Thứ Năm, 19/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Bảy, 5/4/2014 21:18'(GMT+7)

Tạo nguồn kết nạp đảng viên ở khu dân cư

Một buổi lễ kết nạp đảng viên ở Chi bộ khu phố 4, phường 12, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh).

Một buổi lễ kết nạp đảng viên ở Chi bộ khu phố 4, phường 12, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh).




Sau nhiều năm phấn đấu, tháng 4-2011, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Trưởng khu phố 12, phường 12, quận Gò Vấp vinh dự được kết nạp vào Đảng. Khi đó, chị đã bước qua tuổi 40 và có bề dày công tác ở địa bàn dân cư. Từ năm 2006, chị là Tổ trưởng phụ nữ, rồi làm cán bộ khu phố, Trưởng ban công tác Mặt trận khu phố. Năm 2010, chị được bà con khu phố 12 bầu làm Trưởng khu phố.

Ở vị trí nào, chị Ánh Tuyết cũng là người gương mẫu, hết lòng vì bà con lối phố. Hiện tại, là Chi ủy viên, Trưởng khu phố, chị càng thể hiện rõ vai trò "đầu tàu" ở khu dân cư. Từ năm 2012 đến nay, chị và ban điều hành khu phố 12 vận động bà con ủng hộ gần ba tỷ đồng, cùng với nguồn vốn ngân sách đã rải bê-tông toàn bộ mười con hẻm trong khu phố. Việc chăm lo cho hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn luôn được khu phố quan tâm chu đáo. Trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 vừa qua, chị Ánh Tuyết và khu phố đã vận động được hơn mười triệu đồng, giúp những người nghèo ở khu phố có Tết. Chị tâm sự: Từ ngày về sống tại đây, bản thân tôi ngoài việc chăm lo chu đáo cho gia đình, con cái còn phải quan tâm đến công việc của khu phố.

Được Chi bộ khu phố quan tâm giúp đỡ, dìu dắt vào Đảng và bà con khu phố tín nhiệm bầu làm Trưởng khu phố, tôi càng phải cố gắng.

Thực tế, không phải phường nào ở quận Gò Vấp cũng làm được như phường 12. Theo các đồng chí ở một số đảng ủy phường, cái khó nhất vẫn là không có cán bộ nguồn. Bí thư Đảng ủy phường 6 Nguyễn Ngọc Anh cho hay: Năm 2013, toàn Đảng bộ phường chỉ kết nạp được ba đảng viên ở địa bàn khu dân cư, trong đó chị Chi hội trưởng Phụ nữ một khu phố đã 58 tuổi và phải trải qua bảy năm phấn đấu.

Sở dĩ kéo dài như vậy là do quần chúng còn "vướng" tiêu chuẩn về trình độ văn hóa. Đây cũng là cái "vướng" chung ở nhiều khu dân cư. Hầu hết những người tham gia công tác ở các khu phố đều lớn tuổi, trình độ văn hóa hạn chế, ngại phấn đấu. Còn những người có trình độ, năng lực đều đi làm ở nơi khác. Cái khó thứ hai, trong quá trình xem xét phát triển đảng viên là hoàn cảnh, lịch sử của bản thân quần chúng. Đối với địa bàn giàu truyền thống cách mạng thì thuận lợi, nhưng với những nơi từng là "vành đai bảo an, liên gia bảo vệ" trước 1975 thì vấn đề lý lịch và việc xác minh lý lịch không đơn giản. Mặt khác, nhiều người ở đây từ những địa phương khác chuyển đến, cho nên việc xác minh lý lịch cũng gặp nhiều khó khăn.

Qua tìm hiểu thực tế, ở một số phường, khó khăn chính vẫn là từ nhận thức, vai trò của cấp ủy, nhất là chi bộ khu dân cư. Những nơi công tác phát triển đảng viên không hiệu quả là do cấp ủy ở đó triển khai chưa đồng bộ, chưa quan tâm đúng mức. Phó trưởng ban Tổ chức Quận ủy Gò Vấp Phạm Thị Thúy Hà phân tích: Tại Gò Vấp, bình quân mỗi khu phố có từ 1.500 đến 4.000 dân ở độ tuổi từ 18 trở lên, trong đó số người công tác trong hệ thống chính trị không ít. Do vậy, không phải là không có nguồn, mà do sự quan tâm tạo nguồn của các chi bộ khu dân cư chưa tốt. Thực tế, hầu hết các tổ trưởng, tổ phó các tổ dân phố, bảo vệ khu phố... đều tích cực tham gia mọi công việc ở khu dân cư, đều có thể là nguồn phát triển đảng viên.

Nhiều năm trước đây, Đảng bộ phường 12 luôn gặp khó khăn trong việc phát triển đảng viên, có năm không đạt chỉ tiêu mà nghị quyết đề ra. Khắc phục tình trạng này, tháng 7-2013, Đảng ủy phường có nghị quyết chuyên đề, phấn đấu một năm kết nạp từ tám đến mười đảng viên. Nghị quyết xác định: Ban điều hành các khu phố, tổ dân phố, bảo vệ dân phố và người dân tiêu biểu là những nguồn chính cần tập trung phát triển. Từng chi bộ, đảng bộ bộ phận phân công đảng viên phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể, ban điều hành khu phố theo dõi, tạo nguồn để bồi dưỡng kết nạp Đảng. Đối với những quần chúng ưu tú hội đủ các điều kiện, chi bộ hướng dẫn viết lý lịch để tiếp tục thực hiện các bước của quy trình công tác phát triển đảng viên. Bí thư Đảng ủy phường 12 Nguyễn Thị Phương Khanh cho biết thêm: Những quần chúng tích cực hoạt động trong các phong trào nhưng nhận thức chính trị chưa rõ ràng, chúng tôi yêu cầu các chi bộ, đảng bộ bộ phận tiếp tục tìm hiểu, phân công đảng viên giáo dục, bồi dưỡng nhận thức và tạo điều kiện để quần chúng xác định đúng đắn động cơ phấn đấu vào Đảng...

Chăm lo công tác phát triển Đảng, Quận ủy Gò Vấp đã yêu cầu các chi bộ, đảng bộ cơ sở có kế hoạch cụ thể hằng năm; đồng thời thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ về phát triển đảng viên cho cấp ủy chi bộ khu phố; mở lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho các quần chúng ưu tú. Bí thư Quận ủy Gò Vấp Nguyễn Hồng nhấn mạnh: Ban Thường vụ Quận ủy đặt ra chỉ tiêu thi đua cho Đảng bộ các phường; bí thư Đảng ủy phường cũng là bí thư chi bộ quân sự phường, nếu trong năm không đạt chỉ tiêu phát triển đảng viên trong lực lượng thanh niên nhập ngũ, thì cơ sở đảng đó không được xếp loại trong sạch, vững mạnh. Với sự quyết liệt vào cuộc của các cấp ủy Đảng, năm 2013, Đảng bộ quận Gò Vấp kết nạp 225 đảng viên, gấp 1,5 lần so chỉ tiêu của năm.

Theo ND
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất