Thứ Tư, 25/9/2024
Pháp luật
Thứ Bảy, 18/7/2009 21:21'(GMT+7)

Xử lý ùn tắc giao thông phải từ gốc

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh các giải pháp triệt để giải quyết ùn tắc giao thông - Ảnh Chinhphu.vn

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh các giải pháp triệt để giải quyết ùn tắc giao thông - Ảnh Chinhphu.vn

Xử lý ùn tắc giao thông phải đưa ra những giải pháp cụ thể với các chỉ tiêu phấn đấu, tiến độ thực hiện chi tiết, thay vì việc chỉ lên kế hoạch chung chung, các giải pháp mang tính tình huống khiến cuộc họp nào cũng nêu ra thực trạng và hệ thống giải pháp “vẫn y nguyên”. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ yêu cầu này đối với ngành Giao thông vận tải, Công an cùng các địa phương trong cuộc họp sáng 18/7 tại Trụ sở Chính phủ, tổng kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP của Chính phủ về khắc phục ùn tắc giao thông ở 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Chưa có hướng giải quyết triệt để

Thực trạng ùn tắc giao thông đã đến mức báo động, ngày càng gây bức xúc lớn trong đời sống xã hội và sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang cho thấy bài toán xử lý thực trạng này dường như vẫn chưa có đáp số triệt để.

Hệ thống hạ tầng không đồng bộ vẫn là vướng mắc lớn nhất. Hà Nội sau khi mở rộng, tỷ lệ đường giao thông chiếm khoảng 7% diện tích đô thị, 80% tuyến đường hẹp dưới 11m, giao thông tĩnh chỉ chiếm 1,2%, diện tích đường xá không đáp ứng kịp so với tốc độ tăng phương tiện giao thông cá nhân hàng năm (khoảng 10-15%). Tình hình giao thông ở TP. Hồ Chí Minh còn phức tạp hơn khi tỷ lệ đường chỉ chiếm 4,5% diện tích, 70% tuyến đường hẹp dưới 7m trong khi số lượng xe thường cao hơn Hà Nội khoảng 10%.

Sự phát triển đô thị hiện nay vẫn còn mất cân đối lớn giữa quy mô phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Từ việc triển khai mạng lưới giao thông, đặc biệt là các loại hình giao thông hiện đại, đến bố trí các điểm giao cắt, bãi đậu xe,… đều gặp khó khăn trong các khâu: quy hoạch, vốn và khả năng thi công. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa đạt hiệu quả cao; kiểm tra, xử phạt vi phạm giao thông vẫn chưa thực sự kiên quyết và đảm bảo tính thường xuyên, liên tục cần thiết.

Trong khi đó, nhóm giải pháp đã và đang triển khai hiện nay thiếu hiệu quả rõ rệt và chưa có khả năng giải quyết triệt để vấn đề ùn tắc giao thông.

Tại Hà Nội, việc tổ chức lại giao thông một số điểm, nút giao thông, tuyến đường, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm,... đều chỉ mang tính tình thế và giải quyết cục bộ.
Còn ở TP.HCM, biện pháp tổ chức việc học lệch giờ, làm việc lệch ca, phân luồng một chiều, chấn chỉnh hoạt động xe buýt, hiện đại hóa công tác quản lý giao thông,... cũng được đánh giá chỉ có ý nghĩa tương tự như ở Hà Nội.

Ở cả 2 thành phố trên, vấn đề “gốc” mà các cơ quan hữu trách đều nhận thấy rõ nhưng còn đang khó hiện thực hóa là cần triển khai xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng tương xứng kết hợp với việc hạn chế lượng xe cá nhân, phát triển những loại hình vận tải công cộng.

Cần giải pháp căn cơ với tiến độ cụ thể

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, Nghị quyết số 16 của Chính phủ sau 1 năm thực hiện ở 2 thành phố lớn đã đạt được những kết quả bước đầu, các cơ quan hữu trách đã nghiêm túc triển khai, thực hiện mạnh mẽ việc xây dựng văn hóa giao thông, tiến hành mạnh hơn việc thanh kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm giao thông. Tuy nhiên, các kết quả đạt được trong chống ùn tắc giao thông còn khiêm tốn so với yêu cầu. Nguyên nhân chính là những giải pháp lâu dài và căn cơ đã không đạt được kết quả như mong muốn.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra tiến độ cầu Đồng Nai, một trong những công trình trọng điểm xử lý ùn tắc, quá tải giao thông của TP. Hồ Chí Minh - Ảnh Chinhphu.vn

“Nếu không thực hiện kịp thời, có hiệu quả các vấn đề “gốc” là quy hoạch, xây dựng một hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ, đồng thời triển khai các giải pháp điều tiết lưu lượng phương tiện, bố trí dân cư thì mãi mãi bài toán chống ùn tắc cũng chỉ giải quyết được nhất thời”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đối với 2 đô thị lớn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, Chính phủ yêu cầu tích cực thực hiện một số nội dung với kế hoạch tiến độ cụ thể. Đó là, đẩy mạnh triển khai các công trình lưu thông trọng điểm, hiện đại; sớm nghiên cứu xây dựng và áp dụng các biện pháp kinh tế điều tiết lưu lượng phương tiện cá nhân, phân tuyến, phân luồng lưu thông cho xe máy, không để tình trạng thoải mái lưu thông, dừng đỗ không đúng quy định như hiện nay. Tăng lượng xe công cộng, bãi đỗ xe, các tuyến đường trên cao, xây dựng các nút giao cắt phù hợp.

“Đây là những nội dung bắt buộc phải báo cáo trong các cuộc giao ban về xử lý ùn tắc, tai nạn giao thông sắp tới. Trong báo cáo cũng phải nêu rõ những giải pháp khả thi với chỉ tiêu, số liệu, tiến độ triển khai cụ thể. Những vấn đề về vốn, về thủ tục sẽ được ưu tiên, cơ chế sẽ phân cấp mạnh mẽ cho địa phương và tạo thuận lợi tối đa cho các nguồn lực xã hội tham gia”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, 2 thành phố cần kiên quyết hơn trong thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, bệnh viện, trường học lớn ra khỏi nội thành, không phát triển mở rộng thêm những cơ sở này trong khu vực nội đô để giảm tải khối lượng lưu thông lớn trong thành phố. Tăng cường tuyên truyền văn hóa giao thông, xử lý, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm gây ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng cơ chế quy định về điều kiện và tiêu chí đăng ký thường trú để điều tiết hợp lý sự gia tăng dân số cơ học cục bộ gây mất cân đối ở thành phố; Bộ Tài chính xây dựng cơ chế tăng tỷ lệ nguồn thu để lại cho thành phố để đầu tư cho các công trình trọng điểm, cấp bách, nghiên cứu cơ chế tăng mức phí trước bạ, phí lưu thông phương tiện cá nhân ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các tỉnh đẩy nhanh các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị vệ tinh để tạo đối trọng kéo giãn mật độ dân cư nội đô./.

DT (theo chinhphu.vnn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất