Thứ Năm, 3/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 10/3/2010 18:10'(GMT+7)

Xây dựng văn hóa giao thông: Nhìn từ một cuộc thi

Sự hứng thú khi tham gia các phần thi được tổ chức như những trò chơi, niềm vui trên gương mặt của hàng nghìn học sinh có mặt tại hội giao lưu, một trong những hoạt động của chương trình "Toyota cùng em học an toàn giao thông" do Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Bộ GD-ĐT, Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp tổ chức, đem lại niềm tin rằng nếu có ngày càng nhiều những hoạt động giáo dục như thế, văn hóa giao thông cho thế hệ trẻ Việt Nam sẽ được xây dựng trên một nền tảng vững chắc.
Thú vị và bổ ích
Hỏi bất kỳ học sinh nào có mặt tại hội giao lưu đều có thể nhận được câu trả lời "bổ ích và thú vị". Phan Quang Bách, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình) đại diện cho Hà Nội vẫn trong trang phục Sa Tăng vừa diễn xong tiểu phẩm "Thầy trò Đường Tăng học Luật Giao thông" hồ hởi: "Vui và bổ ích lắm ạ. Đầu tiên thầy trò Đường Tăng không biết luật nên đi lung tung, sau đó được 3 bạn học sinh giải thích nên đã biết là phải đi đúng luật, nếu không sẽ bị tai nạn". "Chàng Trư" Phạm Quốc Anh tiếp lời bạn: "Con thấy đến đây được biết thêm nhiều biển báo giao thông và xử lý những tình huống giao thông vẫn thường gặp trên đường".

Trên sân khấu, các đội đến từ 15 địa phương, thành phố có, nông thôn có, nơi có quốc lộ chạy qua và cả nơi hẻo lánh thi trả lời các câu hỏi về Luật GT, xử lý tình huống giao thông, vẽ tranh, biểu diễn tiểu phẩm, trình bày thơ, ca, hò, vè... Còn ở dưới sân, học sinh được đắm mình trong thế giới cổ tích quen thuộc với tuổi thơ, thông qua các trò chơi trong thành phố cổ tích và làng cổ tích. Ở "Công viên Roobot", "Thành phố diệu kỳ"... các trò chơi là những vấn đề giao thông của thành phố như tắc đường, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đi lên vỉa hè...; còn ở "Ngôi nhà Tấm Cám", "Vương quốc rừng rậm", các trò chơi xoay quanh câu chuyện giao thông ở nông thôn như họp chợ trên đường, phơi rơm rạ sau ngày mùa... Đồng hành cùng các em trong trò chơi, nhiều sinh viên tâm sự, "bản thân chúng tôi cũng thu hoạch được nhiều điều. Những bài học rút ra cho trẻ em sau mỗi trò chơi dẫu đơn giản nhưng người lớn cũng thấy thấm thía".

Thượng tá Trần Sơn, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra xử lý TNGT (Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt) ngồi ở vị trí giám khảo đã rất ấn tượng với sự sáng tạo cũng như hiểu biết của học sinh. "Những cuộc thi như thế này sẽ giúp học sinh có hiểu biết, nâng cao ý thức tuân thủ Luật Giao thông và thực hiện văn hóa khi tham gia giao thông".

Chung tay và chia sẻ
Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng mất ATGT là do ý thức của người tham gia giao thông. Thực trạng giao thông dịp Tết Canh Dần vừa qua càng cho thấy rõ điều đó. Số vụ TNGT trung bình một ngày của sáu ngày nghỉ Tết (từ 30 đến mùng 5 Tết) và trung bình một ngày của năm 2009 là 67,7/35,5; tương tự, số người chết là 49/32, cao gần hai lần... trong khi lẽ ra tình hình phải diễn ra ngược lại.

Ý thức tuân thủ Luật Giao thông phải được xây dựng từ tấm bé, để khi trưởng thành, việc ấy phải trở thành thói quen. Chương trình "Toyota cùng em học ATGT" (TSEP) được triển khai 6 năm nay cũng nhằm mục tiêu ấy. Trong khuôn khổ của TSEP, hội giao lưu được tổ chức từ năm học 2008-2009 và năm nay có khoảng 4 nghìn học sinh tham dự cấp quốc gia, hàng vạn em thi ở cấp tỉnh thành. Không chỉ học sinh, cha mẹ các em, thầy cô cũng bị cuốn hút vào hoạt động này và trở thành những "tuyên truyền viên" tích cực trong cộng đồng.

Theo đánh giá của Ủy ban ATGT quốc gia, tình trạng TNGT và ùn tắc giao thông đã giảm trong năm 2009 mặc dầu số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày một tăng, ví dụ trong một tuần, từ ngày 28-2 đến 4-3, cả nước có đến hơn 3.500 xe ô tô, hơn 35 nghìn xe máy đăng ký mới, trong khi hạ tầng giao thông chưa được cải thiện đáng kể. Đó là kết quả của sự nỗ lực của nhiều lực lượng xã hội với những hoạt động phong phú và thiết thực, trong đó có TSEP. Như đánh giá của Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT): Từ những nội dung giáo dục ATGT khô cứng, qua các hoạt động của TSEP, học sinh có thể vận dụng những kiến thức cơ bản về ATGT khi tham gia giao thông trên đường phố. Đặc biệt, hơn 7,5 triệu cuốn sách giáo dục ATGT như cuốn truyện tranh hấp dẫn được phát cho học sinh lớp 1 trong 5 năm qua đã tạo ra phương pháp dạy học hiệu quả, giúp học sinh tiếp cận với các nội dung ATGT một cách tự nhiên, nhẹ nhàng mà dễ hiểu dễ nhớ".

Lý giải cho việc tại sao Toyota lại thực hiện và phát triển chương trình TSEP dài hơi như vậy, ông Akito Tachibana, Chủ tịch Quỹ Toyota Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Ô tô Toyota Việt Nam cho biết: "Việc tổ chức thành công hội thi này, không chỉ là những nỗ lực của Quỹ Toyota Việt Nam, sự nhất trí ủng hộ của Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD - ĐT cùng Ủy ban ATGT quốc gia, mà còn là sự đồng thuận và sự yêu mến chương trình TSEP của các thầy, cô giáo và các em học sinh tiểu học. Chúng tôi tin rằng, các em học sinh sẽ ngày càng say mê hơn với việc học ATGT và nâng cao ý thức khi tham gia giao thông".

Hiệu quả của hội giao lưu không chỉ dừng ở 9 giải nhất, 22 giải nhì, 23 giải ba được trao mà nó cho thấy khi có sự chung tay và chia sẻ, văn hóa giao thông sẽ dần được xây dựng.

Nâng cao ý thức ATGT cho cộng đồng không phải là việc có thể làm một sớm một chiều. Tuy nhiên, khi mà một chương trình giáo dục ý thức có hiệu quả với học sinh, nó sẽ tác động đến các đối tượng khác của xã hội và dấy lên phong trào cho cả một cộng đồng.

(Theo HNM điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất