Chủ Nhật, 24/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 30/12/2008 14:25'(GMT+7)

Tiếp tục làm sáng tỏ nhận thức lý luận, quan niệm về CNXH và con đường đi lên CNXH ở VN

Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự kỳ họp thứ 7 của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2006 - 2010 được tổ chức tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc tươi đẹp và mến khách để tổng kết hoạt động của Hội đồng năm 2008, xây dựng chương trình công tác của Hội đồng năm 2009 và Hội thảo với chủ đề "Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới - một số vấn đề lý luận và thực tiễn". Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi thân ái gửi tới các đồng chí đại biểu tham dự kỳ họp những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.Chúc kỳ họp thứ 7 của Hội đồng Lý luận Trung ương thành công tốt đẹp.

Kỳ họp thứ 7 là kỳ họp cuối năm 2008 nhưng cũng là kỳ họp giữa nhiệm kỳ của Hội đồng Lý luận Trung ương, vì vậy, nhân dịp này, tôi muốn chúng ta cùng nhìn lại công tác lý luận của Ðảng ta, của Hội đồng Lý luận Trung ương trong nửa đầu nhiệm kỳ Ðại hội X vừa qua.

Ngay sau thắng lợi của Ðại hội X của Ðảng, với nhận thức sâu sắc về vai trò của lý luận, công tác lý luận đối với một Ðảng Cộng sản cầm quyền lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, một sự nghiệp mới mẻ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, trong một thời đại, một thế giới thay đổi nhanh chóng, biến động hết sức phức tạp và cũng để khắc phục tình trạng lạc hậu trên một số mặt đã kéo dài nhiều năm của công tác lý luận, Ðảng ta đã rất quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác lý luận. Bộ Chính trị đã thành lập ngay Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2006 - 2010, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để Hội đồng Lý luận Trung ương hoạt động có hiệu quả. Ðồng chí Tổng Bí thư và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà nước đã làm việc, cùng tham dự các kỳ họp của Hội đồng Lý luận Trung ương. Tại Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và ra Nghị quyết "Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới", trong đó, công tác lý luận của Ðảng trong những năm qua đã được phân tích, đánh giá sâu sắc cả những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của tình hình; trên cơ sở đó, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp lớn đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác lý luận của Ðảng trong những năm tới. Sau Hội nghị Trung ương, Bộ Chính trị đã xác định các đề án và phân công các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo xây dựng để triển khai thực hiện Nghị quyết. Hiện nay, việc xây dựng các đề án đang được thực hiện tích cực. Tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương đã thành lập Tiểu ban Tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ mới: Tiểu ban Tổng kết tình hình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 - 2010) và chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020). Công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn được đẩy mạnh để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng này.

Công tác nghiên cứu lý luận chính trị luôn gắn liền với hoạt động tổng kết thực tiễn, giải quyết những vấn đề đặt ra trên con đường phát triển của đất nước. Trong nửa nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về cơ bản đã hoàn thành việc cụ thể hóa Nghị quyết Ðại hội thành các nghị quyết, chỉ thị để triển khai thực hiện, trong đó tập trung vào lĩnh vực công tác xây dựng Ðảng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Các nghị quyết, chỉ thị này, đặc biệt là các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tổng kết sâu sắc thực tiễn đất nước, có những bước tiến mới về nhận thức lý luận, về quan điểm trong nhiều lĩnh vực, như: lĩnh vực công tác tổ chức xây dựng Ðảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; công tác tư tưởng, công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng, đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức Thương mại thế giới (WTO); trong chiến lược biển, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng giai cấp công nhân, nông dân, trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Bước vào năm 2008, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế ở những nước có nền kinh tế lớn, làm cho kinh tế thế giới suy giảm nghiêm trọng cùng với những yếu kém vốn có trong nền kinh tế, ở nước ta, lạm phát và nhập siêu tăng cao, đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô; Ðảng, Nhà nước ta đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Những giải pháp đó đã bước đầu phát huy tác dụng tốt và giờ đây, Ðảng, Nhà nước ta cùng với việc tiếp tục kiềm chế lạm phát lại đang lãnh đạo, chỉ đạo ngăn chặn suy giảm kinh tế. Thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo vừa qua cũng cho Ðảng, Nhà nước ta nhiều kinh nghiệm, những nhận thức lý luận mới về quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.

Ðiểm lại một số nét lớn của tình hình như vậy để có thể khẳng định rằng, trong nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua, công tác lý luận đã rất được Ðảng ta quan tâm và đã đạt được những kết quả tích cực. Ðóng góp vào kết quả đó có vai trò quan trọng của Hội đồng Lý luận Trung ương. Ngay sau khi được Bộ Chính trị thành lập, Hội đồng Lý luận Trung ương đã sớm kiện toàn tổ chức, tích cực triển khai công việc. Hội đồng đã tích cực triển khai thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2006 - 2010. Từ các kết quả nghiên cứu, Hội đồng đã chắt lọc, xây dựng các báo cáo chuyên đề và tổ chức các cuộc hội thảo khoa học để đóng góp những ý kiến tư vấn có giá trị cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư phục vụ việc xây dựng các đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, như: "Công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới", "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa", "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hội nhập quốc tế", "Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn", và phục vụ cho công tác tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh của Ðảng. Hội đồng đã phối hợp với các cơ quan, các nhà khoa học chuẩn bị được nhiều chuyên đề phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có những chuyên đề được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao và được báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư Ðảng Nhân dân cách mạng Lào, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, đoàn kết đặc biệt giữa hai Ðảng và nhân dân hai nước Việt - Lào. Hội đồng đã tích cực phối hợp với Ban Chỉ đạo đấu tranh chống "diễn biến hòa bình", đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch chống phá Ðảng, Nhà nước ta trên lĩnh vực tư tưởng. Hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và trao đổi thông tin của Hội đồng cũng được đẩy mạnh. Trong nửa đầu nhiệm kỳ qua, Hội đồng đã phối hợp tổ chức thành công hai cuộc hội thảo lý luận giữa Ðảng ta với Ðảng Cộng sản Trung Quốc về các chủ đề: "Phát triển khoa học hài hòa trong xây dựng kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa" tại Trung Quốc và "Những vấn đề lý luận - thực tiễn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn - kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Trung Quốc" tại Việt Nam; tổ chức hai cuộc hội thảo với Ðảng Cộng sản Nhật Bản tại Nhật Bản và Việt Nam; tổ chức hội thảo với Ðảng Cộng sản Pháp; tổ chức tọa đàm, trao đổi thông tin với một số tổ chức quốc tế khác.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt biểu dương những cố gắng và những kết quả đạt được của Hội đồng Lý luận Trung ương nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua.

Tình hình thế giới gần đây và dự báo trong những năm tới còn diễn biến phức tạp, khó lường. Cuộc khủng hoảng tài chính từ Mỹ đã lan ra thế giới, gây nên suy thoái nhiều nước có nền kinh tế lớn. Có thể đánh giá đây là cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất của các nước tư bản từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933, làm rung chuyển cơ sở kinh tế, chính trị của chủ nghĩa tư bản, buộc chủ nghĩa tư bản sẽ phải điều chỉnh đường lối để tồn tại, vượt qua khủng hoảng. Bản thân cuộc khủng hoảng về nguyên nhân, tính chất, quy mô, tác động của nó cũng là vấn đề thời sự trọng đại cần được nghiên cứu, phân tích một cách sâu sắc. Sự giảm sút vai trò của Mỹ, sự nổi lên của một số nước, xu hướng hình thành thế giới đa cực ngày càng rõ hơn trên thực tế sẽ tác động và ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị và kinh tế thế giới trong những năm tới. Cùng với sự tăng cường hợp tác giữa các nước trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, như: khắc phục khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế, đối phó với thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, khủng bố... thì sự cạnh tranh giữa các nước nhằm tìm kiếm các nguồn nguyên liệu, năng lượng, thu hút vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ... cũng sẽ gay gắt, quyết liệt hơn. Cạnh tranh giữa các nước lớn trên các địa bàn chiến lược, tranh chấp trên Biển Ðông cũng sẽ gay gắt, phức tạp hơn. Tình hình đó sẽ tác động nhiều mặt, cả tích cực và tiêu cực đối với nước ta.

Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi: tình hình chính trị, xã hội ổn định, lạm phát bước đầu được kiềm chế, kinh tế vĩ mô dần ổn định, an sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn, củng cố lòng tin của nhân dân, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước thì có thể dự báo tình hình kinh tế nước ta năm 2009 sẽ có khó khăn hơn năm 2008. Những khó khăn trong xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm, trong thu hút các nguồn vốn đầu tư... sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập, đời sống của các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, cùng với việc tiếp tục kiềm chế lạm phát thì nhiệm vụ lớn hiện nay là phải kịp thời ngăn chặn suy giảm kinh tế, trong khi thiên tai, dịch bệnh lớn vẫn có khả năng xảy ra, các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn chống phá Ðảng, Nhà nước ta hết sức quyết liệt.

Tình hình đó đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, quản lý, điều hành của Nhà nước ta phải hết sức kịp thời, đúng đắn; toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta phải phấn đấu hết sức quyết liệt để vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng đã đề ra. Công tác lý luận của Ðảng, hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương cần tiếp tục bám sát, phục vụ đắc lực, có hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, góp phần quan trọng giải quyết những vấn đề đặt ra của đất nước, của thời đại.

Tôi cơ bản nhất trí với chương trình, nội dung công tác năm 2009 và những năm còn lại của nhiệm kỳ mà các đồng chí đã đề ra. Tôi xin nêu thêm một số vấn đề để cùng các đồng chí nghiên cứu, thảo luận:

Một là, công tác nghiên cứu của Hội đồng, các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học do Hội đồng chỉ đạo cần tập trung phục vụ cho việc tổng kết 20 năm thực hiện, bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 của Ðảng; tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2001 - 2010) và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020) và chuẩn bị cho việc xây dựng Báo cáo chính trị trình Ðại hội XI của Ðảng. Phải tiếp tục làm sáng tỏ nhận thức lý luận, quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền; về đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng; về phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong thời kỳ mới, xây dựng con người Việt Nam về lý tưởng, đạo đức, lối sống, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ; những vấn đề chiến lược về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; về đường lối, chính sách đối ngoại của Ðảng; những vấn đề cơ bản của thời đại ngày nay...

Hai là, cùng với nghiên cứu những vấn đề ở tầm Cương lĩnh, chiến lược, Hội đồng Lý luận đồng thời cần nghiên cứu, tham gia thẩm định những đề án lớn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; góp ý, tư vấn kịp thời cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lãnh đạo, chỉ đạo về các vấn đề cụ thể, quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị để góp phần nâng cao chất lượng các quyết định của các cơ quan lãnh đạo của Ðảng.

Ba là, phát huy kết quả của nghiên cứu lý luận, Hội đồng cần tổ chức, động viên, khuyến khích các thành viên của mình tham gia tích cực, có chất lượng, hiệu quả vào cuộc đấu tranh tư tưởng, phê phán, bác bỏ các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, vu khống chống phá Ðảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch, góp phần củng cố, tăng cường sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trong Ðảng và trong xã hội ta.

Bốn là, Hội đồng cần tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng quan hệ hợp tác nghiên cứu với các cơ quan nghiên cứu lý luận của các đảng cộng sản, công nhân, các đảng cầm quyền của một số nước trên thế giới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X): Chủ động nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc các lý thuyết phát triển, các trào lưu lý luận và các thành tựu khoa học xã hội thế giới nhằm mục đích nâng cao năng lực lý luận của Ðảng ta và để giải đáp những vấn đề thực tiễn của đất nước, của thời đại.

Những nhiệm vụ đặt ra cho công tác lý luận của Ðảng, cho Hội đồng Lý luận Trung ương trong những năm tới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) là hết sức to lớn, đòi hỏi phải nỗ lực phấn đấu rất cao, kiên trì, bền bỉ để thực hiện thắng lợi; quyết tâm phấn đấu đến hết nhiệm kỳ Ðại hội X phải khắc phục được một bước quan trọng tình trạng lạc hậu trên một số mặt của công tác lý luận, phát huy vai trò to lớn của lý luận đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tinh thần đó và nhân dịp năm mới 2009, chuẩn bị đón Xuân Kỷ Sửu, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi xin gửi tới các đồng chí và gia đình lời chúc mừng năm mới sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt...
________
Đầu đề của Tạp chí Tuyên giáo

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất