Thứ Năm, 28/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Sáu, 4/4/2014 8:45'(GMT+7)

Tiên Yên đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy tính tích cực chính trị của nông dân

Nông dân Tiên Yên tích cực tham gia các môn thể thao, giữ gìn, phát huy nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh TL

Nông dân Tiên Yên tích cực tham gia các môn thể thao, giữ gìn, phát huy nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh TL

Xác định rõ những khó khăn của một huyện miền núi, dân số trên 47.000 người, phần lớn là nông dân (gần 80% dân số), trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 50%, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, Tày, Sán dìu, Sán chỉ,... được phân bổ trên địa bàn 12 xã, thị trấn với 122 khu dân cư (trong đó có 05 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn). Cơ cấu kinh tế của huyện chủ yếu là nông, lâm ngư nghiệp. Trình độ dân trí còn thấp, nhất là nông dân vùng cao còn nhiều người mù chữ, thiếu kiến thức sản xuất phát triển kinh tế,... Những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân trong huyện tuy có bước cải thiện nhưng nhìn chung còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Thực trạng sản xuất của nông dân trong huyện đa số vẫn là sản xuất quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp, giá sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp bấp bênh, đặc biệt là tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước còn rất nặng nề, đã làm giảm tính chủ động, tự lực khắc phục khó khăn vươn lên thoát nghèo. Để khơi dậy và phát huy các nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện Tiên Yên, Quảng Ninh đã chú trọng phát huy các nguồn lực, nhất là phát huy tính tích cực chính trị của nông dân toàn huyện, với nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đổi mới công tác thi đua khen thưởng, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước. Hội nông dân huyện đã tích cực tổ chức phong trào thi đua trong 12/12 hội cơ sở, 119/119 chi hội và trên 10.000 hội viên nông dân.

1- Thực hiện đổi mới công tác thi đua, khen thưởng:

Mục tiêu của thi đua nhằm tạo động lực, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng,  văn minh. Thực tiễn cho thấy công tác thi đua, khen thưởng trong huyện đang được tổ chức rộng khắp, ngày càng trở thành một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực trong quản lý nhà nước. Xong công tác thi đua, khen thưởng hiện nay còn bất cập, công tác bình xét thi đua khen thưởng chưa có tiêu chí cụ thể rõ ràng, chủ yếu nhận xét theo lối cảm tính, nể nang, xét luân phiên hoặc Lãnh đạo phải là người được xét đến đầu tiên vì do có đại diện cho cơ quan, đơn vị,... nên đã làm giảm hiệu quả của thi đua. Để công tác thi đua, khen thưởng là công cụ quan trọng trong quản lý và điều hành hoạt động của từng đơn vị, là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, huyện đã tiến hành đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, Hội nông dân huyện đã triển khai với nhiều nội dung thiết thực.

Trước hết phải tuyên truyền giúp công dân nắm chắc mục đích, ý nghĩa và nội dung thi đua, làm thay đổi nhận thức và suy nghĩ về thi đua, khen thưởng. Thi đua yêu nước là lợi ích cho mình, lợi ích cho gia đình mình, cho đất nước, cho dân tộc mình, thực hiện người người thi đua, ngành ngành thi đua,....giúp cho cá nhân, cơ quan, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cá nhân vươn lên hoàn thiện bản thân. Ngược lại, nếu không làm tốt công tác tuyên truyền sẽ dẫn đến sự so bì, ganh tỵ, bất mãn hoặc thờ ơ với thi đua.

Một vấn đề khác không kém phần quan trọng là việc đổi mới công tác thi đua, khen thưởng sẽ góp phần “nói không” với bệnh thành tích, đẩy lùi bệnh hình thức trong công tác thi đua khen thưởng thời kỳ đổi mới. Bình bầu thi đua phải đúng người, đúng việc. Phát huy văn hoá trong thi đua, mọi người biết tự hào thành quả đạt được, biết xấu hổ khi được khen mà thành tích không xứng đáng.

Để phong trào thi đua rộng khắp, cần cụ thể hoá tiêu chí thi đua theo hướng khoa học, phản ánh đúng thành tích của tập thể và cá nhân, phù hợp với nhiều đối tượng, sát với nhiệm vụ của ngành, địa phương, nhất là đối với nông dân cần có các hướng dẫn cụ thể sát với tình hình thực tiễn...Phát động thi đua đi đôi với kiểm tra, đôn đốc, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Tránh tình trạng đầu năm "phát" nhưng "không động", cuối năm tổng kết, khen thưởng cho qua việc, làm mất đi ý nghĩa của công tác thi đua. Hội Nông dân huyện đã chủ động tham mưu tổ chức phong trào thi đua tới từng gia đình, từng khu dân cư, thực sự tạo lan toả trong toàn xã hội. Thực hiện các xã, thị trấn thi đua; các thôn, khu  (theo cụm đơn vị), giám sát thường xuyên, định kỳ 3 tháng kiểm tra chéo, chấm điểm theo biểu. Từ đó tự học tập nhau, hỗ trợ nhau, tự giám sát nhau, nhà nhà thi đua, các gia đình trong thôn, khu tự học nhau, nhắc nhau trong thực hiện thi đua, tạo nên cả xã hội thi đua và tính tích cực chính trị của nhân dân được khơi dậy và phát huy.

Tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước, đa dạng các hoạt động cuốn hút công dân tham gia phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế. Lồng ghép nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động như: Kết nối Biển Đông; Tấm lưới nghĩa tình; Xây dựng gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá; Tuổi trẻ lập nghiệp;....Tổ chức tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đưa nội dung học tập và làm theo Bác vào hoạt động của khu dân cư, lựa chọn những việc cụ thể phù hợp để thực hiện trước như: thực hành tiết kiệm; nếp sống vệ sinh; nói đi đôi với làm;...trở thành hành động thực tiễn của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và toàn xã hội, góp phần tạo động lực mới để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần chuyển biến tích cực trong việc rèn luyện đạo đức, giữ gìn lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Mức khen thưởng cần được công bố rộng rãi để mọi người cùng biết và phấn đấu, quỹ khen thưởng cần được quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch, tránh chi sai mục đích làm mất lòng tin của quần chúng, mất đoàn kết nội bộ.

Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở đã phát động và tổ chức tốt phong trào nông dân thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Vận động hội viên, nông dân hưởng ứng tích cực tham gia hiến kế xây dựng đề án, góp ý qui hoạch, hiến đất, đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm, công sức, tiền của. Tham gia thực hiện và giám sát các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn như: đường giao thông nông thôn, cải tạo, xây dựng hệ thống thuỷ lợi, các công trình phục vụ nhu cầu về văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế, các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới nhanh đi vào cuộc sống. Đồng thời tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, vận động nông dân đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tạo ra nguồn lực to lớn từ nội bộ nông dân để làm giàu và giảm nghèo bền vững.

2- Tính tích cực chính trị của nông dân được phát huy, góp phần thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện:

Từ việc đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, đã góp phần phát huy tính tích cực chính trị của nông dân toàn huyện, phát huy nguồn lực từ đông đảo nông dân, khắc phục khó khăn, thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.  Đến nay kinh tế của huyện phát triển tốt, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 29,17% (năm 2010) xuống còn 6,92% (năm 2013); các hoạt động văn hóa, xã hội được duy trì, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không có điểm nóng, bức xúc về an ninh trật tự. Nổi bật trong phong trào nông dân thi đua là:

Phong trào xã hội học tập phát triển rộng khắp. Công tác xóa mù chữ cho nông dân được huyện quan tâm, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 tuổi trở lên toàn huyện đạt trên 90%; 12/12 xã, thị trấn đã xây dựng Hội khuyến học cấp xã với 215 chi hội khuyến học, 12.440 hội viên (chiếm 25,8% dân số toàn huyện; đông đảo nông dân đã có nhận thức đúng về xã hội học tập, tích cực lựa chọn hình thức học tập phù hợp góp phần nâng cao dân trí, nâng cao hiệu quả lao động và chất lượng cuộc sống.

Phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển sôi động trong toàn huyện. Đến nay đã có hơn một nghìn hộ nông dân tự nguyện hiến đất với trên 140.000 m2, cùng hàng nghìn cây các loại, hàng vạn ngày công lao động và đối ứng đạt trên 6 tỷ đồng để làm đường liên thôn, liên xóm, các công trình thủy lợi tưới tiêu, công trình vệ sinh, hoàn thành trên 30000m đường giao thông, trên 5000m kênh mương, trên 800m tường bao nhà văn hoá,...

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đạt nhiều kết quả, năm 2013, toàn huyện có 3620 hộ sản xuất giỏi cấp cơ sở; 1626 hộ sản xuất giỏi cấp huyện; 355 hộ sản xuất giỏi cấp tỉnh; nét mới là có hàng trăm hộ nông dân đã tự nguyện cho hộ nghèo vay vốn, hỗ trợ cây giống để phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo.

Phong trào văn hóa, thể thao tiếp tục phát triển tốt, toàn huyện đã tổ chức và duy trì hoạt động trên 70 đội văn nghệ; 9 câu lạc bộ hát soong cọ, hát then; duy trì tốt các lễ hội dân tộc Sán Chỉ, dân tộc Dao, dân tộc Tày, bảo tồn và phát huy những sắc thái văn hoá dân tộc độc đáo của miền Đông Bắc. Hằng năm có trên 60% gia đình nông dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Phát huy tính tích cực chính trị của nông dân trong điều kiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay là nhiệm vụ hết sức quan trọng, Đảng bộ huyện Tiên Yên đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, thu hút đông đảo nông dân tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, qua đó ý thức rõ hơn về trách nhiệm chính trị trong sự nghiệp "Đại đoàn kết toàn dân tộc", trong liên minh công nhân - nông dân - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo nên động lực mạnh mẽ  thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đào Huy Toàn
Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Tiên Yên, Quảng Ninh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất