Chủ Nhật, 22/12/2024
Thi đua yêu nước
Thứ Năm, 16/8/2012 21:24'(GMT+7)

Hà Nội nhân rộng điển hình tiên tiến, tôn vinh gương "Người tốt việc tốt"

 Qua thực tế triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao của Thành phố Hà Nội đã cho thấy, trong mỗi giai đoạn cách mạng, việc phát động phong trào thi đua yêu nước ở Thủ đô tuy có những mục tiêu, nội dung, hình thức khác nhau, song bản chất của tất cả các phong trào thi đua đó là sự tự giác của đông đảo quần chúng, cuốn hút mọi người, mọi nhà, mọi tổ chức, cộng đồng. Việc xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, nêu gương “Người tốt - Việc tốt” gắn liền với việc triển khai công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao tính thuyết phục của công tư tưởng là nội dung quan trọng tạo nên sức sống cho các phong trào thi đua yêu nước ở cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương và ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu KT-XH, quốc phòng – an ninh của từng năm, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Xuất phát từ nhận thức đó, trong những năm qua hệ thống Tuyên giáo Thủ đô đã chủ động tham mưu, phối hợp hiệu quả với các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, ban, ngành phát hiện, nêu gương, tôn vinh và nhân rộng những cá nhân, tập thể tiêu biểu, gương “Người tốt - Việc tốt” lồng ghép với công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các hoạt động lớn, các phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực công tác; trong đó phải kể đến những nội dung quan trọng như: triển khai “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Thành phố, tổ chức hội thảo, giao lưu tọa đàm, sinh hoạt đoàn thể,…

Chính sự xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân, tập thể điển hình tiến tiến, gương “Ngư­ời tốt - Việc tốt” là yếu tố cơ bản góp phần nâng cao tính thuyết phục của công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, củng cố đoàn kết thống nhất trong Đảng, tăng thêm niềm tin và sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân Thủ đô đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cùng phấn đấu vượt qua những khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Thành phố.

Bên cạnh đó, việc nêu gương “Người tốt - Việc tốt” đã phát triển mạnh mẽ và trở thành nhiệm vụ thường xuyên của hoạt động báo chí - xuất bản ở Hà Nội, với các đơn vị tiêu biểu như Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội mới, Báo An ninh Thủ đô, báo Kinh tế đô thị,… đã xây dựng chuyên mục, thường xuyên đăng tải bài viết người tốt - việc tốt, phổ biến những mô hình hay trong công tác phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến: Báo Hà Nội mới, Phụ nữ Thủ đô với cuộc thi viết “Nét đẹp nguời Thủ đô”...

Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố hàng năm đều tổ chức biên soạn, phát hành đến nay được 18 tập sách “Những bông hoa đẹp” - một ấn phẩm tôn vinh những điển hình tiêu biểu được lựa chọn qua gần một ngàn gương “Người tốt - Việc tốt” mỗi năm ở cấp Thành phố. Chính sự phản ánh kịp thời những nhân tố mới, điển hình tiên tiến qua các tác phẩm báo chí, tài liệu tuyên truyền, tài liệu “Thông tin nội bộ” do Ban Tuyên giáo Thành ủy biên soạn phục vụ sinh hoạt chi bộ, qua hệ thống truyền thanh,… là những phương tiện, hình thức để phổ biến những kinh nghiệm, nhân rộng những điển hình, nhân tố tích cực, góp phần nâng cao tính thuyết phục, tạo nên sức mạnh, tính hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng bộ Thành phố.

Một nội dung mang sắc thái riêng của Hà Nội trong phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” đã được duy trì liên tục suốt 18 năm qua. Đó là, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu và ý kiến chỉ đạo của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại lễ kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng Thủ đô: “Lúc kháng chiến, dân ta có câu: Ra ngõ gặp anh hùng; ngày nay ở Thủ đô và các nơi khác, chúng ta hãy làm sao để ngày nào đó, người dân sẽ nói: Ra ngõ gặp người tốt, việc tốt”, từ năm 1993 Thành phố Hà Nội đã chính thức phát động phong trào “Người tốt - việc tốt” sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân và phát triển không ngừng cùng với các phong trào thi đua yêu nước khác như: phong trào “Quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc” của lực lượng vũ trang; phong trào “Đẩy mạnh cải cách hành chính” của các cấp chính quyền; phong trào “Tôi yêu Hà Nội”, “5 xung kích tham gia phát triển kinh tế” của Tuổi trẻ Thủ đô; Đỉnh cao sức sống của các phong trào này là vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, Thành phố đều tổ chức biểu dương cho gần 1000 gương “Người tốt - việc tốt”. Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2010 có thêm một nội dung, tổ chức lễ vinh danh 10 “Công dân Thủ đô ưu tú” tiêu biểu có nhiều cống hiến xuất sắc trong công cuộc đổi mới, góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh. Những gương được Thành phố Hà Nội biểu dương “Người tốt - Việc tốt”, những cá nhân được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” hàng năm công tác tại nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, nhưng họ đều chung một tình yêu với Hà Nội. Bao năm qua, họ đã miệt mài cống hiến, góp phần xây dựng Thủ đô bằng tình yêu tha thiết với Hà Nội.

Thực tế đã khẳng định, chính việc phát hiện và nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn Hà Nội trong những năm qua là yếu tố then chốt, là động lực thúc đẩy đội ngũ cán bộ, đảng viên, các cấp ủy Đảng, chính quyền nâng cao nhận thức, hành động, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước phát triển mạnh mẽ và có chiều sâu, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thủ đô. Đồng thời, là nội dung quan trọng góp phần củng cố và tăng cường đoàn kết nội bộ, nâng cao tính thuyết phục, tính hiệu quả của công chính trị - tư tưởng trong xây dựng Đảng, chính quyền, là môi trường tạo nên sức sống bền vững cho các phong trào thi đua yêu nước ở cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương và ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Từ thực tế triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của các cấp, ngành trên địa bàn Thủ đô trong những năm qua đã rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, đó là:

- Việc xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến, nêu gương “Người tốt - Việc tốt” thường xuyên nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ Thành phố đến xã, phường, thị trấn. Để tạo nên chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, nâng cao hơn nữa tính thuyết phục của công tác tư tưởng trong điều kiện hiện nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền nhất hệ thống chính trị cơ sở có vị trí rất quan trọng trong việc chủ động phát hiện nhân tố tích cực ngay trong địa bàn, phạm vị mình quản lý; đồng thời, phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo và chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức phong phú, đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền, nhân rộng và nêu gương điển hình tiên tiến.

- Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cần có sự phối hợp khăng khít và kịp thời với các cơ quan làm công tác tư tưởng, các phương tiện thông tin đại chúng trong việc thông tin, định hướng tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương “Người tốt - Việc tốt”.

- Công tác chính trị - tư tưởng bên cạnh việc tổ chức tốt các hình thức thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước còn phải không ngừng nâng cao tính thuyết phục, giáo dục quần chúng qua các gương điển hình tiên tiến được tôn vinh.

- Thông qua các hình thức thông tin, tuyên truyền, vận động, một mặt nhằm góp phần truyền bá và làm cho quan điểm, tư tưởng, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trở thành niềm tin và ý chí của quần chúng, mặt khác là “kênh thông tin” giúp Đảng và Nhà nước nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời đề ra những chủ trương, giải pháp khắc phục, định hướng hoạt động cho sát với thực tiễn đời sống xã hội.

- Hơn thế nữa, tăng cường tính thuyết phục, hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền, của các cơ quan truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng sẽ góp phần tích cực nâng cao nhận thức và xây dựng niềm tin, tác động vào tình cảm để cổ vũ phong trào thi đua yêu nước phát triển sâu rộng, thúc đẩy hành động cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, qua đó tăng cường mối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự thống nhất cao giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân./.

NGUYỄN HOÀNG LONG
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất