Thứ Năm, 28/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Hai, 18/5/2009 16:55'(GMT+7)

“Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi”...

Đại biểu học sinh trường trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 5 năm 1956).

Đại biểu học sinh trường trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 5 năm 1956).

Tôi xin mở đầu bài viết bằng hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu: “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn/Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi” để nói lên tình cảm và nguyện ước của mỗi chúng ta vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Trong di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp của Người là tài sản tinh thần vô giá.

Năm nay, kỷ niệm 119 năm ngày sinh của Bác, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng; thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, quyết tâm nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc ta tiếp tục vững bước tiến lên phía trước.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta càng thêm tự hào, tin tưởng và biết ơn Bác, Người trọn đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc của nhân dân; là hiện thân của những tư tưởng, tình cảm, đức tính cao đẹp nhất của dân tộc ta; là tấm gương mẫu mực và sáng ngời về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; tận trung với nước, tận hiếu với dân; “dĩ công vi thượng”. Càng tự hào, biết ơn Bác, mỗi người chúng ta càng phải nhận thức sâu sắc về sự cần thiết của việc học tập, làm theo tấm gương vừa vĩ đại vừa gần gũi của Người. Không chỉ cán bộ, đảng viên mà hết thảy, từ người cao tuổi đến các cháu học sinh, ai ai cũng đều mong muốn học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Người.

Hơn hai năm qua, cuộc vận động đã được triển khai sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Chỉ thị 06-CT/TƯ, ngày 7-11-2006 của Bộ Chính trị (khóa X) đã nêu rõ: "Làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong Đảng, trong xã hội về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt là trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh…, nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng".

Mới đây, đánh giá về kết quả hơn hai năm thực hiện cuộc vận động, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động đã khẳng định, cuộc vận động đã tạo ra những kết quả tích cực, góp phần đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng; xây dựng nền tảng đạo đức của Đảng và toàn xã hội. Chính vì vậy, trong thời gian tới phải tiếp tục đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu, trở thành nội dung quan trọng trong mọi hoạt động của các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể ở mọi cấp, mọi ngành, chú trọng cụ thể hóa các chuẩn mực đạo đức trong tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phù hợp điều kiện mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương để cán bộ, đảng viên, công chức và mỗi người tự giác làm theo; vừa học tập, vừa làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác, phong cách làm việc “nói đi đôi với làm”. Đặc biệt phải thực hiện thật tốt Di chúc của Bác Hồ, nhất là những lời căn dặn của Người về xây dựng Đảng để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Mục đích cao cả, lâu dài của cuộc vận động là xây dựng nền tảng đạo đức tinh thần xã hội, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; là nền tảng tinh thần và động lực phát triển của xã hội; là thực hiện lời dạy vô cùng quan trọng của Người "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần phải có những con người xã hội chủ nghĩa". Với ý nghĩa ấy, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một cuộc vận động vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, là cơ sở quan trọng cho phép phát huy sức mạnh tổng hợp và lực lượng to lớn trong toàn Đảng, toàn dân để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.

Toàn bộ cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, nhân dân được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Cho đến trước lúc giã từ cuộc sống, Người chỉ tiếc một điều là không được phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Vì vậy, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vừa là nhu cầu tự hoàn thiện tư cách, đạo đức của mỗi cá nhân, vừa là yêu cầu đối với toàn xã hội; bất cứ ai, dù trên cương vị nào, lứa tuổi nào, cũng đều cần phải và đều có thể học và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ.

Để nhấn mạnh sự cần thiết phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của mỗi người, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”. Một ngày sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Người trình bày sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Người đề nghị “mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CầN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều tác phẩm viết về vấn đề này, từ “Đường Kách mệnh" cho đến bản Di chúc lịch sử. Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư...”

Trong rất nhiều bài nói, bài viết, Bác Hồ đã giải thích một cách hết sức sâu sắc và dễ hiểu về nội dung những đức tính quan trọng cần thiết cho mỗi con người.

CẦN theo Người là lao động cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao. Người nói: "Lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta”. Muốn thực hiện CầN cho có kết quả thì làm việc phải có kế hoạch, dù công việc gì, to hay nhỏ, lớn hay bé, đều phải sắp xếp khoa học và tính toán cẩn thận. Một người lười biếng sẽ làm chậm và ảnh hưởng đến công việc của rất nhiều người khác. Cần là phải không ngừng nâng cao năng suất lao động...

KIỆM là “tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”. Cần với kiệm đi đôi với nhau như hai chân của một người. Cần mà không kiệm cũng như một cái thùng không đáy. Kiệm mà không cần thì không phát triển được. Bác yêu cầu phải tiết kiệm cả của cải, thời gian và sức lực, bởi của cải nếu hết còn có thể làm ra được, còn thời gian đã qua đi, không bao giờ quay trở lại. Bác nói: Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Việc đáng tiêu mà không tiêu là bủn xỉn, chứ không phải là kiệm...

LIÊM là “trong sạch, không tham lam”; “không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”. Bác nói: Liêm phải đi đôi với kiệm, bởi có kiệm mới liêm được. Tham lam là một điều rất xấu hổ. Những hành động bất liêm đều phải dùng pháp luật để trừng trị, dù đó là người nào, giữ cương vị gì, làm nghề gì. Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ…

CHÍNH “nghĩa là không tà, thẳng thắn, đứng đắn”. Đối với mình - không tự cao tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình. Đối với nguời - không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà; không dối trá, lừa lọc. Đối với việc - để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó khăn, nguy hiểm, việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Mỗi ngày cố làm một việc có lợi cho dân.

Về CHÍ CÔNG VÔ TƯ, Bác nói: “Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, với việc”, “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”, “Phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Người giải thích: “...Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm, có dịp là đục khoét, có dịp là ăn của đút, có dịp là “dĩ công vi tư”. Lời nói phải đi đôi với việc làm. Nếu chính mình tham ô mà bảo người khác liêm khiết thì không được. Thực hành tốt cần kiệm liêm chính, chí công vô tư sẽ rèn luyện, làm cho con người có những phẩm chất tốt, như “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”. Trong đạo đức thì việc nêu gương là vô cùng cần thiết.

Cuộc đời Bác Hồ là một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, thương dân, về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Sinh thời, Bác sống rất giản dị, từ ăn, mặc, ở cho đến mọi sinh hoạt hằng ngày. Ngay khi đã là Chủ tịch nước, Bác luôn nêu tấm gương vô cùng mẫu mực về đạo đức cách mạng. Trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, bằng hai bàn tay lao động, Người đã trải qua những công việc nặng nhọc và vất vả: phụ bếp, cọ rửa sàn tàu, dọn tuyết. Trong những năm kháng chiến và cả sau này khi đã là lãnh tụ của Đảng và nhân dân, Người vẫn cùng cán bộ, chiến sỹ cuốc đất trồng rau, nuôi cá, sống một cuộc sống giản dị và lạc quan "cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”. Có biết bao câu chuyện chân thực và cảm động về tấm gương đạo đức của Bác. Có đồng chí yêu cầu Bác bỏ đi chiếc áo vá, nhưng Bác không cho bỏ. Bác nói: "Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy. Đừng bỏ cái phúc ấy đi”. Đôi dép cao su, bộ quần áo ka-ki, ngôi nhà sàn, ao cá của Bác Hồ… đã trở thành biểu tượng văn hóa, đạo đức, văn minh của một vị Chủ tịch nước, một lãnh tụ của Đảng, của nhân dân.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của cuộc vận động, hơn hai năm qua, cùng với đồng bào và chiến sỹ cả nước, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã sôi nổi hưởng ứng, triển khai thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các nội dung của cuộc vận động, bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

Bằng các hình thức phong phú, sinh động, chúng ta đã tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, làm cho mọi người càng thêm tin tưởng, tự hào và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, càng thêm quyết tâm trong học tập, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện. Ai ai cũng thấm nhuần lời nhắc nhở hết sức ân cần của Bác: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống. Đạo đức cách mạng giống như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Cuộc vận động có sức lôi cuốn và lan tỏa đến 6,4 triệu người dân và 31 vạn đảng viên của Đảng bộ thành phố. Các hình thức học tập đa dạng, các hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác... đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Chúng ta cũng vui mừng nhận thấy, cuộc vận động được triển khai thực hiện hơn hai năm qua đã tạo nên một dấu ấn sâu sắc trong suy nghĩ của đại bộ phận cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước.

Sau hơn hai năm thực hiện, đã xuất hiện nhiều điển hình cá nhân, tập thể trong việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác, tiêu biểu là 144 tập thể và 71 cá nhân được tuyên dương tại Hội nghị biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” của thành phố vừa qua. Ở mỗi cấp, mỗi ngành và từng địa phương, đơn vị đều có thể kể ra những tấm gương, những việc làm thiết thực hưởng ứng cuộc vận động. Những việc làm ý nghĩa đó đã góp phần đem lại kết quả cụ thể, tạo chuyển biến tích cực trong mọi lĩnh vực của Thủ đô: Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện nghiêm túc, với việc giảm bớt các cuộc họp không cần thiết, rút ngắn thời gian đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc họp; sử dụng hợp lý, tiết kiệm xăng, xe, điện, nước, văn phòng phẩm nơi công sở. Công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, giảm bớt phiền hà và thời gian chờ đợi của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Không ít cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đã tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn...

Mặc dù đã đạt được một số kết quả và chuyển biến tích cực, song đối chiếu với yêu cầu của cuộc vận động và những thiếu sót, khuyết điểm cần phải ra sức khắc phục, nhất là yêu cầu "đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội" và để cuộc vận động thực sự trở thành động lực mạnh mẽ giúp thành phố thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ thành phố và kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội một cách xứng đáng nhất, trong thời gian tới, các ngành, MTTQ, các tổ chức, đoàn thể thành phố cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Kế hoạch số 14-KH/TU ngày 10-3-2009 của Thành ủy về thực hiện cuộc vận động trong năm 2009, trong đó chú trọng thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, từng cấp ủy, nhất là các cấp ủy ở cơ sở phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu, thấm vào mọi hoạt động của các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể ở mọi cấp, mọi ngành từ thành phố tới cơ sở. Cần cụ thể hóa các chuẩn mực đạo đức cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cụ thể ở từng cơ quan, đơn vị sao cho dễ hiểu, dễ nhớ; đồng thời có biện pháp tổ chức để mọi người tự giác thực hiện làm theo. Mỗi cơ quan, đơn vị, từng cá nhân, cán bộ, đảng viên Thủ đô căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình, chọn lấy những việc làm cụ thể để phấn đấu, thực hiện, quyết tâm làm bằng được.

Hai là, học tập và làm theo, nhận thức và hành động cần phải được kết hợp một cách sinh động, cụ thể và thiết thực; phải gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở từng cấp, từng ngành. Kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cá nhân, tổ chức là thước đo rõ nhất kết quả thực hiện cuộc vận động. Nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong năm 2009 là tập trung thực hiện tốt các giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cùng với đó là tiếp tục thực hiện 9 chương trình công tác lớn của Thành ủy, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá của thành phố; đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các phong trào thi đua yêu nước hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Điều làm chúng ta trăn trở, suy nghĩ hơn cả, đó là chúng ta phải làm gì để biến quyết tâm của Đảng bộ, của lãnh đạo thành phố thành phong trào, động lực, là niềm tự hào của mỗi người dân trong việc giữ gìn những nét đẹp văn hóa của người Hà Nội, của văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài. Bên cạnh việc ra sức hoàn thành đúng thời hạn các công trình, dự án trọng điểm, một trong những trọng tâm của việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong năm 2009 - 2010 là khơi dậy ý thức và thực hiện tốt việc xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội “thanh lịch, văn minh, giàu lòng nhân ái, có ý thức chấp hành pháp luật”, trong đó việc đề cao vai trò tiền phong gương mẫu và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu ở mọi cấp, mọi ngành, mọi cơ quan, đơn vị của thành phố có vai trò quyết định.

Ba là, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền; thực sự đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, cần kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. Kịp thời phát hiện để biểu dương, nhân rộng những tấm gương cá nhân, tập thể điển hình trong thực hành làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đặc biệt là ở những người lao động trực tiếp; đồng thời phê phán, đấu tranh với những thói hư tật xấu, những hủ tục lạc hậu, những cá nhân và tập thể không gương mẫu trong công việc và đời sống hằng ngày.

Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá mà Bác Hồ kính yêu đã để lại cho toàn Đảng và toàn dân ta; là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" nhất định sẽ thu được kết quả thiết thực, to lớn hơn khi mỗi cán bộ, đảng viên, người dân Hà Nội tự giác học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, coi đó là danh dự, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

Như muôn mạch nước nhỏ hòa thành dòng sông lớn, mỗi ngày, mỗi người hãy cố gắng làm thêm một việc tốt, có ích cho mình, cho cơ quan, đơn vị, có lợi cho dân, cho nước. Nếu ai cũng làm được như vậy thì chắc chắn sẽ tạo thành một động lực mạnh mẽ, làm chuyển biến nhanh hơn nữa, tích cực hơn nữa mọi mặt của đời sống xã hội, làm cho Thủ đô yêu quý của chúng ta ngày càng đẹp hơn, thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, xứng đáng với niềm tin cậy của nhân dân cả nước. Đó chính là chúng ta làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ một cách thiết thực nhất.

(Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất