Thứ Ba, 1/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Chủ Nhật, 10/5/2009 10:39'(GMT+7)

Góp phần làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí

Những lời dăn dạy về những phẩm chất đạo đức cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn còn mang tính thời sự. Nó có tác dụng rất to lớn trong việc giáo dục đạo đức cách mạng nói chung, giáo dục ý thức thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí nói riêng cho cán bộ, đảng viên của chúng ta hiện nay, khi mà "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng"(1).

Bác là Người có sự nhìn xa, trông rộng. Bác đã từng chỉ ra đặc điểm "to nhất" của nước ta đi lên CNXH là từ một nước nông nghiệp lạc hậu không qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Bỏ qua chế độ TBCN, bên cạnh việc tránh được những khổ đau, mất mát cho nhân dân thì chúng ta cũng gặp phải một thiệt thòi là thiếu những tiền đề quan trọng do CNTB tạo ra mà cơ bản nhất là thiếu một "cái cốt" vật chất đó là nền sản xuất công nghiệp hiện đại và một "cái cốt" tinh thần đó là trình độ dân trí cao của nhân dân lao động, trong đó có trình độ của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, nước ta không thể quá độ trực tiếp mà phải quá độ gián tiếp lên CNXH và trong thời kỳ quá độ này chúng ta phải thực hiện CNH-HĐH đất nước và nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân, trong đó có nâng cao trình độ học vấn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Chính từ một nước nông nghiệp lạc hậu nên đại đa số nhân dân lao động, trong đó có đội ngũ cán bộ, đảng viên nhìn chung có trình độ nhận thức còn thấp, với tâm lý tiểu nông còn nặng nề theo kiểu "đèn nhà ai người ấy rạng", "cờ đến tay ai người ấy phất" cùng với chế độ tiền lương còn hạn chế, nên không ít cán bộ, đảng viên có xu hướng dễ nảy sinh những tiêu cực như tham nhũng hoặc lãng phí khi có cơ hội, chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa, tầm quan trọng của thực hành tiết kiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc XHCN. Điều này ngay từ thời Lênin còn sống đã chỉ ra và Lênin coi đó là một nguy cơ cần phải chống của một Đảng cộng sản cầm quyền. Bởi vì "Trong điều kiện hòa bình xây dựng, khi Đảng nắm giữ vai trò lãnh đạo xã hội, luôn có những điều kiện, hoàn cảnh có tính hai mặt, vừa bảo đảm cho vai trò chính trị của Đảng, vừa có thể nảy sinh những động cơ vụ lợi, không trong sáng"(2). Từ thực tiễn xây dựng đất nước sau 15 năm đổi mới, với cả những thành công và hạn chế, trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta đã chỉ ra: "Tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta. Tình trạng lãng phí, quan liêu còn khá phổ biến"(3)

Xuất phát từ tình hình thực tiễn đất nước, từ 3/2/2007, Trung ương Đảng đã phát động Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", và năm 2007 tổ chức cuộc thi "Báo cáo viên giỏi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", năm 2008 học tập hai chuyên đề về Sửa đổi lối làm việc và Thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí là những hình thức để hưởng ứng cuộc vận động đó, nhằm tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên còn đang công tác.

Cuộc vận động này có hai nội dung quan trọng đó là: "học tập" và "làm theo", thể hiện mối quan hệ giữa lý luận với thực tiễn hay học đi đôi với hành. Một trong những điều cốt lõi nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời muốn nhấn mạnh là: "Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông"(4). Như vậy, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn được Hồ Chí Minh hiểu trên tinh thần biện chứng: thực tiễn cần tới lý luận soi đường để không mắc phải bệnh kinh nghiệm, còn lý luận phải dựa trên cơ sở thực tiễn nếu không sẽ mắc phải bệnh giáo điều. Nghĩa là cả thực tiễn và lý luận đều cần đến nhau. Ngày nay, khi nghiên cứu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng phải kế thừa phương pháp biện chứng đó cho phù hợp với những vấn đề thực tiễn của đất nước đang đặt ra để sẵn sàng gạt bỏ đi những khó khăn, trở ngại, vững bước trên con đường hội nhập với quốc tế, tức là phải có thái độ khoa học để đối xử với một khoa học.

"Học tập" là điều kiện cần, bởi có học tập tư tưởng ta mới hiểu sâu sắc về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, từ nhận thức đúng ta mới có hành động đúng trong cuộc sống cũng như trong công tác theo tấm gương của Người. Nhưng nội dung "làm theo" mới là điều kiện đủ đối với mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta. Học tập mà không làm theo thì học tập đó chẳng có ý nghĩa gì. Nếu chỉ dừng lại ở các cuộc vận động, cuộc thi hay phong trào thì chưa đủ, về mặt nào đó chỉ gây tốn kém, lãng phí và như vậy là đi ngược lại với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tinh thần nhìn thắng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, trong Nghị quyết Trung ương 9 khóa X, Đảng ta chỉ rõ: “Kết quả đạt được của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chưa đều khắp ở các cấp, các ngành và địa phương, những chuyển biến trong việc “làm theo” còn nhiều hạn chế”

(5).

Điều quan trọng nhất là "làm theo", đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định, là đích đến của Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", tức là phải biến tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành thói quen, nếp sống, ý thức, hành động hằng ngày của mỗi công dân Việt Nam nói chung và mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng. Có nhiều vấn đề mà chúng ta cần phải làm theo Bác mà một trong những vấn đề đó là làm theo về thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí. Đây là vấn đề cấp bách hiện nay ở nước ta, đặc biệt khi “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa được khắc phục có hiệu quả; đạo đức xã hội bị suy giảm; tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu chưa được đẩy lùi...”(6).

Đảng và nhà nước ta đã ban hành nhiều đường lối, chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chống quan liêu, tham nhũng. Từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, Chính phủ đã ban hành các Nghị định về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong các loại hình cơ sở như: xã, phường, thị trấn; cơ quan hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước, riêng Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã được nâng lên thành Pháp lệnh. Bên cạnh đó, Quốc hội đã ban hành Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật phòng chống tham nhũng và ở Trung ương cũng như các địa phương đã thành lập Ban phòng chống tham nhũng. Tất cả những Nghị định, pháp luật này là cơ sở pháp lý để mỗi địa phương, cơ sở, cơ quan, đơn vị xây dựng những quy định cụ thể để thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.

Tiết kiệm sức người, sức của và tiết kiệm thời gian là một trong những phẩm chất quan trọng nhất của người cán bộ, đảng viên, nhất là đối với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Có như vậy chúng ta mới xứng đáng là đầy tớ, là công bộc của nhân dân. Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chúng ta sẽ chống được nhiều thứ "bệnh" khác có thể nảy sinh. Từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994), Đảng ta đã chỉ ra 4 nguy cơ mà nước ta đang gặp phải, đó là: nguy cơ tụt hậu về phát triển kinh tế, nguy cơ chệch hướng XHCN, nguy cơ diễn biến hòa bình và nguy cơ tham nhũng, lãng phí. Trong 4 nguy cơ đó ta có thể thấy nguy cơ tham nhũng, lãng phí chính là nguyên nhân của các nguy cơ còn lại, nó "...đang cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, gây bất bình và làm giảm lòng tin trong nhân dân"(7). Từ tham nhũng, lãng phí sẽ dẫn đến phát triển tụt hậu, sẽ dẫn đến chệch hướng XHCN và là mảnh đất tốt cho “Chiến lược diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch thực hiện. Thực tế diễn ra ở các nước XHCN thuộc Liên Xô và Đông Âu trước đây đã chứng minh điều đó. Do đó, sẽ có nhiều việc cần phải làm mà một trong những điều quan trọng nhất là phải đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Có như vậy thì các thế lực thù địch, với “Chiến lược diễn biến hoà bình” nhằm chống phá chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thì chúng có thể cứ “Diễn” mà chúng ta không bị “Biến”.

Để thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí đi vào thực tế và có hiệu quả, nên chăng cần thực hiện những vấn đề sau:

Một là, Cần phải hiểu cho đúng thế nào là làm theo. Làm theo ở đây không phải là bắt trước Bác về mặt hình thức mà làm theo Bác là làm theo về mặt nội dung phản ánh bản chất tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí trong từng hoạt động cụ thể trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Làm theo phải phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của đất nước, của mỗi cơ quan, đơn vị hay địa phương trong từng giai đoạn lịch sử. Thực hành tiết kiệm ở một thành phố lớn có thể giống hoặc có thể khác với thực hành tiết kiệm của một tỉnh miền núi khó khăn. Thực hành tiết kiệm ở giai đoạn lịch sử trước có thể giống hoặc có thể khác với thực hành tiết kiệm ở giai đoạn lịch sử sau, khi mà tình hình thực tiễn đã thay đổi. Không nên hiểu một cách máy móc rằng, ngày trước ăn gì, mặc gì thì ngày nay cũng phải ăn như thế, mặc như thế mới là tiết kiệm, cứ ở tỉnh lẻ tiết kiệm như thế nào thì ở các thành phố lớn cũng phải tiết kiệm như thế. Hình thức biểu hiện của tiết kiệm ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, hay ở mỗi giai đoạn lịch sử có thể khác nhau, nhưng bản chất giống nhau, đó đều là tiết kiệm, tức là sử dụng đúng mức, không phí phạm sức lực, của cải và thời gian (theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học- XB năm 2006). Việc sử dụng đúng mức, không phí phạm sức lực, của cải, thời gian là tùy thuộc vào từng công việc cụ thể, trên từng lĩnh vực, ở từng giai đoạn. Nhưng phải lấy hiệu quả của công việc đó để làm thước đo cho sự tiết kiệm. Hiệu quả của công việc là sử dụng nguồn lực (sức lực, của cải hay thời gian) một cách ít nhất nhưng đem lại kết quả tốt nhất (cả về số lượng và chất lượng).

Hai là, Cần có sự gương mẫu của người Thủ trưởng về thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí. Đây là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong mỗi cơ quan, đơn vị hay địa phương thì sự gương mẫu của người Thủ trưởng đóng vai trò quyết định việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí ở cơ quan, đơn vị hay địa phương đó. Cha ông ta đã từng nói: trên bất chính thì hạ tắc loạn hay nhà dột từ nóc dột xuống. Người đứng đầu mà không gương mẫu về tiết kiệm thì không thể chỉ đạo được cấp dưới, sẽ dẫn đến tình trạng tham nhũng, lãng phí kéo dài, nội bộ sẽ bị chia rẽ bè phái và mất đoàn kết. Chỉ người Thủ trưởng nào có được bốn đức theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cần, kiệm, liêm, chính thì mới có chí công vô tư, mới tận tâm, tận lực phục vụ tập thể và ở cơ quan, đơn vị, địa phương đó mới thực hành được tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.

Tuy nhiên, không thể đòi hỏi quá nhiều, hay quá cao ở người Thủ trưởng vì trước hết họ cũng là một con người bình thường, không phải là Thánh hay Thần. Theo C.Mác, con người ta trước hết phải ăn, mặc, ở, đi lại mới làm chính trị, khoa học, nghệ thuật và tôn giáo. Điều đó cũng có nghĩa là không thể làm việc theo kiểu “cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nhà nước ta đã có những quy định về phụ cấp trách nhiệm đối với từng chức danh lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, nên chăng cũng cần có một cơ chế “linh hoạt hơn” để khuyến khích những người đứng đầu trong việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh những quy định xử lý nghiêm những hành vi vi phạm thì cũng phải có những quy định khen thưởng xứng đáng với những người Thủ trưởng thực hiện tốt, vì “có thực mới vực được đạo”. Nếu một người Thủ trưởng nào mà thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí tốt, đem lại nhiều lợi ích cho tập thể, mà cơ bản là lợi ích kinh tế, thì người Thủ trưởng đó xứng đáng được hưởng phần nhiều hơn so với mỗi cá nhân trong tập thể đó, ai đóng góp nhiều hơn thì được hưởng lợi ích nhiều hơn, đó mới chính là công bằng. Người Thủ trưởng được hưởng tỷ lệ bao nhiêu, hưởng như thế nào, đó chính là nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước trong việc đưa ra các quy định cụ thể.

Ba là, Phải có cơ chế giám sát chặt chẽ việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng về tiền bạc, thời gian và các điều kiện vật chất khác trong hoạt động của người cán bộ, đảng viên, đặc biệt chống tham nhũng, lãng phí về tiền bạc. Tức là phải có cơ chế theo dõi và thưởng, phạt nghiêm minh đối với từng hoạt động của người cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Trong giai đoạn hiện nay, khi mà ý thức tự giác của “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” chưa cao, thậm chí là không có, cố tình vi phạm, thì chưa thể trông mong vào đạo đức của người cầm quyền mà phải xây dựng một cơ chế giám sát chặt chẽ là hết sức cần thiết để nếu không chống được một cách tuyệt đối thì cũng có thể hạn chế một cách tối đa những hiện tượng tiêu cực. Để xây dựng được cơ chế đó, bên cạnh đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và được sự đồng thuận của người dân. Cơ chế đó phải có sự khen, thưởng thích đáng đối với những người thực hiện tốt tiết kiệm, xử lý nghiêm những người có hành vi gây thất thoát, lãng phí hoặc tham nhũng. Muốn vậy phải thực hành được dân chủ trong nội bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương vì thực hành dân chủ là “chìa khoá vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”(Hồ Chí Minh). Ở đây là thực hành dân chủ thực sự chứ không phải là dân chủ hình thức. Dân chủ thực sự là tạo điều kiện để mỗi thành viên trong cơ quan, đơn vị, địa phương có điều kiện để: biết, bàn, làm và kiểm tra các hoạt động có liên quan trong nội bộ. Có như vậy mới thực hành được tiết kiệm. Muốn thực hành tiết kiệm thì phải phát huy dân chủ, để hiểu đúng người, đúng việc mà huy động các nguồn lực sử dụng cho phù hợp; phát huy dân chủ sẽ chống được quan liêu, lãng phí; chống được quan liêu, lãng phí không tạo ra kẽ hở sẽ chống được tham ô, tham nhũng. Do đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn đi liền với cuộc đấu tranh chống tham ô, tham nhũng. Không thể thực hành tiết kiệm, không thể chống được lãng phí nếu không chống tham ô, tham nhũng. Ngược lại, không thể chống được tham ô, tham nhũng nếu không thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hai cuộc đấu tranh này luôn song hành cùng nhau.

Bốn là, Phải đổi mới cơ chế quản lý về tài chính, hạn chế tối đa cơ chế xin cho. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, biên chế của cơ quan, đơn vị, địa phương mình người Thủ trưởng xây dựng dự toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt từ đầu năm. Dự toán kinh phí khi đã được duyệt thì không thay đổi, không vì lý do này, lý do khác mà xin thêm kinh phí, trừ những sự việc diễn ra mà không thể dự báo trước được và phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền. Bên cạnh đó, các chính sách về chi tiêu tài chính do cấp có thẩm quyền ban hành phải phù hợp với giá cả thực tế để đảm bảo cho các hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương diễn ra một cách bình thường theo chức năng, nhiệm vụ và người Thủ trưởng không phải “đau đầu” vì phải vận dụng để “lách” cơ chế chi tiêu cho phù hợp thực tế. Khi “lách” cơ chế như vậy thì người Thủ trưởng sẽ dễ dẫn đến vi phạm quy định tài chính khi bị thanh tra hoặc người Thủ trưởng sẽ lợi dụng việc “lách” đó để trục lợi cho mình.

Thực hiện được các biện pháp nêu trên, theo tôi, sẽ góp phần đưa Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật phòng, chống tham nhũng vào cuộc sống, mới có thể thực hành được tiết kiệm và chống tham nhũng, lãng phí trên thực tế- tức là chúng ta đã làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên lĩnh vực nóng bỏng này.

Ths. Nguyễn Thanh Sơn
___________

(1). Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, tr.65.

(2). Tạ Ngọc Tấn: "Những bài học về xây dựng Đảng nhìn nhận dưới ánh sáng của cách mạng Tháng Mười Nga và sự tan rã của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu", Tạp chí cộng sản, số 780/10/2007, tr.29.

(3). Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, tr.76.

(4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, 1995, tập 8, tr.496.

(5). Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín-BCH TW Đảng, khóa X, NXB Chính trị Quốc gia, HN, 2009, tr.63.

(6). Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín-BCH TW Đảng, khóa X, NXB Chính trị Quốc gia, HN, 2009, tr.63.

(7). Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, tr.67.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất