Vào giữa thế kỷ 19, khi mà sự phân tranh Trịnh - Nguyễn vẫn còn tồn tại, Vua Lê Chúa Trịnh trị vì ngoài Bắc, Chúa Nguyễn ở trong Nam, bỗng lưu truyền một câu sấm: "Bát đại thời hoàn Trung đô", nghĩa là "hết tám đời của Nguyễn sẽ phải trở lại kinh đô Thăng Long", mà lúc đó đang là đời thứ tám của thời Nguyễn do Nguyễn Phúc Khoát trị vì.
Lời sấm đã khiến chúa Nguyễn lo lắng và phải triệu tập quần thần để bàn bạc, tìm cao kiến giải lời sấm ấy. Cuối cùng chúa Nguyễn đã nghe theo lời khuyên của triều thần: "Muốn thật sự có một vương quốc thì phải thay đổi lễ nhạc, thay đổi văn hóa".
Theo đó, trong triều thì thay đổi lễ nhạc, ngoài dân gian thì phải thay đổi trang phục - phụ nữ phải mặc quần hai ống giống đàn ông thay cho mặc váy như từ trước đó! Mặc dù người dân, nhất là phụ nữ phản đối mạnh mẽ, nhưng lệnh Vua đã ban, không ai dám chống lại. Tuy vậy, ngay bản thân võ vương Nguyễn Phúc Khoát cũng cảm thấy phụ nữ ăn mặc như vậy không tiện và cũng "khó nhìn" nên ông đã giao cho triều thần nghiên cứu, sửa đổi sao cho phù hợp, trên cơ sở tham khảo áo dài của người Chàm và áo dài của phụ nữ Thượng Hải lúc bấy giờ.
Thời đó có một thợ may tên là Cát Tường đã nghiên cứu và thiết kế mẫu chiếc áo dài và may cho các cô gái tân thời mặc. Cái tên gọi "áo Le mur" thực ra không phải do ông Cát Tường đặt, mà xuất phát từ cách nói vui của các nhà văn thời ấy: Cát Tường được gọi chệch đi là Cái Tường" (tiếng Pháp là Le mur) - vừa để gọi kiểu áo dài Le mur đã được các thiếu nữ rất ưa chuộng, vì áo có tà dài gần chấm đất, nhiều màu tươi sáng chứ không chỉ có hai màu đen trắng như trước; Mặc vào trông thanh lịch, duyên dáng hẳn lên. Cũng từ đó áo dài được phụ nữ sử dụng như trang phục truyền thống.
Tuy vậy, chiếc áo dài cũng đã trải qua không ít thăng trầm. Từ sau năm 1945, áo dài mới lại được khôi phục sau một thời gian dài vắng bóng. Vào những năm 60 của thế kỷ 20, cũng ở miền Nam, một kiểu áo dài mới: Áo dài Trần Lệ Xuân, được quảng bá khá rầm rộ.
Đó là một kiểu áo dài được coi là tân tiến, phô bày được những nét đẹp thanh tú, khỏe khoắn của người phụ nữ (cổ khoét trễ, tà ngắn hơn, dáng áo ôm sát thân hình). Nhưng cũng không ít người cho rằng loại áo đó hở hang, lộ liệu, không phù hợp với văn hóa dân tộc. Vì vậy chiếc áo đã được bổ sung, điều chỉnh nhiều lần.
|
Những chiếc áo dài Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20 |
Chiếc áo dài ngày nay cũng được các nhà thiết kế thời trang nghiên cứu cải tiến rất nhiều, nhằm tạo cho được một mẫu áo dài vừa kín đáo mà vẫn "khoe" được nét duyên dáng, mềm mại của cơ thể người phụ nữ, nhưng vẫn giữ được những chuẩn mực căn bản của áo. Áo dài ngày nay đa phần đều có tà áo che khuất đến chân làm cho thân hình trở nên thon thả hơn, cái eo như là điểm nhấn của áo khiến đường cong cơ thể càng thêm rõ nét, vẻ đẹp được tôn lên.
Không phải vô cớ mà các nhà thời trang nước ngoài nhận xét rằng: áo dài của phụ nữ Việt Nam có vẻ đẹp dịu dàng mà không yếu đuối, gợi cảm mà không phô bày lộ liễu, dân tộc mà không thiếu tính hiện đại. Tà áo dài ấy đã trở thành vẻ đẹp đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Theo PNVN