Chủ Nhật, 22/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Tư, 10/8/2011 22:4'(GMT+7)

Đối thoại giữa trẻ em với lãnh đạo các Bộ, ngành

Đoàn Đà Nẵng tham gia Diễn đàn với thông điệp “Hãy để tình yêu thương sưởi ấm trái tim con trẻ”.

Đoàn Đà Nẵng tham gia Diễn đàn với thông điệp “Hãy để tình yêu thương sưởi ấm trái tim con trẻ”.

Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Trẻ em quốc gia năm 2011, sáng 10/8, tại Hà Nội, đại diện trẻ em ở nhiều địa phương trong cả nước đối thoại trực tiếp với lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, bao gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Những băn khoăn, thắc mắc của trẻ em tập trung vào việc các Bộ, ngành có giải pháp như thế nào để giải quyết tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em, tình trạng bạo lực học đường, bóc lột lao động trẻ em…

Đại diện trẻ em các tỉnh Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ngãi nêu vấn đề người bảo vệ trẻ em; và trẻ em phải làm thế nào khi bị ngược đãi, sao nhãng ngay tại gia đình mình, cũng như ngoài xã hội. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cung cấp thông tin: Hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, phong trào xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em đang thu được những kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn từ năm 2011 - 2015. Đây là những tin vui cho việc thực hiện quyền trẻ em trong thời gian tới.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thiết lập đường dây nóng, với số điện thoại 19001567 để tiếp nhận những thông tin về bạo hành trẻ em, từ đó phản ánh tới các đơn vị chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói: “Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội  đang xây dựng thí điểm hệ thống bảo vệ trẻ em, với sự tham gia của các cán bộ ngành lao động thương binh xã hội, công an, cán bộ chính quyền, đoàn thanh niên, hội phụ nữ… Bất kỳ ở đâu khi các cháu thấy có việc xâm hại, ngược đãi trẻ em, các cháu báo cho cán bộ có trách nhiệm, hệ thống này sẽ báo cho các đơn vị có trách nhiệm để giúp các cháu không còn bị xâm hại, bạo lực”.

Bà Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội bảo vệ Trẻ em chia sẻ một kinh nghiệm quý cho các em: “Yếu tố đầu tiên trước khi cần sự giúp đỡ của người khác là chính các em phải chủ động nêu nguyện vọng của mình với bố mẹ. Các em hãy nói thẳng với bố mẹ. Tiền rất quan trọng nhưng con cần tình thương, con cần bố mẹ quan tâm tới con hơn”.

Về vấn đề làm thế nào để hạn chế bạo lực học đường, để các em tránh được việc bị xúc phạm về đạo đức, nhân phẩm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết, việc bạo lực học đường đã bị nghiêm cấm trong ngành giáo dục. Những trường hợp giáo viên bị phát hiện đã được xử lý nghiêm từ cảnh cáo tới đình chỉ dạy học. Hiện nay, ngành giáo dục đang thực hiện chương trình nhà trường thân thiện. Ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp bồi dưỡng để giáo viên hiểu hơn tâm lý các em, giúp giáo viên ứng xử với học sinh một cách hiệu quả. Được sự giúp đỡ của tổ chức Plan, Bộ đang tiến hành dự án bồi dưỡng giáo viên theo kiểu kỷ luật tích cực, tức là khi các em có vi phạm thì giáo viên không bạo hành trở lại, mà có được hình thức kỷ luật để các em thấy được khuyết điểm của mình để sửa chữa, chứ không xúc phạm đến tình cảm đạo đức các em”.

Sau Diễn đàn, Bộ lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục tập hợp các ý kiến, thông điệp, khuyến nghị của các em tại Diễn đàn, cũng như từ các kênh thông tin khác, để chuyển tới các Bộ, ban, ngành chức năng. Đồng thời Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện cam kết của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương đối với các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của trẻ em./.  

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất