Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của Đảng, của dân tộc Việt Nam, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào Cộng sản quốc tế, trước khi đi xa đã để lại bản Di chúc lịch sử thiêng liêng cho muôn đời con cháu. Bác đã dành thời gian để suy nghĩ, cân nhắc trong suốt bốn năm (1965 - 1969), chắt lọc tình cảm và suy nghĩ của cả cuộc đời, để lại bản Di chúc thiêng liêng với những điều căn dặn về Đảng cầm quyền và sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; về chăm lo đối với con người và thế hệ trẻ; về quản lý xã hội, chính sách xã hội, an sinh xã hội sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta giành thắng lợi.
Lẽ thường, khi đã đến lúc phải viết di chúc, người ta thường tập trung căn dặn những người thân về những việc cá nhân, những việc liên quan đối với mình. Nhưng Bác Hồ kính yêu của chúng ta, một người suốt đời hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, trong Di chúc của mình, phần liên quan đến việc riêng rất ít. Trong tổng số hơn 1000 chữ trong Di chúc, Người đã dành 108 chữ để nói về Đảng. Trong 5 nội dung chính của Di chúc, Người dành để nói về Đảng đầu tiên. Còn về việc riêng, về bản thân mình, Người chỉ viết vỏn vẹn 79 chữ, lại để ở nội dung cuối cùng. Điều đó cho thấy suy nghĩ tâm huyết, mong mỏi cháy bỏng của Người về sự nghiệp cách mạng của dân tộc, về việc làm thế nào để duy trì và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định việc chăm lo, xây dựng, chỉnh đốn và đổi mới Đảng là công việc thường xuyên, liên tục của Đảng. Khi mở bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều đầu tiên mà Người căn dặn: “Trước hết nói về Đảng - nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” [1].
Người đặt công tác xây dựng Đảng ở một vị trí vô cùng quan trọng; Người coi đó là công việc hàng đầu của Đảng ta. Bởi lẽ, Đảng ta là một đảng cầm quyền, để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang đó, Đảng phải được xây dựng thật sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi. Người căn dặn: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”[2].
Người yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng vì đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta, cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Để giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng, Bác căn dặn “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” [3]. “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” [4].
Có thể nói, bao trùm lên toàn bộ nội dung Di chúc của Bác là hai chữ “Đảng” và “Dân”, và đây có lẽ cũng là những mối quan tâm sâu sắc nhất trong suốt cuộc đời và cũng là những tâm tư thiêng liêng và lớn lao nhất của Người trong những ngày tháng Bác biết mình sắp phải đi xa. Những lời căn dặn trong Di chúc của Người còn có giá trị lâu dài đối với nhiều thế hệ cách mạng, để Đảng ta không ngừng rèn luyện, đấu tranh, kết hợp tốt hai nhiệm vụ “xây” và “chống” trong Đảng, để Đảng ngày càng xứng đáng với vai trò to lớn mà lịch sử và nhân dân đã giao phó.
50 năm, tuân theo Di huấn của Bác Hồ “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”, toàn Đảng đã “phấn đấu tự đổi mới về tư duy, phong cách, tổ chức và cán bộ, đấu tranh khắc phục những sai lầm, chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều dập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời, dai dẳng” [5], phấn đấu xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động, của toàn dân tộc. Cho dù công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt được yêu cầu như chúng ta mong muốn; cho dù tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn là lực lượng chính trị duy nhất có đủ năng lực và uy tín lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội.
Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng các tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng thể hiện qua việc ban hành văn bản chuyên đề, tăng cường đi cơ sở, dự họp chi bộ cơ sở để nắm bắt tình hình, đánh giá và chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đảng viên. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức; từng bước phát huy hiệu quả của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII góp phần ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xây dựng được tư tưởng tiến công; đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu về đạo đức, lối sống; phong cách làm việc năng động, tích cực, sâu sát cơ sở. Các tổ chức đảng yếu kém, chậm chuyển biến cơ bản được củng cố; công tác kiểm tra, giám sát, nội chính, phòng chống tham nhũng, dân vận được tăng cường và có hiệu quả hơn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng ta nói chung và Đảng bộ thành phố nói riêng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, nguy cơ, thách thức trong công tác xây dựng Đảng. Vì trong thực tế vẫn còn đó những khuyết điểm, hạn chế nghiêm trọng mà các nghị quyết của Đảng đã thẳng thắn chỉ ra. Hội nghị Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.”[6]. Đây là một vấn đề gây nhức nhối trong xã hội, làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, “làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ”.
Mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rằng Người “để lại mấy lời” và “chỉ nói tóm tắt vài việc thôi” nhưng Di chúc của Người là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, nhất là trong việc vận dụng tư tưởng, di huấn của Bác vào lĩnh vực xây dựng Đảng để Đảng được vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, làm cho mỗi đảng viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, tất cả đều vì việc chung. Đọc lại Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhìn lại những việc đã làm được sau 50 năm thực hiện Di chúc của Người, chúng ta thấy tự hào những việc đã làm được, cũng nghiêm khắc kiểm điểm những điều còn thiếu sót, hạn chế, tự hứa với mình phải không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu để thực hiện tốt hơn lời Di huấn của Bác. Mỗi cấp uỷ, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần và quán triệt sâu sắc những tư tưởng, quan điểm của Hồ Chí Minh, thật sự tự giác rèn luyện, tu dưỡng theo những lời dạy của Người, thì nhất định Đảng ta sẽ ngày càng trong sạch, vững mạnh, khắc phục được những nguy cơ của một Đảng cầm quyền, giữ gìn được bản chất và truyền thống tốt đẹp của Đảng, tiếp tục được nhân dân tin yêu, ủng hộ.
Tin rằng Đảng bộ Thành phố với chủ đề năm 2019 "Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội" gắn với đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đề cao trách nhiệm và vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên theo chủ đề "Vai trò của đảng viên và tổ chức Đảng trong phát huy sáng tạo của nhân dân và chăm lo cho nhân dân" chính là những công việc quan trọng, thiết thực và có ý nghĩa nhất để hướng tới kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, góp phần thực hiện mục tiêu Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, “Xây dựng Đảng bộ thành phố thật trong sạch, vững mạnh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á”.
TG
----------------------------------------------------------------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.621-622.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.616.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.622.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.622.
[5] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1987, tr.8
[6] Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.