Chủ Nhật, 29/9/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 13/1/2012 15:35'(GMT+7)

Xuân về trên quê hương “vợ chồng A Phủ”

 Hồng Ngài có 5.645 ha đất tự nhiên, hơn 600 hộ và 3.700 nhân khẩu với 5 dân tộc anh em cùng sinh sống ở 8 bản. Thực hiện kế hoạch của Đảng ủy, UBND xã Hồng Ngài, năm nay, bà con 8 bản trong xã đều tổ chức đón xuân lành mạnh, tiết kiệm, an toàn. Anh Giàng A Tủa - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Ngài cho biết: Năm nay, xã đã lên kế hoạch tổ chức cho bà con vui xuân, đón Tết từ sớm. Mỗi bản đều tổ chức các hình thức đón Tết vui vẻ, lành mạnh, tổ chức các đội văn nghệ, các cuộc thi giã bánh dày, thi ném pao, đánh tulu, thi bóng chuyền. Mục đích là để cho bà con vừa vui xuân lành mạnh, vừa giữ gìn những nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc mình, không để mai một.

Cả năm lao động vất vả, mùa xuân đến là lúc bà con được nghỉ ngơi, được vui chơi theo đúng nghĩa. Trên bãi đất rộng và tương đối bằng phẳng ở bản Suối Háo, tiếng đàn tiếng nhạc rộn ràng náo nức mời gọi. Những bài hát, điệu múa tự biên tự diễn vẫn là nét duyên dáng, đáng yêu của những người vùng cao. Những cô gái váy thêu hoa xập xòe theo từng nhịp bước, theo tiếng nhạc rộn ràng của những hàng đồng xu nhỏ và lục lạc đính trên vạt áo, yếm váy nghe thật vui tai. Những chàng trai người Mông như muốn say, ngắm nhìn theo, chăm chú như đang lắng nghe lời nhắn nhủ từ điệu lục lạc, từ bước đi duyên dáng, rằng em là hoa của núi, đi tìm chàng trai nào đáng yêu, mùa khèn giỏi, đánh tulu giỏi, ném Pao giỏi để em gửi lời yêu…

Dịp Tết, con trai con gái người Mông thường chơi ném Pá pao, vừa là để vui xuân, vừa là dịp để trò chuyện, tìm hiểu nhau, rồi có thể nên vợ nên chồng. Trái Pao bằng vải, được mẹ hay bà khâu khá tỉ mỉ, cầu kỳ, trao cho con gái mới lớn trong nhà để các cô gái đi tìm lời yêu…Trái Pao ném qua ném lại. Chàng trai nào bắt được trái Pao em gửi, hãy theo em đi đến cuối trời, đưa em đi hái củi trong rừng, hái măng trên núi, gùi nước trong khe…., đưa em về nhà làm vợ, làm vợ của anh…. Trái Pao biết chọn mặt người yêu, trái Pao rơi là tình yêu chưa chín…

Những thiếu nữ Mông tập ném pao để dành đi ngày hội xuân



"Trái pao bay qua bay lại, trái pao rơi là tình yêu chưa chín" - dân ca Mông


Ông Mùa A Sang – Bí thư Chi bộ bản Suối Háo – xã Hồng Ngài cho hay: “Tết năm nay, chi bộ và chính quyền bản Suối Háo đã tuyên truyền đến bà con vui Tết tiết kiệm, không mổ nhiều lợn gà, không uống rượu say, bà con vui xuân đòan kết, để sau Tết lại bắt tay vào sản xuất. Bản cũng đã quan tâm đến các hộ chính sách, hộ nghèo, không để hộ nào không có Tết”.

Tết này là cái Tết vui nhất đối với gia đình anh Sồng A Phềnh - chị Thào Thị Mo ở bản Suối Háo. Với sự hỗ trợ của nguồn vốn chương trình 30a và sự giúp đỡ của bàn con trong bản, gia đình anh chị đã được đón cái Tết đầu tiên trong ngôi nhà mới. Khó có thể diễn tả hết niềm vui của gia đình nghèo này bởi trong khi còn chật vật lo cho làm sao có đủ gạo trong nồi, cho bếp đỏ lửa, thì ngôi nhà khang trang quả là giấc mơ trong cổ tích.
 
Chuẩn bị đón Tết, các gia đình lại cùng nhau làm bánh dày - một loại bánh không thể thiếu của người Mông trong dịp Tết, chúng tôi cảm nhận rõ rằng, hạnh phúc ấm no đang gõ cửa, không khí đón xuân đã thực sự về với gia đình chị Mo, với người dân bản Suối Háo. Chị Mo tâm sự rất mộc mạc:Năm nay, gia đình tôi vui lắm, được đón Tết trong ngôi nhà mới. Trước kia vợ chồng khó khăn, sống trong ngôi nhà tạm, mái gianh, lúc mưa gió lúc nào cũng lo lắng. Bây giờ thì không còn lo lắng nữa rồi, chỉ lo tập trung làm ăn, phát triển kinh tế, cho con cái học hành đầy đủ, gia đình cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước rất nhiều.

Tết vùng cao không thể thiếu bánh dày. Những hạt nếp mới sau khi được xôi chín, đượm nồng ngọt ngào của nắng gió vùng cao được đổ vào chiếc cối to làm bằng nửa thân cây gỗ. Công việc giã bánh dày là công việc khá nặng nhọc, phải do những người đàn ông khoẻ mạnh trong nhà đảm nhiệm. Những nhịp chày vung lên hạ xuống nhịp nhàng dứt khoát. Xôi nếp trong cối quện quánh, tan vào nhau. Tiếp đó là công việc của những người phụ nữ. Từng vắt bánh nóng hổi dưới bàn tay các mẹ các chị được nắn tròn trịa, đều như đúc từ khuôn. Lá chuối xanh đã được chuẩn bị sẵn sàng để bọc những chiếc bánh dày tròn xinh xắn. Đây là chiếc bánh truyền thống của người Mông, được làm vào dịp Tết, giống như bánh trưng của người Kinh, và đây cũng là món quà chỉ để dành tặng cho những vị khách mà họ thực sự quý mến. 

Những người đàn ông khỏe mạnh đang giã bột làm bánh


Những người phụ nữ khéo tay đang nặn bánh dày


Những chiếc bánh dày dẻo thơm cho những ngày vui Tết


Nồi bánh được thắp lên từ ngọn lửa nồng ấm


Đến Hồng Ngài những ngày đầu xuân, bản nào cũng có thể bắt gặp những hình ảnh đáng yêu. Trên các bãi bằng đầu bản, trò ném pa pao thu hút nhiều người đến tham gia trong không khí vui vẻ đoàn kết. Xuân về trái pa pao đem đến cho các bản làng vùng cao niềm vui đầm ấm, và trái pa pao như một lời hẹn ước, để nên những lứa đôi hạnh phúc. Tạm biệt quê hương “Vợ chồng A Phủ”, hương rượu ngô nồng ấm và vị dẻo thơm của bánh dày vùng cao còn lưu luyến mãi bước chân khách du xuân.

Bài và ảnh: Thảo Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất