Thứ Hai, 21/10/2024
Y tế - Dân số
Thứ Sáu, 3/6/2016 15:31'(GMT+7)

Xét nghiệm HIV tại cộng đồng: Kết quả ban đầu và định hướng tương lai

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh DP)

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh DP)

Sáng ngày 3/6/2016, tại Hà Nội, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức hội thảo “Sơ kết hoạt động xét nghiệm HIV tại cộng đồng – Kết quả ban đầu và định hướng tương lai”.

Phát biểu tại Hội thảo ông Võ Hải Sơn, Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết: Hiện nay, chiến lược xét nghiệm HIV tại cộng đồng đã được đưa vào Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2020 của Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Từ năm 2015, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và PATH triển khai thí điểm mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng ở các tỉnh được lựa chọn. Các nhóm nguy cơ cao hiện nay có thể tiếp cận dịch vụ xét nghiệm sàng lọc nhanh với HIV do nhân viên xét nghiệm cộng đồng cung cấp. Những người có kết quả xét nghiệm “có phản ứng” sẽ được chuyển tới cơ sở y tế để làm xét nghiệm khẳng định.

Theo số liệu tại Hội thảo, hiện nay, tỷ lệ xét nghiệm HIV dương tính trong tư vấn xét nghiệm tự nguyện ngày càng giảm và ở mức thấp (1%). Tỷ lệ người có nguy cơ cao được xét nghiệm HIV trong vòng 12 tháng qua chỉ đạt từ 30- 35%. Các khu vực có tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng của mình ở mức thấp, chủ yếu ở nơi xa trung tâm, đi lại khó khăn, khó tiếp cận xét nghiệm HIV. Kỳ thị và tự kỳ thị đã vẫn là nguyên nhân gây hạn chế việc tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm HIV. Bên cạnh đó còn có tình trạng xét nghiệm lặp lại nhiều lần (sử dụng giấy tờ của người khác, sử dụng tên giả, không tin vào kết quả xét nghiệm) và không đăng ký điều trị ngay sau khi biết tình trạng nhiễm HIV dương tính dẫn đến lãng phí về công sức và kinh phí.

Trước tình hình trên, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã triển khai thí điểm tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng tại 6 tỉnh (Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) giai đoạn 2015 – 2017. Sau đó, giai đoạn 2017 – 2020, Cục sẽ triển khai mở rộng hình thức này tại các huyện có người nhiễm HIV cao, các đối tượng có nguy cơ cao trong cả nước.

Các mô hình được triển khai bao gồm: Xét nghiệm HIV lưu động do cán bộ y tế triển khai trực tiếp tại cộng đồng, mô hình tư vấn xét nghiệm HIV thông qua mạng lưới y tế thôn bản; mô hình tư vấn xét nghiệm HIV thông qua các tổ chức cộng đồng. Tư vấn xét nghiệm tại cộng đồng tập trung vào việc tập huấn cho cán bộ y tế xã, y tế thôn bản, thành viên của câu lạc bộ; triển khai xét nghiệm tại thôn bản, địa điểm sinh hoạt câu lạc bộ; hỗ trợ kỹ thuật và giám sát; chuyển gửi xét nghiệm và điều trị ARV. Các đối tượng đích được xét nghiệm gồm: Người nghiện chích ma túy; vợ, chồng, con của người nhiễm HIV; phụ nữ bán dâm; nam quan hệ tình dục đồng giới nam; người chuyển giới nữ; vợ của người nghiện chích ma túy đã mất; vợ của người nghiện chích ma túy chưa được xét nghiệm HIV...

Bà Nguyễn Nguyên Như Trang, Giám đốc Dự án Kết nối Cộng đồng Phòng chống HIV phía Nam chia sẻ thêm “Xét nghiệm tại cộng đồng đã mở ra một tầm nhìn mới cho xét nghiệm HIV, giúp các nhóm nguy cơ cao như nhóm nam quan hệ tình dục với nam (MSM) có thể tiếp cận được các dịch vụ tốt hơn, và nhận kết quả nhanh hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng tin rằng dịch vụ xét nghiệm HIV tại cộng đồng đang giúp các nhóm đồng đẳng thu hút thêm nhiều thành viên đến để nhận dịch vụ chăm sóc toàn diện.”

Ngành y tế địa phương cũng ghi nhận những tác động tích cực mà xét nghiệm tại cộng đồng đem lại cho hệ thống y tế. Ông Trần Văn Anh Phương, cán bộ điều phối về tư vấn và xét nghiệm HIV tại Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho rằng “Xét nghiệm HIV do các tổ chức tại cộng đồng thực hiện giúp giảm bớt gánh nặng cho cán bộ ngành y tế trong hoạt động xét nghiệm và chuyển gửi điều trị”

Ông Võ Hải Sơn, Cục Phòng chống HIV/AIDS nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Cục Phòng chống HIV/AIDS dự kiến mở rộng phạm vi hoạt động xét nghiệm HIV tại cộng đồng ra các tỉnh/thành mới, và mô hình tự xét nghiệm HIV cũng sẽ được thí điểm ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Điều này có nghĩa là các nhóm nguy cơ cao có thể tự xét nghiệm HIV tại văn phòng của các nhóm cộng đồng hay tại nhà riêng của họ. Nhờ đó, các cơ hội xét nghiệm HIV được mở rộng hơn nữa cho các cộng đồng dân cư vốn vẫn còn những rào cản khi tiếp cận với các dịch vụ truyền thống.

Ông Võ Hải Sơn, Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng thừa nhận: Mặc dù Việt Nam đã giảm được số người nhiễm HIV mới trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn lo ngại về tỷ lệ xét nghiệm HIV hàng năm thấp trong nhóm đích có nguy cơ cao. Các nhóm này bao gồm những người nghiện chích ma tuý, phụ nữ bán dâm, nam quan hệ tình dục với nam và nhóm chuyển giới nữ. Những rào cản đối với việc sử dụng dịch vụ xét nghiệm tại các cơ sở y tế hiện nay có thể kể đến là thời gian làm việc không thuận tiện, chi phí đi lại, thời gian chờ đợi lâu, những lo ngại về tính bảo mật, kỳ thị và phân biệt đối xử.

Chia sẻ những vấn đề trên, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thúy Vân, Tổ chức Y tế Thế giới nói: Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng rất thành công trong việc tăng tỷ lệ xét nghiệm. Hướng dẫn mới của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2015 về xét nghiệm HIV đã đưa ra khuyến cáo mới mạnh mẽ về việc cho phép người tại cộng đồng đã được tập huấn có thể thực hiện xét nghiệm HIV, trong đó có lưu ý tính an toàn và hiệu quả của cách tiếp cận này. Dịch vụ do chính những người trong cộng đồng cung cấp - những người được cộng đồng của họ tin cậy cho thấy có thể cải thiện tỷ lệ xét nghiệm HIV trong nhóm nguy cơ cao.

Các ý kiến tại Hội thảo cũng nêu rõ, xét nghiệm HIV tại cộng đồng là chiến lược phù hợp để tăng số người xét nghiệm HIV và phát hiện các trường hợp mới nhiễm. Kết quả từ mô hình này sẽ cung cấp thông tin phát triển Hướng dẫn quốc gia về xét nghiệm HIV tại cộng đồng./.

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất