Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Chủ Nhật, 4/1/2009 17:38'(GMT+7)

Một số vấn đề đặt ra với công tác tuyên truyền trong thời kỳ mới

Nhà kinh tế, nhà báo Thomas người Mỹ đã làm xôn xao về một “thế giới phẳng”. Căn cội của thế giới phẳng là bởi các thành tựu khoa học và công nghệ đã khiến cho các giác quan của con người được phóng to, nối dài và trở nên đa tần. Thế giới có phẳng? Với mọi ý nghĩa của nó, loài người luôn sống trong một thế giới đầy lồi lõm, đa tầng bậc, đa dạng thức và càng ngày con người càng làm cho các tính chất trong suốt, thấu thị, tức thì của nó trở nên rõ nét. Nghĩa là, càng ngày, phần lộ sáng của thế giới càng nhiều thêm, các phần bị che khuất càng ít đi. Dấu mốc mà không ít người dùng để chỉ sự kiện đó là từ phát hiện về internet của anh em nhà Berners - Lee ngày 06 tháng 8 năm 1991 lại chỉ là cách làm cho xã hội thành trong suốt, thấu thị, tức thì.

Trước kia, một sự việc xảy ra, có khi rất lâu sau nơi khác trên thế giới mới biết, thì nay hầu như lập tức nhiều nơi đều biết. Nhờ sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, những rào cản to lớn bấy lâu nay như thời gian và không gian đã dần được khắc phục.

Loài người với trình độ khoa học của mọi tầng lớp dân cư ngày càng cao, đã tạo ra những dấu ấn, những đặc điểm nổi bật so với trước:

Một là, đặc điểm cơ bản nhất của xã hội hiện nay là gia tốc của sự phát triển không ngừng tăng. Mọi thành tố của phát triển từ tốc độ, khối lượng, chất lượng đến nhịp độ… đều không thể không tính đến gia tốc. Thuật ngữ “ngày càng” trở thành cụm từ luôn được đính kèm với mọi khái niệm: tốc độ ngày càng nhanh, hàm lượng ngày càng lớn, khối lượng ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao, tuổi thọ mỗi ngành nghề ngày càng ngắn, khoa học ngày càng tức thời trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, qui mô ngày càng rộng, mức độ ngày càng sâu vv… Trong đó, độ rộng, độ sâu, độ nhanh của giao lưu văn hoá quyết định trình độ phát triển và tiến bộ của xã hội.

Hai là, xã hội hiện nay là xã hội của những hệ giá trị, hệ qui chiếu mở. Tính trì đọng, sự chế định của tư duy kinh nghiệm nặng về tiền định, mặc định, bắt chước và những ước định cứng nhắc đã thực sự trở nên vật cản, ngáng trở quá trình phát triển.

Tuy nhiên, điều đó không bao giờ đồng nghĩa với việc phủ định sạch trơn mọi giá trị đã có. Ngược lại, trong xã hội hiện nay, toàn bộ các giá trị nhân loại hiện tồn (cả cổ, kim, Đông, Tây) đều trở thành nền tảng chắc chắn, bệ phóng vững vàng cho sáng tạo các giá trị mới, các nguyên lí mới, ngay cả những vấn đề phi chuẩn, bất quy tắc, thậm chí là nghịch lí... so với cái hiện tồn.

Đặc trưng này hướng xã hội đến sự linh động, uyển chuyển khi nhìn nhận các giá trị cũ trong điều kiện mới, mà không lãng quên hay phủ nhận những giá trị đã có, lại rộng đường cho các giá trị mới sinh sôi. Đó là xã hội của những nguyên tắc, chuẩn mực mà cố nhiên là những nguyên tắc, chuẩn mực khác trước, do những sáng tạo mới qui định. Ở đây, việc trao đổi, giao lưu, giao thoa, tiếp thu, tiếp biến không chỉ diễn ra với các giá trị, mà ngay cả với các phương thức và điều kiện sáng tạo ra giá trị.

Ba là, cách nhận thức theo phương pháp mô phỏng, mô tả bề ngoài theo kiểu nặng về định tính đang dần được thay thế bằng các cấu trúc định lượng tiến từ định tính tiền định lượng đến định lượng và định tính sau định lượng. Theo đó, mọi sự vật, hiện tượng, quá trình đều phải được nghiên cứu, xem xét đến các cấu trúc chi tiết với từng thành tố cấu thành một cách cụ thể đến mức có thể lượng hoá được. Điều này có nghĩa rằng các chương trình, kế hoạch phải được xây dựng và là sản phẩm tất yếu của việc lượng hoá các đòi hỏi của sự phát triển, chứ không phải là kết quả của tư duy tư biện hoặc duy ý chí.

Khi đi vào các cấu trúc chi tiết với từng thành tố cụ thể của một hệ thống hoàn bị, nó làm cho người ta dần khắc phục bệnh hô hào chung chung, hình thức. Điều đó cũng có nghĩa là việc lựa chọn, cân nhắc, tính toán mô hình tổng quát và các mô hình cụ thể với từng thành tố chi tiết là điều thiết yếu của quá trình phát triển hiện thực.

Bốn là, xã hội hiện nay vận hành theo hướng tích hợp các yếu tố và lĩnh vực của quá trình phát triển. Trong đó, đối với kinh tế, sự tích hợp đó là kinh tế tri thức; đối với khoa học thì mỗi kết quả đều là sản phẩm của nhiều ngành khoa học khác nhau cùng tham gia tạo dựng. Mỗi vấn đề của phát triển đều phải được phân tích, tổng hợp đưa ra những dự đoán và kiến giải trên cơ sở xem xét nó từ nhiều mặt, nhiều chiều cạnh, nhiều yêu cầu, nhiều mối tương tác một cách toàn diện và chính xác hơn trước để tìm ra cái đích thực, cái vốn có, cái suy đến cùng của nó. Điều này đặt ra việc khắc phục, đoạn tuyệt tư duy lưỡng cực, bệnh phiến diện, chủ quan, duy ý chí… trong xem xét, đánh giá để thay thế bằng cách xem xét toàn diện, toàn cục trong môi trường hiện thực. Nó cũng chỉ ra sự cần thiết của việc hợp tác, hiệp đồng của các đối tác, đối tượng, các ngành khoa học, thậm chí có những mối quan hệ tưởng chừng đối nghịch nhau.

Đối với các quốc gia, dân tộc thì đó là mối quan hệ tuỳ thuộc, lệ thuộc, tương tác lẫn nhau một cách đa chiều, bất kể đó là nước lớn, nước phát triển hay nước nhỏ, chậm phát triển. Thế giới là thế giới đa cực với nhiều trung tâm, chứ không phải thế giới một cực, một siêu cường. Ở thế giới đó, vấn đề các bên cùng có lợi được hết sức quan tâm khi cùng giải quyết một nội dung.

Năm là, sự hiện hữu của công nghệ thông tin, máy vi tính và nhất là internet, blog, ebog… đang dần phổ biến đã làm tăng tốc thêm việc hình thành xã hội thấu thị, cuộc sống trong suốt, tức thì. Điều này tác động mạnh mẽ đến xu thế quốc tế hóa, toàn cần hóa, công dân hóa và các con đường thực hiện dân chủ ở cơ sở. Sản phẩm tất yếu của hiện thực này là đội ngũ cư dân mạng, cư dân điện tử ngày càng đông đảo. Giao thức điện tử đang trở thành phổ dụng trong mọi mặt đời sống xã hội. Theo đó, xuất hiện ngày càng nhiều các tổ chức và cơ quan điện tử.

Sáu là, tính nhân văn ngày càng cao. Khi tri thức khoa học ngày càng trở nên những công việc phổ biến và các thuật ngữ khoa học trở thành ngôn ngữ thường ngày, thì xu hướng coi con người vừa là mục đích, vừa là động lực của sự phát triển đã trở thành tất yếu. Như vậy, mọi giá trị sáng tạo, mọi cải biến xã hội trong đó có công tác tuyên truyền đều có mục đích vì sự phát triển của con người và con người với tư cách cá nhân ngày càng được tôn trọng.

Cùng các đặc trưng khác, đặc trưng này đòi hỏi công tác tuyên truyền phải luôn nắm vững vị thế mới của từng cá nhân và các tác động của nó trước hệ thống thông tin hiện nay. Giờ đây, con người dần nhanh chóng thoát li cách tiếp nhận thông tin thụ động, đơn luồng, một chiều mà chuyển sang cách tiếp nhận thông tin chủ động, nhiều nguồn, nhiều tầng, nhiều chủng loại từ thông tin sơ cấp đến thông tin thứ cấp... Đặc biệt, con người còn đóng vai trò là chủ thể của công tác tuyên truyền đa phương tiện.

Bảy là, quá trình chọn lựa, sàng tuyển, thu nạp và đào thải diễn ra nhanh chóng và khốc liệt hơn. Điều kiện hiện nay đang cho phép phát huy tốt nhất, nhanh nhất mọi nguồn lực so với trước đây. Các sản phẩm cả vật chất, tinh thần và tổ chức đều tăng nhanh gấp bội, nó làm cho việc chọn lựa, sàng tuyển, thu nạp và đào thải diễn ra với tiết tấu khác hẳn trước. Tốc độ của chọn lựa, sàng tuyển, thu nạp và đào thải qui định tốc độ và hiệu quả phát triển của từng dân tộc trong mỗi giai đoạn. Với chức năng định hướng, công tác tuyên truyền sẽ trở nên tụt hậu khi chỉ duy trì được sự đồng tốc với phát triển xã hội. Điều này đặt ra những yêu cầu rất cao với đội ngũ làm công tác tuyên truyền.

Nhận thức đúng các đặc điểm trên có ý nghĩa hết sức thiết thực với công tác tuyên truyền trên tất cả các khâu từ chỉ đạo đến đội ngũ làm nhiệm vụ tuyên truyền và người được tuyên truyền. Nó vừa là cơ sở, vừa là chất hoạt hóa giúp cho công tác tuyên truyền thích ứng kịp thời với sự phát triển xã hội./.

TS. Nguyễn Văn Ba
Phó vụ trưởng Vụ Khoa học-công nghiệ và môi trường Ban Tuyên giáo TW

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất