45 năm trước, vào ngày 20-1-1968,
bộ đội chủ lực đã nổ súng tiến công các cứ điểm của địch ở Khe Sanh làm
đòn nghi binh chiến lược cho chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Sau 170 ngày
đêm chiến đấu anh dũng, mưu trí và kiên cường, quân và dân ta đã giành
chiến thắng hoàn toàn, tiêu diệt 11.900 tên địch; bắn rơi, bắn cháy hàng
trăm máy bay và nhiều xe quân sự khác... Ngày 9-7-1968, lá cờ chiến
thắng của quân giải phóng kiêu hãnh tung bay trên sân bay quân sự Tà
Cơn. Với chiến thắng này, Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên của miền
nam được giải phóng, được đánh giá như một "Ðiện Biên Phủ thứ hai".
Quá
khứ hào hùng với truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang đã và đang
được Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc ở Hướng Hóa phát huy mạnh mẽ trong
công cuộc lao động, xây dựng quê hương. Ngày 9-7-2008, Ðảng bộ, quân và
dân Hướng Hóa vinh dự đón nhận danh hiệu "Anh hùng Lao động trong thời
kỳ đổi mới" do Nhà nước trao tặng. Ðây là niềm tự hào đồng thời là sự
ghi nhận quá trình phấn đấu liên tục và xuất sắc của Ðảng bộ, quân và
dân Hướng Hóa qua hơn 45 năm xây dựng quê hương.
Sau chiến tranh,
cũng như bao miền quê khác ở Quảng Trị, làng xóm ở Hướng Hóa bị bom đạn
địch tàn phá nặng nề, nhà cửa đổ nát, hố bom, hố pháo nhan nhản khắp
nơi. Ðể hồi sinh lại mảnh đất này, người dân Hướng Hóa đã phải trải qua
bao khó khăn và phải đổ cả máu của mình vì vướng phải bom đạn địch còn
sót lại. Nhiều gia đình thiếu ăn, con em thiếu sách vở đến trường và cả
ốm đau, bệnh tật hoành hành, đe dọa... Hướng Hóa giờ đây đang phấn đấu
xây dựng trở thành "huyện miền núi kiểu mẫu". Từ trung tâm thị trấn Khe
Sanh, ngược theo tuyến đường rải thảm nhựa lên thị trấn Lao Bảo, vào các
xã vùng Lìa, ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là mầu xanh bạt ngàn
của những vườn cây trải dài trên các triền đồi. Những khoảnh đất trống,
đồi núi trọc năm xưa đã được thay bằng mầu xanh của bạt ngàn rừng trồng,
cây hồ tiêu, cao-su và hoa màu xen lẫn với những ngôi nhà mới khang
trang. Ðịa hình đất đai vùng núi trước đây gập ghềnh, giao thông cách
trở nhưng bây giờ đi lại đã dễ dàng, những loại xe ô-tô cỡ lớn có thể về
tận từng thôn, xóm để thu mua nông sản của người dân.
Chủ tịch
UBND huyện Hướng Hóa Nguyễn Ngọc Sắc cho biết: Hiện nay, tổng sản lượng
lương thực của huyện đạt 9.697 tấn (tăng 7,6% so với năm 2011), thu nhập
bình quân đầu người hơn 16,5 triệu đồng/năm. Trên địa bàn huyện đã hình
thành các vùng cây, con chuyên canh, các cụm chế biến nông sản như
cà-phê, cao-su, sắn... Hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ tập
trung ở Trung tâm Thương mại Lao Bảo và các chợ dọc Ðường 9, vùng Lìa đã
đáp ứng được nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Ðời sống nhân
dân được cải thiện, các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế và việc thực
hiện các chính sách xã hội ở Hướng Hóa được chú trọng. Chế độ chính sách
đối với các gia đình có công với nước, gia đình liệt sĩ, thương binh,
bệnh binh và các đối tượng chính sách được quan tâm. Nhiều chính sách an
sinh xã hội khác được tổ chức thực hiện đồng bộ từ huyện đến khu dân
cư. Ngoài hệ thống cơ sở hạ tầng được Trung ương và tỉnh đầu tư xây dựng
như đường giao thông, cầu cống, trường học trên địa bàn, những năm qua,
bằng nguồn vốn ngân sách và nhân dân đóng góp, huyện đã xây dựng được
hệ thống điện chiếu sáng, đường giao thông về các thôn, bản vùng sâu,
vùng xa, trạm y tế, trường học, khu nội trú cho học sinh, tạo điều kiện
cho việc dạy và học của thầy, cô giáo và các em đạt kết quả cao.
Khai
thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, bà con đã tập trung trồng các
loại cây công nghiệp lâu năm như cà-phê, hồ tiêu và cao-su, mở rộng diện
tích cây ngô lai, sắn, chuối, phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập
cho gia đình. Xác định cà-phê là loại cây chủ lực thúc đẩy phát triển
kinh tế - xã hội địa phương, nhiều năm qua, huyện Hướng Hóa đã đầu tư
xây dựng vùng chuyên canh, hỗ trợ người trồng cà-phê ứng dụng các tiến
bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng vùng nông sản sạch. Ðến
nay, toàn huyện có 4.676 ha cà-phê, mang về cho người dân nguồn thu nhập
đáng kể. Ngoài ra, với diện tích hơn 4.000 ha sắn, hằng năm, bảy xã
vùng Lìa cung cấp cho nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa hơn 100
nghìn tấn sắn nguyên liệu, người dân thu về hơn 120 tỷ đồng/năm. Nhờ đó,
hàng trăm hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã xóa được đói, giảm
được nghèo, vươn lên khá giả. Từ chỗ toàn vùng chỉ có 12 hộ gia đình có
thu nhập cao, đến nay đã có hơn 100 hộ gia đình có thu nhập hơn 100
triệu đồng/năm. Cũng từ vùng Lìa và các xã dọc Ðường 9, từ khi chuối bắt
đầu được xuất khẩu, phong trào trồng chuối ở đây phát triển mạnh, diện
tích trồng chuối không ngừng tăng lên. Một số hộ gia đình đã giàu lên
nhờ cây chuối và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ðiển hình có hộ gia đình
anh Ðoàn Văn Trang, ở thôn Long Hợp, xã Tân Long, bình quân mỗi năm thu
nhập hơn 600 triệu đồng; gia đình anh Nguyễn Dương Phước, ở thôn Long
Phụng, xã Tân Long mỗi năm thu nhập hơn 350 triệu đồng... Huyện Hướng
Hóa chú trọng tạo điều kiện cho bà con nông dân xây dựng nhiều trang
trại chăn nuôi. Toàn huyện hiện có hơn 280 trang trại, với tổng thu nhập
hơn 15 tỷ đồng/năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao
động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Ðức Chính cho biết:
Cùng với việc phát triển kinh tế, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính
trị, xã hội từ huyện đến cơ sở cần tập trung đổi mới phương thức lãnh
đạo, chỉ đạo để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục
tiêu quốc gia; tăng cường công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống
chính trị vững mạnh và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực phát
huy dân chủ cơ sở đi đôi với phát động phong trào thi đua yêu nước sâu
rộng trong nhân dân để ra sức xây dựng huyện Hướng Hóa ngày càng giàu
mạnh.
NGUYỄN VĂN HAI/NhanDan