Trong những năm qua, tiềm lực kinh tế được nâng cao, đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển có thu nhập thấp, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Năm 2010 quy mô GDP theo giá trị thực tế đạt 101,6 tỷ USD, gấp 3,26 lần so với năm 2000 (31,2 tỷ USD); GDP bình quân đầu người đã đạt 1.168 USD, Việt Nam ra khỏi nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp và bước vào nhóm có thu nhập trung bình. Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GDP bình quân giai đoạn 2001-2010 đạt khoảng 40,7%. Hội nhập kinh tế quốc tế mang lại nhiều lợi ích cũng như cơ hội, những đòi hỏi mới đối với phát triển hạ tầng. Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước; tham gia ngày càng tích cực trên các diễn đàn khu vực và thế giới. FDI đăng ký 10 năm ước đạt 168 tỷ USD, thực hiện ước đạt 59 tỷ USD.
Cộng đồng tài trợ quốc tế vẫn tiếp tục tin tưởng, ủng hộ Việt Nam trong tiến trình cải cách và phát triển. Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cam kết không ngừng tăng lên. ODA cam kết 10 năm ước đạt 42,438 tỷ USD, với tổng lượng vốn giải ngân khoảng 20 tỷ USD. Tổng lượng vốn ODA cho phát triển giao thông vận tải lên tới 9,88 tỷ USD, năng lượng và công nghiệp khoảng 7,6 tỷ USD. Có tới trên 60% lượng vốn ODA cam kết là thuộc lĩnh vực phát triển hạ tầng, bao gồm giao thông vận tải, cấp điện, cấp thoát nước đô thị. Phát triển KCHT đã và đang được đặt trọng tâm đầu tư phát triển. Môi trường đầu tư tiếp tục được đổi mới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư phát triển. Hầu hết quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực KCHT đã được lập, được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được rà soát điều chỉnh trước sự biến động của tình hình mới…
Những kết quả đạt được
Hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện được vai trò thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh hơn, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng, miền trong cả nước. Mạng lưới giao thông đường bộ đã được cải thiện rõ rệt(2), mật độ đường bộ tăng lên đáng kể từ 0,66 km/km năm 2000 lên tới 0,77 km/km vào năm 2010(3). Mạng lưới đường sắt quốc gia có tổng chiều dài chính tuyến 2.654 km gồm ba loại khổ đường: khổ 1.000 mm chiếm 85%, khổ đường 1.435 mm chiếm 6% và đường lồng chiếm 9%.
Hệ thống cảng biển, Việt Nam có 49 cảng phân bố khắp chiều dài ven biển và tương đối đồng đều giữa các cụm cảng. Tổng lượng hàng qua cảng tăng lên nhanh chóng trong vòng 10 năm qua, từ 82,4 triệu tấn năm 2000 lên 254,9 triệu tấn năm 2010. Đường thủy nội địa đã quản lý và khai thác 15.436 km trên tổng chiều dài sông, kênh có thể khai thác được là 41.900 km. Hạ tầng hàng không đã có bước phát triển khá. Hiện nay, cả nước có 22 cảng hàng không đang hoạt động. Tổng năng lực vận tải hàng không tăng từ 6,8 triệu hành khách và 119,6 nghìn tấn hàng hóa năm 2000 lên 21,4 triệu hành khách và 590 nghìn tấn hàng hóa năm 2010.
Hạ tầng năng lượng phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu phát triển và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tổng lượng điện sản xuất tăng từ 26,6 tỷ kwh năm 2000 lên 100 tỷ kwh năm 2010, tăng 3,76 lần, bảo đảm cung cấp đáp ứng nhu cầu phụ tải điện tăng nhanh với tốc độ bình quân 14,5%/năm.
Hạ tầng thông tin và truyền thông có bước phát triển mạnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trở nên rộng khắp, trong mọi lĩnh vực và phổ biến trong xã hội. Ứng dụng công nghệ thông tin đã trở thành hoạt động thường xuyên, được triển khai tích cực ở các ngành, lĩnh vực kinh tế và trong các cơ quan quản lý nhà nước, gắn kết chặt chẽ với cải cách thủ tục hành chính, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất lao động xã hội.
Hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm đầu tư, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng nước sạch và giảm nhẹ thiên tai. Tổng năng lực của các hệ thống hạ tầng thủy lợi đã bảo đảm tưới trực tiếp 3,45 triệu ha, tạo nguồn cho 1,13 triệu ha, tiêu 1,4 triệu ha, ngăn mặn 0,87 triệu ha và cải tạo chua phèn 1,6 triệu ha; cấp và tạo nguồn cấp nước 5-6 tỷ m3/năm cho sinh hoạt, công nghiệp, du lịch, dịch vụ...
KCHT kỹ thuật đô thị từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là ở các thành phố lớn. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị như giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom và xử lý chất thải rắn... được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới.
Hạ tầng khu công nghiệp có bước phát triển, góp phần thu hút đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đến năm 2010, có 267 khu công nghiệp được thành lập, trong đó 176 khu công nghiệp đã hoàn thành, hoặc cơ bản hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng và đi vào hoạt động.
Hạ tầng thương mại được đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu và thúc đẩy thương mại nội địa.
Hạ tầng giáo dục, đào tạo đã được quan tâm đầu tư, phát triển khá nhanh, chất lượng của hệ thống trường lớp tăng lên đáng kể. Cơ sở vật chất - kỹ thuật cho giáo dục, đào tạo được cải thiện nhiều. Nhà nước đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, đào tạo, kể cả đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Công tác xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh, huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội. Mạng lưới các trường đại học, cao đẳng phát triển nhanh. Mạng lưới cơ sở dạy nghề phát triển nhanh. Năng lực đào tạo nghề tăng trên 2,2 lần so với năm 2000.
Hạ tầng y tế được quan tâm đầu tư phát triển. Mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh và y tế dự phòng được đầu tư mở rộng. Tại các tỉnh, thành phố, ngoài bệnh viện đa khoa, một số nơi đã có thêm bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền, sản - nhi, ung bướu, các bệnh viện tuyến trung ương được đầu tư, nâng cấp mở rộng và nâng cao năng lực khám chữa bệnh.
Hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch có bước phát triển khá. Cơ sở vật chất được tăng cường; xây dựng thêm nhiều công trình văn hoá, thể thao như nhà văn hóa, rạp hát, sân vận động, nhà thi đấu đa năng, công viên.
Những hạn chế yếu kém
Phát triển KCHT luôn được đặt ở vị trí trọng tâm trong các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng Nhà nước và luôn là lĩnh vực ưu tiên đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước. Tiềm lực kinh tế sau hơn 25 năm đổi mới đã được nâng cao, đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Quy mô, thực lực của nền kinh tế tăng lên không ngừng, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển KCHT trong những năm qua, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Hầu hết các ngành, lĩnh vực KCHT đã được lập quy hoạch, kế hoạch phát triển.
Tuy nhiên, hệ thống KCHT vẫn còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hệ thống KCHT giao thông còn rất lạc hậu so cả về tính hệ thống, chất lượng, trang thiết bị công nghệ cho việc vận hành, quản lý các công trình giao thông. Sự kết nối của giao thông vận tải đường bộ với các hệ thống giao thông khác (đường sắt, đường thủy nội địa, đường ra cảng biển,...) còn thiếu đồng bộ, thiếu các đầu mối có quy mô lớn, hầu như chưa có giao cắt lập thể; có một số ít giao cắt khác mức, chưa kết nối được các loại phương tiện nên không có khả năng phát triển vận tải đa phương thức.
Hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ, kém chất lượng và quá tải. Giao thông đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tỷ lệ đất dành cho giao thông quá thấp (Hà Nội mới chỉ đạt 6 - 7%, thành phố Hồ Chí Minh 8%, trong khi tiêu chí quy định là 20 - 25%). Mật độ đường tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng chỉ đạt 4 - 5 km/km2. Vận tải công cộng chưa đáp ứng kịp nhu cầu (xe buýt Hà Nội chỉ đáp ứng khoảng 15%; thành phố Hồ Chí Minh 10%, Đà Nẵng và Hải Phòng khoảng 3%). Tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh rất thấp, chỉ khoảng dưới 1%, Hà Nội chỉ có 0,23% và thành phố Hồ Chí Minh là 1% so với diện tích đất xây dựng đô thị (yêu cầu là 3 - 5%).
Hạ tầng xã hội chưa đồng bộ, chất lượng thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu. Hạ tầng giáo dục, đào tạo vẫn còn thiếu về số lượng, kém về chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học tích cực, nhất là hệ thống trường mầm non, mẫu giáo. Thiếu các cơ sở đào tạo đại học chất lượng cao đạt trình độ quốc tế. Hệ thống giáo dục đào tạo chưa đồng bộ, liên thông, chưa cân đối giữa giáo dục nghề nghiệp với giáo dục trung học phổ thông và giáo dục đại học. Hệ thống y tế và chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở khám chữa bệnh còn thiếu, nhất là ở các vùng đông dân cư và vùng sâu, vùng xa. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh chậm được khắc phục. Hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch phát triển chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Chất lượng công trình và hiệu quả khai thác, sử dụng còn thấp.
Chất lượng dịch vụ hạ tầng còn thấp, chi phí cao làm xấu đi môi trường đầu tư (môi trường kinh doanh), hạn chế năng lực cạnh tranh của toàn nền kinh tế. Chất lượng dịch vụ hạ tầng thấp, tin học hóa tổ chức quản lý, vận hành chậm phát triển… làm tăng chi phí dịch vụ. Hệ thống logistics còn yếu (hệ thống hoạch định, tổ chức thực hiện và quản lý hiệu quả dòng chảy của vốn nhằm kiểm soát quá trình lưu chuyển, dự trữ hàng hóa từ khâu bảo quản nguyên liệu thô đến khâu hoàn thiện sản phẩm…, từ điểm xuất phát đầu tiên đến nơi tiêu thụ cuối cùng…). Tuy đã có một số cảng cạn (ICD) cho hàng container song chưa phát huy được vai trò trung tâm tiếp nhận phân phối, trung chuyển hàng hóa. Hiệu quả dịch vụ logistics tương đối thấp so với các nước trong khu vực, KCHT và các dịch vụ tiện ích (điện, nước) không theo kịp tốc độ tăng trưởng và đô thị hoá. Hệ thống cảng hàng không cũng quá tải, khả năng tiếp nhận hành khách thấp, chất lượng dịch vụ thấp. Chất lượng cấp điện chưa cao. Hạ tầng giao thông tại các đô thị lớn chất lượng thấp, thiếu đồng bộ.
KCHT nông thôn phát triển còn chưa đồng đều, nhất là ở các tỉnh miền núi và đồng bằng sông Cửu Long. Gần 20% số xã ở Tây Bắc và đồng bằng sông Cửu Long chưa có đường ôtô đến trung tâm xã.
Trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn chế, việc huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước gặp khó khăn vì hiệu quả đầu tư của Việt Nam không cao. ICOR của nước ta bình quân trong giai đoạn 2001-2010 là khoảng 6 trong khi hệ số này của Trung Quốc bình quân cho giai đoạn 1991-2003 là 4,1 với tốc độ tăng trưởng GDP là 9,5%/năm; hệ số này của Hàn Quốc, Đài Loan bình quân 10 năm có tốc độ tăng trưởng cao cũng chỉ khoảng 3,5.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên do một số nguyên nhân, trong đó có:
- Chất lượng quy hoạch thấp, chưa đồng bộ, thiếu tính khả thi. Việc quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch chưa nghiêm, kém hiệu quả.
- Tư duy về đầu tư phát triển KCHT tầng chậm đổi mới, chưa phù hợp với cơ chế thị trường. Đầu tư phát triển hạ tầng vẫn dựa vào ngân sách nhà nước là chủ yếu. Chưa có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển KCHT kinh tế, xã hội.
- Nhu cầu đầu tư KCHT kinh tế, xã hội rất lớn, tiềm lực tài chính của Nhà nước còn hạn chế, nhưng việc phân bổ kế hoạch vốn vẫn bố trí theo từng năm, dàn trải, chưa có kế hoạch đầu tư phát triển trung hạn và dài hạn để tập trung vào các công trình trọng điểm, thiết yếu.
- Chưa tạo được sự ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm của cộng đồng xã hội trong phát triển xây dựng KCHT. Chính sách thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng KCHT chưa phù hợp, chưa có sự phân biệt giữa chính sách đền bù đất xây dựng hạ tầng công cộng với các công trình kinh doanh. Việc chấp hành pháp luật trong giải phóng mặt bằng chưa nghiêm làm cho đầu tư kéo dài, lãng phí, hiệu quả thấp. Chưa huy động được giá trị đất đai thành nguồn lực to lớn để đầu tư phát triển KCHT.
- Công tác quản lý nhà nước về đầu tư còn nhiều bất cập, phân cấp đầu tư chưa phù hợp, phân cấp mạnh nhưng thiếu sự quản lý tập trung thống nhất và khả năng cân đối nguồn lực của Trung ương, thiếu chế tài kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm.
Các giải pháp chủ yếu
Nhóm giải pháp thứ nhất: Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển KCHT
Xây dựng Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các nghị định của Chính phủ về công tác thẩm định và phê duyệt quy hoạch theo hướng tạo cơ chế thẩm định độc lập, tập trung, do một đầu mối chịu trách nhiệm. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển KCHT kinh tế, xã hội của các ngành, vùng, địa phương; đảm bảo tính đồng bộ, liên ngành trên phạm vi cả nước theo quan điểm và yêu cầu mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lựa chọn các công trình quan trọng có sức lan tỏa, tạo sự đột phá lớn, để xây dựng kế hoạch đầu tư trung và dài hạn.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, bảo đảm hiệu quả và tính khả thi. Coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch và xử lý nghiêm các vi phạm.
Nhóm giải pháp thứ hai: Thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống KCHT
Tổng nhu cầu vốn đầu tư theo các dự án đã được quy hoạch cả giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 5.900 - 6.100 nghìn tỷ đồng, tương đương 295 - 305 tỷ USD. Nếu tính theo giá thực tế khoảng 9.500 - 9.700 nghìn tỷ đồng, tương đương 385 - 395 tỷ USD (chưa kể hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại…), trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 tổng nhu cầu đầu tư khoảng 2.200 - 2.300 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 110 - 115 tỷ USD), giai đoạn 2016 - 2020 tổng nhu cầu đầu tư khoảng 3.700 - 3.800 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 185 - 190 tỷ USD).
Về khả năng huy động vốn, dự báo giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5 - 7%, mức huy động vốn đầu tư phát triển khoảng 33,5-35% GDP. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo giá thực tế khoảng 5.750-6.150 nghìn tỷ đồng (tương đương 250-260 tỷ USD). Giai đoạn 2016-2020 dự báo tăng trưởng kinh tế trên 7%, tổng đầu tư toàn xã hội theo giá trị thực tế khoảng 11.750-11.850 nghìn tỷ đồng (tương đương 450 - 460 tỷ USD). Như vậy, trong 10 năm 2011-2020, tổng mức đầu tư cho phát triển toàn xã hội có thể huy động tương đương 17.500-17.950 nghìn tỷ đồng (khoảng 710-720 tỷ USD). Nếu tỷ lệ đầu tư vào phát triển hạ tầng khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (như hiện nay) thì mức huy động được là 5.300 - 5.350 nghìn tỷ đồng (khoảng 210 - 215 tỷ USD), mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng theo quy hoạch. Do đó cần phải có đột phá về cơ chế chính sách huy động và sử dụng nguồn lực, thì mới có thể thực hiện được mục tiêu quy hoạch đã đề ra (chưa kể các quy hoạch mới sẽ được điều chỉnh, bổ sung).
Từ tình hình thực tế và yêu cầu phát triển, Đề án "Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến 2020" đã đề ra các giải pháp cụ thể về thu hút và sử dụng vốn đầu tư, bao gồm:
- Sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển trung hạn, dài hạn thay cho kế hoạch hàng năm như hiện nay, trong đó phải ưu tiên cho những công trình trọng điểm, có tính đột phá. Phát hành trái phiếu công trình để đầu tư xây dựng một số công trình cấp bách. Rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về đầu tư công, mua sắm công. Sửa đổi cơ chế phân cấp đầu tư và nâng cao năng lực quản lý đầu tư theo hướng người quyết định đầu tư phải cân đối khả năng bố trí vốn trước khi phê duyệt dự án đầu tư, chịu trách nhiệm quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu và chất lượng, hiệu quả của dự án.
- Thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA. Đẩy mạnh vận động các đối tác, các nhà tài trợ tiếp tục cung cấp ODA để phát triển KCHT, nhất là các công trình lớn. Rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan, ưu tiên bố trí vốn đối ứng và tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thành các dự án.
- Thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào phát triển KCHT, bảo đảm lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư. Sửa đổi bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, phí, lệ phí, nhượng quyền… để tăng tính thương mại của dự án. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư theo các hình thức PPP, BT, BOT...
- Đổi mới cơ chế, chính sách để huy động mạnh nguồn lực đất đai vào phát triển hạ tầng; khai thác có hiệu quả địa tô chênh lệch do xây dựng công trình hạ tầng đem lại để đầu tư phát triển hạ tầng. Thực hiện cơ chế thị trường trong việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án kinh doanh để tạo vốn đầu tư xây dựng KCHT. Có chính sách phù hợp thu hồi đất để tạo vốn hỗ trợ cho xây dựng công trình.
Nhóm giải pháp thứ ba: Đổi mới chính sách giải phóng mặt bằng
Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật về thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng KCHT theo hướng Nhà nước quyết định giá đền bù phù hợp, có phân biệt giữa công trình phúc lợi công cộng với công trình kinh doanh.
Có kế hoạch tái định cư, đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất, đồng thời vận động sự tự nguyện chấp hành và tham gia đóng góp tích cực của người dân. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi cố tình không chấp hành quy định của pháp luật về giải phóng mặt bằng.
Nhóm giải pháp thứ tư: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư KCHT
Quản lý tốt việc xây dựng quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch trong phạm vi cả nước, từng ngành, từng địa phương.
Rà soát, hoàn thiện thể chế để tạo môi trường thuận lợi thu hút mạnh mẽ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Hoàn thiện hệ thống định mức, quy chuẩn kỹ thuật để quản lý, đánh giá, giám sát, bảo đảm chất lượng công trình.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, khắc phục phiền hà và giảm chi phí cho các nhà đầu tư.
Ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp quản lý hiện đại trong việc tổ chức xây dựng, khai thác và quản lý các công trình KCHT, tăng cường tư vấn, giám sát độc lập nhằm nâng cao chất lượng công trình; kiểm soát chặt chẽ hiệu quả đầu tư, rút ngắn tiến độ thực hiện để đưa vào khai thác sử dụng và quản lý các công trình KCHT.
Hoàn thiện cơ chế phân cấp để vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp dưới, vừa bảo đảm sự quản lý thống nhất của cấp trên, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để mọi người dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong đầu tư phát triển KCHT của đất nước./.
----------------------
(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H, 2011, tr.117.
(2) Tổng chiều dài đường bộ tăng từ 217,1 nghìn km năm 2000 lên 256,5 nghìn km năm 2010 (tăng 39,4 nghìn km), trong đó, đường cao tốc từ 24 km năm 2000 tăng lên 264 km năm 2010, quốc lộ tăng từ 15,5 nghìn km năm 2000 lên 17 nghìn km năm 2010.
(3) Trong 10 năm cả nước đã phát triển thêm 16,7 nghìn km đường xã và 12,4 nghìn km đường huyện, hơn 5 nghìn km đường tỉnh.