Thứ Năm, 28/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Tư, 13/5/2009 11:6'(GMT+7)

Chuyện thường ngày ở Yên Dũng

Giờ thực hành công nghệ thông tin tại Trường THPT Yên Dũng số 2.(Ảnh: Báo Bắc Giang)

Giờ thực hành công nghệ thông tin tại Trường THPT Yên Dũng số 2.(Ảnh: Báo Bắc Giang)

Ðiều đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng cơ sở, mang lại diện mạo mới cho đời sống làng quê, góp phần thực hiện thắng lợi Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Từ thay đổi lề lối làm việc...

Một buổi sáng sương chưa tan và khá lạnh, nhưng đại biểu đến từ các xã đã có mặt đông đủ tại trụ sở Huyện ủy, để chuẩn bị cuộc họp cán bộ chủ chốt. Ðồng chí Nguyễn Tiến Hẳn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ cho biết, từ đầu năm 2008, thực hiện Cuộc vận động lớn của Ðảng, Huyện ủy Yên Dũng tập trung vào hai nội dung chính, đó là, tiết kiệm, chống lãng phí và sửa đổi lề lối làm việc. Mỗi tổ chức cơ sở Ðảng căn cứ  tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị, đề ra chương trình hành động cụ thể và cách làm sáng tạo. Gần hai năm qua, hầu hết cán bộ, công chức đã bảo đảm thời gian làm việc; họp hành đúng giờ, không còn tình trạng đi muộn, về sớm... Những phẩm chất của người cán bộ, công chức: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, được các cấp ủy Ðảng cụ thể hóa, quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên, gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Huyện ủy yêu cầu lãnh đạo chủ chốt từ huyện đến cơ sở  nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác trong thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt chú ý các lĩnh vực: xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý kinh tế, tài chính, thực hiện định mức trong sử dụng ngân sách Nhà nước... Ðồng thời,  cán bộ, đảng viên gương mẫu trong xây dựng đời sống văn hóa ở nơi làm việc, cũng như nơi cư trú.

Hội Cựu chiến binh huyện Yên Dũng là đơn vị đi đầu trong việc đổi mới tác phong công tác của cán bộ Hội, sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm lý, nguyện vọng, quan tâm  đời sống vật chất và tinh thần của từng hội viên; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm để các hội viên CCB hoàn thành nhiệm vụ. Hội đã chỉ đạo 207 chi hội tổ chức sinh hoạt, thảo luận sâu sắc về những yêu cầu cụ thể trong Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện, hội viên Hội CCB luôn tham gia tích cực và vận động người thân trong gia đình cùng tham gia. 100% các gia đình hội viên Hội CCB có đất bị thu hồi để giải phóng mặt bằng, xây dựng khu công nghiệp ở các xã Song Khê, Nội Hoàng, Tiền Phong... đều gương mẫu chấp hành. Bên cạnh đó, các cấp hội gắn kết việc làm theo tấm gương của Bác với 33 tiêu chí của phong trào thi đua CCB gương mẫu, được chấm điểm cụ thể,  làm cơ sở bình xét thi đua hằng năm.

Tại Trường tiểu học thị trấn Neo, chúng tôi  được nghe câu chuyện của  các thầy, cô giáo trong giờ giải lao. Họ đang trao đổi  kinh nghiệm giảng dạy . Các ý kiến đều hướng tới mục đích giảng dạy thế nào cho các em dễ hiểu, dễ tiếp thu và hứng thú học bài. Ðồng chí Trần Thu Uyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", chúng tôi luôn tâm niệm, học Bác để nhận rõ mình, sửa mình, sao cho mỗi thầy giáo, cô giáo là những tấm gương mẫu mực để học sinh noi theo. Giờ làm việc luôn được thực hiện nghiêm túc không chỉ đối với những người đứng lớp mà là yêu cầu với tất cả cán bộ, nhân viên ở các bộ phận khác. Nhà trường luôn động viên các thầy, các cô cùng khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, tiết kiệm chi tiêu để mua sắm đồ dùng dạy học như máy tính, đầu chiếu... phục vụ dạy và học. Nhiều thầy, cô giáo tự nguyện ở lại sau giờ học để kèm thêm các em học sinh yếu; nghiên cứu, sáng tạo dụng cụ giảng dạy trực quan; cập nhật kiến thức tin học để áp dụng công nghệ tiên tiến phục vụ bài giảng. Ðến nay, tất cả giáo viên của trường  sử dụng thành thạo bài giảng điện tử, soạn bài trên máy tính... góp phần mang đến cho học sinh những tiết học sinh động, dễ hiểu.

... đến đời sống hằng ngày

Yên Dũng là huyện nghèo. Nhiều hủ tục, quan niệm lạc hậu còn tồn tại trong tổ chức ma chay, cưới hỏi, gây phiền hà, tốn kém. Do đó,  đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh  trong việc cưới, việc tang và lễ hội được coi là một nội dung quan trọng khi thực hiện Cuộc vận động lớn. Hằng năm, Yên Dũng có gần 70 lễ hội làng, xã được tổ chức. Nếu như trước đây, ngoài việc kéo dài về thời gian, tập trung ăn uống linh đình còn xảy ra các hoạt động bói toán, mê tín dị đoan... thì nay tệ nạn này đã giảm rõ rệt. Trong tổ chức việc cưới, việc tang, sự kiên trì trong tuyên truyền, thuyết phục đã mang lại kết quả bước đầu: Năm 2008, toàn huyện có hơn 600 đôi nam - nữ kết hôn theo nếp sống mới; thủ tục đơn giản, thiết thực, không dùng thuốc lá, cô dâu chú rể mặc áo dài, com-lê. Trong tổ chức lễ tang, gần 400 đám đã bỏ các phong tục: đội mũ rơm, chèo đò, giáo ngựa,  ăn uống kéo dài,  thổi kèn trong đêm, nhờ đó, mỗi đám hiếu đã giảm được hàng chục triệu đồng chi phí... Chị Nguyễn Thị Thơm ở thị trấn Neo tâm sự: "Quê mình ai cũng phấn khởi bởi nhờ có phong trào xây dựng đời sống văn hóa đã góp phần thay đổi  những lề thói lạc hậu, chứ trước đây mỗi khi trong làng có đám tang là cả làng bị ảnh hưởng".

Phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà thật sự đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống vùng quê nghèo. Xã miền núi Lão Hộ là xã nhỏ và nghèo nhất huyện, nhưng được sự ủng hộ của nhân dân, xã đã xây dựng được trạm y tế. Xã có hai cấp học mầm non và tiểu học đều đạt chuẩn quốc gia, 70% đường giao thông nông thôn được bê-tông hóa; xây bể chứa và tiêu hủy rác, giảm ô nhiễm môi trường từ rác thải; 3/4 làng được công nhận làng văn hóa cấp huyện, một làng văn hóa cấp tỉnh. Thôn Phùng Hưng, xã Tư Mại, giữ vững danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh trong nhiều năm. Chi bộ thôn 13 năm liên tục đạt chi bộ trong sạch, vững mạnh. Ðó cũng là động lực tinh thần để chi bộ Phùng Hưng huy động sức dân, thực hiện dồn điền, đổi thửa, tăng số hộ tham gia sản xuất lúa thơm hàng hóa từ 40% năm 2007, lên 70% năm 2008, kết hợp phát triển mô hình VAC. Nhiều gia đình đã có thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, như gia đình các ông Nguyễn Ðình Hà, Phạm Chí Doanh...

Qua các phong trào thi đua Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, tại Yên Dũng đã xuất hiện nhiều tập thể điển hình như Ðảng bộ xã Lão Hộ, chi bộ thôn Xuân Phú, chi bộ An Bình... và nhiều cá nhân tiêu biểu như cô giáo, đảng viên Nguyễn Thị Ðông (Trường tiểu học thị trấn Neo), đồng chí Nguyễn Thanh Chức, chi bộ Liên Sơn... Những tấm gương sáng cũng là những tấm gương bình dị, cổ vũ mọi người học tập và làm theo./.

(Theo: Nhân dân)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất