Nhìn con đường cùng với dự án điện được đầu tư gần 20 tỷ đồng nhiều đoạn đã rải đá dăm, uốn lượn quanh những sườn đất dốc đang xanh lên những gốc cà phê, đi vào bản duy nhất vừa xóa trắng đảng viên cho thấy quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền xã Mường Sai trong việc đẩy lùi đói nghèo lạc hậu ở vùng đất 100% đồng bào dân tộc Mông có đạo.
GỠ ĐÓI NGHÈO Ở BẢN TRẮNG ĐẢNG VIÊN
Đã bao năm nay, con số 100% số hộ nghèo cứ gắn chặt với bản Co Đứa. Dù đã đạt nhiều tiêu chí trong số 19 tiêu chí nông thôn mới nhưng tỉ lệ sinh quá lớn khiến Co Đứa không sao thoát nghèo được. Do đó, Chi bộ bản Co Đứa xác định chỉ có phát triển kinh tế, đời sống người dân được nâng cao thì mới thay đổi được ý thức của họ. Không ai khác, đảng viên gương mẫu chính là người đi đầu, là hạt nhân gắn kết, hỗ trợ; chi bộ lãnh đạo sáng tạo, vận dụng tốt chính sách dân số, xóa đói, giảm nghèo đưa bản phát triển.
Để thay đổi tập tục sản xuất, hơn thế là xóa hủ tục, xóa cái nghèo trong tư tưởng vẫn tồn tại đâu đó của người dân nơi đây, không chỉ một cánh tay biểu quyết giơ lên là xong, mà cả một quá trình. Bởi xuất phát điểm của Co Đứa rất thấp và với đặc tính của người Mông, sinh sống ở địa bàn hiểm trở phức tạp, chủ yếu là đồi núi có độ dốc cao, đường giao thông đi lại khó khăn, đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển đời sống, kinh tế còn thiếu bền vững.
Nhìn những sườn dốc dần được phủ một màu xanh mươn mướt của những gốc cây cà phê non, ai cũng phấn khởi, hy vọng bởi cách làm kém hiệu quả đã ăn sâu bao đời nay của người dân đã dần thay bằng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích đất trồng cây lương thực trên dốc núi dần được chuyển sang các mô hình kinh tế vườn đồi, như nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 mà Đảng bộ xã Mường Sai đặt ra.
Đầu năm 2020, cả bản Co Đứa phấn khởi khi Thào A Long, Giàng A Dạ, hai quần chúng đầu tiên của bản được kết nạp vào Đảng. Vậy là từ đây, người của bản sẽ được trực tiếp tham gia vào những nghị quyết chi bộ, liên quan mật thiết tới sự phát triển đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội của bản.
Trong câu chuyện với Thào A Long mới biết: “Lúc đầu không hiểu Đảng là gì hết, chả biết học để làm gì và có làm được như thế không, nhưng khi anh Vừ Quyền Mua, Phó bí thư Đảng ủy xã giải thích và thấy các mô hình kinh tế mà cán bộ đảng viên xã hướng dẫn bà con mang lại đời sống no đủ hơn, thì mình tin vào Đảng sẽ giúp được bà con hết đói. Trong bản có 60 hộ gia đình, giờ có 2 đảng viên, dù đang là đảng viên dự bị cũng coi như là người hiểu biết hơn rồi!”.
Với vai trò là Phó bí thư đoàn thanh niên, Long kể, trong mỗi buổi họp thường động viên các thanh niên trong bản đi học để được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Các bạn ấy cũng giống Long hồi trước, từ chối đi học vì sợ mình không đáp ứng được các yêu cầu của một đảng viên phải làm, nhất là không được sinh con thứ 3. Hơn nữa, tâm lý e ngại rằng mình là người theo đạo thì không vào Đảng được, hoặc có sự phân biệt nên không đi.
“Nhưng đi học mình thấy không phải vậy, đây là một điều tốt. Trước kia mình chỉ làm việc quanh quẩn tại bản với ruộng nương, nhưng nay biết đến và được tham gia vào các cuộc họp chi bộ, thực hiện triển khai nghị quyết, thấy nó không xa lạ. Nhờ các giải pháp của đồng chí bí thư chi bộ mà vườn cà phê 700 gốc của mình đã phát triển tốt, không bị chết nhiều như trước. Gia đình vừa thu lãi 5 triệu đồng từ 50 cây cà phê, tuy chưa nhiều nhưng rất mừng vì cây đã sống và có quả”, Long tâm sự.
Long bảo, là đảng viên rồi, mình cứ gương mẫu, sinh 2 con thôi và tập trung phát triển kinh tế tốt, bà con sẽ tin và theo. Sau này có thêm đảng viên, thành lập được chi bộ sẽ thuận tiện hơn trong các hoạt động của bản.
“Co Đứa hiện chưa có đủ đảng viên để thành lập chi bộ tại chỗ, 5 đồng chí ở xã lên sinh hoạt cùng để thành lập chi bộ lâm thời. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tìm nguồn và tuyên truyền để vận động bà con đi học, kết nạp đảng. Khi phát triển đủ đảng viên sở tại sẽ thành lập chi bộ và rút những đồng chí ở xã về, bầu người của bản làm bí thư chi bộ, trực tiếp lãnh đạo thì mới hiệu quả”, Phó bí thư Đảng ủy xã Vừ Quyền Mua nói.
ĐẢNG VIÊN ĐI TRƯỚC
Cũng là người dân tộc Mông, anh Mua hiểu người Mông mình cũng khát khao hiểu biết, trọng việc học hành, luôn muốn tìm cái mới. Nhưng hoàn cảnh tự nhiên không cho phép, sống ở nơi đồi núi khô cằn, quanh năm chỉ trông vào một vụ lúa, một vụ ngô nên nghèo. Hơn nữa tập tục sinh đông con từ mấy đời nay khiến cái nghèo lúc nào cũng tưởng như thành định mệnh gắn chặt với họ. Bởi vậy, những năm qua, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Co Đứa cũng là bản mà xã trăn trở nhất, dành nhiều sự quan tâm nhất.
Nghị quyết thì có từ lâu, nhưng mãi đến năm 2016, khi Đại úy Vừ Quyền Mua, cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Sơn La nhận nhiệm vụ làm Phó bí thư Đảng ủy xã Mường Sai, thì tình trạng xóa trắng đảng viên là người sở tại ở Co Đứa đến nay mới thực hiện được. Tổng số đảng viên toàn xã sau 4 năm được nâng từ 175 đồng chí lên 202 đồng chí.
Là một quần chúng ưu tú, được Phó bí thư Mua dìu dắt, chị Vừ Thị Lầu chỉ mấy tháng nữa thôi sẽ được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Người dân tộc Mông như chị suy nghĩ đơn giản lắm “vào đảng để biết phát triển kinh tế, đời sống đỡ vất vả hơn và giúp đỡ bà con khác thôi”. Với chị, Đảng thiết thực và gần gũi như cách mà các đảng viên trong Chi bộ bản Lọng Lót hướng dẫn chị phát triển kinh tế gia đình ổn định hơn.
“Trước đây mình thường thiếu ăn, đói nhất là vào tháng 7 đến tháng 9, do ngô thóc chưa thu hoạch được. Con ốm cũng phải mượn tiền của anh Mua để mua thuốc. Nay theo hướng dẫn, nhà mình đã trồng xoài, chăn nuôi gà và lợn thành đàn. Mỗi lần bán gà cũng được tầm 2 triệu đồng, cuộc sống khá hơn trước rất nhiều, không còn đói nữa”, chị Lầu kể.
Nhờ những chi bộ thôn, bản luôn đóng vai trò tiền phong trong lãnh đạo nhân dân các dân tộc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà xã biên giới Mường Sai với 438/971 hộ nghèo đã dần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3 đến 4% qua hằng năm. Nhân dân xã Mường Sai, giảm chăn nuôi đàn gia súc, nhất là đàn dê mà tập trung chủ yếu phát triển trồng cây ăn quả trên đất dốc như: Nhãn, xoài, cây có múi và một số cây trồng khác.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXI, kinh tế xã Mường Sai đã tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường, thu nhập bình quân người/năm tăng 12,8% so với nhiệm kỳ trước. Cụ thể, tăng gần 9.500.000 đồng/người/năm. Thu ngân sách trên địa bàn bình quân hàng năm đạt 110%, vượt chỉ tiêu huyện giao và Hội đồng nhân dân xã quyết nghị. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng trong năm đầu nhiệm kỳ 2015 là 15,95%, thì đến nay còn 14,3%. Mạng lưới trường lớp được đầu tư và phát triển ở cả các bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Những con số đáng mừng ấy, nếu không phải từ những nghị quyết vì dân, gắn tính tiền phong gương mẫu đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội của mỗi đảng viên thì chắc hẳn khó làm được.
KHI CHI BỘ NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO
Trong suy nghĩ của mỗi người dân bản Đỉnh Đèo, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, thôn bản đổi thay như hôm nay, đều có công rất lớn của Bí thư chi bộ Thào A Xá và các đảng viên. Cách đây hơn 5 năm, Đỉnh Đèo là bản duy nhất trong 12 bản của xã vẫn “trắng” đảng viên, vẫn tồn tại nhiều hủ tục, đời sống người dân bữa đói bữa no, chưa chú trọng cho con em đến trường học.
Với “tuổi đời” còn khá trẻ so với các bản khác của Mường Pồn, đất canh tác ít, người dân chủ yếu đi làm thuê hoặc làm ăn xa, do đó, nhận nhiệm vụ mà Đảng ủy xã Mường Pồn giao phó là người đảng viên phải kèm cặp, giúp đỡ người dân thoát nghèo, Thào A Xá lo lắm.
Ở cái bản không có điện lưới, tối tối phập phù do dùng điện nước, lại có tới 3 dân tộc Mông, Thái, Kinh cùng sinh sống, Bí thư Thào A Xá nghĩ: “Nghị quyết nói thì đúng quá rồi, ai chẳng muốn làm theo nhưng ở Đỉnh Đèo ai cũng nghèo thì lấy ai giúp được?”. Thế rồi, sau bao đêm suy nghĩ, trăn trở, người cán bộ từng là bộ đội nghĩa vụ ở Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 326 (Quân khu 2) quyết định thực hiện “đảng viên phải đi đầu, làm gương để cả bản noi theo”. Quyết tâm chiến thắng đói nghèo!.
Vậy là, bên cạnh việc tiên phong trong công tác trồng rừng cao su, Thào A Xá còn làm Tổ trưởng tổ vay vốn, giúp bà con làm các thủ tục vay vốn, phát triển chăn nuôi hộ gia đình. “Nhờ kinh phí Dự án 135 phát triển bò sinh sản, đến nay toàn bản với 25 hộ thì có 70% số hộ được hỗ trợ bò giống rồi đấy anh Nguyên ạ”, anh Xá khoe với Bí thư Đảng ủy xã Chào Anh Nguyên đang lên thăm bản.
Công việc nhìn tưởng dễ, nhưng chỉ những ai hiểu tập tục người Mông mới biết không phải một sớm một chiều có thể làm họ thay đổi thói quen chỉ đến ngày mùa mới đi làm nương, đến tháng thì thu lúa về. “Họ thu được bao nhiêu bao gạo về thì sẽ bán 1 ít, còn lại để ăn, mà không tính mỗi ngày sản xuất được bao nhiêu tiền, mua thức ăn hết bao nhiêu, còn lại để dành bao nhiêu. Do đó, mình phải là người đi đầu, làm trước thì mới thuyết phục được họ”, anh Xá nói.
Không chỉ thay đổi thói quen sản xuất, đó còn là những câu chuyện về xây dựng đời sống văn hóa. Trước kia người dân với tập tục di cư nên thường không làm nhà kiên cố, sạch sẽ, thì nay những mái nhà lụp xụp, tạm bợ đã được thay bằng những nóc nhà lợp tấm fibro-ximăng trên nền láng xi măng kiên cố, sạch sẽ. Công đầu đó cũng thuộc về gia đình bí thư Xá.
Nghị quyết nếu chỉ đưa ra thì chẳng nhiều người theo, bởi có người lười, người chăm, người hiểu và chưa hiểu. Nhưng khi nó được “đưa” vào tự nhiên như cách mà họ sống thì không khó để thực hiện. “Hồi mới lên làm cao su, toàn bộ khu này đơn sơ lắm. Nhà mình mua tấm lợp về làm, đổ xi măng láng nền bằng phẳng, không để nền đất và nuôi gia súc dưới gầm sàn. Người dân thấy mình làm sạch sẽ thì họ cũng bắt chước làm theo. Không chỉ đời sống mà vệ sinh môi trường, sức khỏe người dân vì thế mà được nâng theo”, anh Xá kể.
Nói đến câu chuyện xóa những hủ tục, Bí thư Đảng ủy xã Chào Anh Nguyên lý giải thêm: Do phong tục tập quán nên một bộ phận đồng bào còn có tình trạng nhốt gia súc dưới gầm sàn, điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của những người đang sinh sống trong gia đình vì mùi hôi thối của chất thải gia súc, nhất là vào những ngày hè nắng nóng, ruồi, muỗi, mùi phân gia súc bốc lên rất khó chịu.
Bên cạnh đó, trên địa bàn xã Mường Pồn, tình trạng vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình và nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nhất là đối với đồng bào dân tộc Mông là vấn đề mà xã luôn trăn trở. Nhiều em gái dân tộc Mông mới 13, 14 hoặc 15 tuổi đã bỏ học ở nhà lấy chồng, bố mẹ biết nhưng không dám ngăn cản quyết liệt vì sợ con ăn lá ngón tự tử, vì thế mà tỷ lệ hộ gia đình sinh con thứ 3 trở lên khá lớn.
Đứng trước thực trạng này, Đảng ủy xã đã họp bàn, chỉ đạo các chi bộ, các đoàn thể xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ các hủ tục lạc hậu đó. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, Đảng ủy xã phát động cán bộ, công chức, đảng viên tiên phong, gương mẫu thực hiện trước.
“Khi thấy những ngôi nhà sàn có gầm sàn được láng xi măng sạch sẽ, trẻ em có chỗ vui chơi, buổi trưa mùa hè không còn ruồi, muỗi, mùi hôi từ phân gia súc bốc lên, vệ sinh môi trường đảm bảo, người dân đã nâng cao được nhận thức, tích cực, tự giác làm chuồng trại chăn nuôi xa nơi ở, chất thải của vật nuôi được thu gom để làm phân bón cho đồng ruộng. Đến nay trên địa bàn xã cơ bản không còn hộ gia đình nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn”, anh Nguyên chia sẻ.
Đối với tình trạng vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Đảng ủy xã xác định đây là một vấn đề nan giải do phong tục tập quán của đồng bào dân tộc, nhưng vẫn phải tập trung chỉ đạo để kiên quyết xóa bỏ tình trạng này. Vậy là, bên cạnh công tác tuyên tuyên truyền, vận động, còn nâng cao nhận thức của người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ để tranh thủ uy tín của những người này trong việc xóa bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Ở một nơi có 99,9% đồng bào là người dân tộc thiểu số, mà tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên đến nay giảm ở mức 15%, thì quả là một câu chuyện không hề đơn giản!
Khi hủ tục dần được xóa bỏ, đời sống người dân cũng theo đó mà khấm khá lên. Kết quả là trong 5 năm, với những chương trình, dự án đầu tư gần 12 tỷ đồng, các mô hình triển khai đã phát huy hiệu quả góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Xã đã cơ bản đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới (đạt 78,6% nghị quyết).
Bí thư Chào Anh Nguyên hồ hởi cho biết, diện tích vườn cây cao su ha trên địa bàn giờ đã đạt 535,47 ha, hiện đang khai thác cạo mủ. Cùng với đó là 5,33 ha cây xa nhân tím tại bản Lĩnh... Bởi vậy, số hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn là 245 hộ, chiếm 22,8% (giảm 192 hộ và 21,88% so với năm 2015, đạt 65,8% nghị quyết).
Rời Đỉnh Đèo khi trời chạng vạng tối, càng khiến những cột trụ bê tông đang được xây dựng ở bản trở nên lừng lững. Vậy là, chỉ thời gian nữa thôi, điện lưới sẽ về với bản, người dân không còn lo điện bấp bênh mỗi mùa mưa gió, cũng như lo cái đói đeo bám, khi cả bản đồng lòng làm theo nghị quyết, xây dựng kinh tế mới.
TÍN HIỆU MANG SỨC LAN TỎA
Cũng như Đỉnh Đèo, Hua Pe từng là bản đặc biệt khó khăn của xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên nhưng giờ đây tỉ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 4/28 hộ. Đó cũng một phần là do công tác xây dựng chi bộ được quan tâm, cũng như áp dụng hợp lý việc học tập mô hình, cách làm hay từ những xã, bản khác.
Ở khu vực biên giới như Hua Pe, 100% là người Khơ Mú, thì việc có được chi bộ riêng với 5 đảng viên là cả một quyết tâm lớn bao nhiêu năm nay của Đảng ủy xã và các đảng viên trong bản. Đại úy QNCN Trần Ngọc Dũng, Phó bí thư Đảng ủy xã Thanh Luông cho biết, hiện cả 35 thôn, bản của xã đều đã có chi bộ độc lập với 375 đảng viên, đó là lợi thế lớn của Đảng bộ xã hiện nay. Mục tiêu lớn của Đảng bộ xã Thanh Luông hiện nay là tiếp tục kiện toàn tổ chức, duy trì và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ và các chi bộ.
Bí thư chi bộ bản Hua Pe, đồng chí Lường Thị In cho biết, nhiều công việc của bản không thể đợi họp chi bộ mới bàn bạc, đưa ra định hướng mà chi ủy thống nhất và trao đổi với ban vận động bản để thực hiện ngay. Việc kịp thời đưa ra quyết sách đã giúp cho việc chi chộ lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, sát với thực tế hơn, nhất là các công việc liên quan đến sản xuất, mùa vụ.
Chính vì vậy, công tác xây dựng Đảng luôn được chi bộ quan tâm, mỗi năm công tác tìm nguồn, kết nạp đảng viên mới luôn được đặt ra, bởi “đảng viên giống như hạt giống của thôn bản vậy, bản càng nhiều hạt giống tốt người dân càng được trông cậy”.
Là một trong những bản được giao phụ trách, Hua Pe hiếm có ngày nào không có mặt Phó bí thư Đảng ủy Trần Ngọc Dũng. Hôm thì thăm hỏi, hôm thì hướng dẫn bà con và lần này, anh Dũng vào bản hướng dẫn quần chúng ưu tú Quàng Văn Linh cách sử dụng sao cho hiệu quả số tiền 20 triệu đồng vừa vay được từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Giúp người dân phát triển kinh tế bằng phương pháp “cho cần câu cá”, anh Dũng phối hợp với Hội nông dân xã mở lớp đào tạo nghề ngắn hạn về ươm và trồng nấm, chăn nuôi gia cầm, gieo trồng các giống lúa có năng suất cao... Để những kiến thức người nông dân không “tuột” đi, ngày ngày anh Dũng lại vào bản trực tiếp hướng dẫn bàn con nhân dân trong bản cách làm, quy trình chăn nuôi và phòng trừ sâu bệnh và dịch bệnh; phòng trừ ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Sau 5 năm, Hua Pe không chỉ bứt phá đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới và thu nhập bình quân đầu người đạt 17-19 triệu/người/năm, mà những hủ tục lạc hậu như có người ốm không đưa ra viện mà để ở nhà cúng ma, hay người chết để trong nhà quá lâu... cũng đã được xóa.
Anh Dũng chia sẻ, yếu tố nòng cốt nhất để cán bộ đi sâu vào lòng quần chúng nhân dân là tìm hiểu rõ từng hoàn cảnh hộ dân, hiểu vấn đề họ đang gặp, cũng như những nguyện vọng của họ. Nhờ đó mới có những giải pháp hợp lý để kinh tế, đời sống văn hóa thôn bản phát triển từng ngày, tư tưởng người dân cũng tiến bộ, thêm tin tưởng đảng viên.
Nhóm phóng viên/Theo QĐND.VN