Thứ Tư, 25/9/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 7/4/2012 23:7'(GMT+7)

Xứng danh là trung tâm đào tạo giáo viên của miền Trung và Tây Nguyên

 Trường Đại học Sư phạm Huế được thành lập năm 1957 và là một phân khoa trực thuộc Viện Đại học Huế. Trước năm 1975, Trường Đại học Sư phạm Huế đã đào tạo được một đội ngũ đông đảo giáo viên trung học. Sau ngày miền Nam giải phóng, dù còn bộn bề những khó khăn, nhưng cũng từ đây Trường Đại học Sư phạm Huế đã nỗ lực vươn lên để trở thành trung tâm đào tạo giáo viên cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Phó giáo sư Nguyễn Thế Hữu, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế đã gắn bó với trường ngay từ những ngày đầu thành lập. Nay đã về hưu, nhưng ông vẫn nhớ những ngày đầu trường mới được thành lập: "Trong những ngày khó khăn, có chủ nhiệm khoa đi lặn mò rong; nhiều cán bộ khoa học, các thầy giáo đã vớt bèo để nuôi lợn, đi vơ lá thông khô làm chất đốt; trường thì xay ớt, làm đá… để góp phần “tự cứu” mình. Trong điều kiện đó mà trường ta là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên mạnh dạn tạo điều kiện vật chất để anh em đi làm nghiên cứu sinh, đi học…"

Trên chặng đường phát triển, Trường Đại học Sư phạm Huế luôn xác định: "Trường là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đại học và sau đại học; cơ sở nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển giáo dục trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên". Để làm được điều đó, trường đã đi đầu trong việc chuyển đổi phương thức đào tạo niên chế sang phương thức đào tạo tín chỉ; đồng thời, đẩy mạnh quốc tế hoá trong đào tạo. Điển hình là chương trình đào tạo tiên tiến chuyên ngành vật lý được Trường Đại học Sư phạm Huế tiến hành trên cơ sở khung chương trình của đại học Virginia - Hoa Kỳ. Đây là chương trình đào tạo theo tín chỉ đầu tiên mà Trường Đại học Sư phạm Huế thực hiện theo đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo ở những lĩnh vực trọng điểm. Thông qua việc áp dụng phương pháp đào tạo tiên tiến của những trường đại học hàng đầu thế giới đã giúp nâng cao năng lực dạy học, nghiên cứu cho giảng viên, sinh viên. Bên cạnh đó, Trường Đại học Sư phạm Huế còn đào tạo sinh viên sư phạm cho các nước Lào, Thái Lan, Nhật Bản. Có quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu ở các nước như Anh, Australia, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp... Hướng đi trong đào tạo nguồn nhân lực của Trường Đại học Sư phạm Huế đã được đánh giá cao khi nằm trong tốp 20 trường đại học đầu tiên của ngành giáo dục tham gia chương trình kiểm định chất lượng.

Thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, Trường Đại học Sư phạm Huế đã xây dựng được đội ngũ giảng viên, cán bộ "vừa hồng vừa chuyên". Qua đó, trường đã đào tạo được 17 chuyên ngành trình độ cử nhân, 29 chuyên ngành thạc sĩ, 6 chuyên ngành tiến sĩ với gần 300 giảng viên giảng dạy; trong đó 85% có trình độ sau đại học. Phó giáo sư Nguyễn Thám - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế cho biết: 55 năm qua, trường đã đào tạo được hơn 50.000 giáo viên ở các bậc học; nâng chuẩn cho hơn 15.000 giáo viên đạt trình độ đại học sư phạm. Nhiều thế hệ sinh viên, giảng viên, cán bộ của trường đã trở thành cán bộ quản lý, giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan Nhà nước; cơ sở nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế. Trường cũng gắn đào tạo giáo viên với việc nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự nghiệp giáo dục của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tiêu biểu như trường đã thực hiện chuyển giao được
28 công trình nghiên cứu cấp Nhà nước, 123 đề tài cấp bộ và hàng trăm công trình cho các địa phương. Trong đó, nổi bật là các đề tài về khoa học giáo dục tập trung vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập từ trung học cơ sở đến đại học và sau đại học. Như nghiên cứu chương trình phổ thông, phương pháp giảng dạy và cải tiến phương pháp đánh giá; nghiên cứu biện pháp để nâng cao chất lượng rèn luyện nghiệp vụ, điều tra chất lượng của giáo viên do trường đào tạo... Nhiều nghiên cứu đã giải quyết được những yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy để đổi mới phương pháp dạy và học.

Theo lãnh đạo nhà trường, có được thành công trên là do mọi hoạt động đều hướng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ viên chức; thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy đại học có hiệu quả và ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của nhà trường; thực hiện tốt quy trình đào tạo niên chế và từng bước triển khai quy trình đào tạo theo tín chỉ; đảm bảo cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; "mở cửa" đón nhận và học tập kinh nghiệm giáo dục đại học trong nước và quốc tế một cách chủ động, sáng tạo. Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Sư phạm Huế tiếp tục phấn đấu để trở thành một trung tâm sư phạm chất lượng cao, trọng điểm của cả nước.

Với những thành tích đạt được, Trường Đại học Sư phạm Huế đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như Huân chương Lao động các hạng: nhất, nhì và ba; Huân chương Độc lập các hạng nhì và ba, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.../.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất