Chủ Nhật, 6/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Ba, 2/3/2010 21:44'(GMT+7)

Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở ở vùng cao Yên Bái

Khám bệnh cho đồng bào dân tộc ở vùng cao Yên Bái (Ảnh minh hoạ).

Khám bệnh cho đồng bào dân tộc ở vùng cao Yên Bái (Ảnh minh hoạ).

Một thời gian dài, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh còn nhiều hạn chế, bất cập như: số lượng cán bộ tuy có tăng nhưng chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, không đồng bộ về cơ cấu tồn tại nhiều, kể cả cấp sở, ban, ngành ở cấp tỉnh và cấp huyện... Giải quyết tình hình trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Yên Bái, công tác cán bộ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai đồng bộ ở tất cả các khâu và được xác định rõ: Ðánh giá cán bộ là tiền đề, quy hoạch cán bộ là nền tảng, luân chuyển cán bộ là khâu đột phá, đào tạo bồi dưỡng cán bộ vừa là yêu cầu trước mắt vừa là nhiệm vụ lâu dài. Nhờ  làm tốt công tác đánh giá, quy hoạch cán bộ, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được đội ngũ cán bộ hợp lý về cơ cấu nữ, dân tộc, vùng miền, độ tuổi và chất lượng quy hoạch được nâng lên. Theo đó, nguồn quy hoạch BCH Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015 có số lượng và chất lượng cao: tỷ lệ nữ chiếm 18,9%, dân tộc thiểu số chiếm 30,3%, độ tuổi dưới 40 tuổi trở xuống chiếm 11,3%, tuổi bình quân 48,27 tuổi. Một nét mới của công tác xây dựng đảng ở Yên Bái là chọn được đội ngũ tham mưu giúp việc cho cấp ủy có trình độ, học vấn và thạo việc. Ðồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Huyện ủy Trấn Yên nhấn mạnh: Do coi trọng cán bộ là gốc của công việc, nên trong năm 2009 Ðảng bộ huyện Trấn Yên đã bố trí 22 cán bộ văn phòng cấp ủy cho 22 đảng bộ xã (số này không có biên chế theo quy định công chức xã). Ðể có được cán bộ này, huyện đã chọn từ 100 kỹ sư nông nghiệp được đào tạo tại chỗ, đều là người địa phương nên tạo sự gắn bó của đội ngũ này với công việc, bước đầu huyện  chi trả chế độ 600 nghìn đồng/tháng. Nhờ có văn phòng cấp ủy giúp việc đúng chuyên môn, nên mọi công việc nội vụ của Ðảng đều thông suốt. Nghị quyết các cấp và Ðiều lệ Ðảng được thực hiện nghiêm túc. Từ điểm sáng này, năm 2010 tỉnh Yên Bái quyết tâm bố trí đủ số cán bộ văn phòng cấp ủy cơ sở. Tỉnh sẽ trích ngân sách hơn bốn tỷ đồng chi trả cho cán bộ văn phòng cấp ủy ở cả 180 xã, phường, thị trấn.

Ðể đạt được yêu cầu về trình độ của cán bộ, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, Yên Bái đã chủ trương kết hợp các hình thức đào tạo như tập trung và tại chức, đào tạo dài hạn, bồi dưỡng ngắn hạn. Coi trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ qua thực tiễn công tác. Tiếp tục trợ cấp cho cán bộ đi học ở các trường T.Ư, tỉnh, huyện. Tỉnh ban hành chính sách thu hút cán bộ có năng lực, có trình độ, sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi về địa phương công tác, đặc biệt là về vùng cao và khu vực nông thôn. Ðồng thời Yên Bái xác định hệ thống các trường dân tộc nội trú vùng cao là trường đào tạo nguồn cán bộ vùng cao cho tỉnh. Vì vậy, ngoài việc đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tỉnh đã ban hành thêm chế độ chính sách cho con em đồng bào như hỗ trợ 15 kg gạo/tháng cho học sinh người Mông theo học các trường dân tộc nội trú, nhằm thu hút các em đến lớp, nhất là với học sinh nữ.

Thành phố Yên Bái có sự chuyển động rõ nét trong công tác cán bộ, đào tạo cán bộ trẻ, điều động và luân chuyển cán bộ một cách bài bản. Ðồng chí Hà Ðức Hoan, Bí thư Thành ủy cho biết:  Xác định cán bộ là then chốt trong công tác xây dựng đảng, là gốc quyết định trong công việc, trong hai năm qua Thành ủy đã thu hút được nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp về công tác, tuyển thêm 70 cán bộ cho các phòng, ban, phường, xã. Qua đánh giá, hằng năm đã lựa chọn được nhiều cán bộ có năng lực để tiếp tục đào tạo, bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt. Những cán bộ mà 10 năm ở một vị trí được điều động, luân chuyển sang vị trí khác nhằm chống trì trệ, chủ nghĩa kinh nghiệm;  riêng trong năm đã sắp xếp lại hơn 40 vị trí chủ chốt ở cơ sở, qua đánh giá phân xếp loại năm 2009 số cán bộ này đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thành phố cũng kiên quyết xử lý kỷ luật với trường hợp nguyên Chủ tịch UBND phường Nguyễn Phúc, không nhận nhiệm vụ khi cấp trên quyết định luân chuyển. Thành phố cũng mạnh dạn áp dụng việc nhất thể hóa chức danh Bí thư Ðảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã  tại xã Tân Thịnh, được nhân dân trong xã đồng tình ủng hộ.

Theo đánh giá của đồng chí Phạm Văn Cường, Trưởng  ban Tổ chức Tỉnh  ủy thì công tác luân chuyển cán bộ ở Yên Bái đã đạt được yêu cầu đề ra. Cụ thể,  tỉnh đã điều động 88 đồng chí diện T.Ư và Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; năm 2009 các huyện và cấp sở đã điều động, luân chuyển 50 cán bộ từ tỉnh về huyện, huyện về xã, xã này sang xã khác. Công tác này đã và đang đạt được kết quả bước đầu: cán bộ tích lũy được kinh nghiệm, rèn luyện ở địa phương, thạo việc hơn, gần dân hơn, tạo niềm tin cho cán bộ và nhân dân địa phương. Ðặc biệt, tại các địa phương, đơn vị  có cán bộ luân chuyển như: Văn Chấn, Lục Yên, Nghĩa Lộ, Văn Yên... đã khắc phục được nhiều yếu kém, trì trệ trước đây, kinh tế tiếp tục được ổn định và  phát triển. Tỉnh đang thực hiện từng bước điều chỉnh, luân chuyển cán bộ, đưa cán bộ quy hoạch đi đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho cán bộ tích lũy kinh nghiệm ở các lĩnh vực, môi trường công tác khác nhau để cán bộ được rèn luyện, bồi dưỡng toàn diện và trưởng thành nhanh hơn. Do lựa chọn cán bộ luân chuyển bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, nên đến nay Yên Bái đã cơ bản thực hiện đưa cán bộ bầu cử và bổ nhiệm không ở một cơ quan, đơn vị quá hai nhiệm kỳ. Phần lớn cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và cấp huyện đều được luân chuyển. Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều qua công tác ở các ngành, đảm nhiệm chức vụ chủ chốt ở cấp huyện trước khi được điều động về tỉnh.

Nhằm làm tốt hơn công tác cán bộ ở cơ sở, ở tỉnh miền núi, có nhiều dân tộc như Yên Bái thiết nghĩ T.Ư cũng như tỉnh sớm quy định cụ thể hóa về chế độ nhà công vụ, phụ cấp, ổn định đời sống cho cán bộ được luân chuyển đến, tạo điều kiện cho họ hoàn thành nhiệm vụ (nhất là cấp huyện và xã); thực hiện trợ cấp hằng tháng về sinh hoạt phí đối với cán bộ tự nguyện về làm việc tại cấp xã; có chế độ đãi ngộ trợ cấp ban đầu cho người có trình độ chuyên môn đại học trở lên tự nguyện về công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, cùng với việc chuyển vùng công tác đối với cán bộ này, nếu có nguyện vọng./.

(Theo: Thanh Sơn/ND)


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất