Thứ Sáu, 20/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Chủ Nhật, 30/3/2014 21:44'(GMT+7)

Kinh nghiệm từ phong trào xây dựng xã hội học tập ở Tiên Yên

Học viên lớp học xoá mù chữ cho phụ nữ dân tộc Dao tại xã Đông Ngũ (Tiên Yên) do Hội LHPN tỉnh, huyện và Phòng GD-ĐT phối hợp tổ chức.

Học viên lớp học xoá mù chữ cho phụ nữ dân tộc Dao tại xã Đông Ngũ (Tiên Yên) do Hội LHPN tỉnh, huyện và Phòng GD-ĐT phối hợp tổ chức.

Tiên Yên có diện tích 647,89 km2, dân số trên 47.000 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 50%, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, Tày, Sán dìu, Sán chỉ,... được phân bổ trên địa bàn 12 xã, thị trấn với 122 khu dân cư (trong đó có 05 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn). Dân trí thấp, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn khó khăn, thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao (năm 2010 chiếm tỷ lệ 29,17%), giao thông giữa các thôn, bản vùng cao còn nhiều khó khăn, tư tưởng thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước chậm được khắc phục...

Xác định rõ những khó khăn của một huyện miền núi, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông, lâm ngư nghiệp, gần 80% dân số là nông dân, dân trí thấp, nhất là nông dân vùng cao còn nhiều người mù chữ, thiếu kiến thức sản xuất phát triển kinh tế,...Đảng bộ huyện đã chú trọng xây dựng xã hội học tập, là một trong các giải pháp quan trọng nâng cao dân trí, bồi dưỡng, thu hút nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội, xóa nghèo bền vững.  Ban Thường vụ Huyện uỷ đã xây dựng Chương trình hành động (số 15-CTr/HU ngày 28/3/2011) chỉ đạo thực hiện trong toàn huyện, 33/33 chi, đảng bộ cơ sở trong toàn huyện đã xây dựng chương trình hành động và tổ chức thực hiện. Hội Nông dân phối hợp với các cơ quan, đoàn thể huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, vận động xây dựng các mô hình học tập trong nông dân. Đồng thời, cấp uỷ huyện đã ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực huyện Tiên Yên giai đoạn 2011-2015,... với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp gắn vào thực hiện xây dựng “Xã hội học tập” trong toàn huyện.

1- Qua 3 năm xây dựng xã hội học tập, mà trọng tâm là nâng cao dân trí cho nông dân, huyện Tiên Yên đã đạt được nhiều kết quả:

 Công tác phổ cập giáo dục các cấp học được duy trì, phát triển theo hướng bền vững. Công tác xóa mù chữ cho nông dân được huyện quan tâm. Đến năm 2012, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi (từ 15 tuổi trở lên) toàn huyện đạt trên 90%. Từ năm 2011 đến nay đã mở được 41 lớp xóa mù chữ cho hơn 1.000 người, góp phần giảm tỷ lệ người mù chữ trong các dân tộc thiểu số.

12/12 xã, thị trấn đã thành lập Trung tâm học tập cộng đồng và phát huy tác dụng tích cực trong xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Với phương châm “Cần gì - học nấy”, việc học tập ở các Trung tâm học tập cộng đồng ngày càng phong phú, đa dạng. Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã mở 91 lớp với 4.936 học viên về quản lý hành chính nhà nước, kiến thức sản xuất...Mặt trận Tổ Quốc và các đoàn thể huyện đã tổ chức hơn 400 buổi tuyên truyền đến hơn 30.000 đoàn viên, hội viên. Hội Nông dân huyện phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội mở 18 lớp dạy nghề cho 590 nông dân. Mặt trận Tổ quốc huyện đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với xây dựng xã hội học tập,... 100% bản quy ước khu dân cư được bổ sung nội dung xây dựng xã hội học tập. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mở 6 lớp tập huấn về xây dựng nông thôn mới cho hơn 220 học viên… Nhờ đó, đông đảo nông dân đã có nhận thức đúng về xã hội học tập, lựa chọn hình thức học tập phù hợp góp phần nâng cao dân trí, nâng cao hiệu quả lao động và chất lượng cuộc sống của nhân dân. 12/12 xã, thị trấn đã xây dựng Hội khuyến học cấp xã với 215 chi hội khuyến học, 12.440 hội viên (chiếm 25,8% dân số toàn huyện) .

Từ việc chú trọng xây dựng xã hội học tập, đã góp phần khơi dậy nguồn lực con người, khắc phục khó khăn, thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay kinh tế của huyện phát triển tốt, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 29,17% (năm 2010) xuống còn 6,92% (năm 2013); các hoạt động văn hóa, xã hội được duy trì, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không có điểm nóng, bức xúc về an ninh trật tự. Đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển sôi động trong toàn huyện. Đến nay đã có hơn một nghìn hộ nông dân hiến đất với trên 140.000 m2, cùng hàng nghìn cây các loại, hàng vạn ngày công lao động và đối ứng đạt trên 6 tỷ đồng để làm đường liên thôn, liên xóm, các công trình thủy lợi tưới tiêu, công trình vệ sinh, hoàn thành trên 30000m đường giao thông, trên 5000m kênh mương, trên 800m tường bao nhà văn hoá,... nhân dân đoàn kết, đồng thuận, phát huy tính tích cực chính trị trong phát triển kinh tế - xã hội, nông dân trong huyện đã ý thức rõ hơn về trách nhiệm chính trị trong sự nghiệp "Đại đoàn kết toàn dân tộc", trong liên minh công nhân - nông dân - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.

2- Từ kết quả xây dựng phong trào học tập trong nông dân huyện Tiên Yên có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Một là, đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng bộ và hệ thống chính trị trong toàn huyện đối với phong trào xây dựng xã hội học tập. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện, các chi, đảng bộ cơ sở phải cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng xã hội học tập phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, đơn vị, coi đây là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Xây dựng Hội Nông dân các cấp vững mạnh về chính trị, thống nhất về tư tưởng và tổ chức. Nâng cao năng lực tập hợp, vận động, phát huy dân chủ, sức sáng tạo của hội viên, nông dân; hướng dẫn, tổ chức nông dân thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới và hội nhập quốc tế. Đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; mọi chủ trương, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân phải xuất phát từ lợi ích thiết thực của hội viên nông dân. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở với vai trò trung tâm và nòng cốt của phong trào nông dân, kiên trì tuyên truyền giúp cho nông dân nhận thức rõ vai trò của xã hội học tập và làm tròn trách nhiệm là chủ thể xây dựng nông thôn mới,...

Hai là, đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong  nhân dân. Các chi, đảng bộ cơ sở, các đoàn thể đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo trong giáo dục chính trị, tuyên truyền phổ biến các chỉ thị, nghị quyết, chính sách pháp luật thông qua hệ thống tuyên truyền trực quan, hệ thống 136 cụm loa truyền thanh, qua sân khấu hoá, duy trì sinh hoạt cộng đồng tại các nhà văn hoá, xây dựng các chuyên mục phát thanh của địa phương để tuyên truyền lồng ghép nội dung về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến cán bộ và nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức và tính tích cực chính trị của công dân toàn huyện.

Duy trì hoạt động các tủ sách, nhà thư viện, báo, tạp chí nhằm xây dựng "văn hóa đọc" cho mọi người. Mở rộng và đẩy mạnh hoạt động của các điểm dịch vụ truy cập Internet, các phương tiện thông tin đại chúng để trang bị, cập nhật thông tin, kiến thức pháp luật, kinh nghiệm lao động sản xuất,...cho nông dân.

Ba là, phát triển đồng bộ cả giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên để tạo ra thế trận phát triển toàn diện, hỗ trợ lẫn nhau. Coi trọng việc đa dạng hóa các hình thức tổ chức và nội dung học tập phù hợp với từng đối tượng trong xã hội. Thường xuyên khảo sát nhu cầu về học tập của nhân dân để từ đó xác định hình thức tổ chức và nội dung học tập cho phù hợp với đối tượng tạo điều kiện cho các đối tượng được tham gia học tập tại địa phương. Thực hiện đưa lớp học đến với thôn bản, đến với người nông dân, để mọi người đều có điều kiện và cơ hội tham gia học tập.

Bốn là, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực xã hội, từ các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài huyện để tạo nguồn lực mạnh mẽ, xây dựng xã hội học tập theo tinh thần xã hội hóa giáo dục. Mở rộng, xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp Hội Khuyến học, làm nòng cốt cho sự liên kết, phối hợp các tổ chức, lực lượng xã hội tham gia vào phong trào khuyến học, khuyến tài.

Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tổ chức các cuộc thi: “Tiếng hát đồng quê”, “Giải Bóng chuyền bông lúa vàng”, “Bóng đá nông dân”,.. tạo thêm nhiều sân chơi mới bổ ích thiết thực, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, mở rộng giao lưu học hỏi, hiểu biết giữa các dân tộc, các thôn bản trong huyện.

Năm là, gắn kết các chương trình, các cuộc vận động, các phong trào thi đua với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đặc biệt là việc "Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", phong trào “xây dựng nông thôn mới”, phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Từ đó sẽ huy động thêm các nguồn lực và công tác lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc phong trào học tập.

Nông dân huyện Tiên Yên vẫn đang chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số và lao động, giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nâng cao dân trí là một trong những mục tiêu cơ bản trong phát triển con người, là điều kiện quan trọng để phát huy dân chủ và tính tích cực chính trị của người dân, cần tiếp tục được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tạo nên động lực mạnh mẽ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đào Huy Toàn
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Tiên Yên (Quảng Ninh).


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất