Nhân dịp này, lãnh đạo TCCT đã trao 39 cờ, 59 bằng khen của Bộ Quốc phòng, 54 cờ và 51 bằng khen của TCCT tặng các đơn vị có thành tích tiêu biểu trong triển khai thực hiện Cuộc vận động.
Những nét chấm phá
Hàng chục bản báo cáo về kinh nghiệm triển khai thực hiện Cuộc vận động được trình bày tại hội nghị đã giúp cho các đại biểu hình dung rõ hơn bức tranh toàn cảnh thực tế đời sống văn hóa các đơn vị những năm qua. Có ưu điểm, có khuyết điểm nhưng như phát biểu của Trung tướng Mai Quang Phấn, các đơn vị trong toàn quân đã có những bước tiến dài cả về nhận thức, phương pháp tổ chức cũng như triển khai thực hiện. Với hệ thống thiết chế văn hóa: 751 thư viện, 2.200 tủ sách báo, 2000 phòng Hồ Chí Minh, 27 bảo tàng, 452 phòng truyền thống, 3 nhà hát, 10 đoàn văn công, 144 đội chiếu phim, phục vụ 1.394 điểm chiếu cùng đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, văn học nghệ thuật hơn 3000 người (trong đó có trình độ đại học, trên đại học đạt xấp xỉ 30%; 48% ở độ tuổi 30 trở xuống), Cuộc vận động được triển khai trên một nền tảng vững chắc. Đây cũng là cơ sở quan trọng để quân đội cùng với toàn Đảng, toàn dân đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong lĩnh vực văn hóa cùng những khuynh hướng văn hóa xấu, độc tác động tới đời sống bộ đội và nhân dân.
5 năm qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã cụ thể hóa mục tiêu, nội dung Cuộc vận động trong kế hoạch, chương trình công tác và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình mới với cách làm hay, nội dung phong phú, trở thành những điểm sáng văn hóa trên các vùng miền. Mỗi đơn vị, tùy theo tình hình, nhiệm vụ cụ thể, căn cứ vào mục đích, yêu cầu của Cuộc vận động đều xuất hiện những cách làm hiệu quả.
|
Trung tướng Mai Quang Phấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm TCCT và các đại biểu dự hội nghị. |
Những hạn chế cần khắc phục
Trong dòng chảy chung tích cực ấy đáng tiếc vẫn có những đơn vị, cá nhân chưa quan tâm chăm lo đúng mức tới Cuộc vận động. Tuy là những hiện tượng cá biệt nhưng đã ảnh hưởng trực tiếp đến phong trào và thành tích chung của toàn quân. Có thể kể đến một số tồn tại đã được các đại biểu nghiêm túc nhìn nhận, mổ xẻ: Lãnh đạo, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị và cơ quan văn hóa chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, tính toàn diện và nội dung của Cuộc vận động; có những chỉ huy đơn vị nhận thức sai lầm rằng, trách nhiệm chính thực hiện Cuộc vận động và phong trào là của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị hoặc chỉ đơn thuần là công tác văn hóa, văn nghệ, cảnh quan môi trường, do đó chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị thiếu thường xuyên, thiếu kiên quyết xử lý các hiện tượng vi phạm.
Hội nghị cũng xác định, việc tổ chức đấu tranh chống những quan điểm sai trái, nhận thức lệch lạc trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng vẫn là một khâu yếu. Nó thể hiện qua công tác đấu tranh, ngăn ngừa những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội xâm nhập vào đời sống bộ đội, nhất là các đơn vị đóng quân tại các thành phố lớn, nơi mặt trái của cơ chế thị trường có những tác động đến suy nghĩ, hành động của chiến sĩ vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội ở một số đơn vị chưa chặt chẽ; việc theo dõi, nắm bắt tư tưởng cán bộ, chiến sĩ chưa thường xuyên, thiếu gắn bó, thiếu trách nhiệm, để xảy ra nhiều vụ việc vi phạm kỷ luật, pháp luật.
Hiện tượng có những cán bộ, đảng viên, đơn vị thiếu gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, trong việc cưới, việc tang còn biểu hiện phô trương, hình thức, gây phiền phức, tốn kém. Có những cơ quan, đơn vị chưa triệt để thực hành tiết kiệm, nhất là trong các hoạt động kỷ niệm, đón các danh hiệu vinh dự. Tại một số đơn vị, các tiêu chuẩn về đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội chưa được bảo đảm theo Thông tư 24 của Bộ Quốc phòng do đó ảnh hưởng đến hoạt động của một số thiết chế văn hóa ở cơ sở, chưa đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa của bộ đội. Cũng từ lý do trên nên việc tổ chức các sân chơi văn hóa trong các ngày nghỉ, giờ nghỉ cho bộ đội đã gặp nhiều lúng túng, thiếu hấp dẫn…
Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động
Tổ chức sơ kết, nhìn lại chặng đường đã qua, rút kinh nghiệm để cuộc vận động tiếp tục đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả trong đời sống bộ đội, làm lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân là mục đích của hội nghị này. Thực hiện các mục tiêu, yêu cầu của Cuộc vận động sẽ làm chuyển biến căn bản đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội ở cơ sở, nhất là các đơn vị đóng quân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và góp phần xây dựng các địa bàn văn hóa khu vực đóng quân. Những “Đơn vị văn hóa” - “đội quân văn hóa”; những quân nhân, “Chiến sĩ văn hóa” sẽ góp phần không ngừng lan tỏa văn hóa chiến sĩ trong đời sống xã hội. Còn nhiều việc phải làm, nhiều hoạt động tiếp tục được triển khai. Phát biểu trong phần kết luận hội nghị, Trung tướng Mai Quang Phấn lưu ý các đơn vị cần tập trung làm tốt các nội dung: Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động với việc góp phần giữ vững trận địa tư tưởng văn hóa của Đảng trong quân đội, trọng tâm là xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ chiến sĩ, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, xây dựng con người mới trong lực lượng vũ trang. Nghiên cứu, đổi mới các hoạt động giáo dục văn hóa cho các đối tượng chiến sĩ; tạo môi trường giáo dục và điều kiện tốt nhất cho bộ đội tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm và vai trò người chỉ huy trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện Cuộc vận động; từng đơn vị có nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động, xác định mục tiêu, chỉ tiêu phù hợp, sát thực với tính chất, đặc thù, nhiệm vụ của đơn vị mình...
Hy vọng Cuộc vận động sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, để quân đội ta mãi mãi là một đội quân bách chiến bách thắng của nhân dân, một đội quân văn hóa./.
(Theo: QĐND)