Thứ Hai, 9/12/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 18/6/2024 11:0'(GMT+7)

Xây dựng mô hình tòa soạn số ở Việt Nam hiện nay

Đến năm 2025, 80% cơ quan báo chí hoàn thành chuyển đổi hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ.

Đến năm 2025, 80% cơ quan báo chí hoàn thành chuyển đổi hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ.

CHUYỂN DỊCH DẦN SANG MÔ HÌNH TÒA SOẠN SỐ

Trước đây, nhiều học giả đã đưa ra khái niệm toà soạn hội tụ. Theo đó mô hình toà soạn hội tụ là việc tích hợp, bao gồm nhiều loại hình báo chí và đảm bảo các tiêu chí hội tụ không gian, nhân lực, phương thức thu thập thông tin, nội dung tin tức, phương thức sản xuất tin bài, đa dạng kênh phát hành... Điều này có nghĩa, toà soạn hội tụ đảm bảo sự trang bị hợp nhất về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hiện đại với cơ cấu tinh gọn, có sự phối hợp linh hoạt của các bộ phận trong toà soạn để đảm bảo hoạt động của toà soạn một cách chất lượng, tiết kiệm chi phí và truyền tải thông tin tối ưu đến công chúng. Việc hội tụ có thể hiểu là hội tụ không gian làm việc, là sự phá vỡ rào cản của các loại hình báo chí như báo in, truyền hình, phát thanh, báo mạng để tạo ra một hệ thống giao tiếp mở, nơi nhà báo có thể thu thập, xử lý thông tin, sản xuất các sản phẩm báo chí truyền thông sau đó thể hiện qua các loại hình báo chí khác nhau.

Trong thời đại số, mô hình tòa soạn hội tụ chuyển dịch dần sang mô hình toà soạn số trên cơ sở thực hiện chuyển đổi số trong toàn bộ các hoạt động của tòa soạn. Tòa soạn số sẽ đáp ứng yêu cầu mới của công chúng trên cơ sở tích hợp và thống nhất các hoạt động của tòa soạn, từ hoạt động quản trị nguồn lực đến hoạt động tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông đến việc triển khai đa dạng hóa các loại hình báo chí hướng tới công chúng là trung tâm. Mô hình tòa soạn số có thể được thể hiện như hình dưới đây. 

Theo mô hình này, phóng viên sẽ nhận yêu cầu lấy tin tại hiện trường thông qua các phần mềm quản lý hoặc trực tiếp từ các phòng/ban hay ban biên tập và thư ký tòa soạn. Các thông tin thu thập được của phóng viên tại hiện trường sẽ được chuyển về trung tâm tích hợp dữ liệu để các phòng/ban và các phóng viên khác tái sử dụng. Tại hiện trường, phóng viên có thể thực hiện các tin/bài mang tính cập nhật. Lãnh đạo tòa soạn có trách nhiệm kiểm soát, định hướng thông tin trước khi xuất bản đến các phương tiện truyền thông tùy theo nhu cầu và khả năng của tòa soạn như báo in, truyền hình, phát thanh, mạng xã hội, truyền thông xã hội... Đồng thời, các dữ liệu liên quan đến các tuyến bài này (từ các cơ quan báo chí truyền thông, từ mạng xã hội, internet…) có thể được tiếp cận thông qua hệ sinh thái báo chí số quốc gia hoặc các dữ liệu đang được lưu trữ tại các cơ quan báo chí, từ đó có thể phục vụ hiệu quả việc tổ chức sản xuất, phát hành các tuyến bài một cách chất lượng.

Để thực hiện xây dựng mô hình tòa soạn số, một cơ quan báo chí truyền thông cần quan tâm đến các thành phần quan trọng trong hoạt động chuyển đổi số, đó là: Xây dựng văn hóa và chiến lược số; Gắn kết công chúng và độc giả; Chuyển đổi và thay đổi và cải tiến quy trình; Công nghệ và Phân tích và quản lý dữ liệu. Trong đó, mỗi cơ quan báo chí cần xây dựng được môi trường văn hóa và xây dựng chiến lược số cho từng hoạt động của đơn vị, từ khâu quản lý tòa soạn đến khâu sản xuất sản phẩm và phát hành, xuất bản. Bắt đầu từ việc xây dựng văn hoá và chiến lược số để tất cả các thành viên của cơ quan báo chí, truyền thông bắt kịp với yêu cầu, kỹ năng và sứ mệnh, tầm nhìn trong thời kỳ mới. Chỉ có văn hoá và chiến lược số một cách đầy đủ thì hoạt động xây dựng toà soạn số của cơ quan báo chí truyền thông mới thực sự hiệu quả và có chất lượng. Bên cạnh đó, việc gắn kết công chúng - độc giả cũng cần được các cơ quan báo chí truyền thông quan tâm. Ngày nay, khi bối cảnh “công chúng là trọng tâm - audience first” đã và đang được áp dụng một cách rộng rãi, công chúng đang ngày càng phụ thuộc vào công nghệ, hoạt động tiếp nhận thông tin của công chúng đang dần “di cư” lên các nền tảng số thì thông tin đã và đang tự tiếp cận đến công chúng mà không phân biệt nguồn phát của thông tin. Chính vì thế, để gắn kết độc giả, công chúng, cơ quan báo chí truyền thông cần có các đặc trưng riêng, bản sắc riêng với thế mạnh riêng có của mình để không bị hoà lẫn vào các dòng thông tin khác hoặc mờ nhạt, không bản sắc.

Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phát biểu khai mạc hội thảo

Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phát biểu khai mạc hội thảo "Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số" ngày 17/8/2023.

Song hành với gắn kết độc giả, cơ quan báo chí truyền thông cần chuyển đổi và thay đổi quy trình, từ quy trình quản lý tòa soạn đến quy trình sản xuất, phát hành, xuất bản. Khi tin học hóa, các quy trình nêu trên thực bằng cách ánh xạ 1 - 1 từ thế giới thực lên điện tử thì khi chuyển đổi số, hoạt động của tòa soạn số được triển khai xuyên suốt từ khâu chuẩn bị đến khâu cuối cùng của vòng đời sản phẩm hoàn toàn trên môi trường số, do đó, việc quản lý, xây dựng, sản xuất, theo dõi, xuất bản, phát hành, kiểm tra, giám sát cũng cần được tích hợp trên cùng một hệ thống, khi đó các quy trình không còn phù hợp sẽ được loại bỏ để tinh gọn, hiệu quả hoạt động.

Một yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của tòa soạn số là yếu tố công nghệ. Công nghệ trong bối cảnh này là sự lựa chọn phù hợp cho từng cơ quan báo chí thay vì chạy đua với công nghệ để xây dựng một tòa soạn đồ sộ với đầy đủ các thiết bị. Công nghệ tốt nhất là công nghệ thích ứng tốt nhất với sự phát triển của tòa soạn. Bên cạnh đó, dựa trên công nghệ, tòa soạn số có thể tận dụng các cơ quan, đơn vị báo chí truyền thông có liên kết để tạo ra một mạng lưới các tòa soạn trên cả nước và tính tới phương án hội nhập quốc tế. Cần đưa ứng dụng của công nghệ theo hướng thông minh, hiện đại và áp dụng các kỹ thuật mới như trí thông minh nhân tạo, dữ liệu lớn… trong việc vừa trợ giúp quản lý, vận hành, sản xuất vừa hỗ trợ các hoạt động của phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí.

Yếu tố phân tích và quản lý dữ liệu cho phép tòa soạn có thể quản lý tòa soạn một cách phù hợp nhất cho mô hình hoạt động của mình. Trên cơ sở đó, dữ liệu về hoạt động của tòa soạn được phân tích một cách toàn diện để thực hiện cải tiến các quy trình quản lý, quy trình sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông đến hoạt động lắng nghe công chúng để điều chỉnh các hoạt động của tòa soạn một cách hiệu quả nhất

TRIỂN KHAI XÂY DỰNG TÒA SOẠN SỐ TẠI VIỆT NAM

Để triển khai tòa soạn số tại các cơ quan báo chí ở Việt Nam hiện nay, có thể tham khảo một số gợi mở như sau:

Thứ nhất, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong các hoạt động báo chí truyền thông, đặc biệt là nguyên tắc “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” như tinh thần của Văn kiện Đại hội XIII đã xác định trong thời gian qua. Đồng thời, tăng cường thực hiện các chiến lược, kế hoạch phát triển, đổi mới và sắp xếp các cơ quan báo chí truyền thông theo Quyết định 362/QĐ-TTg về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 và Quyết định 348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thứ hai, xây dựng hệ sinh thái báo chí số quốc gia trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ để kết nối các cơ quan báo chí, hình thành mạng lưới các cơ quan báo chí Việt Nam trên không gian mạng để tận dụng thế mạnh của các cơ quan báo chí trong các hoạt động truyền thông phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, nâng cao nhận thức của người dân trong tình hình mới.

Thứ ba, các cơ quan báo chí cần xây dựng các kế hoạch để chuyển đổi mô hình hoạt động trên cơ sở xây dựng tòa soạn số, đồng thời, phát triển đa dạng các sản phẩm báo chí số trên các nền tảng khác nhau để tăng tương tác với độc giả, hướng tới hoạt động và phát triển bền vững trên môi trường số.

Thứ tư, phát triển và triển khai hiệu quả các nên tảng số. Các cơ quan báo chí cần thực hiện đánh giá, xử lý dữ liệu, dự báo, giám sát chất lượng thông tin để thực hiện đánh giá mức độ trưởng thành số của cơ quan mình, đồng thời ứng dụng công nghệ trong các hoạt động chuyển đổi số một cách thống nhất, an toàn và bền vững.

Thứ năm, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực báo chí truyền thông, cần kết hợp giữa thực tiễn và hoạt động giáo dục đào tạo, trong đó, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông cần mở rộng, cập nhật và xây dựng chương trình đào tạo báo chí số để chuẩn bị nguồn lực cung ứng cho tòa soạn số trong tương lai. Song song với hoạt động này, các cơ quan báo chí cần xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại đối với lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên… của các tòa soạn các kỹ năng cơ bản, cần thiết trong xây dựng, triển khai, thực thi và vận hành tòa soạn số.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí truyền thông, đặc biệt trong học tập các kinh nghiệm từ các cơ quan báo chí nước ngoài về xây dựng tòa soạn số cũng như nắm bắt xu hướng và thành tựu mới của khoa học và công nghệ trong lĩnh vực này.

Các đại biểu tham quan quy trình sản xuất chương trình tại Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh.

Các đại biểu tham quan quy trình sản xuất chương trình tại Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh.

Với vai trò là đội quân xung kích, là vũ khí sắc bén của Đảng và Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân. Nền báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước những cơ hội to lớn của mình dưới tác động của chuyển đổi số. Sự chuyển dịch của các cơ quan báo chí truyền thông Việt Nam để đắp ứng yêu cầu mới của sự hội nhập toàn cầu là xu thế tất yếu. Chính vì thế, các cơ quan báo chí truyền thông cần xác định rõ, việc xây dựng toà soạn số là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược trong thời đại ngày nay. Cần xây dựng hệ sinh thái báo chí số cho các cơ quan báo chí truyền thông để có tính thống nhất, đồng bộ hoạt động này trên toàn quốc.

Có thể khẳng định, việc ứng dụng công nghệ truyền thông số trong báo chí, truyền thông ở Việt Nam hiện nay đang trở nên cấp thiết. Trong bối cảnh của kỷ nguyên số, báo chí, truyền thông đang dần dịch chuyển để bắt kịp xu thế phát triển của báo chí, truyền thông thế giới. Trong xu thế đó, các vấn đề của báo chí, truyền thông với nền tảng là hạ tầng của kỹ thuật và công nghệ truyền thông và nền tảng của IoT và AI đang thể hiện vai trò của nó. Với môi trường truyền thông số, xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra một thời đại mới cho các ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp báo chí, truyền thông, thời đại của các nền tảng dựa trên internet vạn vật (IoT), trí thông minh nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data)… đã và đang làm thay đổi cách các cơ quan báo chí truyền thông vận hành, phát triển so với các hoạt động truyền thống trước đây. Toà soạn số trên cơ sở ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cho phép các cơ quan báo chí truyền thông tiếp cận công chúng một cách hiệu quả, nhanh chóng và chất lượng hơn. Có thể thấy rằng, nền báo chí cách mạng Việt Nam đang dần chuyển dịch để bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên báo chí 4.0 để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tình hình mới, do đó cần một mô hình tòa soạn mới – toà soạn số - để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển, phù hợp với dòng chảy chung của báo chí thế giới.

Thực tế cho thấy, xây dựng tòa soạn số, bản chất là thực hiện chuyển đổi số toàn diện các hoạt động của một cơ quan báo chí truyền thông dựa trên nền tảng số. Quá trình chuyển đổi số cơ quan báo chí thường được thực hiện thông qua 3 giai đoạn: giai đoạn số hóa, giai đoạn tin học hóa và giai đoạn chuyển đổi số. Theo đó, các cơ quan báo chí Việt Nam đã chuyển đổi rất nhanh khi Việt Nam tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế. Chỉ trong thời gian ngắn, các cơ quan báo chí truyền thông ở Việt Nam đã chuyển đổi sang môi trường số, số hóa các dữ liệu và tin học hóa các hoạt động.

 

PGS. TS. Trần Quang Diệu
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
ThS. Trần Anh Tú
Tạp chí Thông tin và Truyền thông

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất