĩ, Bình Ngô Đại Cáo, Hịch Tây Sơn, Tuyên ngôn độc lập v.v… là những tinh hoa văn hiến, là văn bản triết học cao nhất đương thời với nội hàm bao chứa nhiều lĩnh vực lịch sử, chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa, có những giá trị Chân, Thiện, Mỹ của cả dân tộc. Ở đây, không có chuyện đặt lại câu hỏi những tác phẩm triết học - chính luận nói trên có phải là tác phẩm lý luận không? Nếu ai đó nghĩ và viết như vậy, thật ngây thơ! Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mở đầu bằng sự khái quát hóa truyền thống nhân văn của tiến trình dân tộc dựng nước và giữ nước: “Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam…, đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc”. Nó bao chứa ít nhất là sáu lĩnh vực: tư tưởng - đạo đức - lối sống; giáo dục khoa học; văn học nghệ thuật; thông tin đại chúng; giao lưu văn hóa. Nói Nghị quyết 5 là một văn bản triết học, bởi ngoài những giá trị lý luận văn hóa, ý nghĩa thực tiễn, còn có lượng thông tin rộng, tính dự báo cao phản ánh đường lối chính trị - xã hội vĩ mô qua gần 15 năm đổi mới.
Còn những tiểu luận của các nhà lãnh đạo cấp cao vốn là những nhà văn hóa lớn về đề tài văn hóa-nghệ thuật như Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam (1944) của Trường Chinh; Hiểu biết, khám phá và sáng tạo phục vụ Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, Giữ gìn trong sáng tiếng Việt (1966) của Phạm Văn Đồng, và nhiều tác phẩm khác nữa là những tác phẩm lý luận văn nghệ xuất sắc, bởi vì trong đó các tác giả đã tổng kết những vấn đề lớn của thế giới và trong nước có ảnh hưởng đến đời sống sáng tạo văn nghệ, lượng thông tin nhiều, tính dự báo những “điều có thể xảy ra” với những giá trị tu từ của lối diễn đạt. Bàn về sức tưởng tượng của người nghệ sĩ, Trường Chinh viết “Văn nghệ không mơ tưởng, khác nào con chim không cánh, cái thuyền không buồm, tưởng tượng có tính sáng tạo của người làm văn nghệ ít nhiều mang tính chất lãng mạn cách mạng… Không tưởng tượng sao được! Xuất phát từ đời sống thực tế và đưa vào quy luật phát triển khách quan của sự vật trí tưởng tượng của ta có thể đi trước hiện thực một vài bước và nâng đời sống thực tế vươn lên”(1). Nói về cái giàu và cái đẹp của tiếng Việt, sau khi đánh giá rất cao ca dao và Truyện Kiều, coi đó và những viên ngọc quý, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết “Cái tinh hoa đặc sắc và độc đáo của tiếng Việt được thể hiện ở nhiều câu thơ vừa là họa vừa là nhạc, ví dụ như câu thơ Nguyễn Du tả Từ Hải… Tiếng Việt hiện nay có khả năng rất lớn… để diễn tả đời sống tư tưởng và tình cảm ngày càng phong phú, đẹp đẽ của dân tộc ta. Bản thân nó đã giàu, nó lại còn có khả năng biến hóa vô cùng, nếu chúng ta biết giữ nó, dùng nó, biết phát triển nó”(2).
Tự do sáng tạo và trách nhiệm công dân
Tự do và cá tính sáng tạo của nghệ sĩ trong tiến trình văn nghệ là sự tổng hợp hai lực đẩy: sự nỗ lực của cá nhân người bơi và sức đẩy dòng nước. Hai vế này được Nghị quyết 23 diễn đạt với tinh thần mới: “Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc… Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tinh thần độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ”
Tự do sáng tác là trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ đặt ra từ lâu, mỗi thời đại có những vấn đề đặt ra và cách trả lời của mình. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, song đề này nên lưu ý mấy điểm sau đây: Xác định lý tưởng xã hội và trau dồi lý tưởng thẩm mỹ của văn nghệ sĩ. Vì sao đặt lại vấn đề này? Trong phần yếu kém, khuyết điểm của tình hình văn học-nghệ thuật thời gian qua, Nghị quyết 23 ghi rõ: “còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Trong một số tác phẩm, lý tưởng xã hội-thẩm mỹ không rõ nét, ý nghĩa xã hội còn hạn hẹp… có biểu hiện xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, hạ thấp chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí… Trong một số trường hợp, có biểu hiện cực đoan, chỉ tập trung tô đậm mặt đen tối... thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử hoặc bị các thế lực thù địch lôi kéo, đã sáng tác và truyền bá các tác phẩm độc hại, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân và đất nước…”. Khác với nhiều nghề khác, văn nghệ sĩ là người sản xuất hàng hóa đặc biệt, theo phương thức cá thể, còn công chúng thì cái gì hay, đặc sắc, hấp dẫn thì người ta đọc, xem, nghe. Ở đây văn nghệ sĩ chịu nhiều sức ép: có tài năng thực sự, quyền không được viết những tác phẩm dở. Nếu không có tài thì đi làm nghề khác, chứ làm nghệ thuật khổ lắm, như có lần cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: có hiểu biết nhất định về tri thức văn hóa tổng quát; chịu sự kiểm duyệt của luật các chế tài pháp lý v.v... Nhưng trước hết nghệ sĩ phải có lý tưởng xã hội. Viết cho ai? Viết để làm gì? là hai câu hỏi không bao giờ cũ, không dễ trả lời mà sinh thời Hồ Chủ tịch căn dặn nhà văn, nhà báo. Trong lịch sử thơ ca thế giới, A.Puskin vĩ đại được thế giới công nhận là “mặt trời thi ca Nga” trước hết là nhờ ông có lý tưởng sáng ngời của những nhà cách mạng tháng Chạp (1825). Bấy giờ Hội những nhà cách mạng tháng Chạp đã có Nghị quyết về sáng tạo nào đâu, mà Puskin vẫn tìm tòi không biết mệt mỏi, là nhà thơ có lý tưởng đứng ngang tầm thời đại, suốt đời đòi hỏi ở mình sự cách tân liên tục, sự lao động kiên nhẫn. Puskin thường nói đến “sự lao động bí mật”, “thiên tài - lao động”, “bi kịch sáng tác” là những bí quyết để tạo nên sự lớn mạnh về tinh thần và lý tưởng. M.Scheier có lần nói: Con người lớn mạnh về tinh thần bao nhiêu, thì nhu cầu về bản năng càng ít (thích quyền lực, chạy theo đồng tiền, săn đuổi danh lợi). Bằng sự lao động nghiêm khắc, được lý tưởng tiên tiến nhất thời đại chiếu sáng, Puskin đã quan tâm thường trực đến những đề tài xã hội to lớn, vận mệnh của Tổ quốc Nga, thân phận của con người, khát vọng hướng tới sự thật, dù đó là sự thật nghiệt ngã.
Trong văn học nước ta, từ năm 1937 trở đi, Tố Hữu đã tốt nghiệp một trường kỹ thuật viết văn nào đâu, mà đã có những trang thơ đẹp, chói ngời lý tưởng cách mạng trong Từ ấy, một tập thơ “cuồn cuộn thác nước phát nguyên, chưa yên lắng, còn sùng sục phá lấy đất, tạc lấy bờ”, (Xuân Diệu) đã lôi cuốn tầng lớp đông đảo thanh niên, học sinh đang say sưa đi tìm lý tưởng mới, dấy lên một phong trào tìm đọc, say sưa đọc Từ ấy như “lửa gặp dầu”. Đó là gì vậy? Đó là nhờ bầu máu nóng trong nhà thơ trẻ đã gặp lý tưởng của Đảng: Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ, Mặt trời chân lý chói qua tim… Thơ Tố Hữu Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng cho đến Ra trận, Máu và hoa, Một tiếng đờn là bộ sử biên niên về lịch sử cách mạng Việt Nam thời hiện đại được viết bằng thơ. Tại sao phần lớn đều thành công, trong số đó nhiều tác phẩm xuất sắc đi cùng năm tháng? Dù viết về đề tài nào, từ vị lãnh tụ trong chiếc áo nâu giản dị đến anh thợ má vàng thuốc pháo, từ anh bộ đội Cụ Hồ trong 56 ngày đêm ở chiến trường Điện Biên Phủ, từ bà má Hậu Giang cho đến bà bầm, mẹ Tơm, mẹ Suốt v.v… tất cả đều mang dáng dấp, cốt cách, bản sắc, con người Việt Nam, đều có chung đặc điểm về thi pháp: phong phú và độc đáo, hào sảng và trữ tình, nét dáng truyền thống và không khí thời đại. Có được hiệu quả xã hội nói trên là nhờ nhà thơ luôn theo đuổi lý tưởng xã hội tiên tiến và sự khám phá lý tưởng thẩm mỹ.
Lý tưởng thẩm mỹ là trình độ cảm thức cái đẹp ổn định và hoàn chỉnh, biểu hiện cao nhất hoạt động thẩm mỹ của người nghệ sĩ. Lý tưởng thẩm mỹ thường trùng khít với lý tưởng đạo đức. Cái gì đã là đạo đức đều mang phẩm chất cái đẹp, và ngược lại. Tuy vậy, lý tưởng thẩm mỹ cũng có tính độc lập tương đối. Một nhà văn, ở vào mọi thời điểm nào đó có thế giới quan phức tạp vẫn có thể có những trang viết hay. Ở chỗ này, các nhà quản lý văn hóa nên có cử chỉ “thể tất nhân tính”. Để trau dồi lý tưởng thẩm mỹ, mỗi nghệ sĩ nên tìm cho mình mấy điểm tựa sau đây:
- Một triết thuyết làm nền cho sức khái quát nghệ thuật. Trong lịch sử văn hóa thế giới, ở nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ lớn, ta thường gặp ba loại hình ý thức thường liên quan tới nhau: triết học, nghệ thuật, tôn giáo. Đối với văn nghệ nước ta, chúng ta đều thừa nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho cảm hứng sáng tạo. Nhưng không loại trừ những “hạt nhân hợp lý”, những “điều có lợi” trong các trào lưu nghệ thuật ngoài Mác.
- Bản sắc dân tộc là “hòn đá thử vàng” cuả chủ nghĩa nhân văn. Gần đây có người nói, miễn tác phẩm hay là được, không cần bản sắc dân tộc. Như vậy là nói liều. Những tác phẩm xuất sắc của các nghệ sĩ đóng góp vào văn hóa nhân loại chính là những “Cái mới, cái độc đáo” về bản sắc dân tộc của nghệ sĩ đó. Cũng có người nói, lạ mà hấp dẫn còn hơn có bản sắc dân tộc mà dở. Câu trả lời đòi hỏi tài năng. Tác phẩm chưa được bạn đọc nhận, chưa hay không phải vì nó dựa vào chất liệu dân gian, dân tộc mà vì nghệ sĩ đuối sức, thiếu tài.
Còn trách nhiệm công dân của nhà văn, nghệ sĩ? Trước hết là trách nhiệm đối với công chúng. Người sáng tạo viết những cái xã hội cần chứ không phải cái mình có. Một vài nhà thơ trẻ đôi khi cực đoan: “Tôi viết không để cho ai cả!” Nếu thật vậy, thì không còn gì để bàn nữa. Ngày nay, các văn nghệ sĩ dù tài năng nhiều hay ít đều được hưởng cái hạnh phúc lớn nhất là sự quan tâm của đông đảo công chúng. Các nhà văn cổ điển ở các thời đại trước không được cái may mắn đó. Họ viết ra bằng lao động và đau khổ, nhưng không phải lúc nào cũng tìm được bạn đọc. Đo lường tầm vóc nhà văn là công việc của người đọc. Không có lớp độc giả tương ứng và giao cảm với đối tượng miêu tả, tác phẩm của nhà văn mất hết ý nghĩa xã hội. Hiện nay, nhờ trình độ học vấn và trình độ dân trí được nâng cao, nhất là ở các đô thị, một bộ phận không nhỏ bạn đọc hạt nhân có nhu cầu thực sự và nghiêm túc về thưởng thức văn chương. Lớp bạn đọc này thường có sự hiểu biết nhất định về mỹ học, lý luận nghệ thuật, có thói quen đọc trực tiếp tác phẩm, có sự mẫn cảm với thời cuộc với mục đích làm phong phú đời sống đạo đức-thẩm mỹ. Trình độ độc giả như vậy đòi hỏi nhà văn đứng ngang hàng với họ, nếu không muốn nói đi trước một bước. Nhà văn không chỉ là người sáng tạo, mà còn là “độc giả hạng nhất”. Tôn trọng cá tính sáng tạo không có nghĩa là anh (chị) muốn viết gì thì viết, nếu như điều viết ra không để cho ai đọc cả, thậm chí có cả những trang viết nhem nhuốc, những hình tượng vô luân, phi đạo lý dân tộc, làm mồi cho những thị hiếu tầm thường, thì liệu nhà văn kia có xứng đáng danh hiệu!? Cổ vũ sự tìm tòi cái mới, nhưng người đọc không thể hiểu được những câu thơ đại loại như thế này: Sắm con dao vàng / Gọt mắt lá dăm / Nhìn thật kỹ bàn tay thành mây / Trôi đi, trôi đi / trôi đi mãi... (Nguyễn Bình Phương - Đêm ngà ngà). Trong mối quan hệ với bạn đọc, nhà văn cần có cách ứng xử hào phóng, tránh cố chấp trước lời chê và khiêm nhường trước lời khen của công chúng. Còn bạn đọc thì bao giờ cũng bao dung, khoan thứ và vẫn tính công sòng phẳng cho những ai có những trang viết chưa thành.
Đôi điều về một số khái niệm nghệ thuật
Trong một số văn kiện về văn hóa-văn nghệ của Đảng vào nhiều năm gần đây thấy vắng bóng các thuật ngữ: tính công dân, tính nhân dân, tính đảng. Các nhà hoạch định đường lối chắc phải có cơ sở lý luận hoặc sách lược từng bước đi của tiến trình phát triển văn hóa cho việc công bố hay không những khái niệm trên. Theo chúng tôi, khi xác định phẩm chất của người văn nghệ sĩ dưới chế độ ta, do nhân dân làm chủ dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì việc đưa các thuật ngữ trên vào Văn kiện là hợp thời, hợp lý, hợp tình. Bởi đó không chỉ là danh hiệu mà là phẩm chất để nhắc nhở, thôi thúc người nghệ sĩ sáng tạo.
Nhà văn công dân được A.Puskin thấm nhuần sâu sắc. Ông am hiểu nước Nga một cách kỳ lạ, những vấn đề gắn bó với máu thịt của nhân dân Nga, với thời đại từ cuộc chiến tranh ái quốc năm 1812 cho đến cách mạng tháng Chạp 1825. Vết chân của nhà thơ Nga vĩ đại đã in dấu khắp nước Nga mênh mông. Trong nhiều tác phẩm của ông, dù là đề tài nào: cuộc chiến tranh nông dân đầu thế kỷ XVIII hay hoạt động của quân khởi nghĩa Pugatsốp, văn minh vùng Cận Đông hay những sự kiện chính trị ở Đức, cuộc khởi nghĩa Hy Lạp hay phong trào giải phóng vùng Ban căng v.v… tất cả đều mang tính cách Nga, tâm hồn Nga, thiên nhiên Nga, ngôn ngữ Nga trên lập trường người công dân Nga. M.Gorki nhấn mạnh đặc điểm nhà văn công dân là người nhạy cảm với tiếng gọi cuộc đời, với số phận con người. Vào những năm 80 thế kỷ XX, trong nền văn nghệ nước ta, một số tác phẩm văn học, sân khấu ra mắt, được công chúng đón nhận hồ hởi, trước hết chưa phải là vấn đề kỹã xảo, sức truyền cảm nghệ thuật mà chủ yếu là sức hấp dẫn của các luận đề, tính triết lý, trách nhiệm công dân của nghệ sĩ trước thời đại làm thỏa mãn tình cảm, thị hiếu người đọc, người xem. Nhiều nhà lý luận Nga Xô viết vẫn sử dụng rộng rãi khái niệm: tính công dân trong các tác phẩm của mình.
Tính nhân dân phản ánh tâm trạng, nguyện vọng của nhân dân mới chỉ một phía. Điều quan trọng, nhân dân là người tiếp nhận, người bảo trợ, người đồng sáng tạo. Khi bàn về văn hóa, Bác Hồ thường nhấn mạnh: quần chúng là người sáng tạo, công nông là người sáng tạo, không chỉ sáng tạo ra của cải vật chất mà là người biết sáng tác. Luận điểm trên của Bác không chỉ nhấn mạnh tính nhân dân trong nghệ thuật mà còn là tiền đề và điều kiện để các tài năng nghệ thuật trong nhân dân cần được vun trồng, chăm sóc để bổ sung cho các thế hệ cha, anh.
Tính Đảng được V.I.Lênin dùng trong nhiều tác phẩm. Nhưng rõ rệt nhất trong tiểu luận: Tổ chức Đảng và văn kiện của Đảng(3) được công bố ngày 13-11-1905 trên tờ Đời mới, tờ báo công khai của phái bônsevích do Lênin lãnh đạo. Tính Đảng mà Lênin hiểu không trùng khít với ý thức hệ, mà rộng hơn nhiều, nên mới có tính đảng vô sản, tính đảng tư sản, tính đảng phản động v.v…. Tính đảng là nhiệt tình nội tâm, ngọn lửa bên trong, là động cơ cảm hứng của người nghệ sĩ. Khi mà khát vọng trào dâng, đề tài của cá nhân nghệ sĩ trùng khít với quá trình lịch sử, sự thật hàng ngày thì nghệ sĩ tìm thấy tiền đề, lòng tin, hiệu quả sáng tạo. Lênin còn nói đến tính đảng tư sản và khuyên nghệ sĩ nên học tập cách phản ánh trung thực, sâu sắc một mảng hiện thực, thái độ thẳng thắn, không mập mờ trong luận chiến của kẻ đối địch, dám khen ngợi một cuốn sách đối lập nhân dân của một nhà văn bạch vệ có tài, bởi trong những trang viết của ông ta miêu tả những đứa trẻ bị đau khổ hành hạ vì chiến tranh, hoặc cảnh miêu tả những kẻ thống trị, bọn lãnh chúa trưởng giả ở nước Nga cũ đã ăn chơi, đàng điếm như thế nào v.v… Về khách quan là có lợi cho cách mạng. Tính Đảng của Lênin trong triết học, chính luận văn học là ngọn cờ tập hợp những người ngoài chính kiến, những nhà triết học duy vật nửa vời, những người ngoài Đảng ủng hộ công khai chủ nghĩa duy vật triệt để để chống lại mọi thứ triết học phản động.
Ở nước ta, người dùng thuật ngữ tính đảng đầu tiên là Hồ Chủ tịch ký bút danh X. Y. Z trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc tháng 10-1947. Nhưng hồi bấy giờ (trước tháng 3- 1951), Người chỉ dùng từ tính đoàn thể vì Đảng chưa ra công khai. Người coi tính đảng là nguyên tắc cao nhất của Đảng được giải thích cặn kẽ, sâu sắc, cụ thể. Đến tháng 9-1957, trong Diễn văn khai mạc lớp lý luận khóa I trường Nguyễn Ái Quốc, Người yêu cầu “tăng cường tính Đảng” trong việc học tập lý luận gắn với thực tiễn. Năm 1958, trong bài Đạo đức cách mạng, Bác yêu cầu tất cả đảng viên và người ngoài đảng, cán bộ, đoàn viên phải suốt đời phục vụ nhân dân. Một năm sau, trong bài xem Viện bảo tàng cách mạng, Bác coi tính đảng là phẩm chất cao quý, là đạo đức cách mạng, so sánh những gương hy sinh, hành động quả cảm của các Anh hùng, liệt sĩ là đảng tính cao đến tột bậc, là những gương sáng giúp mọi người tẩy rửa chủ nghĩa cá nhân. Như vậy, trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ, việc ứng dụng tính đảng vào sáng tác, nghiên cứu, phê bình, báo chí, chính luận không chỉ bổ ích cho nghề nghiệp, mà còn có ý nghĩa thời sự: đoàn kết - đấu tranh, vừa hợp tác hội nhập nhưng không hòa tan. Bởi suy cho cùng, để xây dựng một nền văn nghệ mới thì ít nhất phải vừa giữ được cội nguồn bản sắc dân tộc, vừa phải đủ sức bơi ra biển cả văn minh nhân loại. Tính công dân, tính nhân dân, tính đảng là những thuật ngữ có nội dung phong phú, cao thượng, có giá trị lý luận và ý nghĩa thời đại. Việc phục hưng chúng trong các văn kiện, tác phẩm lý luận với cách đọc mới là biểu hiện trung thành với mỹ học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện giao lưu và hội nhập quốc tế./.
——————
(1), (2) Nhiều tác giả: Về văn hóa - vàn nghệ. Nxb Văn hóa (in lần thứ ba), H, 1972, tr. 188-189, 418-419
(3) Tiếng Nga: Partinaia organizasia i partinaia litêratura. Tùy theo văn cảnh, literatura có thể hiểu Văn kiện, bởi trong tác phẩm Lênin nói đến triết học, chính luận, báo chí, văn học, thư viện, kho sách…, còn khi literatura in nghiêng đi kèm với nhà văn, người cầm bút, bạn đọc... thì nên gọi là văn học.